Chúng ta thường có khuynh hướng đọc, nghe theo các giảng luận của các tác giả đương thời mà ít khi chịu khó tìm đọc kinh điển nguyên thủy (tạng Nikāya và tạng A-hàm). Cũng như thể ăn bánh mà chỉ biết thưởng thức phần kem đường trên mặt, không biết hay không quan tâm thưởng thức phần bánh bên dưới. Phần kem đường đó chỉ là để trang trí cho đẹp hoặc phụ vào để ăn cho đỡ ngán. Ngon, ngọt, béo nhưng nếu ăn nhiều quá thì e không tốt cho sức khỏe.
Thỉnh thoảng, người ta có thể cho thêm vào vài lớp kem bên trong nhưng mình nên cẩn thận, đừng để nó che lấp hương vị thật sự của cái bánh. Mà cũng phải ăn cái bánh để biết nó thật sự ngon hay dở, chứ không phải trang trí cái bánh với bông hoa màu mè rườm rà rồi chụp hình để khoe với bạn bè.
Xin chia sẻ vài ý tưởng vụn vặt cho vui vào buổi tối Thứ Bảy.
*
Bàn thêm cho vui:
Bây giờ mình già rồi, cứ mỗi sáu tháng là đến gặp bác sĩ gia đình để kiểm tra sức khỏe. Bà bác sĩ rất chu đáo. Trước ngày đến khám là nhân viên phòng mạch gửi giấy đến nhà để nhắc mình đi thử nước tiếu và thử máu. Kết quả cũng khả quan, nhưng lúc nào bác sĩ cũng nhắc nhở phải cẩn thận trong ăn uống, đừng để lượng đường và lượng mỡ gia tăng trong máu. Vì thế, bây giờ mỗi khi ăn bánh, tôi thường gạt bỏ lớp kem đường, hoặc chỉ chừa lại chút ít cho có hương vị.
Việc đọc kinh sách cũng thế. Bây giờ, tôi có khuynh hướng đọc kinh nhiều hơn, các bản dịch tiếng Việt và tiếng Anh. Nếu có đọc thêm sách, tôi không đọc các sách biên tập từ các bài thuyết giảng ngẫu hứng. Tôi thường đọc những sách biên soạn nghiêm túc, có trích dẫn kinh điển rõ ràng và chính xác, để tôi có thể tìm đọc đối chiếu, tìm hiểu thêm về các đoạn kinh đó.
Còn người khác như thế nào thì tôi không dám lạm bàn. Mỗi người có hoàn cảnh, nghiệp duyên khác nhau. Sự tu học và đọc kinh sách của mỗi cá nhân cũng linh động uyển chuyển thay đổi theo thời gian. Không ai giống ai.
Bình Anson
Perth, 30/06/2018
*---*
No comments:
Post a Comment