Thursday, 2 January 2025

Vài ghi nhận về nguồn gốc và sự phân chia xá-lợi dựa theo Chánh tạng

VÀI GHI NHẬN VỀ NGUỒN GỐC VÀ PHÂN CHIA XÁ-LỢI
DỰA THEO CHÁNH TẠNG (TẠNG KINH VÀ TẠNG LUẬT)
Bình Anson

(1) Có nhiều truyền thuyết, huyền thoại về câu chuyện hai thương buôn Tapassu và Bhallika đến gặp Đức Phật sau khi Ngài thành đạo và được cho mấy sợi tóc. Theo truyền thuyết Miến Điện thì hai thương buôn này trở về xứ đó, tạo dựng tháp thờ tóc và còn lưu truyền cho đến ngày nay. Còn truyền thuyết của Sri Lanka thì cho rằng các sợi tóc đó được đem sang đảo quốc Sri Lanka và được tôn thờ cho đến bây giờ.

Tuy nhiên, tạng Kinh và tạng Luật không thấy ghi thông tin nào về câu chuyện các sợi tóc của Đức Phật. Đại phẩm, tạng Luật (Kd 1.4), có ghi chuyện hai thương buôn Tapassu và Bhallika đến gặp Đức Phật sau khi Ngài thành đạo, dâng cúng thức ăn, rồi xin quy y Đức Phật và Giáo Pháp. Lúc ấy, Tăng đoàn chưa thành lập, cho nên hai vị này xem như hai cư sĩ đầu tiên xin quy y Nhị Bảo (Phật Bảo và Pháp Bảo). 

Tăng chi bộ, tạng Kinh (AN 1.248) có ghi sự kiện hai vị này là hai đệ tử cư sĩ đầu tiên của Đức Phật. Tăng nhất A-hàm (EĀ 1.1) của Hán tạng cũng ghi tương tự, nhưng gộp hai tên Tapassu và Bhallika thành tên phiên âm là “Tam-quả”.

(2) Sau khi Đức Phật nhập diệt, lễ trà-tỳ được chư tăng và dân chúng Mallā tổ chức tại Kusinārā, sau khi hỏa thiêu, Đại kinh Bát-niết-bàn (DN 16, Trường bộ) ghi rằng “thân Thế Tôn cháy, từ da ngoài cho đến da mỏng, thịt, dây gân hay nước giữa khớp xương, tất cả đều cháy sạch không có tro, không có than, chỉ có xương xá-lợi còn lại”. Bà-la-môn Doṇa đứng ra phân chia xá-lợi cho tám nhóm để dựng tháp thờ:

- Vua Ajātasattu  của nước Magadha,
- Những người Licchavī ở Vesāli,
- Những người Sākya ở Kapilavatthu,
- Những người Bulī ở Allakappa, 
- Những người Koliya ở Rāmagāma,
- Bà-la-môn Vethadīpaka ở Vethadīpa,
- Những người Mallā ở Pāvā,
- Những người Mallā ở Kusinārā.

Bà-la-môn Doṇa nhận bình chứa dùng để đong chia xá-lợi để dựng tháp thờ, và những người Moriyā ở Pipphalivana nhận than tro từ củi đốt để dựng tháp thờ. 

Bài kinh kết thúc bằng các câu kệ có ghi thêm thông tin rằng răng, tóc và lông của Đức Phật được Long vương và chư Thiên mang đi khắp vũ trụ. Tuy nhiên, Luận sư Buddhaghosa trong Chú giải Trường bộ nhận định rằng các câu kệ đó là do các vị Trưởng lão Sri Lanka về sau ghi thêm vào.

Bài kinh tương đương trong Trường A-hàm của Hán tạng, kinh Du hành (DĀ 2) cũng ghi thông tin tương tự. Sau khi trà tỳ, Bà-la-môn Hương Tánh (Doṇa) phân chia xá-lợi cho tám nhóm, ông ấy nhận bình chứa xá-lợi, còn tro than từ củi đốt thì chia cho dân chúng thôn Tất-bát (Pipphalivana). Kinh có ghi thêm rằng tóc Phật khi còn tại thế thì được tôn thờ trong một tháp khác, nhưng không thấy đề cập gì về nơi chốn và người nhận tóc đó. Có lẽ chi tiết này về sau được ghi thêm vào bài kinh.

Kèm theo dưới đây là các đoạn kinh trích từ tạng Kinh (Tăng chi bộ, Trường bộ, Trường A-hàm) và tạng Luật (Đại phẩm).

Bình Anson,
Perth, Tây Úc 
01/01/2025

*-----*

 

I- VỀ HAI ÔNG TAPASSU VÀ BHALLIKA, ĐỆ TỬ ĐẦU TIÊN QUY Y NHỊ BẢO (PHẬT VÀ PHÁP)

(1) Tăng chi bộ, tạng Kinh (AN 1.248):

Này các tỳ-khưu, trong các vị đệ tử nam cư sĩ của Ta đã quy y đầu tiên, tối thắng là các thương buôn Tapassu và Bhallika. – (AN 1.248) 

(2) Đại phẩm, tạng Luật (Kd 1.4):

(Giảng về cây Rājāyatana, tuần lễ thứ tư sau khi thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác – Tỳ-khưu Indacanda dịch)

1. Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ cội cây Mucalinda đã đi đến cây Rājāyatana, sau khi đến đã ngồi xuống với một tư thế kiết già ở cội cây Rājāyatana trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.

2. Vào lúc bấy giờ, có các thương buôn Tapassu và Bhallika đang đi đường xa từ Ukkalā đến khu vực ấy. Khi ấy, vị Thiên thần là thân quyến cùng huyết thống của các thương buôn Tapassu và Bhallika đã nói với các thương buôn Tapassu và Bhallika điều này: “Này các bác, đức Thế Tôn này đang ngự ở cội cây Rājāyatana là vị đầu tiên được hoàn toàn giác ngộ. Hãy đi và bày tỏ lòng thành kính đến đức Thế Tôn ấy với bánh bột gạo và mật viên. Điều ấy sẽ đem lại cho các bác sự lợi ích và sự an vui lâu dài.”

3. Khi ấy, các thương buôn Tapassu và Bhallika đã mang theo bánh bột gạo và mật viên đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, các thương buôn Tapassu và Bhallika đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên của chúng tôi. Điều ấy sẽ đem lại cho chúng tôi sự lợi ích và sự an vui lâu dài.”

4. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Các đức Như Lai không thọ lãnh ở (hai) tay, vậy ta nên thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên bằng vật gì?” Khi ấy, bốn vị Đại Thiên Vương dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã dâng lên đức Thế Tôn bốn cái bình bát làm bằng đá từ ở bốn phương (nói rằng): “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên ở đây.” Đức Thế Tôn đã thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên trong bình bát mới[2] làm bằng đá, và sau khi thọ lãnh đã thọ dụng.

5. Sau đó, các thương buôn Tapassu và Bhallika đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch ngài, chúng con đây xin đi đến nương nhờ đức Thế Tôn và Giáo Pháp. Xin đức Thế Tôn chấp nhận chúng con là các nam cư sĩ đã đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.” Và họ đã trở thành những nam cư sĩ đọc hai câu (nương nhờ)[*] đầu tiên ở thế gian. – (Kd 1.4)

Chú thích:

[*] Nghĩa là đi đến nương nhờ đức Thế Tôn và đi đến nương nhờ Giáo Pháp, vì hội chúng tỳ-khưu vào lúc bấy giờ chưa được hình thành (Tỳ-khưu Indacanda).

*-----*

II- PHÂN CHIA XÁ LỢI THEO ĐẠI KINH BÁT-NIẾT BÀN (TRƯỜNG BỘ, DN 16)
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Vua nước Magadha tên là Ajātasattu Vedehiputta nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinārā, liền gởi một sứ giả đến các người Mallā ở Kusinārā: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, ta cũng là người Sát-đế-lỵ. Ta cũng xứng đáng được một phần Xá-lợi của Thế Tôn. Ta cũng dựng tháp và tổ chức nghi lễ đối với Xá-lợi của Thế Tôn.”

Những người Licchavī ở Vesālī nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinārā, liền gởi một sứ giả đến các người Mallā ở Kusinārā: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, chúng tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần Xá-lợi của The Tôn. Chúng tôi cũng dựng tháp và tổ chức nghi lễ đối với Xá-lợi của Thế Tôn”.

Các người Sākya ở Kapilavatthu nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinārā, liền gởi một sứ giả đến các người Mallā ở Kusinārā: “Thế Tôn là người bà con tối tôn của chúng tôi. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần Xá-lợi của Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá-lợi của Thế Ton”.

Những người Bulī ở Allakappa nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinārā, liền gởi một sứ giả đen các người Mallā ở Kusinārā: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, chúng tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần Xá-lợi của Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá-lợi của Thế Tôn.”

Những người Koliya ở Rāmagāma nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinārā, liền gởi một sứ giả đến các người Mallā ở Kusinārā: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, chúng tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần Xá-lợi của Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá-lợi của Thế Tôn.”

Bà-la-môn Vethadīpaka nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinārā, liền gởi một sứ giả đến các người Mallā ở Kusinārā: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Tôi cũng xứng đáng được một phần Xá-lợi của Thế Tôn. Tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá-lợi của Thế Tôn.”

Các người Mallā ở Pāvā nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinārā, liền gởi một sứ giả đến các người Mallā ở Kusinārā: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, chúng tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần Xá-lợi của Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá-lợi của Thế Tôn.”

Khi được nghe nói vậy, các người Mallā ở Kusinārā liền tuyên bố giữa đại chúng: 

– Thế Tôn đã diệt độ tại làng vườn của chúng tôi, chúng tôi sẽ không cho phần Xá-lợi nào của Thế Tôn.

Khi nghe vậy, Bà-la-môn Doṇa nói với họ: 

– Tôn giả, hãy nghe lời tôi nói! 

Phật dạy chúng ta phải kham nhẫn, 
Thật không tốt nếu có tranh giành,
Khi chia Xá-lợi bậc Thượng Nhân.
Chúng ta hãy đoàn kết nhất tâm,
Hoan hỷ chia Xá-lợi tám phần.
Chúng ta hãy dựng tháp mọi phương,
Đại chúng mười phương tin Pháp Nhãn...

– Này Tôn giả Bà-la-môn, Ngài hãy phân chia Xá-lợi ra tám phần đồng đều.

– Xin vâng, các Tôn giả.

Bà-la-môn Doṇa vâng lời hội chúng ấy, phân chia Xá-lợi của Thế Tôn thành tám phần đồng đều rồi thưa hội chúng:

– Các Tôn giả, hãy cho tôi cái bình dùng để đong chia Xá-lợi này. Tôi sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ cho cái bình.

Và hội chúng ấy tặng Bà-la-môn Doṇa cái bình.

Và người Moriyā ở Pipphalivana nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinārā, liền gởi một sứ giả đến các người Mallā ở Kusinārā:

– Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, chung tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được hưởng một phần Xá-lợi của Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá-lợi của Thế Tôn.

– Nay không còn phần Xá-lợi nào của Thế Tôn. Xá-lợi của Thế Tôn đã được phân chia, hãy lấy tro còn lại.

Rồi các vị này lấy các than tro còn lại. 

Và vua nước Magadha tên là Ajātasattu, con bà Videhi, xây dựng tháp trên Xá-lợi của Thế Tôn tại Vương Xá và tổ chức lễ cúng dường.

Những người Licchavī ở Vesāli cũng xây dựng tháp trên Xá-lợi của Thế Tôn tại Vesālī và tổ chức lễ cúng dường.

Những người Sākya ở Kapilavatthu cũng xây dựng tháp trên Xá-lợi của Thế Tôn tại Kapilavatthu và to chức lễ cúng dường.

Những người Bulī ở Allakappa cũng xây dựng tháp trên Xá-lợi của Thế Tôn tại Allakappa và tổ chức lễ cúng dường.

Những người Koliya ở Rāmagāma cũng xây dựng tháp trên Xá-lợi của Thế Tôn tại Rāmagāma và tổ chức lễ cúng dường.

Bà-la-môn Vethadīpaka cũng xây dựng tháp trên Xá-lợi của Thế Tôn tại Vethadīpa và lễ chức lễ cúng dường.

Những người Mallā ở Pāvā cũng xây dựng tháp trên Xá-lợi của Thế Tôn tại Pāvā và to chức lễ cúng dường.

Những người Mallā ở Kusinārā cũng xây dựng tháp trên Xá-lợi của Thế Tôn tại Kusinārā và tổ chức lễ cúng dường.

Bà-la-môn Doṇa cũng xây dựng tháp trên bình [dùng để đong chia Xá-lợi] và tổ chức lễ cúng dường.

Những người Moriyā ở Pipphalivana cũng xây dựng tháp trên những than tro và tổ chức lễ cúng dường.

Như vậy, có tám tháp Xá-lợi, tháp thứ chín trên bình [dùng để đong chia Xá-lợi] và tháp thứ mười trên tro [Xá-lợi].

Đó là truyền thống thời xưa như vậy. [*]

Đấng Pháp Nhãn Vô Thượng,
Xá-lợi phân tám phần,
Bảy phần được cúng dường,
Tại Jambudīpa.
Một phần Long vương cúng,
Tại Rāmagāma.

Một răng Phật được cúng,
Cho chư thiên ba cõi,
Một tại Gandhāra,
Một tại Kāliṅga.
Một răng cho Long vương,
Tự mình riêng cúng dường.

Quả đất được chói sáng,
Với hào quang Xá-lợi,
Với lễ vật cúng dường,
Hạng thượng phàm, thượng đẳng.
Xá-lợi đấng Pháp Nhãn,
Như vậy được cúng dường,
Bởi những bậc tôn trọng.

Cung kính lễ cúng dường,
Bởi thiên, long, nhơn chủ,
Các bậc tối thượng nhơn.
Các ngươi hãy chắp tay,
Cung kính lễ cúng dường.

Khó thay sự chiêm ngưỡng!
Tôn nhan bậc Như Lai,
Trải nhiều nhiều trăm kiếp,
May lắm được một lần.

Bốn mươi răng đều nhau,
Chư Thiên đã mang đi,
Cùng với tóc và lông,
Đến khắp các vũ trụ.

*

Chú thích:

[*] Luận sư Buddhaghosa, trong Chú giải Trường bộ, cho biết câu kết “Đó là truyền thống thời xưa như vậy” (Evametaṁ bhūtapubbanti) được thêm vào trong kỳ Kết tập Kinh điển III, còn các câu kệ tiếp theo là do các vị trưởng lão ở xứ Sri Lanka ghi thêm vào (DA ii, 615).

*-----*

III- PHÂN CHIA XÁ-LỢI THEO KINH DU HÀNH, TRƯỜNG A-HÀM (MĀ 2)
Trung tâm Dịch thuật Trí Tịnh dịch

Bấy giờ, chúng Mạt-la nước Ba-bà nghe Phật diệt độ tại rừng Song Thọ, đều tự nghĩ: “Chúng ta nên đến đó xin phần Xá-lợi, thỉnh về nước dựng tháp cúng dường.”

Họ liền hạ lệnh tập hợp bốn quân chủng là quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ kéo đến thành Câu-thi, rồi sai sứ giả đến thưa:

– Chúng tôi nghe tin đấng Chúng Hựu [1] diệt độ tại đây, Phật cũng là Thầy chúng tôi, vì lòng kính mộ Ngài, chúng tôi đến xin phần Xá-lợi, thỉnh về nước dựng tháp cúng dường.

Vua nước Câu-thi đáp:

– Đúng vậy! Quả thật như lời Ngài nói nhưng vì Thế Tôn giáng lâm tại đây và diệt độ cũng tại đây, nhân dân nước tôi tự lo cúng dường, khỏi phiền các ngài ở xa. Việc phân chia Xá-lợi e rằng không thể được.

Bấy giờ, chúng Bạt-ly [2], nước Già-la-phả [3], chúng Câu-lợi [4], nước La-ma-già [5], chúng Bà-la-môn nước Tỳ-lưu-đề [6], chúng Thích-ca nước Ca-duy-la-vệ [7], chúng Ly-xa [8] nước Tỳ-xá-ly, Vua A-xà-thế [9] nước Ma-kiệt-đà, nghe tin Như Lai diệt độ tại rừng Song Thọ thành Câu-thi đều tự nghĩ: “Chúng ta hãy nên đến đó để chia phần Xá-lợi.”

Thế rồi, Vua A-xà-thế bèn hạ lệnh dẫn bốn quân chủng là quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ tiến qua sông Hằng, sai Bà-la-môn Hương Tánh [10]: “Ngươi hãy nhân danh ta, vào thành Câu-thi vấn an sức khỏe các vị Mạt-la: Sinh hoạt thường ngày có thảnh thơi không? Đi đứng có được nhẹ nhàng không? Và nói rằng ta với quý ngài ấy xưa nay vốn kính trọng lẫn nhau, láng giềng hòa nghị, chưa từng tranh chấp. Nay nghe Như Lai diệt độ tại quý quốc, đối với Thế Tôn, ta vô cùng tôn kính nên từ xa đến đây muốn thỉnh phần Xá-lợi đem về nước dựng tháp cúng dường. Nêu nhận lời, ta sẽ hiến quốc bảo cho.”

Bấy giờ, Bà-la-môn Hương Tánh vâng lệnh nhà vua, đến thành Câu-thi thưa với các Mạt-la rằng:

– Đại vương nước Ma-kiệt kính lời vấn an sức khỏe các Ngài: “Sinh hoạt thường ngày có thảnh thơi không? Đi đứng có được nhẹ nhàng không? Và nói rằng Đại vương với quý ngài xưa nay kính trọng lẫn nhau, láng giềng hòa nghị, chưa từng tranh chấp. Nay nghe Như Lai diệt độ tại quý quốc, đối với

Thế Tôn, Đại vương vô cùng tôn kính, nên từ xa đến đây muốn thỉnh phần Xá-lợi đem về nước dựng tháp cúng dường. Nếu nhận lời, Đại vương sẽ hiến quốc bảo cho.”

Lúc đó, các Mạt-la trả lời Bà-la-môn Hương Tánh:

– Đúng vậy! Quả thật như lời ngài nói nhưng vì Thế Tôn giáng lâm tại đây và diệt độ cũng tại dây, nhân dân nước tôi tự lo cúng dường, khỏi phiền các ngài ở xa. Việc phân chia Xá-lợi e rằng không thể được.

Lúc đó, vua các nước bèn triệu tập quần thần, bàn bạc:

Chúng ta hòa hiếu,
Xa đến đảnh lễ,
Khiêm tốn thỉnh cầu,
Nếu không chấp nhận,
Bốn binh đã sẵn,
Không tiếc thân mạng,
Dùng nghĩa không được,
Tất phải dùng sức.

Khi ấy vua nước Câu-thi liền triệu tập quần thần, cùng nhau bàn bạc, rồi đáp trả rằng:

Từ xa khổ nhọc,
Các vị đến xin,
Di thể Như Lai,
Nhưng không cho được.
Nếu muốn dùng binh,
Ta đây cũng sẵn,
Chống trả đến cùng,
Chưa từng biết sợ.

Lúc ấy, Bà-la-môn Hương Tánh đứng ra phủ dụ mọi người:

– Chư Hiền! Lâu nay chúng ta lãnh thọ lời Phật dạy, miệng tụng pháp ngôn, tâm theo nhân nghĩa. Tất cả chúng sanh đều muốn an lành, nay chẳng lẽ vì tranh giành Xá-lợi Phật mà tàn hại lẫn nhau? Đối với di thể Như Lai, nếu muốn có được lợi ích rộng rãi thì nên phân chia ra thành nhiều phần.

Mọi người đều khen là phải, lại bàn luận với nhau: “Ai là người đủ khả năng phân chia?” Rồi tất cả đều cho rằng Bà-la-môn Hương Tánh là người nhân trí công tâm, có thể đứng ra phân chia.

Thế rồi, các quốc vương liền bảo Hương Tánh:

– Ông hãy chia Xá-lợi Phật thành tám phần bằng nhau cho chúng tôi.

Bà-la-môn Hương Tánh vâng lệnh, liền đến chỗ Xá-lợi, cúi đầu đảnh lễ xong, tiến lên nhặt chiếc răng trên của Phật để riêng một bên, rồi sai sứ giả đưa đến chỗ Vua A-xà-thế. Ông bảo sứ giả:

– Ngươi hãy thay mặt ta tâu với Đại vương rằng: “Sinh hoạt thường ngày có thảnh thơi không? Đi đứng có được nhẹ nhàng không? Xá-lợi chưa đến, chắc ngài mong đợi lắm? Nay giao sứ giả đem răng trên của Như Lai đến trước để Đại vương có thể cúng dường, thỏa lòng trông mong. Khi sao Mai [11] mọc, phân chia xong Xá-lợi, thần sẽ đích thân đến dâng.”

Sứ giả vâng lời, đến chỗ Vua A-xà-thế tâu:

– Bà-la-môn Hương Tánh kính lời thỉnh an Đại vương: “Sinh hoạt thường ngày có thảnh thơi không? Đi đứng có được nhẹ nhàng không? Xá-lợi chưa đến, chắc ngài mong đợi lắm? Nay giao sứ giả đem răng trên của Như Lai đến trước để Đại vương có thể cúng dường, thỏa lòng trông mong. Khi sao Mai mọc, phân chia xong Xá-lợi, Bà-la-môn Hương Tánh sẽ đích thân đến dâng.”

Bấy giờ, Bà-la-môn Hương Tánh dùng cái bình đựng khoảng một thạch để đong chia Xá-lợi, phân thành tám phần bằng nhau xong, nói với mọi người:

– Tôi muốn xin cái bình này đem về nhà dựng tháp cúng dường.

Mọi người đều bảo:

– Thật là có trí, thật là hợp lý, chúng tôi đồng ý!

Lúc đó người trong thôn Tất-bát cũng đến xin:

– Hãy cho chúng tôi phân tro còn sót lại dưới đất kia để đem về xây tháp cúng dường. 

Mọi người lúc đó đều chấp thuận. Bấy giờ, người nước Câu-thi được chia phần Xá-lợi, liền dựng tháp trong nước cúng dường. Người nước Ba-bà, Già-la, La-ma-già, Tỳ-lưu-đề, Ca-duy-la-vệ, Tỳ-xá-ly và Vua A-xà-thế nước Ma-kiệt khi nhận được phần Xá-lợi, đều thỉnh về nước, xây tháp cúng dường. Bà-la-môn Hương Tánh ôm bình về nhà dựng tháp miếu cúng dường. Người dân thôn Tất-bát cũng đem phần tro còn lại về dựng tháp miếu cúng dường.

Như vậy, Xá-lợi Như Lai được chia thờ tại tám tháp, tháp thứ chín thờ bình, tháp thứ mười thờ tro và tháp thứ mười một thờ tóc Phật khi còn tại thế.

----------------

Chú thích:

[1] Chúng Hựu (眾祐). Theo Tứ phần luật danh nghĩa tiêu thích, 四分律名義標釋 (X.44. 0744.19. 0544c20), do có nhiều phước đức tự bảo hộ cho mình và còn có thể phù hộ tất cả chúng sanh nên gọi là Chúng Hựu. Hựu giống như sự trợ giúp vậy. (謂有眾德自祐.復能祐諸有情.故稱眾祐.祐猶助也).
[2] Bạt-ly (跋離, Bulī).
[3] Già-la-phả, Già-la (遮羅頗, Allakappa).
[4] Câu-lợi (拘利, Koliya).
[5] La-ma-già (羅摩伽, Rāmagāma).
[6] Tỳ-lưu-đề (毘留提, Vethadīpa).
[7] Kinh Đại bổn ghi: Ca-tỳ-la-vệ (迦毗羅衛, Kapilavatthu).
[8] Ly-xa (離車, Licchavī).
[9] A-xà-thế (阿闍世, Ajātasattu).
[10] Hương Tánh (香姓, Doṇa).
[11] Nguyên tác: Minh tinh (明星, Aruṇa), tức Thái Bạch tinh, còn gọi sao Kim, sao Hôm, sao Mai, sao Phất.

Ba-bà: Pāvā
Câu-thi, Câu-thi-na: Kusinārā
Ma-kiệt, Ma-kiệt-đà: Magadha
Mạt-la: Malla
Tất-bát: Pipphalivana
Tỳ-xá-ly: Vesālī

*-----*




No comments: