Thursday, 11 April 2024

Dịch kinh và Đại học - HT Thích Minh Châu

DỊCH KINH VÀ ĐẠI HỌC
Hòa thượng Thích Minh Châu
Chánh pháp và Hạnh phúc
(Nxb Tôn Giáo, 2001) 
 

Khi chúng tôi bắt đầu dịch kinh Pāli ra tiếng Việt, có người bảo là một phận sự thuần chất tôn giáo, không dính gì đến Đại học. Có người khắt khe hơn lại chỉ trích: “Đang làm Viện trưởng một Viện Đại học mà dịch kinh là sẽ có hại cho trách nhiệm điều khiển một Đại học”.  

Chúng tôi muốn chứng minh rằng dịch kinh như chúng tôi đang làm cũng là một dịch vụ Đại học, không những không có xung khắc mâu thuẫn, mà chính tiêu biểu tốt đẹp cho thâu hóa kiến thức và văn hóa nhân loại, và phát huy tinh thần cầu tiến, nghiên cứu, sáng tạo của Đại học.   

Trước hết, dịch kinh như là một phận sự chính của những vị tu hành đi qua Ấn Độ tu học. Như ngài Pháp Hiển người Trung Hoa, đi qua Ấn Độ và Tích Lan vào thế kỷ thứ tư để lại một số dịch phẩm quan trọng có thể dịch từ chữ Sanskrit, Prakrit, Pāli qua chữ Hán. Ngài Huyền Trang, một nhà chiêm bái Trung Hoa thế kỷ thứ 7 TL, đã du học trên 17 năm, và khi về nước đã dịch tất cả là 77 bộ kinh từ chữ Phạn ra chữ Hán. Rồi đến ngài Nghĩa Tịnh người Trung Hoa vào thế kỷ thứ tám cũng đi qua du học tại Ấn Độ với một nhà sư Việt Nam, ngài Đại Thặng Đăng và khi về dịch từ tiếng Phạn qua chữ Hán. Còn các vị sư Ấn Độ qua Việt Nam và qua Trung Hoa cũng dịch kinh từ tiếng Phạn qua tiếng Trung Hoa, và những bậc dịch sư danh tiếng như ngài Sanghadeva (Tăng-già-đề-bà), đã dịch tập Trung A-hàm, ngài Cưu-ma-la-thập đã dịch tập Ma-ha Bát-nhã, Diệu Pháp Liên Hoa, v.v.   

Chính công trình của các quý vị dịch sư này đã xây dựng nên Tam tạng Trung Hoa, một dịch tạng phong phú nhất trong các dịch tạng. Thật sự, vấn đề dịch kinh điển là một công trình văn hóa hơn là một công trình tôn giáo, và ba tạng giáo điển Phật giáo không những phong phú nhất về lượng mà cũng dồi dào nhất về những uyên thâm triết lý và tinh vi nhất về những phương pháp tu hành. Những danh từ "dhammacakkam pavatteti" (chuyển pháp luân), "dhammam deseti" (thuyết pháp) mang nặng tính cách trao truyền chân lý, truyền thừa pháp môn. Vì vậy phiên dịch kinh điển là một dịch vụ thuần túy văn hóa và rất phù hợp với công tác Đại học.   

Khi chúng tôi dịch từ tiếng Pāli ra tiếng Việt là chúng tôi muốn giới thiệu ba tạng Pāli cho các Phật tử và học giả Việt Nam, một Tam tạng Kinh điển rất phong phú, rất gần với lời dạy nguyên thủy của Đức Phật, lại được phổ biến rất rộng rãi khắp năm châu, qua công trình dịch thuật của Hội Pāli Text Society, London, Anh Quốc.   

Chúng tôi lại đặc biệt dịch Kinh tạng, là một trong ba tạng được xem là ghi chép trung thành và thuần túy nhất những lời dạy nguyên thủy của Đức Phật. Từ trước cho đến nay, tuy có một số kinh điển được dịch từ tiếng Pāli ra tiếng Việt, nhưng phần lớn là trích dịch, và các kinh được dịch phần lớn dùng để tụng đọc trong các nghi lễ nên có tính cách tôn giáo nhiều hơn. Ở nơi đây, chúng tôi cố gắng dịch trọn vẹn, không bỏ qua một kinh nào, và dịch có in nguyên bản Pāli đối chiếu với dụng ý để người đọc có thể tự mình tìm hiểu nguyên nghĩa của từng chữ từng câu, khỏi rơi vào những giải thích hay lệch lạc của người dịch. Kinh Pāli được bắt đầu giới thiệu cho người Việt Nam và người Việt Nam lần đầu tiên được đọc thẳng Kinh tạng Pāli bằng tiếng Việt có nguyên bản Pāli đối chiếu.    

Không những chúng tôi giới thiệu Kinh tạng Pāli cho các Phật tử và học giả Việt Nam tụng đọc, chúng tôi còn cống hiến cho các học giả Việt Nam những tài liệu nghiên cứu và tham khảo để viết những tham luận về Phật giáo. Từ trước các học giả có viết về Phật giáo chỉ có thể trích dẫn các sách, do các người ngoại quốc viết về Phật giáo, khó có thể tham chiếu từ tạng Pāli hay tạng Hán, và như vậy có thể hiểu lầm và sai lạc. Nay các học giả có thể trích dẫn nơi bản dịch từ văn Pāli ra tiếng Việt của chúng tôi, lại có thêm nguyên văn Pāli đối chiếu. Như vậy sự trích dẫn được chính xác và khỏi lệch lạc.

Khi chúng tôi giới thiệu kinh tạng Pāli với các bản dịch năm bộ Nikāya (Trường bộ kinh, Trung bộ kinh, Tương ưng bộ kinh, Tăng nhất bộ kinh, Tiểu bộ kinh), chúng tôi gián tiếp giới thiệu bốn bộ A-hàm là Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm, Tăng nhất A-hàm và vô số kinh tương đương khác thuộc nhiều học phái khác mà từ trước đến nay, rất ít người tham khảo. Trường A-hàm được Hòa thượng Thích Thiện Siêu dịch ra Việt văn nhưng không được đầy đủ. Trung A-hàm được Hòa thượng Thích Thanh Từ và Đại đức Tuệ Sỹ dịch ra Việt văn nhưng chỉ dịch một số kinh và cũng chưa in thành sách. Bản chữ Hán tuy có học tại các Phật học viện, nhưng cũng chỉ trích học. Bản chữ Hán được dịch vào thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch nên rất xưa và khó hiểu và ít được có người tham khảo. Chúng tôi xin kể sơ một ít danh từ được ngài Sanghadeva dịch từ tập Mādhyāmāgama (Trung A-hàm) ra chữ Hán. Như chữ Vedanā dịch là giác, sau dịch là thọ; Savitakka, Savicāra, ngài dịch là hữu giác, hữu quán, về sau dịch là hữu tầm, hữu tứ; Phassa, ngài dịch là cánh lạc, về sau dịch là xúc. Chúng tôi hy vọng khi bản Pāli được trích dịch, thời nhiều đoạn A-hàm, tương đương được sáng nghĩa hơn, và sẽ có nhiều vị tiếp tục dịch các bộ A-hàm một cách trọn vẹn và đầy đủ. Bốn bộ A-hàm và một số rất nhiều bài kinh chưa được phân loại là những tài liệu rất quý giá đề cập đến các học phái, mà nay hình như chỉ có ông André Bareau người Pháp nghiên cứu.   

Chúng tôi hy vọng trong một thời gian gần đây, sẽ có một số học giả nghiên cứu đến những tài liệu này và sẽ khám phá rất nhiều tài liệu Phật giáo mới lạ và hy hữu. Cho nên khi dịch các tài liệu Pāli, chúng tôi hy vọng mở đường cho nhiều nghiên cứu khác đặt nặng vào bốn bộ A-hàm và các kinh điển khác rải rác trong Tam Tạng. Như vậy trong khi chúng tôi trực tiếp giới thiệu kinh tạng Pāli, chúng tôi gián tiếp giới thiệu kinh tạng A-hàm và tương đương, và sự đóng góp này mang nặng tính chất vừa văn hóa, vừa Đại học.   

Cho dịch và cho in các bản kinh Pāli, chúng tôi không mong muốn gì hơn là để các Phật tử, các học giả, các sinh viên được đọc thẳng vào những kinh điển thật sự nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, và tự mình tìm hiểu những lời dạy thật sự của Đức Phật, khỏi phải qua những lập trường của các bộ phái. Nhất là khỏi phải qua những xuyên tạc của những học giả và những Phật tử muốn giải thích đạo Phật theo dục vọng và tà kiến của mình. Muốn chạy theo dục vọng, thì giải thích kinh điển một cách dễ hiễu rằng đạo Phật chấp nhận và tha thứ dục vọng. Muốn giết người và muốn bênh vực kẻ giết người, đạo Phật được giải thích như là có thể tha thứ và chấp nhận sự giết người. Muốn chạy theo tà giáo và tà kiến, lại giải thích đạo Phật viên dung vô ngại, chấp nhận mọi tà kiến, mọi tà thuyết. Tà kiến nào, tà thuyết nào cũng là Phật giáo được hết! Muốn tránh những tai nạn trên, cần nhất là phổ biến những kinh điển thật sự nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, để Phật tử được đọc thẳng ngay kinh Phật, khỏi qua một ống kính màu nào. Đạo Phật cần những cá nhân Phật tử biết suy tư, biết phân tích, biết tự tìm hiểu, rồi xác nhận sự hiểu biết của mình, ngang qua sự hành trì, kinh nghiệm cá nhân.   

Đạo Phật không cần đến những đoàn người theo đạo Phật, theo một cách ồ ạt mù quáng, theo một cách thụ động nhắm mắt, hay tự mình bóp méo xuyên tạc đạo Phật theo tà kiến dục vọng của mình. Chính Đại kinh Bát-niết-bàn (DN 16) có ghi rằng dù chúng ta có nghe vị tỳ-kheo nào nói tự thân nghe Đức Phật, tự thân nghe các vị thượng tọa, thủ chúng v.v. nói như vậy là Pháp, như vậy là Luật, Đức Phật khuyên cũng không được tán thán, đả kích, chấp thuận hay từ bỏ ngay, mà phải so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, có phù hợp mới được chấp nhận, không phù hợp thời phải từ bỏ. Đạo Phật đòi hỏi sự nhận xét, tìm hiểu, suy tư cá nhân rất nhiều. Nhưng chúng ta chỉ có thể nhận xét, tìm hiểu, suy tư khi chúng ta chỉ có thể nhận xét, tìm hiểu, suy tư khi chúng ta được đọc những lời dạy nguyên thủy nhất hay gần nguyên thủy nhất của Đức Phật.   

Chúng tôi dịch kinh Pāli, không vì mục đích muốn ủng hộ hay không muốn ủng hộ một học phái nào, một lập trường nào. Mục đích của chúng tôi chỉ muốn giới thiệu những kinh điển có thể được xem là nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, để người đọc có thể tìm hiểu lời dạy chân chính của Đức Phật, khỏi qua ống kính của một học phái nào, dù Ấn Độ, Trung Hoa hay Việt Nam. Chúng tôi cũng không có trách nhiệm nêu lên cho độc giả rõ, đoạn nào là nguyên thủy, đoạn nào không phải nguyên thủy. Chỉ có người đọc, sau khi tự mình đọc, tự mình tìm hiểu, tự mình suy tư, tự mình quan sát, tự mình chứng nghiệm trên bản thân, mới có thể tự mình hiểu và thấy đoạn nào là thật sự nguyên thủy. Trách nhiệm tìm hiểu, chứng nghiệm cá nhân là trách nhiệm của người đọc, không phải của người dịch, vì đạo Phật là đạo đến để mà thấy chứ không phải đạo đến để nhờ người thấy hộ, đạo của người có mắt (cakkhumato), không phải đạo của người nhắm mắt, đạo của người thấy, của người biết (jānato passato), không phải là đạo của người không thấy, không biết (ajānato apassato). Nên chỉ có người đọc mới có thể tự mình thấy, tự mình hiểu và tự mình chứng nghiệm.   

Thật sự chúng tôi chỉ mong rằng quý vị hãy đọc thật kỹ và suy tư thật chín chắn, những đoạn mà chúng tôi phiên dịch rồi quý vị hãy tự hỏi, những đoạn ấy có phải là những đoạn “Tiểu thừa” dành riêng cho những vị có tiểu tâm, chỉ biết tư lợi không biết vị tha, chỉ biết tự giác không biết giác tha. Như chúng tôi đã phân tích trong lời giới thiệu bản dịch tập "Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa", chúng ta đừng có mắc bẫy các vị Bà-la-môn Ấn Độ giáo đã tìm cách gán cho chữ "Tiểu thừa", để loại ra ngoài những lời Phật dạy căn bản, như một số Phật tử Đại thừa đã bị mê hoặc, không dám đọc những lời Phật dạy, vì sợ bị gán nhãn hiệu Tiểu thừa. Bên phái Nam tông, tuy tôn thờ Tam tạng Pāli, nhưng một số Phật tử cũng rơi vào một nạn tương tự, là chỉ học Luật tạng và A-tỳ-đàm tạng, bỏ rơi Kinh tạng Pāli, vì xem A-tỳ-đàm tạng mới đề cập đến Đệ nhất Nghĩa đế, còn Kinh tạng chỉ bàn đến Tục đế mà thôi. Đây cũng là một lầm lạc hết sức ngây thơ và nguy hiểm. Vì A-tỳ-đàm phát xuất từ Kinh tạng, và bỏ gốc để tìm ngọn thì không khác gì kẻ đi tìm lõi cây, mà chỉ mang về cành lá. Thật sự, đạo Phật đâu có phân biệt Tiểu thừa và Đại thừa, đâu có chia đôi Chân đế, Tục đế. Những sự phân chia này chỉ là hậu tác phẩm, hoặc của giáo sĩ Bà~la- môn mang danh Phật tử muốn loại bỏ những gì tinh túy nhất của đạo Phật không cho Phật tử học và tu, hay của một số đệ tử Phật muốn làm tổ sư một giáo phái, nên đề xướng các chủ thuyết lấn át những lời dạy nguyên thủy của Đức Phật.   

Thật sự chúng ta chỉ có một trách nhiệm, tìm đọc và tìm hiểu những lời dạy thật sự là những lời dạy của Đức Phật, và vì trách nhiệm ấy mà chúng tôi đang cố gắng phiên dịch Kinh tạng Pāli ra Việt ngữ. Chúng ta chỉ cần đọc, cần suy tư chín chắn và rồi chính chúng ta tự ý thức đâu là những lời dạy trung thực của đức Bổn Sư chúng ta.   

Đây là sự đóng góp của Viện Đại học Vạn Hạnh vào nền văn hóa Phật giáo bằng cách giới thiệu một cách đầy đủ và trung thực những tàỉ liệu tiếng Việt quý báu nhất về kinh tạng Pāli, vừa cho các Phật tử tìm hiểu, thực hành và thực chứng, vừa giúp các học giả Phật giáo có những tài liệu tham khảo khá đầy đủ và trung thực. Viện Đại học Vạn Hạnh là môi trường đầu tiên nếu không phải là độc nhất, đã cố gắng giới thiệu Kinh tạng Pāli cho Phật tử Việt Nam, học giả Vìệt Nam, dân chúng Việt Nam. Viện Đại học Vạn Hạnh cũng đi tiên phong mở đường cho một cao trào nghiên cứu đi thẳng vào lời dạy nguyên thủy của Đức Phật, khỏi bị những lệch lạc của học phái hay của Bà-la-môn giáo. Điều quan hệ hơn nữa, Viện Đại học Vạn Hạnh muốn khuyến khích các học giả và các Phật tử, tự mình mở mắt tìm hiểu, suy tư, đối chiếu, không có nhắm mắt tin theo, không có thụ động chấp nhận, trái lại phải biết thâu hóa, so sánh, phân tích, để làm sáng tỏ những lời dạy nguyên thủy của Đức Phật.   

–  Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU
Chánh pháp và Hạnh phúc (Nxb Tôn Giáo, 2001)

*-----*




Monday, 1 April 2024

Thành phố Perth, nơi tôi sinh sống - Bình Anson

 THÀNH PHỐ PERTH, NƠI TÔI SINH SỐNG    

Tôi từ Thái Lan đến định cư tại thành phố Perth của bang Tây Úc, Australia vào giữa năm 1977. Từ đó đến nay, nhìn lại đã 47 năm sống tại thành phố này, xem như là hai phần ba cuộc đời. Trong thời gian này, mặc dù tôi có nhiều dịp đi viếng các thành phố khác của Úc, cũng như vài thành phố ở Mỹ, tôi vẫn cảm thấy Perth và Tây Úc như là quê hương thứ hai của mình, và rồi sẽ sống ở đây cho đến mãn cuộc đời. Tôi thường nói đùa là trong một kiếp xa xưa nào đó, có lẽ mình đã từng là một con Kăng-ga-ru tung tăng ở vùng đất này, cho nên kiếp này có nhân duyên trở về sống nơi quê xưa chốn cũ.

Như đã từng chia sẻ trong một dịp trước, trong đời tôi – một cư sĩ Phật tử gốc Việt, tôi chỉ có 2 ước nguyện: (1) đi viếng thăm bốn nơi động tâm như ghi trong kinh điển là nơi Đản sinh, Thành đạo, Chuyển Pháp luân, Bát-niết-bàn (Nepal và Ấn Độ) và sáu địa điểm kết tập, trùng tuyên kinh điển Pāli (Ấn Độ, Sri Lanka và Myanmar); và (2) đi viếng các thành phố, thị trấn dọc theo bờ biển hình chữ S của Việt Nam. Đã thực hiện được hai ước nguyện đó rồi, tôi không còn mong ước đi du lịch tham quan nơi nào khác. 

Hôm nay bỗng nhiên nổi hứng, vào Google tìm bản đồ thành phố Perth, rồi thử khoanh một vòng tròn với bán kính là 50 km, tâm điểm là trung tâm hành chính, thương mại của Perth. Mới thấy mình rất may mắn, được sống ở một nơi có đầy đủ những địa điểm quan trọng và cần thiết cho năm tháng còn lại của đời mình. Một thành phố gần sông xanh, biển sạch, mà cũng không xa vùng đồi núi với các hồ nước thiên nhiên. Cư dân hiền hòa, thân thiện. Sinh hoạt xã hội tương đối ổn định, trật tự, an ninh, không có nhiều chuyện phức tạp, tiêu cực như ở các thành phố lớn khác. Các bệnh viện, các phương tiện y tế đều đầy đủ tiện nghi và tương đối dễ tiếp cận. Hàng quán với đủ loại thức ăn Âu Á với giá cả phải chăng, trong tầm tay. Hơn nữa, Perth có cùng một múi giờ với Singapore – đi trước Sài Gòn và Bangkok một giờ, rất tiện liên lạc qua các phương tiện viễn thông. Ngày nay lại có đường bay thẳng từ Perth đến Singapore, Kuala Lumpur, Bangkok và Sài Gòn, chỉ mất 5 hay 6 giờ bay.

Perth có không khí trong lành, không ô nhiễm. Thời tiết tương đối ôn hòa, không quá lạnh giá mà cũng không quá nóng bức. Mùa đông – từ tháng 6 đến tháng 8 ­– có nhiều mưa, không lạnh lắm, ban đêm khoảng 8 độ C, ban ngày khoảng 20 độ C. Mùa hè – tháng 12 đếng tháng 2 ­– tương đối nóng hơn, ban đêm 18 độ C, ban ngày 30 độ C, chỉ có vài ngày nhiệt độ có thể lên đến 40 độ C. Thời gian tốt nhất để đến viếng Perth là vào mùa xuân, từ tháng 9 đến tháng 11, không mưa, thời tiết mát mẻ, dễ chịu, với nhiều loại hoa dại trong rừng nở rộ khắp nơi.

Trong sinh hoạt Phật giáo, Perth có nhiều chùa của các sắc tộc châu Á – chùa Việt, chùa Hoa, chùa Thái, chùa Khmer, chùa Myanmar, chùa Sri Lanka. Đặc biệt nhất là có các hoạt động thường xuyên, đều đặn của Hội Phật giáo Tây Úc do ngài Thiền sư Ajahn Brahm làm cố vấn tinh thần, với Tăng viện Bodhinyana dành cho các tỳ-khưu, Ni viện Dhammasara dành cho các tỳ-khưu-ni, và Thiền trang Jhana Grove với các khóa tu thiền dành cho cư sĩ. Tất cả các địa điểm đó đều nằm trong phạm vi 50 km, tiếp cận dễ dàng. 

Nhìn chung, Perth chỉ là một thành phố bình thường, không có điểm đặc biệt nổi bật nào so với các thành phố khác trên thế giới, nhưng với một người cao niên trong tuổi nghỉ hưu như tôi, đây là nơi thích hợp cho cuộc sống trầm lặng, nhẹ nhàng thong thả thảnh thơi của tuổi già.

– Bình Anson
Perth, Tây Úc. 
31/03/2024

*-----*