Friday, 15 April 2022

Hòa thượng HỘ GIÁC (1928-2012) và chữ NIỆM

Vào giữa thập niên 1990, các bạn đạo người Việt tại Perth bắt đầu biết đến pháp hành thiền trong truyền thống Theravada, và cũng như những nơi khác, bắt đầu tìm hiểu, bàn luận sôi nổi về thiền minh sát, thiền tứ niệm xứ, chánh niệm, con đường duy nhất, v.v.

Trong thời gian đó, ngài Hòa thượng và phái đoàn chư Tăng từ Hoa Kỳ đến viếng thăm Tây Úc, và có một buổi thuyết pháp. Sau thời pháp, có người hỏi ngài là làm sao sống trong chánh niệm, ngài trả lời ngắn gọn: –“Sống chánh niệm là làm gì biết nấy.”

Tôi rất tâm đắc với câu nầy, “LÀM GÌ BIẾT NẤY”. Chữ “biết” ở đây rất lợi hại, không phải dễ thực hành. Khi mình ăn, mình có thật sự “biết” là mình đang ăn không? Hay là vừa ăn vừa xem TV, vừa nghe nhạc, vừa trả lời điện thoại, vừa lướt web, vừa nói chuyện với người ngồi kế bên, ... rồi không biết mình đang ăn, không thật sự nếm được hương vị thức ăn trong miệng? Khi mình nói, hay chat trong Net, mình có thật sự “biết” mình đang nói gì, đang phản ứng với tâm gì – tâm tham, tâm sân, hay tâm ngã mạn – không? Có người nói huyên thuyên, từ chuyện này sang chuyện kia, dùng nhiều từ hoa mỹ, nhưng rốt cuộc, người nghe không hiểu được người ấy muốn nói gì. Không biết người nói ấy có thật sự “biết” mình nói về chuyện gì không?

Còn nhiều thí dụ nữa, ngay trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. “Làm gì biết nấy”, nghe đơn giản như đang giỡn, nhưng thật ra, không phải dễ thực hiện.

*

Ghi thêm: Hôm nay bỗng nhiên tôi nhớ đến kỷ niệm này với ngài Hòa thượng Hộ Giác. Nhất là bây giờ, cũng như đa số những người cao tuổi khác, tật hay quên của mình càng ngày càng trầm trọng! 

Cho nên, không cần phải lý luận cao xa về pháp thiền này nọ, hay phân tích tâm, tâm sở chi tiết tỉ mỉ theo A-tỳ-đàm, hay trích dẫn một khối kinh điển, lời vàng ngọc của các giảng sư, điều thực tế có ích lợi ngay trước mắt là mình phải gắng tập nhận thức và ghi nhớ mỗi một hành động của mình trong sinh hoạt hằng ngày, ngay bây giờ và tại nơi đây. Đó là CHÁNH NIỆM của người già. Đơn giản nhưng thực tế. Không cần điều gì cao xa hơn.

*



No comments: