Saturday 30 April 2022

Về Tạng A-tỳ-đàm (Abhidhamma Piṭaka, Tạng Vi Diệu Pháp, Tạng Thắng Pháp)

ABHIDHAMMA PIṬAKA – Vi Diệu Pháp Tạng, Tạng A-tỳ-đàm.
Chơn Quán Trần Ngọc Lợi dịch (2006), Bình Anson hiệu đính (2022).

* Nguồn: “Dictionary of Pāli Proper Names”, G. P. Malalasekera (1938, 1997), Pali Text Society.

Đây là tạng thứ ba của Tam tạng (Tipiṭaka). Gồm bảy bộ: Pháp tụ (Dhammasaṅganī), Phân tích (Vibhaṅga), Ngữ tông (Kathāvatthu), Nhân chế định (Puggalapaññati), Nguyên chất ngữ (Dhātukathā), Song đối (Yamaka) và Vị trí (Paṭṭhāna); tất cả được gọi là Luận thư (Pakaraṇa). Chỉ trong Biên niên (Chronicles) và Chú giải (Commentaries), từ “Abhidhamma” mới được dùng làm tựa của Tạng thứ ba [1]. Trong Kinh tạng [2], từ ấy có nghĩa là “pháp đặc biệt”, nghĩa là một giáo lý đơn thuần (không có pha trộn thêm văn học hay truyện cá nhân, v.v.), và thỉnh thoảng được dùng kèm theo từ Abhivinaya [3] – được hiểu như là pháp tối thượng và luật tối thượng.

Có người cho rằng [4], vì từ Abhidhamma không thấy hiện diện đơn lẻ trong Kinh tập (Sutta Nipāta), Tương ưng bộ (Saṃyutta Nikāya) hay Tăng chi bộ (Aṅguttara Nikāya), và chỉ được thấy một đôi lần trong Trường bộ (Dīgha Nikāya) và Trung bộ (Majjima Nikāya), từ ấy chỉ được sử dụng vào giai đoạn cuối khi hình thành bốn bộ Nikāya [5].

Những người theo Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika) không chấp nhận xem A-tỳ-đàm là một Tạng (Piṭaka) vì họ không công nhận đó là lời của Phật [6].

Theo nhóm Trì tụng Trường bộ (Dighabhānaka), tạng A-tỳ-đàm (Abhidhamma Piṭaka) bao gồm toàn bộ Tiểu bộ (Khuddaka Nikāya), ngoại trừ Hạnh tạng (Cariyāpiṭaka), Thánh nhân Ký sự (Apadāna) và Phật sử (Buddhavaṃsa) [7].

Theo cách phân chia khác, năm bộ Nikāya không phải là thành phần riêng của các bài kinh giảng mà là của toàn bộ kinh văn của thời kỳ nguyên thủy; và trong bộ thứ năm – Tiểu bộ (Khuddaka Nikāya) – bao gồm cả tạng Luật (Vinaya) và tạng A-tỳ-đàm (Abhidhamma) [8].

Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) có ghi lại truyền thuyết cho rằng A-tỳ-đàm được Đức Phật thuyết lần đầu tiên ở cõi trời Đao Lợi (Tāvatiṃsa), dưới gốc cây Pāricchataka, lúc Ngài ngồi trên ngai của Thiên chủ Đế-thích (Sakka), trong dịp viếng thăm thân mẫu trên cõi ấy. Sau đó, Phật dạy lại cho Trưởng lão Xá-lợi-phất bên bờ hồ Anotatta, chỗ mà Trưởng lão Xá-lợi-phất đến để phục vụ Đức Phật trong lúc Ngài viếng cõi trời Đao-lợi [9].

Truyền thuyết còn nói thêm rằng sau khi đắc quả Chánh đẳng giác, Đức Phật dành tuần lễ thứ tư ngự tại Bảo cung (Ratanaghara), tập trung tâm trí vào từng chi tiết về các giáo lý phức tạp của A-tỳ-đàm [10].

Tuy nhiên, theo Tiểu phẩm (Cullavagga) của tạng Luật (Vinaya Piṭaka), trong hai kỳ Kết tập Kinh điển đầu tiên [11], tạng A-tỳ-đàm không thấy được trùng tụng.

Sự kiện mà A-tỳ-đàm (Abhidhamma) không thấy được đề cập trong các bài kinh và chỉ có Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya) được đề cập đến cho thấy rằng, vào một lúc nào đó, A-tỳ-đàm không được kết hợp thành một tạng riêng biệt. Trên thực tế, A-tỳ-đàm không được các nhà Chú giải gọi là lời của Phật dạy theo ý nghĩa như các bài kinh. Thêm vào đó, chỉ có một bộ trong tạng A-tỳ-đàm – bộ Ngữ tông (Kathāvatthu) [12], được đem ra giảng dạy trong kỳ Kết tập Kinh điển lần thứ ba.

Bảy bộ A-tỳ-đàm được xem như rất đặc biệt đối với trường phái Theravāda (Thượng tọa bộ); tuy nhiên có bằng chứng cho thấy nhiều trường phái khác, nhất là phái Nhất thiết Hữu bộ (Sarvāstivāda), cũng xem A-tỳ-đàm như là kinh văn thiêng liêng [13].

Về nội dung, A-tỳ-đàm không tạo ra một triết lý được sắp đặt theo một hệ thống nào, mà là một luận giải về về các Pháp (Dhamma) như thấy trong tạng Kinh (Sutta Piṭaka). Hầu hết đều có có tính cách tâm lý và luận lý; các giáo lý căn bản được đề cập hay bàn luận là những gì đã được đề xuất trong các bài kinh, và như vậy, được xem như là hiển nhiên [14]. Ngoài các Chú giải về bảy bộ A-tỳ-đàm, còn có một công trình luận giải về toàn bộ tạng A-tỳ-đàm, có tên là Phụ chú giải A-tỳ-đàm (Abhidhamma Mūlaṭīkā) do ngài Ānanda Vanaratanatissa thuộc trường phái Vanavāsī (Lâm trú) của Sri Lanka soạn thảo.

Ngài Ānanda Vanaratanatissa dựa trên các Chú giải của Luận sư Buddhaghosa (Phật Âm), nhưng có nhiều nơi ngài không đồng ý với Luận sư Buddhaghosa. Công trình được soạn thảo theo lời yêu cầu của Trưởng lão Buddhamitta và tu chính bởi ngài Mahā Kassapa ở Pulatthipura.

Có một Phụ chú (Anuṭīkā) về A-tỳ-đàm do ngài Culla Dhammapāla soạn [15].

----------

Ghi chú:

[1] Xem thảo luận trong DA. i. 15, 18 f.
[2] Vin.i. 64; iii. 144; iv. 344.
[3] D. iii. 267; M. i. 272.
[4] Xem New Pāli Dictionary về từ Abhidhamma
[5] Xem Dial. iii. 199 về nguồn gốc của Abhidamma.
[6] Dpv. v. 32-8.
[7] DA. i. 15.
[8] DA. i. 23.
[9] VibhA. p. 1; AA. i. 71 v.v.
[10] J. i. 78.
[11] Chương xi và xii; nhưng xem thêm DA. i. 15 với thông tin khác.
[12] Xem Kathāvatthu.
[13] Xem Tārānātha: Geschichte des Buddhismus (56) 156 (296).
[14] Thảo luận về nội dung: xem tài liệu về Abhidhamma trong ERE.
[15] Gv. 60, 69. Chi tiết: xem P.L.C., pp. 210-2. Gv. (72) cũng có đề cập đến Abhidhammagaṇḍhi, có thể là một bản tự vựng.

D. = Digha Nikaya, 3 vols. (P.T.S.).
DA. = Sumangala Vilāsinī, 3 vols. (P.T.S.).
Dial. = Dialogues of the Buddha, 3 vols. (Oxford).
Dpv. = Dipavamsa, ed. Oldenberg (Williams and Norgate).
ERE. = Encyclopedia of Religion and Ethics.
Gv. = Gandhavamsa (P.T.S. Journal, 1886).
J. = Jātaka, ed. Fausboll, 5 vols.
M. = Majjhima Nikaya, 3 vols. (P.T.S.).
P.L.C. = The Pali Literature of Ceylon, by Malalasekera (R.A.S.).
VibhA. = Sammoha-Vinodanī, Vibhanga Commentary (P.T.S.).
Vin. = Vinaya Pitaka, 5 vols., ed. Oldenberg (Williams and Norgate).

------------------


No comments: