ĐÔI ĐIỀU GHI CHÉP VỀ ĐẠI TẠNG KINH
Liên Hương
(Nguyệt san Giác Ngộ, số 107, tháng 2-2005)
*
Ðại tạng kinh là một công trình tập thành tâm huyết của bao nhiêu thế hệ Tổ sư, cổ đức Ấn Ðộ, Trung Hoa, Nhật Bản, Cao Ly. Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu, Ðại tạng kinh là một toàn tập bao gồm tất cả những thánh thư Phật giáo theo hệ thống Nam truyền và Bắc truyền, chia thành ba nhóm lớn: Kinh, Luật, Luận. Nhân đây, chúng tôi xin điểm qua vài nét về Đại tạng kinh.
Dưới các triều Hiếu Minh đế (516-528) của nhà Bắc Ngụy, Tề Minh đế (494-498) của nhà Nam Tề và các đời vua Vũ đế, Văn đế và Tuyên đế của nhà Trần (557-583), kinh điển Phật giáo đã được gom thành toàn tập mệnh danh là Ðại tạng kinh và được sao chép để thờ tại các tự viện chính. Riêng Tùy Văn đế (581-604) đã hạ chiếu sao tả 46 bộ Ðại tạng kinh để thờ tại các chùa chính trong mỗi châu, nhưng vẫn chưa đặt vấn đề tiêu chuẩn hóa Ðại tạng kinh. Tuy thế, danh xưng "Ðại tạng kinh" chỉ xuất hiện vào thời Tùy - Ðường, còn trước đó chỉ gọi là Nhất thiết chúng tạng kinh điển.
Ðại tạng kinh được hình thành dần dần. Trước tiên, chỉ kinh Phật được xếp vào Ðại tạng. Một bản kinh muốn được xếp vào Ðại tạng (danh từ chuyên môn gọi là "nhập tạng") phải được sự phê chuẩn của nhà vua. Thông thường, hoàng đế sẽ tham khảo ý kiến của các vị cao tăng cổ đức xem bản kinh đó có đúng thật là kinh Phật hay ngụy kinh. Sau thời Ngũ đại, các trước tác của các tông phái mới lần lượt được nhập tạng.
Căn cứ trên thứ tự niên đại, lần lượt có các bản Ðại tạng kinh như sau:
1. Khai Bảo tạng (開寶藏, còn gọi là Bắc Tống tạng bản, Sắc bản, Thục bản):
Ðây là bản Ðại tạng kinh đầu tiên được ấn loát bằng bản gỗ khắc vào năm 971 tại Ích Châu (Thành Ðô) thuộc đất Thục (tỉnh Tứ Xuyên hiện nay) theo mệnh lệnh của Tống Thái Tổ. Mãi đến năm 983, việc in kinh mới hoàn thành. Số lượng kinh trong tạng là 1.076 bộ. Bộ kinh này về sau trở thành cơ sở cho Cao Ly Ðại tạng kinh.
2. Đan Châu tạng (còn gọi là Đan bản, Đan tạng, Liêu bản):
Bản này do vua Liêu Hưng Tông nước Khất Ðan (Ðại Liêu) hạ chỉ khắc bản tại Nam Kinh (nay là thành phố Bắc Kinh. Thời Liêu gọi Bắc Kinh là Nam Kinh, còn thành phố Nam Kinh hiện nay gọi là Kim Lăng). Công trình này mãi đến năm 1072 đời vua Ðạo Tông mới hoàn thành. Bản này có dạng chữ in nhỏ nhất, nay đã thất lạc.
3. Kim tạng (趙城金藏, còn gọi là Triệu thành tạng bản, Kim khắc tạng kinh):
Bản này do ông Thôi Pháp Trân ở Lộ Châu, Sơn Tây chủ xướng, khắc in vào thời Kim tại chùa Thiên Ninh, Giải Châu (Sơn Tây). Ðến năm 1173 mới hoàn thành, hoàn toàn giống bản đời Bắc Tống, chỉ khác cách trình bày. Bản này hiện đã thất lạc, chỉ còn một ít (chừng 4.597 quyển) tại chùa Tiêu Sơn Quảng Thắng ở huyện Triệu Thành, tỉnh Sơn Tây vào năm 1934. Không biết bản này còn tồn tại sau cơn biến nạn Cách mạng văn hóa hay không!
4. Tỳ Lô tạng (毘盧藏, còn gọi là Phúc Châu tạng, Phước Châu Khai Nguyên tự bản):
Do các vị Bản Minh, Bản Ngộ, Hạnh Sủng, Pháp Diêu, Duy Xung, Liễu Nhất quyên mộ khắc bản tại chùa Khai Nguyên ở Phúc Châu vào năm 1112 thời Tống.
5. Tư khê Viên Giác tạng (圓覺藏, còn gọi là Hồ Châu bản):
Do các ngài Vương Vĩnh Tùng ở Tư Khê (Hồ Châu), Tịnh Phạm ở viện Ðại Từ, Hoài Thâm ở viện Viên Giác quyên mộ khắc in năm 132 thời Nam Tống, gồm có 1.412 bộ.
6. Tư Khê Tư Phúc tạng (資福藏):
Tạng kinh do Tư Phúc Thiền Tự ở Tư Khê châu An Cát (nay là huyện Ngô Hưng, tỉnh Triết Giang) gồm 1.464 tác phẩm.
7. Cao Ly tạng (高麗大藏經 , còn gọi là Tiên bản, Ly tạng):
Gồm nhiều loại:
7.1) Sơ điêu bản: khắc in vào năm 1011 dùng Thục bản làm gốc, thêm vào các soạn thuật ghi trong Trinh Nguyên mục lục, hoàn thành năm 1082.
7.2) Tái điêu bản: hiện được cất giữ tại chùa Hải Ấn (Haeinsa) ở Hàn Quốc. Bản này được khắc in từ năm 1236 đến năm 1251 để cầu nguyện đẩy lùi quân Nguyên. Hiện bản này đã được điện tử hóa và lưu hành dưới dạng CD, giới nghiên cứu thường mệnh danh bản Ðại tạng này là Tripitaka Koreana.
8. Phổ Ninh tạng (普寧藏 Nguyên bản):
Do các vị Ðạo An, Như Nhất quyên góp khắc in tại chùa Phổ Ninh, huyện Dư Hàng, tỉnh Triết Giang. Bản này dựa theo Hồ Châu bản đời Tống thêm vào tác phẩm Tông Kính Lục của ngài Vĩnh Minh, tổng cộng là 1.437 bộ kinh, luận, trước tác.
9. Hoằng Pháp tạng:
Do vua Nguyên Thế Tổ hạ chỉ khắc bản tại chùa Hoằng Pháp ở Bắc Bình vào năm 1277 đến 1294 mới hoàn thành. Toàn tạng gồm 1.654 tác phẩm. Mỗi trang in gồm 5 hàng, mỗi hàng 17 chữ. Nội dung kinh luận được chọn nhập tạng dựa theo bản Chí Nguyên Pháp Bảo Khám Ðồng Tổng Lục. Hiện nay bản này hoàn toàn bị thất lạc.
10. Hồng Vũ Nam tạng (洪武南藏):
Ðại tạng kinh do vua Minh Thái Tổ khắc in tại chùa Tường Sơn ở Kim Lăng năm 1372 (niên hiệu Hồng Vũ) đến năm 1403 thời Minh Thành Tổ mới hoàn thành. Bản này gồm 1.625 tác phẩm.
11. Vĩnh Lạc Nam tạng ( 永樂南藏 ):
Bản này chỉ là bản Hồng Vũ có thay đổi chút ít, chia thành mười bộ (nhóm chính): Ðại Thừa Kinh, Tiểu Thừa Kinh, Tống Nguyên Nhập Tạng Chư Ðại Tiểu Thừa Kinh, Tây Ðộ Thánh Hiền Soạn Tập (các trước tác của các vị cổ đức Thiên Trúc), Ðại Thừa Luật, Tiểu Thừa Luật, Tục Nhập Tạng Chư Luật và Thử Phương Soạn Thuật (các trước tác của chư Tổ Trung Hoa). Toàn tạng gồm 1.625 bộ, in từ năm 1412 đến 1417 theo hình thức mỗi trang 30 hàng, mỗi hàng 17 chữ. Cứ 5 hàng là một cột.
12. Long tạng (龍藏) :
Ðại tạng kinh được khắc in vào năm 1735 (năm Ung Chánh thứ 13) đến năm 1738 (năm Càn Long thứ 3) mới hoàn thành. Vì được hoàn thành vào đời vua Càn Long nhà Thanh nên nó được gọi là Càn Long Ðại tạng kinh, hay gọi tắt là Long tạng. Toàn tạng gồm 1.662 bộ. Ðây là bản Ðại tạng kinh lớn nhất do hoàng triều khắc in.
13. Trung Hoa Đại tạng kinh (中華大藏經):
Do Tu Ðính Trung Hoa Ðại Tạng Kinh Hội ấn hành vào năm 1956. Chủ biên là Thái Niệm Sanh. Toàn tạng gồm bốn đại pháp: Tuyển tạng, Tục tạng, Dịch tạng và Tổng mục lục. Từ năm khởi xướng cho đến 20 năm sau dù liên tục ấn hành, bộ Ðại Tạng này vẫn chưa hoàn thành, nhưng vẫn được giới nghiên cứu tham khảo rộng rãi.
14. Phật giáo Đại tạng kinh ( 佛教大藏經 ):
Do ngài Quảng Ðịnh biên tu ấn hành tại Ðài Loan từ năm 1977 đến 1983 gồm cả Chánh tạng lẫn Tục tạng, gồm 2.643 quyển, chia thành 162 tập. Ðây là bộ Ðại tạng tương đối hoàn chỉnh nhất vì đã tổng hợp các bản Ðại Chánh tạng, Tích Sa tạng, Gia Hưng tạng, Vạn Chánh, Tục tạng để bổ khuyết, đồng thời du nhập các bản kinh dịch từ tiếng Tạng và Pali.
15. Súc Loát Đại tạng kinh (縮刻藏, gọi đủ: Đại Nhật Bản Hiệu Đính Súc Khắc Đại tạng kinh):
Bản này thường được các nhà học giả Tây phương gọi là Tokyo Edition. Bản này ấn hành từ năm 1880 đến 1885 dùng bản Cao Ly tạng tàng trữ tại chùa Tăng Thượng ở Ðông Kinh làm gốc, đối chiếu với Tống bản (Hồ Châu tạng), Nguyên tạng, Minh tạng, thêm vào các trước tác của Mật giáo và các tác phẩm của chư cổ đức Nhật Bản. Toàn tạng gồm 1.918 bộ kinh, sách.
16. Vạn Tự Tục tạng kinh ( 卍字續藏經 , còn gọi là Đại Nhật Bản Hiệu Đính Huấn Điểm Đại tạng kinh):
Do thư viện Tàng Kinh ở Kinh Ðô (Kyoto) ấn hành. Bản này do ngài Nhẫn Trừng hiệu đính, ấn hành từ năm 1902 đến năm 1905. Bản này gồm 1.625 bộ. Sau khi Ðại Chánh tân tu Ðại tạng kinh ấn hành, bản này ít được thông dụng hơn. Năm 1905-1912, lại in thêm Ðại Nhật Bản Tục tạng kinh gồm 750 tập chép hơn 950 tác phẩm. Cùng với Ðại Chánh tân tu Ðại tạng kinh, bản này thường được đối chiếu để khảo cứu. Ta quen gọi tắt là "tạng chữ Vạn".
17. Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (大正新脩大藏經 Taishò Shinsu Daizòkyò; gọi tắt là Đại Chánh tạng):
Do Ðông Kinh Ðại Chánh Nhất Thiết Kinh San Hành Hội ấn hành từ năm 1924 đến năm 1934 do các vị Cao Nam Thuận Thứ Lang, Ðộ Biên Hải Húc và Tiểu Dã Huyền Diệu chủ biên. Toàn tạng gồm 100 tập, 55 tập đầu quan trọng nhất vì bao gồm toàn bộ các kinh, luật, luận trọng yếu. Bản này hiện thời được coi là bản kinh tiêu chuẩn vì mỗi bản kinh, luận đều được khảo dị, hiệu đính tỉ mỉ, còn ghi chú các thuật ngữ bằng tiếng Pali và Sanskrit.
Ngoài những bản trên, còn có các bản khắc khác, nhưng chúng tôi lướt qua không nhắc đến vì chúng ít quan trọng hơn. Chẳng hạn, bản Phật Quang Sơn Ðại tạng kinh do Học hội Phật giáo Phật Quang Sơn của Pháp sư Tinh Vân biên soạn và ấn hành dù nội dung rất công phu vẫn không được phổ biến rộng rãi bằng Ðại Chánh và tạng chữ Vạn.
*
Liên Hương
(Nguyệt san Giác Ngộ, số 107, tháng 2-2005)
*
Ðại tạng kinh là một công trình tập thành tâm huyết của bao nhiêu thế hệ Tổ sư, cổ đức Ấn Ðộ, Trung Hoa, Nhật Bản, Cao Ly. Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu, Ðại tạng kinh là một toàn tập bao gồm tất cả những thánh thư Phật giáo theo hệ thống Nam truyền và Bắc truyền, chia thành ba nhóm lớn: Kinh, Luật, Luận. Nhân đây, chúng tôi xin điểm qua vài nét về Đại tạng kinh.
Dưới các triều Hiếu Minh đế (516-528) của nhà Bắc Ngụy, Tề Minh đế (494-498) của nhà Nam Tề và các đời vua Vũ đế, Văn đế và Tuyên đế của nhà Trần (557-583), kinh điển Phật giáo đã được gom thành toàn tập mệnh danh là Ðại tạng kinh và được sao chép để thờ tại các tự viện chính. Riêng Tùy Văn đế (581-604) đã hạ chiếu sao tả 46 bộ Ðại tạng kinh để thờ tại các chùa chính trong mỗi châu, nhưng vẫn chưa đặt vấn đề tiêu chuẩn hóa Ðại tạng kinh. Tuy thế, danh xưng "Ðại tạng kinh" chỉ xuất hiện vào thời Tùy - Ðường, còn trước đó chỉ gọi là Nhất thiết chúng tạng kinh điển.
Ðại tạng kinh được hình thành dần dần. Trước tiên, chỉ kinh Phật được xếp vào Ðại tạng. Một bản kinh muốn được xếp vào Ðại tạng (danh từ chuyên môn gọi là "nhập tạng") phải được sự phê chuẩn của nhà vua. Thông thường, hoàng đế sẽ tham khảo ý kiến của các vị cao tăng cổ đức xem bản kinh đó có đúng thật là kinh Phật hay ngụy kinh. Sau thời Ngũ đại, các trước tác của các tông phái mới lần lượt được nhập tạng.
Căn cứ trên thứ tự niên đại, lần lượt có các bản Ðại tạng kinh như sau:
1. Khai Bảo tạng (開寶藏, còn gọi là Bắc Tống tạng bản, Sắc bản, Thục bản):
Ðây là bản Ðại tạng kinh đầu tiên được ấn loát bằng bản gỗ khắc vào năm 971 tại Ích Châu (Thành Ðô) thuộc đất Thục (tỉnh Tứ Xuyên hiện nay) theo mệnh lệnh của Tống Thái Tổ. Mãi đến năm 983, việc in kinh mới hoàn thành. Số lượng kinh trong tạng là 1.076 bộ. Bộ kinh này về sau trở thành cơ sở cho Cao Ly Ðại tạng kinh.
2. Đan Châu tạng (còn gọi là Đan bản, Đan tạng, Liêu bản):
Bản này do vua Liêu Hưng Tông nước Khất Ðan (Ðại Liêu) hạ chỉ khắc bản tại Nam Kinh (nay là thành phố Bắc Kinh. Thời Liêu gọi Bắc Kinh là Nam Kinh, còn thành phố Nam Kinh hiện nay gọi là Kim Lăng). Công trình này mãi đến năm 1072 đời vua Ðạo Tông mới hoàn thành. Bản này có dạng chữ in nhỏ nhất, nay đã thất lạc.
3. Kim tạng (趙城金藏, còn gọi là Triệu thành tạng bản, Kim khắc tạng kinh):
Bản này do ông Thôi Pháp Trân ở Lộ Châu, Sơn Tây chủ xướng, khắc in vào thời Kim tại chùa Thiên Ninh, Giải Châu (Sơn Tây). Ðến năm 1173 mới hoàn thành, hoàn toàn giống bản đời Bắc Tống, chỉ khác cách trình bày. Bản này hiện đã thất lạc, chỉ còn một ít (chừng 4.597 quyển) tại chùa Tiêu Sơn Quảng Thắng ở huyện Triệu Thành, tỉnh Sơn Tây vào năm 1934. Không biết bản này còn tồn tại sau cơn biến nạn Cách mạng văn hóa hay không!
4. Tỳ Lô tạng (毘盧藏, còn gọi là Phúc Châu tạng, Phước Châu Khai Nguyên tự bản):
Do các vị Bản Minh, Bản Ngộ, Hạnh Sủng, Pháp Diêu, Duy Xung, Liễu Nhất quyên mộ khắc bản tại chùa Khai Nguyên ở Phúc Châu vào năm 1112 thời Tống.
5. Tư khê Viên Giác tạng (圓覺藏, còn gọi là Hồ Châu bản):
Do các ngài Vương Vĩnh Tùng ở Tư Khê (Hồ Châu), Tịnh Phạm ở viện Ðại Từ, Hoài Thâm ở viện Viên Giác quyên mộ khắc in năm 132 thời Nam Tống, gồm có 1.412 bộ.
6. Tư Khê Tư Phúc tạng (資福藏):
Tạng kinh do Tư Phúc Thiền Tự ở Tư Khê châu An Cát (nay là huyện Ngô Hưng, tỉnh Triết Giang) gồm 1.464 tác phẩm.
7. Cao Ly tạng (高麗大藏經 , còn gọi là Tiên bản, Ly tạng):
Gồm nhiều loại:
7.1) Sơ điêu bản: khắc in vào năm 1011 dùng Thục bản làm gốc, thêm vào các soạn thuật ghi trong Trinh Nguyên mục lục, hoàn thành năm 1082.
7.2) Tái điêu bản: hiện được cất giữ tại chùa Hải Ấn (Haeinsa) ở Hàn Quốc. Bản này được khắc in từ năm 1236 đến năm 1251 để cầu nguyện đẩy lùi quân Nguyên. Hiện bản này đã được điện tử hóa và lưu hành dưới dạng CD, giới nghiên cứu thường mệnh danh bản Ðại tạng này là Tripitaka Koreana.
8. Phổ Ninh tạng (普寧藏 Nguyên bản):
Do các vị Ðạo An, Như Nhất quyên góp khắc in tại chùa Phổ Ninh, huyện Dư Hàng, tỉnh Triết Giang. Bản này dựa theo Hồ Châu bản đời Tống thêm vào tác phẩm Tông Kính Lục của ngài Vĩnh Minh, tổng cộng là 1.437 bộ kinh, luận, trước tác.
9. Hoằng Pháp tạng:
Do vua Nguyên Thế Tổ hạ chỉ khắc bản tại chùa Hoằng Pháp ở Bắc Bình vào năm 1277 đến 1294 mới hoàn thành. Toàn tạng gồm 1.654 tác phẩm. Mỗi trang in gồm 5 hàng, mỗi hàng 17 chữ. Nội dung kinh luận được chọn nhập tạng dựa theo bản Chí Nguyên Pháp Bảo Khám Ðồng Tổng Lục. Hiện nay bản này hoàn toàn bị thất lạc.
10. Hồng Vũ Nam tạng (洪武南藏):
Ðại tạng kinh do vua Minh Thái Tổ khắc in tại chùa Tường Sơn ở Kim Lăng năm 1372 (niên hiệu Hồng Vũ) đến năm 1403 thời Minh Thành Tổ mới hoàn thành. Bản này gồm 1.625 tác phẩm.
11. Vĩnh Lạc Nam tạng ( 永樂南藏 ):
Bản này chỉ là bản Hồng Vũ có thay đổi chút ít, chia thành mười bộ (nhóm chính): Ðại Thừa Kinh, Tiểu Thừa Kinh, Tống Nguyên Nhập Tạng Chư Ðại Tiểu Thừa Kinh, Tây Ðộ Thánh Hiền Soạn Tập (các trước tác của các vị cổ đức Thiên Trúc), Ðại Thừa Luật, Tiểu Thừa Luật, Tục Nhập Tạng Chư Luật và Thử Phương Soạn Thuật (các trước tác của chư Tổ Trung Hoa). Toàn tạng gồm 1.625 bộ, in từ năm 1412 đến 1417 theo hình thức mỗi trang 30 hàng, mỗi hàng 17 chữ. Cứ 5 hàng là một cột.
12. Long tạng (龍藏) :
Ðại tạng kinh được khắc in vào năm 1735 (năm Ung Chánh thứ 13) đến năm 1738 (năm Càn Long thứ 3) mới hoàn thành. Vì được hoàn thành vào đời vua Càn Long nhà Thanh nên nó được gọi là Càn Long Ðại tạng kinh, hay gọi tắt là Long tạng. Toàn tạng gồm 1.662 bộ. Ðây là bản Ðại tạng kinh lớn nhất do hoàng triều khắc in.
13. Trung Hoa Đại tạng kinh (中華大藏經):
Do Tu Ðính Trung Hoa Ðại Tạng Kinh Hội ấn hành vào năm 1956. Chủ biên là Thái Niệm Sanh. Toàn tạng gồm bốn đại pháp: Tuyển tạng, Tục tạng, Dịch tạng và Tổng mục lục. Từ năm khởi xướng cho đến 20 năm sau dù liên tục ấn hành, bộ Ðại Tạng này vẫn chưa hoàn thành, nhưng vẫn được giới nghiên cứu tham khảo rộng rãi.
14. Phật giáo Đại tạng kinh ( 佛教大藏經 ):
Do ngài Quảng Ðịnh biên tu ấn hành tại Ðài Loan từ năm 1977 đến 1983 gồm cả Chánh tạng lẫn Tục tạng, gồm 2.643 quyển, chia thành 162 tập. Ðây là bộ Ðại tạng tương đối hoàn chỉnh nhất vì đã tổng hợp các bản Ðại Chánh tạng, Tích Sa tạng, Gia Hưng tạng, Vạn Chánh, Tục tạng để bổ khuyết, đồng thời du nhập các bản kinh dịch từ tiếng Tạng và Pali.
15. Súc Loát Đại tạng kinh (縮刻藏, gọi đủ: Đại Nhật Bản Hiệu Đính Súc Khắc Đại tạng kinh):
Bản này thường được các nhà học giả Tây phương gọi là Tokyo Edition. Bản này ấn hành từ năm 1880 đến 1885 dùng bản Cao Ly tạng tàng trữ tại chùa Tăng Thượng ở Ðông Kinh làm gốc, đối chiếu với Tống bản (Hồ Châu tạng), Nguyên tạng, Minh tạng, thêm vào các trước tác của Mật giáo và các tác phẩm của chư cổ đức Nhật Bản. Toàn tạng gồm 1.918 bộ kinh, sách.
16. Vạn Tự Tục tạng kinh ( 卍字續藏經 , còn gọi là Đại Nhật Bản Hiệu Đính Huấn Điểm Đại tạng kinh):
Do thư viện Tàng Kinh ở Kinh Ðô (Kyoto) ấn hành. Bản này do ngài Nhẫn Trừng hiệu đính, ấn hành từ năm 1902 đến năm 1905. Bản này gồm 1.625 bộ. Sau khi Ðại Chánh tân tu Ðại tạng kinh ấn hành, bản này ít được thông dụng hơn. Năm 1905-1912, lại in thêm Ðại Nhật Bản Tục tạng kinh gồm 750 tập chép hơn 950 tác phẩm. Cùng với Ðại Chánh tân tu Ðại tạng kinh, bản này thường được đối chiếu để khảo cứu. Ta quen gọi tắt là "tạng chữ Vạn".
17. Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (大正新脩大藏經 Taishò Shinsu Daizòkyò; gọi tắt là Đại Chánh tạng):
Do Ðông Kinh Ðại Chánh Nhất Thiết Kinh San Hành Hội ấn hành từ năm 1924 đến năm 1934 do các vị Cao Nam Thuận Thứ Lang, Ðộ Biên Hải Húc và Tiểu Dã Huyền Diệu chủ biên. Toàn tạng gồm 100 tập, 55 tập đầu quan trọng nhất vì bao gồm toàn bộ các kinh, luật, luận trọng yếu. Bản này hiện thời được coi là bản kinh tiêu chuẩn vì mỗi bản kinh, luận đều được khảo dị, hiệu đính tỉ mỉ, còn ghi chú các thuật ngữ bằng tiếng Pali và Sanskrit.
Ngoài những bản trên, còn có các bản khắc khác, nhưng chúng tôi lướt qua không nhắc đến vì chúng ít quan trọng hơn. Chẳng hạn, bản Phật Quang Sơn Ðại tạng kinh do Học hội Phật giáo Phật Quang Sơn của Pháp sư Tinh Vân biên soạn và ấn hành dù nội dung rất công phu vẫn không được phổ biến rộng rãi bằng Ðại Chánh và tạng chữ Vạn.
*
No comments:
Post a Comment