Đại dịch đang tàn phá quê nhà. Đất nước như trong nhà lửa. Mọi người đều đang sống trong nỗi lo. Nhiều người bất an, kể cả trong giấc ngủ, hễ chợp mắt là những hình ảnh đáng sợ hiện ra. Có những bài kinh nào để hộ thân, và để có giấc ngủ bình an? Bài viết này sẽ tìm các bài kinh đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hành – vừa để hộ thân, vừa có giấc ngủ bình an. Người viết không có thẩm quyền gì, nơi đây chủ yếu là chép lời Đức Phật dạy. Các sai sót, nếu có, xin được sám hối. Công đức chép kinh xin hồi hướng về quê nhà cho tất cả mọi người bình an.
• Giữ giới, mang an vui cho người, sẽ được chư thiên bảo vệ
Chúng ta có thể tự hộ thân bằng cách giữ giới, và mang an vui cho người. Đức Phật dạy trong Kinh T211.9 (Pháp Cú Thí Dụ Kinh - Song Yếu Phẩm, Đệ Cửu), rằng hễ mình giữ giới và mang an vui cho người, sẽ được chư thiên bảo vệ. Nơi đây sẽ dịch theo bản tiếng Anh của Samuel Beal:
“Người mang tới an vui bây giờ, sẽ được hạnh phúc về sau. Sống giới hạnh, sẽ được hạnh phúc gấp hai lần --- người này hạnh phúc và an vui; nhìn thấy chính niềm hạnh phúc của mình, tâm người này sẽ an lạc. Người này hạnh phúc bây giờ, người này sẽ hạnh phúc về sau; làm những điều công chính, người này có niềm vui gấp hai lần; người này được chư thiên bảo vệ nơi đây, và sẽ được quả lành và được an lạc về sau.” (1)
• Tu tâm từ, sẽ ngủ ngon, được chư thiên hộ vệ, thân tâm bình yên
Trong Kinh EA 49.10, Đức Phật dạy rằng những ai tu tâm từ giải thoát và quảng diễn ý nghĩa này, sẽ được ngủ yên, lìa ác mộng, được chư thiên bảo vệ, thoát nhiều nạn. Trích bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng ghi lời Đức Phật dạy như sau.
“Nếu chúng sanh nào tu hành từ tâm giải thoát, quảng bố ý nghĩa ấy, diễn nói cho người khác nghe, sẽ thu hoạch được mười một quả báo. Những gì là mười một? Nằm ngủ yên, tỉnh giấc yên, không thấy ác mộng, chư thiên hộ vệ, mọi người yêu mến, không bị độc, không bị binh đao, không bị nước, lửa, giặc cướp; thảy đều không bị xâm hại; sau khi thân hoại mạng chung sanh lên trời Phạm thiên. Đó gọi là Tỳ kheo tu hành từ tâm sẽ có được mười một phước này.” (2)
Tương tự, trong Kinh AN 11.15, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích như sau:
“Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi là mười một lợi ích. Thế nào là mười một? Ngủ an lạc, thức an lạc, không ác mộng, được loài người ái mộ, được phi nhân ái mộ, chư Thiên bảo hộ, không bị lửa, thuốc độc, kiếm xúc chạm, tâm được định mau chóng, sắc mặt trong sáng, mệnh chung không hôn ám; nếu chưa thể nhập thượng pháp (A-la-hán quả); được sanh lên Phạm thiên giới.” (2)
• Dứt bỏ hơn thua, sẽ ngủ bình an
Kinh SA 1153, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng, ghi lời Đức Phật dạy rằng lìa bỏ hơn thua, là ngủ bình an. Nơi đây, bài kệ sẽ viết theo văn xuôi cho tiện trình bày:
“Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ: Người hơn liền thêm oán, Người thua nằm không yên. Hơn thua đều buông xả, Là được ngủ an lành.” (3)
• Từ bỏ sân hận, sẽ ngủ bình an
Đức Phật dạy, hễ từ bỏ sân giận thì giấc ngủ sẽ bình an, và được hỷ lạc trong tâm. Trong Kinh SA 1309, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng, ghi lời Đức Phật dạy (tương đương với Kinh này cũng có Kinh SA 1116):
“Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp: Nếu giết hại sân nhuế, Giấc ngủ được an ổn. Sự giết hại sân nhuế, Khiến người được hỷ lạc. Sân nhuế là gốc độc, Ta khen người giết được. Giết sân nhuế kia rồi, Đêm dài không lo lắng.” (4)
• Lìa tham sân si, sẽ ngủ ngon
Tâm có tham sân si sẽ ngủ không yên, tâm lìa tham sân si sẽ ngủ bình an. Đó là lời Đức Phật dạy trong Kinh EA 28.3, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng.
“Thế Tôn bảo: «Như ý dục người kia đang mạnh, trong khi Như Lai diệt tận không còn dư tàn, gốc rễ không sinh trở lại, không trổi lên lại nữa. Thế nào, con trai của trưởng giả, nếu người mà tâm sân nhuế, ngu si khởi lên, há ngủ ngon được sao?»
Đồng tử thưa: «Không ngủ ngon được. Sở dĩ như vậy là vì do tâm có ba độc.»…” (5)
• Trú niệm, tỉnh giác, sẽ ngủ an lành, được chư thiên hộ vệ
Bạn muốn ngủ ngon, được chư thiên hộ vệ, cần phải giữ chánh niệm tỉnh giác trong mọi thời liên tục. Kinh AN 5.210, bản dịch của Thầy Minh Châu, Đức Phật dạy rằng:
“Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này đối với người thất niệm, không tỉnh giác rơi vào giấc ngủ. Thế nào là năm? Ngủ một cách khổ sở; thức dậy một cách khổ sở; thấy ác mộng; chư Thiên không phòng hộ; bất tịnh chảy ra, mộng tinh, di tinh. Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này đối với người thất niệm, không tỉnh giác rơi vào giấc ngủ.
Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này đối với người trú niệm, tỉnh giác rơi vào giấc ngủ. Thế nào là năm? Ngủ một các ngon lành; thức dậy một cách ngon lành; không thấy ác mộng; chư Thiên phòng hộ; bất tịnh không chảy ra. Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này đối với người trú niệm, tỉnh giác rơi vào giấc ngủ.” (6)
• Thà là thường ngủ, hơn là thức mà tâm loạn tưởng
Những người dễ thất niệm, dễ vọng tưởng sẽ gặp nhiều nguy hiểm, rồi sẽ sanh vào đường dữ. Do vậy, cần phải canh chừng tâm mình liên tục. Kinh EA 51.6, Đức Phật dạy cụ thể, theo bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng:
“Chẳng thà cứ thường hay ngủ nhiều, chớ đừng trong khi thức mà tư duy loạn tưởng, để rồi thân hoại mạng chung sanh vào nẻo dữ. Chẳng thà để cho dùi sắt đang rực cháy ịn vào mắt, chứ không để nhìn sắc mà nổi lên loạn tưởng. Tỳ kheo khởi tưởng như vậy bị bại hoại bởi thức. Tỳ kheo bị hủy hoại bởi thức sẽ rời vào ba nẻo dữ, địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Điều Ta muốn nói là như vậy. Người kia chẳng thà cứ thường hay ngủ, chứ đừng khi thức mà tư duy loạn tưởng. Thà lấy dùi bén đâm vào lỗ tai cho nó hư hoại chứ không để vì nghe tiếng mà nổi lên loạn tưởng. Tỳ kheo nổi lên loạn tưởng sẽ bị bại hoại bởi thức. Chẳng thà cứ thường xuyên ngủ chứ đừng để khi thức mà tư duy loạn tưởng. Chẳng thà lấy kìm nóng làm hư hoại mũi, chứ đửng vì ngửi mùi mà nổi lên loạn tưởng. Tỳ kheo nổi lên loạn tưởng thì bị bại hoại bởi thức. Do bị bại hoại bởi thức mà rơi vào ba nẻo dữ, địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Điều mà Ta muốn nói là như vậy. Chẳng thà lấy gươm bén cắt đứt lưỡi, chứ không để vì lời nói hung dữ, thô bạo, mà rơi vào ba nẻo dữ, địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Chẳng thà thường ngủ, chứ đừng để trong khi thức mà nổi lên tư duy loạn tưởng. Chẳng thà lấy tấm lá đồng nóng đỏ quấn quanh thân mình, chứ không giao thông với phụ nữ của trưởng giả, cư sỹ, bà-la-môn. Nếu cùng giao thông, qua lại chuyện trò, tất phải rơi vào ba nẻo dữ, địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.” (7)
• Giữ tâm tỉnh thức trong mọi thời, kể cả khi ngủ
Kinh SA 622 kể về trường hợp, một nàng kỹ nữ xinh đẹp tuyệt trần tới cúng dường Đức Phật, lúc đó Thế Tôn đang thuyết pháp cho đại chúng vây quanh. Đức Phật thấy nàng kỹ nữ Am-la sắp tới, mới dạy đại chúng phải nhiếp tâm trong mọi thời đi đứng nằm ngồi, kể cả trong giấc ngủ. Bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng trích như sau:
“Này các Tỳ-kheo, các ông nên tinh cần nhiếp tâm an trụ, chánh niệm, chánh trí. Nay có cô gái Am-la đến, nên phải giáo giới các ông.
“Thế nào là Tỳ-kheo tinh cần nhiếp tâm an trụ? Nếu Tỳ-kheo nào đối với pháp ác bất thiện đã sanh thì nên đoạn trừ, phát khởi ý chí, phương tiện, tinh tấn, nhiếp tâm; đối với pháp ác bất thiện nếu chưa sanh, thì đừng để sanh. Đối với pháp thiện chưa sanh thì nên làm cho phát sanh; nếu pháp thiện đã sanh, thì khiến an trụ không để mất. Tu tập đầy đủ, phát khởi ý chí, phương tiện, tinh tấn, nhiếp tâm. Đó gọi là Tỳ-kheo tinh cần an trụ nhiếp tâm.
“Thế nào gọi là Tỳ-kheo chánh trí? Nếu Tỳ-kheo nào trong những oai nghi tới, lui, thường theo chánh trí; quay nhìn, trông, ngắm, co, duỗi, cúi, ngước, cầm y bát, đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ, thức, nói, im lặng, đều an trụ với chánh trí. Đó là chánh trí.
“Thế nào là chánh niệm? Nếu Tỳ-kheo nào an trụ chánh niệm quán thân trên nội thân, tinh cần, phương tiện, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian; an trụ chánh niệm quán thọ, tâm, pháp trên pháp, tinh cần, phương tiện, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian. Đó gọi là Tỳ-kheo chánh niệm. Cho nên, các ông hãy tinh cần nhiếp tâm an trụ, chánh niệm, chánh trí. Nay có cô gái Am-la đến, nên phải giáo giới các ông.” (8)
• Tỉnh thức nơi 6 căn: xả ly, lìa ưa ghét, sẽ được tôn kính
Làm thế nào để được các cõi trời và người tôn kính và hộ vệ? Đức Phật dạy trong Kinh AN 6.1 rằng những người luôn tỉnh thức nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và giữ được tâm buông xả (không ưa, không ghét) sẽ được các cõi trời và người tôn kính. Đây cũng là ý chỉ "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" của Kinh Kim Cang. Bản dịch của Thầy Minh Châu viết (người viết ghi thêm trong ngoặc cho rõ nghĩa):
"Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là sáu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác; khi tai nghe tiếng (không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác)… khi mũi ngửi hương (không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác)… khi lưỡi nếm vị (không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác)… khi thân cảm xúc (không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác)… khi ý biết pháp, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời." (9)
• Khi ngủ, hãy giữ tâm từ, thương chúng sanh
Trong Kinh SN 4.13, ghi lại chuyện “chân Thế Tôn bị phiến đá gây thương tích. Thế Tôn cảm xúc khốc liệt, toàn thân đau đớn, nhói đau, đau nhức mãnh liệt, không thích thú, không vừa ý. Và Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu không để tâm tư buồn nản.” Thế rồi, lúc đó Ác ma tới, hỏi chuyện. Đức Phật mới trả lời rằng Đức Phật không nằm vì sầu muộn hay làm thơ, mà lúc nào cũng giữ tâm từ, thương xót chúng sanh. Bản dịch của Thầy Minh Châu ghi lời Đức Phật (nơi đây, viết theo văn xuôi):
“Ta không uể oải nằm, Không tìm thơ, tìm vận, Mục đích Ta đã đạt, Ðâu có sầu muộn gì! Ta nằm ngồi một mình, Trên ghế giường vắng lặng, Yên tĩnh Ta nằm nghỉ, Tâm từ, thương chúng sanh. Những kẻ, ngực bị đâm, Hổn hển tim dồn dập, Vẫn tìm được giấc ngủ, Dầu bị thương tích nặng. Sao Ta lại không ngủ, Khi không bị thương tích, Khi thức không âu lo, Khi ngủ chẳng sợ hãi, Ngày đêm không khởi lên, Phiền não bận lòng Ta? Ta không thấy tai hại, Một chỗ nào trên đời, Do vậy, Ta nằm nghỉ, Tâm từ, thương chúng sanh.” (10)
• Tu tâm từ sẽ chắc chắn chứng quả
Không chỉ là được chư thiên hộ vệ và ngủ bình an, người tu tâm từ sẽ chứng quả thánh thứ ba (A na hàm) hay cao hơn (tức A la hán). Trong Kinh MA 15, Đức Phật nói rằng khéo tu tâm từ sẽ “chắc chắn chứng quả” --- theo bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ:
“Do đó, người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ, thường phải siêng tu từ tâm giải thoát. Nếu người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ ấy, tu từ tâm giải thoát, thì không còn mang thân này đi đến đời sau mà chỉ theo tâm đi khỏi cõi này. Tỳ-kheo nên nghĩ như vầy: ‘Ta vốn vì buông lung mà tạo nghiệp bất thiện. Tất cả nghiệp ấy có thể thọ báo trong đời này, chớ không thể đi đến đời sau nữa’. Nếu có người thực hành từ tâm giải thoát rộng lớn vô lượng, khéo tu tập như vậy, chắc chắn chứng quả A-na-hàm, hoặc chứng cao hơn nữa.” (11)
• Tu tâm từ có công đức hơn cúng dường vô lượng tỳ kheo bốn phương
Trong Kinh MA 155, Đức Phật dạy rằng cúng dường vô lượng tỳ kheo bốn phương cũng không bằng trong khoảnh khắc tu tâm từ hướng về tất cả chúng sanh. Bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, trích:
“Này Cư sĩ, Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị Bích-chi-phật, tạo phòng nhà bố thí cho chúng Tỳ-kheo bốn phương, tâm hoan hỷ quy y Ba ngôi tôn quý là Phật, Pháp, chúng Tỳ-kheo, và thọ giới; nếu lại có người trong khoảnh khắc thực hành từ tâm đối với tất cả chúng sanh, cho đến trong khoảng thời gian vắt sữa bò, thì so với sự bố thí kia, việc này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí thức ăn cho một trăm Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị Bích-chi-phật, tạo phòng, nhà bố thí cho Chúng Tỳ-kheo bốn phương, tâm hoan hỷ quy y Ba ngôi tôn quý là Phật, Pháp, chúng Tỳ-kheo, thọ giới và trong khoảnh khắc thực hành từ tâm đối với tất cả chúng sanh, cho đến trong khoảng thời gian vắt sữa bò, như thế; nếu lại có người quán được tất cả pháp là vô thường, khổ, không và vô ngã, thì so với sự bố thí kia, việc làm này hơn nhiều lắm.” (12)
• Sống an lạc hiện tại, thương xót chúng sanh đời sau
Đức Phật nói trong Kinh MA 77 rằng ngài muốn đời sau có chúng sanh học theo hạnh của ngài, để sống an lạc hiện tại và thương cho chúng sanh đời sau. Bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ ghi lời Đức Phật dạy:
“Này A-na-luật-đà, không phải vì muốn đạt được những gì chưa đạt đến, vì muốn thu hoạch những gì chưa thu hoạch, vì muốn chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Này A-na-luật-đà, Như Lai chỉ vì hai mục đích sau đây nên mới sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Một là, sống an lạc ngay trong đời hiện tại. Hai là, vì thương xót chúng sanh đời sau. Đời sau hoặc có chúng sanh học theo Như Lai, sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng người, tùy thuận tĩnh tọa. Này A-na-luật-đà, vì những mục đích ấy mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa”. (13)
• Nhìn mọi người như mẹ, như cha đời quá khứ
Nếu mình nhìn thấy một ai mà tự nhiên thấy trong tâm khởi lên “ái niệm hoan hỷ” thì hãy nhớ rằng người đó trong kiếp trước từng là thân quyến của mình. Do vậy, kiếp này hãy tinh tấn xa lìa sanh tử luân hồi. Kinh SA 945, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng, ghi lời Đức Phật dạy:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Các Tỳ-kheo, nếu thấy chúng sanh mà khởi ái niệm hoan hỷ, thì nên nghĩ rằng: ‘Chúng sanh như vậy, trong đời quá khứ chắc chắn đã từng là cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, thầy bạn, tri thức của chúng ta, cứ mãi mãi luân chuyển sanh tử như vậy, không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên các Tỳ-kheo, nên học như vầy: Hãy nỗ lực tinh cần, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.” (14)
• Dù bị bạo hành, vẫn giữ tâm từ vô lượng
Đức Phật dạy rằng cho dù bị bọn ác chặt tay chân mình, cũng chớ khởi tâm sân hận, mà hãy hướng tâm từ nơi kẻ ác đó. Bản dịch Kinh MA 193 của Thầy Tuệ Sỹ trích như sau:
“Các ngươi hãy học như vậy: nếu có giặc cướp đến, dùng lưỡi cưa bén cưa xẻ tay chân các ngươi chi tiết, mà tâm không biến đổi, miệng không phát ra lời thô ác, hướng đến người cắt xả ấy, duyên nơi người cắt xả ấy mà khởi tâm từ mẫn, tâm tương ưng với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy trên dưới, bao trùm tất cả tâm tương ưng với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Cũng vậy, bi và hỷ. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các ngươi hãy học như vậy.” (15)
• Kinh Từ Bi: Đi đứng nằm ngồi đều giữ chánh niệm từ bi
Như thế nào để tu tâm từ? Trong Kinh Từ Bi (Metta Sutta), Đức Phật dạy rằng người tu phải giữ giới (thẳng thắn, khiêm cung, từ ái, không làm điều bị chê cười), khởi tâm nguyện cho tất cả mọi người, mọi loài sống an toàn (thân an), hạnh phúc (tâm vui), tự thấy mình như bà mẹ nhìn tất cả mọi người, mọi loài như đứa con duy nhất của mình, và giữ tâm như thế trong đi đứng nằm ngồi.
Sau đây là bản văn Thầy Nhất Hạnh dịch Kinh Từ Bi (Metta Sutta):
“Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết xử dụng ngôn ngữ từ ái. Những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn, không đua đòi theo đám đông. Những kẻ ấy sẽ không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.
Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:
Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.
Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.
Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.
Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.
Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.
Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt thoát khỏi tử sinh.” (16)
• Thiền tâm từ
Thiền về tâm từ không đơn giản, đó là nói theo Kinh Phật (thí dụ Kinh Bát Thành, MN 52, dạy về 11 pháp để giải thoát). Thiền về tâm từ trong nhiều Kinh có vẻ phức tạp, nhưng cũng không phức tạp bằng Thiền về tâm từ như được dạy trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) và nhiều luận thư khác, nơi đó dạy cách quán niệm, rải tâm từ về chính mình trước, rồi tới người thân hay bạn hữu, rồi tới một người mình không ưa cũng không ghét, rồi tới người mình có bất bình hay xích mích, rồi tới cả các nhóm người đó, rồi tới tất cả chúng sanh các cõi, mười phương. Đặc biệt, Đức Đạt Lai Lạt Ma trong thời buổi sáng lại có thêm pháp Tonglen (quán tưởng nhận vào niềm đau của chúng sinh, và gửi niềm vui tới chúng sinh).
Chúng ta trong thời kỳ căng thẳng này (và thời kỳ rất khẩn cấp này), nên tìm cách làm cho mọi chuyện đơn giản, dễ nhớ, dễ tu và dễ hướng dẫn bạn hữu. Nếu cần tóm tắt thì là: giữ giới, tỉnh thức nơi sáu căn (không ưa, không ghét, xả ly, không dính mắc), xa lìa tham sân si, thương xót chúng sanh. Trong trường hợp Phật tử là công nhân nhà máy, đang chống dịch với lệnh “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ) thì hiển nhiên, không thể nào giữ được bất kỳ nghi thức nào gọi là hài lòng.
Do vậy, chúng ta có thể tóm lược Kinh Từ Bi vào một vài ý dễ nhớ: “Nguyện cho con giữ giới trọn vẹn, thân không hại ai, lời nói hòa nhã, tâm ý trong sạch. Nguyện cho con và chúng sanh khắp các cõi được thân an lành, tâm hạnh phúc. Nguyện cho con có tâm từ vô lượng, thương xót khắp các cõi, trong mọi thời đi đứng nằm ngồi.”
Nên tự nhắc trong tâm vài câu như thế. Không cần nhớ chính xác từng chữ. Bạn có thể suy nghĩ, nghiền ngẫm từng ý tóm lược trong đó, hay nghiền ngẫm từng câu trong bài Kinh Từ Bi đầy đủ, không nhất thiết phải tụng có kệ, có vần, có chuông mõ. Theo các luận thư, Kinh Từ Bi cũng là kinh hộ thân, do Đức Phật dạy chư tăng khi vào ngồi tu trong rừng để không bị giới phi nhân quậy phá. Và trong thời đại dịch này, có được thân an lành và tâm hạnh phúc là ước mơ nhiều rồi, huống gì đã tu học với tâm từ nhất định sẽ tới lúc giải thoát, không đời này thì cũng đời sau.
GHI CHÚ:
(1) Pháp Cú Thí Dụ Kinh: https://suttacentral.net/t211.9/en/beal
(2) Kinh EA 49.10: https://suttacentral.net/ea49.10/vi/tue_sy-thang
Kinh AN 11.15: https://suttacentral.net/an11.15/vi/minh_chau
(3) Kinh SA 1153: https://suttacentral.net/sa1153/vi/tue_sy-thang
(4) Kinh SA 1309: https://suttacentral.net/sa1309/vi/tue_sy-thang
(5) Kinh EA 28.3: https://suttacentral.net/ea28.3/vi/tue_sy-thang
(6) Kinh AN 5.210: https://suttacentral.net/an5.210/vi/minh_chau
(7) Kinh EA 51.6: https://suttacentral.net/ea51.6/vi/tue_sy-thang
(8) Kinh SA 622: https://suttacentral.net/sa622/vi/tue_sy-thang
(9) Kinh AN 6.1: https://suttacentral.net/an6.1/vi/minh_chau
(10) Kinh SN 4.14: https://suttacentral.net/sn4.13/vi/minh_chau
(11) Kinh MA 15: https://suttacentral.net/ma15/vi/tue_sy
(12) Kinh MA 155: https://suttacentral.net/ma155/vi/tue_sy
(13) Kinh MA 77: https://suttacentral.net/ma77/vi/tue_sy
(14) Kinh SA 945: https://suttacentral.net/sa945/vi/tue_sy-thang
(15) Kinh MA 193: https://suttacentral.net/ma193/vi/tue_sy
(16) Kinh Từ Bi: https://thuvienhoasen.org/a10456/kinh-tu-bi-metta-sutta
*