TRỞ VỀ VỚI CÁT BỤI
Tại Úc, khi một người qua đời, sau tang lễ, sẽ được chôn cất tại các nghĩa trang do chính phủ tiểu bang quản lý, hoặc hỏa thiêu. Nếu chôn cất, tại Tây Úc, phải trả tiền thuê đất trong thời hạn 25 năm, và chỉ có thể gia hạn thêm 25 năm nữa. Nếu hỏa thiêu, hộp tro cốt có thể được chôn tại đất nghĩa trang, thường là tại một khu vườn có trồng hoa hồng, vẫn phải trả tiền thuê đất – nhưng rẻ hơn, và thời hạn cũng vẫn là 25 + 25 năm. Khuynh hướng ngày nay, 80% các đám tang tại Tây Úc là hỏa thiêu.
Sau khi hỏa thiêu, ngoài việc chôn tại vườn hoa nghĩa trang, có khi thân nhân đem hộp tro cốt về nhà, chôn ở sân vườn, hoặc đem tro cốt rải xuống sông, biển. Đối với một số Phật tử khác, có thể đem hộp tro cốt cất gửi ở chùa Việt hoặc đem về Việt Nam. Các chùa Việt ở đây đều có một phòng riêng để lưu các hộp tro cốt và hình ảnh người quá cố.
Riêng ở Tu viện Bodhinyana, bang Tây Úc, Phật tử có thể xin phép ngài Ajahn Brahm, đem tro cốt của người thân chôn ở dưới các gốc cây rải rác chung quanh hồ nước của Tu viện với khung cảnh thiên nhiên. Hoặc theo phong tục của Thái Lan, chôn vào vách tường rào quanh Tu viện. Hoàn toàn miễn phí, không phải trả tiền thuê đất và cũng không ấn định thời hạn như các nghĩa trang của chính phủ.
Cũng có trường hợp gia đình đem tro cốt rải vào khu đất rừng hay rải xuống con suối chảy ngang đó. Tôi đã viết di chúc dặn dò thân nhân sau khi tôi chết, hỏa thiêu, rồi đem tro cốt rải vào khu đất rừng của Tu viện. Cát bụi trở về với cát bụi.
*
No comments:
Post a Comment