NAM CƯ SĨ (AN 1:248-257)
1. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ của Ta, này các tỳ-khưu, đã quy y đầu tiên, tối thắng là thương gia Tapassu và Bhallika.
2. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ ... bố thí, tối thắng là gia chủ Sudatta Anāthapiṇdika.
3. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ ... thuyết pháp, tối thắng là Citta ở Macchikāsaṇdika.
4. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ ... nhiếp phục một hội chúng nhờ bốn nhiếp pháp, tối thắng là Hatthaka ở Āḷavī.
5. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ ... bố thí các món ăn thượng vị, tối thắng là Mahānāma Sākya.
6. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ ... bố thí các món đồ khả ý, tối thắng là gia chủ Ugga ở Vesālī.
7. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ ... hộ trì Tăng chúng, tối thắng là Uggata ở Hatthigāma.
8. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ ... có lòng tịnh tín bất động, tối thắng là Sūra Ambaṭṭha.
9. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ ... được dân chúng kính mến, tối thắng là Jīvaka Komārabhacca.
10. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ … nói chuyện một cách thân mật, tối thắng là gia chủ Nakulapitā.
*-----*
Yasa Thera — Nam cư sĩ đắc A-la-hán đầu tiên
Ông sinh ra trong gia đình đại gia rất giàu có ở Benares (Ba-na-lại) và lớn lên trong nhung lụa, ở trong ba cung theo mùa và có đủ thứ vui chơi. Đêm nọ, do nhân duyên quá khứ thúc đẩy, ông thấy cảnh bất tịnh của những hầu cận, chán nản, ông bỏ nhà ra đi về hướng Isipatana (vườn nai), vừa đi vừa than: “Ôi thật đau khổ, thật hiểm nguy!” Thấy ông, Đức Phật gọi: “Này Yasa, lại đây. Ở đây không có đau khổ, không có hiểm nguy.” Hoan hỷ, ông đến, cởi giày và ngồi xuống bên Đức Phật.
Đức Phật tuần tự thuyết về bố thí, về giới cấm, về cõi trời, về sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, về sự lợi ích của việc xuất ly, và về Bốn Sự Thật cao quý. Sau khi Ngài giảng xong, Yasa đắc Pháp (đắc quả Dự lưu). Cha của ông Yasa đi tìm con và đến gặp Đức Phật. Ngài dùng thần thông biến Yasa thành vô hình (Vsm.393) rồi thuyết pháp cho ông nghe. Sau bài pháp, ông xin quy y theo Phật. Như thế, ông là vị nam cư sĩ đầu tiên quy y Tam Bảo (tevācika upāsaka, ưu-bà-tắc Tam Bảo). Cùng lúc ấy, sau khi nghe bài pháp đó, Yasa đắc quả A-la-hán. Như thế, có thể xem như Yasa là vị cư sĩ đầu tiên đắc A-la-hán. Lúc Đức Phật thu pháp thần thông, cho Yasa gặp cha, cha ông yêu cầu con trở về với mẹ đang đau khổ vì xa con. Đức Phật bảo thế tục không còn hấp lực đối với Yasa nữa và cho phép ông gia nhập Tăng đoàn. Lúc đó, thế gian có bảy vị A-la-hán – Đức Phật, năm anh em Kiều-trần-như (Kondañña) và Yasa.
Hôm sau, Đức Phật và Yasa được cha ông thỉnh về nhà thọ trai. Sau khi ăn, Ngài thuyết pháp cho mẹ ông cùng tất cả các thành viên trong gia đình. Sau đó, mọi người đều xin trở thành đệ tử của Phật. Đó là những nữ cư sĩ đầu tiên xin quy y Tam Bảo (tevācikā upāsikā, ưu-bà-di Tam Bảo).
Nghe Yasa xuất gia, nhiều người bạn thân, các ông Vimala, Subāhu, Puṇṇaji, và Gavampati—theo ông gia nhập Tăng đoàn; về sau tất cả đều trở thành A-la-hán. Sau đó, có thêm 50 thân hữu nữa cũng theo ông xuất gia và đắc quả thánh (Vin.i.15-20; DhA.i.72). Như thế, vào lúc đó trên thế gian có sáu mươi mốt vị A-la-hán.
Vào thời Phật Sumedha, Yasa làm Xà vương Nāga có thỉnh Phật và chư tỳ-khưu về cung để thọ trai và cúng dường y. Vào thời Phật Siddhatta, ông làm một đại gia có cúng dường đến cây Bồ-đề bảy loại châu báu. Vào thời Phật Kassapa, ông là một tỳ-khưu. Ông đã từng làm vua trời trong 18 ngàn kiếp và làm vua ở cõi người một ngàn lần. Đi đến đâu, ông cũng được che bằng lọng vàng và giàn hoả trà tỳ ông được che bằng mái vàng (ThagA.i.232f). Ông được xem là Trưởng lão Sabbadyaka ghi trong Apadāna (Ap.i.333f). Trong Theragāthā có kệ của ông (vs. 117).
Yasa thường được dẫn như một người có đời sống cực kỳ xa hoa (AA.ii.596).
Chú giải Dhammapada (DhA.i.82f) nói rằng trong nhiều tiền kiếp, Yasa đi đó đi đây cùng với bốn bạn để làm các thiện sự. Một hôm họ gặp và đưa xác một nữ nhân mang thai đến chỗ hoả thiêu. Tại đó, mọi người đều bỏ đi, chỉ còn một mình ông ở lại để hoàn tất. Khi hỏa thiêu xác chết, ông phát tâm tư gờm tởm thân thể con người. Sau đó, ông chia sẻ tâm tư nầy đến bạn bè, cha mẹ và các người vợ. Họ đều tán đồng những gì ông chia sẻ. Vì lý do đó, ông cảm thấy chán nản đời sống gia đình, và cùng với những người bạn và thân quyến trong gia đình có khả năng thông hiểu Phật Pháp ngay trong giai đoạn đầu tiên của công cuộc hoằng pháp của Đức Phật.
Về sau nầy, lễ truyền giới cho Yasa được ghi khắc trên phù điêu trong Đại Tháp ở Anurādhapura do vua Dutthagāmani tạo dựng ở Tích Lan (Mhv.xxx.79).
Theo Chú giải Tăng chi (AA.i.218f), Sujātā Senānīdhītā (người dâng bát cháo sữa đến Đức Phật) là mẹ của Yasa. Bà đắc quả Dự lưu sau khi nghe Phật thuyết pháp.
*-----*
(1a) Tapassu, Tapussa — Nam cư sĩ quy y đầu tiên
Thương gia ở Ukkalā. Trên đường đến Rājagaha, ông và bạn là Bhalluka (Bhalliya) thấy Đức Phật dưới cội cây Rājāyatana. Bấy giờ Ngài vừa đắc quả Chánh Đẳng Giác được tám tuần. Được dẫn dắt bởi một vị trời, hai ông cúng dường Đức Phật cốm gạo và mật ong trong bình bát do Tứ Thiên Vương cung cấp. Hai ông trở thành hai vị cư sĩ đầu tiên của Phật; lời Quy y bấy giờ của hai ông không có “quy y Tăng” – quy y Nhị Bảo (Vin.i.3f; A.i.26; UdA.54; J.i.80).
Theo Chú giải Theragāthā (i.48f), Tapassu và Bhalluka là hai anh em, con của người trưởng đoàn xe tải ở Pokkharavatī. Về sau hai ông viếng Đức Phật tại Rājagaha (Vương xá) và được Ngài thuyết pháp; Tapassu đắc quả Dự lưu, trong khi Bhalluka xin gia nhập Tăng đoàn và đắc quả A-la-hán.
Vào thời Đức Phật Sikhī (Thi-khí), hai ông là đạo sĩ bà-la-môn ở Arunavatī. Nghe nói có hai trưởng đoàn xe tải, Ujita và Ojita, cúng dường bữa cơm đầu tiên đến Phật, hai ông ước nguyện được làm như vậy đối với vị Phật tương lai. Vào thời Phật Kassapa đã từng cúng dường chư tỳ-khưu cơm sữa trong nhiều năm (ThagA.i.48f.; AA.i.207f.; Vin.i.3f.; J.i.80. Mhv.iii.303f).
Chú giải Tăng chi (AA.i.207f) nói rằng vị trời dẫn hai ông đến cúng dường Đức Phật là mẹ của hai ông trong kiếp trước. Để đáp lại sự đảnh lễ của hai ông, Đức Phật tặng tám nhúm tóc mà Ngài vuốt lấy trên đầu. Hai ông đem tóc về tôn trí trong đền thờ ở thành phố Asitañjana, sinh quán của hai ông. Đền thờ phát ra ánh sáng xanh lơ vào mỗi ngày trai giới.
Ông Tapassu được mệnh danh là một dvevācika-upsaka – ưu-bà-tắc Nhị Bảo (AA.ii.696) và được liệt kê trong danh sách của các đại đệ tử cư sĩ của Đức Phật (A.iii.450; Dvy. 393; Mtu. iii. 303).
(1b) Bhallika, Bhalliya, Bhalluka — Nam cư sĩ quy y đầu tiên
Em trai của ông Tapassu và là con của ông trưởng đoàn xe tải ở Pokkaravatī trong tỉnh Ukkalā (AA.i.207 ghi quê của hai ông là Asitañjana). Lần nọ, đoàn xe 500 chiếc của Tapassu và Ballika bỗng nhiên dừng lại gần cội cây Rājyatana nơi Đức Phật đang ngồi, tám tuần lễ sau khi Thành Đạo. Khi đi tìm nguyên do, hai ông được một vị trời, là người thân của hai ông trong tiền kiếp (mẹ của hai ông theo AA.i.207) báo cho biết sự hiện diện của Đức Phật và khuyên các ông đến cúng dường vì bảy tuần lễ qua từ lúc giác ngộ Ngài không có trai thực. Không đợi nấu nướng, hai ông bỏ mật và bơ vào bát do Tứ Đại Thiên Vương cung cấp và đến dâng cho Phật. Sau khi thọ trai, Ngài trò chuyện với hai ông. Hai ông xin quy y Phật và Pháp (quy y Nhị Bảo, Dvevācika-sarana) và trở thành hai vị đệ tử cư sĩ đầu tiên của Ngài (A.i.26) và được Ngài trao cho ít tóc để đem về lễ bái. Lúc Đức Phật đến Rājagaha (Vương Xá) sau khi thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân, hai ông có đến viếng và nghe Ngài thuyết pháp. Liền sau đó, ông Tapassu đắc quả Dự lưu, còn ông Bhallika gia nhập Tăng đoàn và đắc quả A-la-hán.
Trong một tiền kiếp, ông Bhallika có dâng trái cây đến Phật Độc giác Sumana. Vào thời Đức Phật Sikhī (Thi-khí), ông là một đạo sĩ bà-la-môn ở Arunavatī. Nghe nói có hai ông Ujita và Ojita cúng dường bữa cơm đầu tiên đến Phật, ông và ông Tapassu thỉnh mời Phật đế thọ trai tại nhà và ước nguyện được cúng dường bữa cơm đầu tiên đến với vị Phật tương lai. Vào thời Phật Kassapa (Ca-diếp), hai ông đã từng cúng dường cơm sữa đến Phật và chư tỳ-khưu trong nhiều năm.
Trong Theragātha (vs. 5) có vần kệ của Trưởng lão Bhallika nói rằng ông không sợ hãi lúc Māra hiện hình kinh hoàng đến dọa.
Truyền thuyết (AA.i.208) ghi rằng tóc (tám nắm tay) của Đức Phật tặng Bhallika và Tapassu được tôn trí trong tháp thờ ở Asitañjana, sinh quán của hai ông, và rằng tháp chiếu hào quang xanh lơ vào những ngày trai giới.
Có truyền thống ở Tích Lan (ghi trong Pūjāvaliya) cho rằng hai ông Tapassu và Bhallika có viếng bờ biển phía đông của đảo quốc và đã xây một tịnh xá ở đó. Có một bia ký ghi nhận chuyện này.
*-----*
(2) Sudatta Anāthapiṇḍika (Tu-đạt Cấp Cô Độc) – Nam cư sĩ bố thí tối thắng
Đại gia ở Sāvatthi (Xá-vệ), nổi tiếng do lòng cúng dường rất rộng rãi. Ông gặp Đức Phật lần đầu tiên ở Rājagaha (Vương Xá), một năm sau ngày Thành Đạo (Vin.ii.154ff; SA.i.240ff, vv.). Ông đến Rājagaha vì công việc làm ăn.
Anh vợ ông cũng là một đại gia ở Rājagaha. Lúc đến nhà thăm anh, ông ngạc nhin thấy anh sửa soạn thức ăn cúng dường Đức Phật và chư Tăng; bữa cơm linh đình đến nỗi ông tưởng chừng như anh ông có tiệc cưới hoặc để chiêu đãi nhà vua. Khi biết ra lý do, ông rất mong được yết kiến Đức Phật, và sáng sớm hôm sau ông được gặp Ngài (Vin.ii.155-6). Vì quá nôn nao với cuộc diện kiến, đêm trước đó ông thức giấc ba lần. Sáng sớm hôm sau ông lên đường đến Sītavana, một khu rừng gần thành Vương Xá, nơi Phật đang lưu trú. Trời còn tối nhưng ông vẫn đi được nhờ có Sīvaka, một dạ-xoa tốt bụng đưa đường với nhiều lời khuyến khích. Hơn nữa, lòng mộ đạo thành khẩn của ông đã làm bóng đêm tan biến.
Lúc đến nơi, Anāthapiṇḍika thấy Đức Phật đang đi thiền kinh hành tới lui trong không khí dịu mát của ban mai. Đức Phật gọi ông đến và Ngài tuần tự thuyết về bố thí, về giới cấm, về cõi trời, về sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, về sự lợi ích của việc xuất ly, và về Bốn Sự Thật cao quý. Sau khi nghe xong, Anāthapiṇḍika liền ngộ đạo và đắc quả Dự lưu. Ông mời thỉnh mời Ngài đến thọ trai ngày hôm sau và ông tự tay dâng mọi vật thực, dù rằng người anh đại gia, ông Thị trưởng thành phố Rājagaha và vua Bình-sa đều muốn được đóng góp. Sau buổi trai thực mà ông tự tay cúng dường, ông thỉnh mời Đức Phật đến ngụ Sāvatthi trong mùa mưa sắp tới. Ngài nhận lời và nói rằng: “Các bậc Như Lai đều vui thú với sự cô độc.” “Thưa Thế Tôn, con hiểu, con hiểu,” ông thưa với Đức Phật.
Lúc xong công việc ở Rājagaha, Anāthapiṇḍika trở về Sāvatthi. Ra về, ông dặn dò bạn bè và người thân chuẩn bị chỗ ở, công viên, nhà nghỉ, vật thực dọc theo đường về Sāvatthi để đón rước Phật. Biết ý Phật khi Ngài chấp nhận lời mời, Anāthapiṇḍika tìm một nơi tĩnh mịch gần Sāvatthi, chỗ mà Đức Phật và chư tăng có thể nghỉ lại, và thấy vườn Jetakumāra thích hợp nhất. Ông mua vườn nầy với giá rất đắt và xây tinh xá Jetavanārāma nổi tiếng ở đó. Vì việc làm nầy và nhiều thiện sự cúng dường khác dành cho Phật sự, ông Anāthapiṇḍika được ngợi khen là người nam cư sĩ tối thượng về bố thí (A.i.25).
Gia chủ Anāthapiṇḍika có tên riêng là Sudatta, nhưng luôn luôn được mọi người gọi là Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc, người cứu giúp kẻ bần cùng, AA.i.208; MA.i.50) vì tính hào phóng của ông; nhưng ông rất hoan hỷ khi Đức Phật gọi tên riêng của ông (Vin.ii.156). Ông trả 18 crores (180 triệu đồng vàng) để mua Jetavana, một số tiền tương tự để xây tịnh xá, và 180 triệu nữa để làm lễ cúng dường. Mỗi ngày, ông cúng dường thức ăn đến ăn 100 tỳ-khưu tại nhà, cộng thêm khách, dân làng, người tàn tật, vv. Năm trăm chỗ ngồi lúc nào cũng được dành sẵn cho khách vãng lai (AA.i.208-9).
Cha của Anāthapiṇḍika là đại gia Sumana. Ông có em trai tên là Subhūti. Phu nhân của Anāthapiṇḍika là bà Puññalakkhanā (J.ii.410; J.iii.435). Ông bà có một con trai là Kāla và ba con gái, Mahā-Subhaddā, Cūla-Subhaddā và Sumanā. Con dâu của ông có tên là Sujātā, con gái của Dhanañjaya và là em gái út của bà Visākhā. Cô con dâu nầy rất kiêu ngạo và đối xử tệ với kẻ ăn người ở (J.ii.347). Về sau, cô được Đức Phật giáo hóa và trở nên người tử tế (A.iv.91f.; J.ii.347f, J.269).
Dù được cha khuyến khích, con trai ông, Kāla, không mấy mộ đạo. Chàng được cha hứa cho một ngàn đồng vàng nếu chịu đi nghe Đức Phật nói pháp và học thuộc một câu kinh. Chàng đến nghe Phật thuyết nhưng không thể nhớ thuộc câu nào cho đến khi bài kinh chấm dứt (theo ý muốn của Phật). Sau đó, chàng đắc Sơ quả và đi theo Ngài cùng một số tỳ-khưu về nhà của cha. Tại đây, chàng được mọi người trong gia đình thưởng tiền nhưng chàng bây giờ từ chối không nhận. Phật giảng lý do tại sao như thế (DhA. iii. 189 ff).
Ba người con gái lại rất sùng đạo và luôn luôn giúp cha trong việc hộ độ chư tăng. Hai người con đầu đắc quả Dự lưu, lập gia đình và ở bên chồng. Còn Sumanā đắc quả Nhất lai và sống độc thân. Sau khi chết, bà tái sinh vào cõi trời Đâu-suất (Tusita) (DhA.i.128f).
Chuyện tiền thân Bhadraghaṭa (J.ii.431) có nói đến người cháu của ông Anāthapiṇḍika hoang phí gia tài thừa hưởng giá trị 400 triệu đồng vàng. Được chú cho lần đầu 1000 đồng vàng và lần sau 500 để đi buôn, nhưng người cháu nầy tiêu pha hết. Anāthapiṇḍika còn cho hai bộ quần áo nữa. Hết tiền anh xin thêm nhưng bị chú đuổi ra ra khỏi nhà. Người ta thấy anh nằm chết dọc bên tường rào.
Sách còn kể chuyện tỳ nữ Puṇṇā, một nô lệ trong nhà của Anāthapiṇḍika. Một lần nọ, Đức Phật dự định rời Jetavana đi du hành phương xa. Anāthapiṇḍika và nhiều thí chủ khác xin Đức Phật nán ở lại thêm một thời gian nữa nhưng Đức Phật từ chối. Thấy chủ có vẻ buồn rầu, nàng Puṇṇā đến gặp Đức Phật và bạch với Ngài rằng nàng sẽ xin quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ Giới nếu Ngài bằng lòng hoãn lại chuyến đi. Đức Phật chấp thuận. Nhờ đó, Anāthapiṇḍika nhận nàng làm con nuôi (MA.i.347-8). Về sau, nàng xin xuất gia và đắc quả A-la-hán (Therigāthā, vs.3).
Vì sự quảng đại vị tha, ông Anāthapiṇḍika nghèo dần. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục bố thí dù chỉ có trong tay những hạt thức ăn cho chim hay cho hẩm. Một đêm vị nữ thần tài lộc canh cổng nhà ông xuất hiện báo cho ông biết gia tài ông đã cạn kiệt. Nữ thần còn cho biết mỗi lần Đức Phật hay chư Tăng đến nhà, bà phải rời nơi trú ngụ trên cổng, tạo nhiều bất tiện cho bà và bà trở nên ganh tị. Anāthapiṇḍika không quan tâm đến những điều đó và nói bà nên rời khỏi nhà ông. Nữ thần ra đi với với các con, nhưng không dễ tìm nơi tạm trú nên phải đến hỏi ý nhiều vị trời khác kể cả vua trời Sakka (Đế-thích). Vua Sakka khuyên bà nên tìm cách lấy lại cho Anāthapiṇḍika 180 triệu đồng tiền vàng từ những người còn mắc nợ ông, 180 triệu đồng vàng khác bị giông bão cuốn trôi và hiện nằm dưới đáy biển, luôn cả 180 triệu đồng vàng không có chủ. Bà làm thành công, đến xin sám hối với Đức Phật và được nhận trở lại nhà ông (DhA.iii.10 ff.; J.i.227 ff.).
Vào ngày bố-tát (uposatha), cả nhà ông đều giữ bát quan trai giới rất cẩn thận (J.iii.257). Mỗi ngày Anāthapiṇḍika đều đến viếng Đức Phật hai lần, có lúc đi với nhiều người bạn (J.i.95ff.). Lần nào ông cũng đem theo vật thực cúng dường đến các tỳ-khưu trẻ. Ông không bao giờ hỏi Đức Phật điều gì, sợ làm bận rộn Ngài. Ông cũng không muốn Ngài phải nói pháp cho ông nghe để đổi lại sự hào phóng của ông (DhA.i.3). Tuy nhiên Đức Phật tự động nói pháp nhiều lần cho ông. Các bài pháp này, được ghi trong Tăng chi bộ:
- về sự quan trọng có tâm được gìn giữ chu đáo như mái nhà được bảo vệ cẩn thận (A.i.261f);
- về những lợi lạc mà người nhận thức ăn có được (đời sống, sắc đẹp, hạnh phúc, sức lực);
- về bốn bổn phận tạo nên nhiệm vụ của một cư sĩ mộ đạo (gihisāmikiccāni - cúng dường y, thực phẩm, thuốc men, chỗ ở) (S.v.387);
- về bốn điều kiện thành công rất khó đạt (tài sản tạo ra bằng cách chân chánh, lời nói thiện, sống lâu, tái sinh trong hạnh phúc);
- về bốn loại hạnh phúc mà cư sĩ muốn tìm (làm chủ, tài sản, không nợ, không bị chỉ trích)( A.ii.64ff).
- về năm hình thức hoan hỷ do có được tài sản bằng cách chân chính (hoan hỷ cho mình cũng như người thân và bạn mình, có sẵn lúc cần, có khả năng trả thuế và cúng dường cho tôn giáo của mình, cúng dường để được tái sinh hạnh phúc)( A.iii.45-6);
- năm thứ mong cầu khó thành đạt (sống lâu, sắc đẹp, hạnh phúc, tiếng tăm, điều kiện tốt để tái sinh) (A.iii.47-8);
- năm hành động tội lỗi biến người thành bất thiện (phạm ngũ giới) (A.iii.204);
- không nên chỉ thỏa mãn vì có cúng dường đến chư Tăng, thỉnh thoảng cư sĩ phải tập sống hoan hỷ độc cư viễn ly để được thêm năm sự lợi ích trong thời gian ấy: Khổ và ưu liên hệ đến dục, lạc và hỷ liên hệ đến dục, khổ và ưu liên hệ đến bất thiện, lạc và hỷ liên hệ đến bất thiện, khổ và ưu liên hệ đến thiện (một cảnh cáo nhẹ nhàng dành cho Anāthapiṇḍika) (A.iii.206-7).
Phật thuyết kinh Velāma Sutta để động viên Anāthapiṇḍika lúc ông nghĩ không còn cơ hội cúng dường vật thực quý giá đế chư tỳ-khưu vì đang bị lâm vào cảnh sa sút (A.iv.392ff). Phật dạy điều quan trọng là ở tâm trong, cẩn thận khi bố thí cúng dường. Và bố thí cao thượng nhất là biết giữ giới.
Một dịp khác, Phật kể cho ông nghe sở dĩ bậc Dự lưu có hạnh phúc vì vị ấy không còn sợ hãi nữa: sợ bị sa địa ngục, sống với thú, trong cảnh ngạ quỷ, hay trong những cõi bất hạnh khác; vị ấy chắc chắn sẽ đạt thành chánh quả (A.iv.405f, S.v.387f).
Trong kinh khác, Phật nói với Anāthapiṇḍika rằng không phải phú gia nào cũng biết vui thú một cách chính đáng và hữu ích (A.v.177ff).
Có ít nhất một kinh trả lời Anāthapiṇḍika hỏi về quà biếu và người đáng nhận quà (A.i.62-3). Cũng được biết rằng ông có thỉnh ý Phật về đám cưới của con gái ông là Cūla Subhaddā (DhA.iii.466).
Anāthapiṇḍika qua đời trước Đức Phật. Lúc bị bệnh nặng, ông có cho người đi mời ngài Xá-lợi-phất đến (có lẽ ông không muốn làm bận lòng Phật). Ngài Xá-lợi-phất đến với ngài Ānanda và nói kinh Anthapiṇḍikovda Sutta (M.iii.258f.; S.v.380-7). Ông không còn đau đớn khi ông chú tâm vào đời sống phạm hạnh và những hành động mộ đạo của ông. Sau đó, ông dâng thức ăn đến hai vị Trưởng lão và sau đó ông tắt thở, tái sinh lên cõi trời Đâu-suất. Cùng đêm hôm ấy, ông đến viếng Phật ở Jetavana và nói lời ca tụng Jetavana và ngài Xá-lợi-phất đang trú tại đó, khuyến cáo những người khác nên thực hành theo lời dạy của Phật. Trên thiên giới, ông có tuổi thọ lâu dài như bà Visākhā và vua trời Sakka (DA.iii.740).
Một số sự việc liên quan đến Anāthapiṇḍika được ghi lại trong nhiều chuyện Tiền thân (kinh Bổn sinh) khác nhau. Có lần ông được nhờ điều tra trường hợp của một tỳ-khưu-ni mang thai (J.i.148). Một lần nọ Phật du hành khỏi Jetavana, Anāthapiṇḍika rất buồn vì không còn ai để ông kính vấn an; theo lời đề nghị của Phật, một nhánh của cây Bồ-đề được trồng trước cửa Jetavana (J.iv.229) mà theo truyền thuyết vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Một lần khác, có một bà-la-môn nghe nói đến vận may của Anāthapiṇḍika bèn xin đến gặp để học tìm. Ông ta tìm thấy trên mồng con gà trống trắng của Anāthapiṇḍika. Ông ta xin con gà và Anāthapiṇḍika không ngần ngại biếu ngay. Nhưng cái vận may ấy chợt bay đi khắp nơi, đến đậu trên gối, rồi trên nữ trang, trên cây gậy và sau cùng trên đầu của bà Anāthapiṇḍika. Ước muốn của vị bà-la-môn không được như ý (J.ii.410f).
Anāthapiṇḍika bị người khác toan tính làm hại hai lần. Một lần ông bị dụ uống thứ rượu pha chế. Thoạt tiên ông kinh ngạc về thái độ xấc láo của bọn bất lương, nhưng sau đó ông tìm cách giáo huấn, làm họ sợ và trốn biệt (J.i.268). Lần thứ nhì bọn cướp phục kích ông trên đường về; nhờ nhanh chân ông thoát nạn (J.ii.413).
Mỗi lần đến viếng Đức Phật, Anāthapiṇḍika luôn luôn thuật lại những gì ông nghe thấy và Phật kể những điều tương tự xảy ra trong quá khứ. Các chuyện Tiền thân do Đức Phật thuyết liên quan đến những chuyện đó gồm có: Tiền thân Apaṇṇaka, Khadiraṅgāra, Rohiṇī, Vāruṇī, Puṇṇapāti, Kālakaṇṇi, Akataññū, Verī, Kusaṇāli, Siri, Bhadraghaṭa, Visayha, Hiri, Sirikālakaṇṇī, và Sulasā (xem các chuyện tương ứng trong bộ Jātaka).
Anāthapiṇḍika không những là một thương gia lanh lợi mà còn là một nhà hùng biện nhiệt tình. Tăng chi bộ (A.v.185-9) có ghi câu chuyện ông đến thăm những du sĩ ngoại đạo. Rồi một cuộc tranh luận xảy ra liên quan đến quan điểm của họ và giáo pháp của Phật do ông trình bày. Ông thuyết về vạn pháp do duyên sinh, về ba đặc tướng vô thường, khổ, vô ngã làm các du sĩ phải lặng thinh. Khi Đức Phật nghe ông kể lại, Ngài khen ngợi tài tranh luận của ông.
Thời Đức Phật Padumattara, Anāthapiṇḍika là một gia chủ ở Haṃsavatī. Một hôm ông nghe Phật nói đến một đệ tử cư sĩ được xem là người cúng dường hỗ trợ bậc nhất của Ngài. Ông bèn phát tâm ước nguyện sẽ là người cúng dường bậc nhất vào một kiếp sau, và đã thực hiện rất nhiều thiện sự cúng dường trong kiếp đó. Mong ước của ông thành tựu như ý trong kiếp hiện tại. Anāthapiṇḍika đôi khi được gọi là Mahā Anāthapiṇḍika (Đại Cấp Cô Độc) để phân biệt với Cūla Anāthapiṇḍika (Tiểu Cấp Cô Độc).
GHI CHÚ:
Anāthapiṇḍika Vagga — Phẩm Cấp Cô Độc (Chương 2) trong Tương ưng Thiên Tử (Devaputta Saṃyutta), Tương ưng bộ. Ghi một số kệ do chư thiên bạch Phật trong nhiều dịp khác nhau; vị trời sau cùng là Anāthapiṇḍika (tái sinh trong cõi trời (S.i.51 ff.)
Anthapiṇḍikovāda Sutta — Do ngài Sāriputta nói cho Anāthapiṇḍika nghe lúc ông hấp hối. Đó là lời động viên ông không nên bám víu vào các pháp thế gian. Sau khi nghe kinh ông khóc lớn vì chưa bao giờ ông được nghe bài thuyết giáo như vậy. Ngay sau đó ông tắt hơi, tái sinh làm vị trời, và đến viếng Phật ở Jetavana (M.iii. 258-263).
Trong kinh, ngài Sāriputta nói rằng thuyết giáo như vậy không thể thuyết cho hàng cư sĩ áo trắng mà chỉ dành cho các tỳ-khưu được được thọ giới nghiêm túc (M.iii. 261). Nhiều người cho rằng lời nói nầy cho thấy học thuyết bí truyền của Đạo Phật. Anāthapiṇḍika yêu cầu những bài kinh như thế nên được nói cho giới cư sĩ nghe vì nhiều người có mắt sáng nhưng bị che mờ.
Anāthapiṇḍika Sutta — Giống như Anthapiṇḍikovda Sutta (như trên), nhưng phần lớn kinh nầy dùng lời an ủi, dũng cảm và khuyến khích do Tôn giả Sāriputta nói cho Anāthapiṇḍika nghe; được biết sau khi nghe kinh ông hết đau đớn. Không thấy đề cập đến lời khuyên không nên bám vào những pháp thế gian hay đến cái chết của Anāthapiṇḍika ngay sau đó. Nhưng có nói đến việc Anāthapiṇḍika mời hai Trưởng lão Ānanda và Sāriputta thọ trai từ thức ăn trong nồi của ông. Hai trưởng lão ra đi sau khi thọ trai xong và cám ơn ông. Ngài Ānanda trình cuộc viếng thăm và giáo giới đến Phật, Ngài tán thán trí tuệ của ngài Sāriputta (S. v. 380-5).
Anāthapiṇḍika Sutta (2) — Giống kinh trên, nhưng ngài Ānanda được xem như người khuyên bảo ông nếu có lòng tin nơi Phật, Pháp, Tăng và có giới đức đầy đủ thì không bao giờ sợ chết và Anāthapiṇḍika nói rằng ông có đầy đủ lòng tin và không có phạm một giới học nào dành cho người tại gia (gihisāmīcakāni sikkhāpadāni) (S.v. 385-7).
Anāthapiṇḍika Sutta (3) — Ghi lại chuyến viếng thăm Đức Phật của Anāthapiṇḍika. Phật nói về thánh đệ tử làm cho tịnh chỉ năm căn sợ hãi, hận thù (pañca-bhayāni verāni, về ngũ giới), thành tựu bốn Dự lưu phần (sotāpattiyaṅgāni, lòng tin Phật, Pháp, Tăng, và giới đức) và thông đạt lý duyên sinh (S.v.387-9).
Anāthapiṇḍika-putta-Kāla Vatthu —Về cuộc nói chuyện của con ông Anāthapiṇḍika là Kāla (DhA. iii. 189-92).
*-----*
(3) Citta (Cittagahapati) — Nam cư sĩ thuyết pháp tối thắng
Gia chủ ở Macchikāsaṇḍa, nơi mà ông làm chủ ngân khố. Về sau ông được Phật tuyên bố là vị cư sĩ tối thắng về thuyết pháp (A. i. 26). Ngày ông sinh ra, toàn kinh thành được phủ hoa đến đầu gối; hoa có nhiều sắc nên ông được gọi như vậy.
Lúc Trưởng lão Mahānāma viếng Macchikāsaṇḍa, Citta hoan hỷ với oai nghi của ông nên mời ông về hoa viên Ambāṭakārāma của mình và xây cúng dường ngài một tịnh xá. Tại đây Trưởng lão thuyết cho ông nghe về phân biệt sáu xứ và ông đắc quả A-na-hàm. Từ đó nhiều tỳ-khưu đến viếng Ambāṭakārāma và được Citta tiếp đãi trọng hậu. Trong số quý vị đến đây có Isidatta, một bạn thân của Citta, nhưng vị Trưởng lão này ra đi sau khi tông tích mình bị lộ. Trưởng lão Mahānāma và Mahaka cũng ra đi vì lý do đó, sau khi thi triển thần thông theo lời yêu cầu của Citta. Tương ưng Citta (S. iv. 282 ff.) có đề cập đến các cuộc đàm thoại giữa Citta và nhiều vị trong Tăng đoàn, ví như tỳ-khưu Kāmabhū, Godatta và các vị đã dẫn trên. Được biết Citta còn có đàm thoại với Ni-kiền-tử Nātaputta và Acela Kassapa và từng bác bỏ giáo thuyết của quý vị Giáo trưởng ngoại đạo này.
Trong hoa viên Ambāṭakārāma có Trưởng lão Sudhamma trú thường xuyên và được Citta tận tình chăm sóc. Nhưng có lần nọ ông trách Citta vì Citta tiếp hai vị đại đệ tử (Sariputta và Moggalana) và các đại trưởng lão trước. Nghe vậy, Phật bảo Sudhamma phải đến xin lỗi Citta (Vin. ii. 15 ff.; DhA. ii. 74 f.).
Một thời gian sau, Citta đến yết kiến Phật; ông đi cùng đoàn tùy tùng gồm hai ngàn người và 500 xe đầy vật thực để cúng dường Phật và Tăng Đoàn. Lúc ông sụp lạy dưới chơn Phật, hoa ngủ sắc rơi từ không trung xuống, và Đức Thế Tôn giảng về phân biệt sáu xứ (Saḷāyatana-vibhatti, MN 137). Ông bố thí cúng dường chư Tăng trong suốt hai tuần và chư thiên tiếp tục làm đầy xe ông liên tục và đủ thứ quý giá (AA. i. 210).
Lúc Citta nằm trên giường bệnh trước giờ lâm chung, chư thiên đến viếng và khuyến khích ông ước làm Thiên vương, nhưng ông từ chối mong cầu điều vô thường. Rồi ông yêu cầu chư thiên quy tụ quanh ông để ông nói về Đức Thế Tôn và lời dạy của Ngài (S. iv. 302 f.). Ông được xem như là một cư sĩ lý tưởng (A. i. 88; ii. 164; iii. 451).
Citta sở hữu làng mang tên Migapattaka (SA. iii. 93).
Vào thời Phật Padumuttara, Citta từng ôm ấp mộng làm người cư sĩ tối thắng về giảng pháp. Vào thời Phật Kassapa ông làm thợ săn. Một hôm, thấy một tu sĩ trong thung lũng, ông hoan hỷ và lật đật về nhà soạn cơm để cúng dường cùng với bông hoa ông hái dọc đường. Sau khi cúng dường xong, ông ước nguyện không bao giờ thiếu thốn trong việc bố thí và được hoa rơi trên ông từ không trung. Trên cõi thiên ông hơn tất cả về dung sắc (AA. i. 209). Trong chuyện Tiền thân Bhisa (J. ii. 314) ông làm người nô lệ.
Dù không phải là bậc A-la-hán, Citta chứng đắc tuệ minh sát của bậc hữu học (sekha) (Vsm. 442).
*-----*
(4) Hatthaka — Nam cư sĩ tối thắng về tài nhiếp phục hội chúng
Được gọi là Āḷavaka. Cư sĩ tối thắng về nhiếp phục một hội chúng nhờ Bốn nhiếp pháp (catūhi vatthūhi parisaṃ saṅgaṅhantānaṃ)( A. i. 26). Ông là thái tử của vua trị vì xứ Āḷavī (nên được gọi là Āḷavaka) được Phật cứu khỏi bị Dạ xoa Āḷavaka ăn thịt. Ông được gọi là Hatthaka vì được một Dạ xoa giao cho Phật sau khi Dạ xoa được Ngài cảm hoá, và được Phật giao lại cho các sứ giả của triều đình. Ông được “giao từ tay này qua tay khác” (hatthato hatthaṃ gatattā)( AA. i. 212; SnA. i. 240).
Khi lớn lên, ông được Phật thuyết pháp cho nghe nhiều lần và đắc quả A-na-hàm (Bất lai). Ông luôn luôn có một hội chúng tùy tùng gồm 500 cư sĩ và là một trong bảy vị cư sĩ có hội chúng đông như vậy (SA. iii. 223). Ông được gặp Phật nhiều lần. Lần tại Gomagga trong rừng Siṃsapā gần Āḷavī, ông bạch hỏi Ngài có sống an lạc không? Ngài đáp rằng lúc nào Ngài cũng là một trong số những người sống an lạc trên đời (A. i. 136 f.). Lần khác Phật hỏi ông làm sao thu nhiếp được hội chúng lớn của ông? Ông bạch rằng ông thu nhiếp với bốn nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự) mà Ngài đã giảng. Sau khi Hatthaka ra về, Phật tán thán ông với chư tỳ-khưu rằng ông thành tựu được tám đức tính vi diệu: có lòng tin, giữ giới, có lòng xấu hổ, có lòng sợ hãi, nghe nhiều, có bố thí, có trí tuệ, thiểu dục (A. iv. 218 f.; tánh thiểu dục của ông còn được kể trong nhiều chỗ khác, như A. iv. 216).
Như gia chủ Citta-gahapati (hay Citta), thái tử Hatthaka thường được xem như một tấm gương cho nhiều người noi theo (S. ii. 235; A. i. 88; ii. 164; iii. 451).
Sau khi mạng chung, thái tử Hatthaka sanh lên cõi Avihā trong Tịnh cư thiên và từ đó không còn tái sinh nữa. Ông có lần xuống viếng Phật cố đứng thẳng nhưng cứ bị chìm xuống, không đứng thẳng được. Ngài khuyên ông hoá thành một tự thể thô xấu; ông đứng lên được. Ông bạch rằng ông luôn luôn bị bao vây bởi chư thiên muốn học Pháp, và rằng ông mạng chung trong lúc còn ba điều tiếc: không bao giờ vừa đủ được thấy Thế Tôn; không bao giờ vừa đủ được nghe diệu pháp; không bao giờ vừa đủ được phục vụ chúng Tăng (A. i. 278 f. ).
Trong Phật sử (Buddhavaṃsa, Bu. xxvi. 19), gia chủ Citta-gahapati và thái tử Hatthakāḷavaka được gọi là đại cư sĩ hộ trì (aggupaṭṭhākā) của Phật Gotama.
*-----*
(5) Mahānāma Sākya— Nam cư sĩ tối thắng về bố thí các món ăn thượng vị
Phó vương thuộc dòng tộc Sākya (Thích-ca), con của Amitodana (em trai vua Tịnh Phạn, Suddhodhana), anh của Anuruddha (A-nậu-lâu-đà, A-na-luật), bạn chú bác của Phật Thích-ca. Lúc các gia đình ở Kapilavatthu cử người theo Phật gia nhập Tăng đoàn, Mahānāma cho phép Anuruddha xuất gia (1) và cúng dường rất rộng rãi nên được tiếng là cư sĩ tối thắng về bố thí các món ăn thượng vị (A. i. 26.). Một thời, ông được phép Phật để cung cấp thuốc men cho Tăng đoàn ba lần liền, cứ bốn tháng một lần. Nhóm Lục sư (Chabbaggiyā) tìm cách nói ra nhưng ông không nản lòng (2). Là một Phật tử tín thọ nơi Phật và luôn luôn muốn học hỏi, ông thường yết kiến Phật cũng như chư vị Tôn giả Ānanda, Godha và Lomasavaṅgisa (Xem s.v. Mahānāma Sutta. Xem thêm s.v. Lomasavaṅgisa).
Lần nọ Phật du hành đến Kapilavatthu, ông tìm không ra chỗ thích hợp nên đề nghị Phật tạm trú tại am thất của Sa môn Bharaṇḍu Kālāma (S. v. 327 f.). Sáng hôm sau ông đến và có cuộc đàm thoại giữa ông, Bharaṇḍu và Phật; sau đó Bharaṇḍu ra đi không trở lại Kapilavatthu vì nghĩ mình đã nói lên điều Phật bác bỏ trước mặt họ Thích Mahānāma có thế lực lớn (Xem chi tiết trong s.v. Bharaṇḍu.). Lần khác Mahānāma đến viếng Phật đang tịnh dưỡng tại Nigrodhārāma và bạch hỏi định đến trước hay sau niệm. Để Phật nghỉ ngơi, thị giả Ānanda đưa ông ra ngoài giảng cho ông giáo pháp của Phật về vấn đề này (Xem Sakka Sutta, S. i. 219 f.).
Mahānāga có một ái nữ, Vāsābhakhattiyā, với nô tỳ Nāgamuṇḍā; ái nữ này được ông đề nghị gả cho Vua Pasenadi lúc nhà vua muốn kết thân với Kapilavatthu. Để đánh tan mọi nghi ngờ về hậu ý không tốt của ông (gả cho vua người thuộc hàng hạ liệt), ông ngồi cùng bàn và dùng cơm cùng đĩa với nàng. Cơm vô miệng nhưng chưa kịp nuốt, ông được sứ giả đến triệu đi; ông bảo con tiếp tục bữa cơm (DhA. i. 345 f.; J. i. 133; iv. 145 f.).
Xem Cūla-Dukkhakkhandha Sutta (Tiểu kinh Khổ uẩn, MN 14) và Kaṅkheyya Sutta (Kinh Nghi ngờ, SN 54.12) được thuyết vì ông.
Phát tâm muốn làm người tối thắng về bố thí thực phẩm thượng vị của ông phát khởi trong một tiền kiếp, lúc ông (làm gia chủ ở Haṃsavatī) nghe Phật Padumuttara (3) tán thán một cư sĩ của Ngài như vậy (AA. i. 213.).
Ông là một cư sĩ gương mẫu có lòng tịnh tín đối với Phật (A. iii. 451.).
Theo Chú giải tạng Luật (Sp. iv. 857), ông lớn hơn Phật một tháng tuổi và là bậc Sakadāgāmī (Nhất lai, Tư-đà-hàm).
GHI CHÚ:
(1) Vin. ii 180 f.DhA. i. 133; iv. 124, etc.; nhưng nguồn kinh điển Đại thừa (Rockhill, p. 13) nói rằng ông là con của Dronodana. Theo ThagA. ii. 123, Ānanda là em, hay em khác mẹ, của ông, bởi Chú giải ghi rằng cha của Ānanda là Amitodana. Nhưng MA. i. 289 nói rằng cha của ông là Sukkodana còn cha của Ānanda là Amitodana.
(2) Vin. iv. 101; AA (i. 213) thêm rằng đó là thời kỳ túng thiếu của Phật và chư tỳ kheo ở Verañja. Cuối năm, ông muốn tiếp tục cung cấp nhưng Phật không cho phép.
(3) Phật Padumuttara là vị phật thứ 13 trong số 28 vị Phật, được Phật sử ghi lại.
*-----*
(6) Ugga — Nam cư sĩ tối thắng về bố thí các món đồ khả ý
Gia chủ ở Vesāli được Phật tán thán là cư sĩ tối thắng vì ông bố thí các món đồ khả ý (manāpadāyakānaṃ, A. i. 26). Chú giải Tương ưng (SA. iii. 26) ghi sai là aggo panītadāyakānaṃ, đó là danh hiệu của ông Mahānāma.
Không ai biết tên thật của ông; ông được gọi là Ugga-seṭṭhi vì có thân cao lớn, là người cao thượng và có nhân cách. Lần đầu tiên yết kiến Phật, ông đắc Sơ quả và sau đó đắc quả Bất lai. Về già, một hôm ông chợt có ý tưởng sau, lúc ông độc cư: “Ta sẽ cúng dường Phật vật thực gì ta xem là khả ý với ta nhứt, và nghe nói rằng người cúng dường như vậy sẽ được sở nguyện. Ta ước ao Thế Tôn đến với ta ngay bây giờ.” Đọc được ý ông, Phật xuất hiện trước cửa nhà ông cùng với một số tỳ-khưu. Ông cung kính Phật và chư vị tỳ-khưu, cúng dường trai thực, và bạch rằng ông sẽ cúng dường Phật và chư tỳ-khưu bất kỳ vật thực gì khả ý (AA. i. 213-4.).
Lúc trú tại Kūṭāgārasālā (ngôi nhà có nóc nhọn) ở Vesāli, Phật nói với chư tỳ-khưu rằng Ugga thành tựu tám pháp kỳ diệu. (1)
Tương ưng bộ (S. iv. 109 f.) lập lại dưới đề mục Ugga ở Vesāli lần nói pháp của Phật về lý do tại sao một số loài hữu tình ngay trong hiện tại không được tịch tịnh, còn một số khác thì được? Đây có lẽ là do nơi người soạn ghép câu chuyện với Ugga nào đó.
Tăng chi bộ (A. iii. 59-51) có liệt kê những gì Ugga cho là khả ý; được biết ông cúng dường Phật các món khả ý này. Danh sách gồm có cớm gạo nắn hình bông sala, thịt heo con và vải Kāsi. Ngoài Phật, ông còn dâng cúng lên 500 tỳ-khưu nữa (AA. ii. 602). Kinh cũng có nói rằng Ugga chết sớm và tái sanh cộng trú với chư thiên Tịnh cư. Từ cõi thiên, ông đến yết kiến Phật và được biết ông sẽ đạt được sở nguyện (tức đắc quả A-la-hán).
Ugga được xếp trong danh sách gia chủ thành tựu sáu chi pháp kỳ diệu: tín tâm bất thối chuyển đối với Phật, Pháp, Tăng, phạm hạnh, trí tuệ, và giải thoát (A. iv. 451).
Ý định muốn làm gia chủ bố thí vật thực khả ý đến với ông lần đầu tiên vào thời Phật Padmuttara, lúc ông làm gia chủ ở Haṃsavatī; ông nghe Phật mô tả một cư sĩ của ông từng bố thí vật khả ý (AA. i. 213).
GHI CHÚ:
(1) Kinh Ugga (AN 8.21)
Tám pháp vi diệu mà ông Ugga đã thành tựu:
1) Lần đầu tiên chỉ từ xa thấy Thế Tôn thôi, tâm ông được tịnh tín. Thưa Tôn giả, đây là pháp vi diệu thứ nhất, được có ở nơi tôi.
2) Ông nghe Thế Tôn thuyết pháp thuận thứ: thuyết về bố thí, thuyết về giới, thuyết về cõi trời, nói đến sự nguy hại, hạ liệt, nhiễm ô của các dục, sự lợi ích của viễn ly, rồi tâm ông đã sẵn sàng, tâm đã nhu thuận, tâm không triền cái, tâm được phấn khởi, tâm được hoan hỷ, Thế Tôn thuyết về Tứ Thánh đế. Ông mở pháp nhãn, thấy được “phàm pháp gì được tập khởi, tất cả pháp ấy đều bị đoạn diệt”. Sau đó, ông quy y Tam bảo và thọ trì ngũ giới với giới thứ ba là giữ phạm hạnh (sống độc thân).
3) Ông có bốn vợ trẻ, nhưng ông cho phép họ được lập gia đình với người khác.
4) Ông có nhiều tài sản nhưng ông phân chia cho những người có giới và những người tốt lành.
5) Ông kính trọng và chu đáo hộ trì một tỳ-khưu.
6) Nếu vị tỳ-khưu ấy thuyết pháp cho ông, ông nghe rất cẩn thận. Nếu vị ấy không thuyết pháp cho ông, thì ông thuyết pháp cho vị ấy nghe.
7) Ông không bao giờ tự hào là được chư thiên đến viếng và trò chuyện.
8) Ông đã thấy rõ năm hạ phần kiết sử đã được đoạn tận nơi ông.
*-----*
(7) Uggata (Ugga ở Hattigāma) — Nam cư sĩ tối thắng về hộ trì Tăng chúng
Gia chủ ở Hattigāma(ka) trong xứ Vajji. Ông được Phật tán thán là gia chủ tối thắng về hộ trì Tăng chúng (saṇghupaṭṭhākānaṃ)(A. i. 26). Sau khi cha chết, ông được cử làm chủ ngân khố (seṭṭhi). Lần nọ, khi Phật du hành đến Hattigāma và trú trong Nāgavanuyyāna, Uggata đến yết kiến Ngài tại hoa viên; ông đi cùng nhiều vũ nữ sau một tiệc rượu kéo dài bảy ngày. Gặp Phật, Uggata rất đổi hỗ thẹn nên cơn say của ông tan mất. Phật nói pháp cho ông nghe, và sau đó ông đắc quả Bất lai. Từ đó, ông giải tán đám vũ nữ và bắt đầu lo hộ trì Tăng chúng. Đêm đến, chư thiên xuất hiện kể chuyện chứng đắc khác nhau của các tỳ-khưu, ngụ ý ông nên chọn tỳ-khưu phạm hạnh mà cúng dường. Nhưng ông cúng dường mọi tỳ-khưu với tâm hoan hỷ bình đẳng (AA. i. 214-5).
Có lần Phật nói Uggata thành tựu tám pháp kỳ diệu. Một tỳ-khưu nghe vậy đến hỏi ông về tám pháp ấy. Ugga nói rằng ông không biết gì về lời Phật dạy, rồi ông tiếp tục mô tả tám pháp ông chứng nghiệm: [1] Ngay sau khi gặp Phật, cơn say của ông biến mất. Ông theo Phật và được Phật thuyết nhiều pháp môn, như bố thí, trì giới, v.v. [2] Ông được Phật thuyết cho nghe Tứ Thánh Đế, khi Phật thấy ông đủ duyên; ông hiểu và chứng đắc. [3] Ông có bốn bà vợ trẻ đẹp mà ông cung cấp rất đầy đủ khi ông quyết định bước vào đời độc thân; đối với một bà muốn lập lại gia đình, ông tìm cho một tấm chồng mà tâm ông không mảy may hờn ghen. [4] Ông bố thí tài sản to lớn của ông cho người sống đời phạm hạnh. [5] Ông hộ trì rất đắc lực bất kỳ tỳ-khưu nào được ông hộ trì; ông tinh tấn nghe bất kỳ tỳ-khưu nào thuyết pháp; đối với tỳ-khưu không thuyết pháp, ông dạy cho pháp. [6] Chư thiên nói về các sự chứng đắc khác nhau của các tỳ-khưu, nhưng ông cúng dường mọi tỳ-khưu như nhau. [7] Ông không hãnh diện được hầu chuyện với chư thiên. [8] Ông không âu lo ngày mệnh chung, vì Phật có nói ông không còn tái sinh vào thế giới này nữa.
Vị tỳ-khưu bạch lại Phật câu chuyện Ugga nói với ông, và Phật nói rằng đó là tám pháp mà Phật có trong trí khi tán dương Ugga (A. iv. 212-6).
Tương ưng bộ (S. iv. 109 f) có ghi lại chuyến viếng thăm Phật của Uggata tại Hatthigāmaka. Ông bạch hỏi Phật tại sao ngay trong hiện tại có một số loài hữu tình được hoàn toàn tịch tịnh, còn một số khác thì không. Vì tham ái, Phật đáp.
Uggata từng làm gia chủ vào thời Phật Padumuttara. Có lần ông nghe Phật thuyết và nói đến một cư sĩ hộ trì Tăng Đoàn rất chu đáo, ông muốn được như vị cư sĩ đó và hành thiện để đạt mục đích
*-----*
(8) Sūra-Ambaṭṭha — Nam cư sĩ tối thắng về lòng tịnh tín bất động
Nam cư sĩ được Phật tán thán là tối thắng về có lòng tịnh tín bất động (aggaṃ aveccappasannānaṃ). Ông phát nguyện được sự tối thắng này từ thời Phật Padumuttara (A. i. 26; cf. iii. 451).
Vào thời Phật hiện tiền, ông sinh làm con của một gia đình chủ ngân khố ở Sāvatthi và đi tu theo ngoại đạo. Một hôm, thấy Sūra đủ duyên lành, Phật đến khất thực ở nhà ông. Ông thỉnh Ngài vào nhà, đặt Ngài ngồi trên một sàng toạ đầy đủ tiện nghi và mời Ngài thọ trai. Lúc Ngài nói lời tuỳ hỷ, ông đắc quả Dự lưu.
Sau khi Phật ra về không bao lâu, Māra (Ma vương) giả dạng Ngài đến để nói rằng Ngài muốn nói lại điều Ngài vừa nói trước đó. Trước đó, Ngài nói các hành là vô thường, v.v. nhưng suy nghĩ lại, bây giờ Ngài kết luận chỉ có một số, không phải tất cả, các hành là vô thường. Sūra nhận ra và đuổi Māra đi (AA. i. 215; cf. DA. iii. 864).
*-----*
(9) Jīvaka-Komārabhacca (Kỳ-vực) – Nam cư sĩ tối thắng được dân chúng kính mến
Đây là vị lương y tài danh. Ông là con của kỹ nữ Sālavatī ở Rājagaha (thành Vương Xá) (AA. (i. 216) ghi rằng Abhayarājakumāra là cha của bé). Ngay sau khi lọt lòng, bé bị bỏ rơi trong đống rác và được vương tử Abhaya cứu. Lúc Abhaya hỏi, người ta nói rằng “bé sống” (jīvati) nên bé được gọi là Jīvaka. Và vì được ông hoàng nuôi dưỡng (kumārena posāpito) nên bé có thêm tên Komārabhacca (có thể Komārabhacca mang ý nghĩa là bậc thầy về khoa Kaumārabhṛtya (nhi đồng); VT. ii. 174; trong Dvy (506-18) chàng được gọi là Kumārabhūta).
Lúc trưởng thành chàng theo bạn đi Takkasilā học mà Abbhaya không hay biết. Chàng học y trong bảy năm. Thân chủ đầu tiên của vị tân lương y là phu nhân của một chủ ngân khố ở Sāketa. Ông được trả công bằng 16 ngàn kahāpaṇa, một nam nô tỳ, một nữ nô tỳ và chiếc xe ngựa. Lúc trở về Rājagaha, ông được Abhaya cho nhà riêng để mở nơi trị bệnh. Ông trị bệnh lỗ rò (fistula) của Vua Bimbisāra (Bình-sa) và được Vua ban cho tất cả nữ trang của 500 cung phi của ông. Rồi ông được cử làm ngự y chữa trị cho Vua, cung phi, Phật, và chư tỳ-khưu trong Tăng đoàn. Ngoài ra ông còn giải phẫu cho chủ ngân khố ở Rājagaha, và trị bệnh đường ruột cho con chủ ngân khố ở Benares (Ba-na-lại) và được trả cho 16 ngàn kahāpaṇa.
Lúc Vua Candappajjota xứ Ujjeni lâm bệnh, Vua Bimbisāra gởi Jīvaka đến Ujjeni trị cho ông. Candappajjota ghét bơ sữa trâu lỏng nhưng đó lại là thuốc cần cho ông. Jīvaka bốc thuốc rồi dùng ngự tượng Bhaddavatikā ra đi trước khi nhà vua khám phá thuốc bơ sữa trâu lỏng. Nhà vua cho nô tỳ Kāka rượt bắt ông. Bấy giờ ông đang ăn sáng ở Kosambī, và Kāka không từ chối được lời mời nên ăn nửa bánh myrobalan (hạt Chiêu Liêu hay Kha Tử) và bị xổ nặng. Jīvaka khuyên Kāka hoãn chuyến về và giải thích tại sao ông trốn đi. Rồi ông trả lại voi và lên đường về Rājagaha. Vua Pajjota lành bệnh và gởi biếu Jīvaka bộ y bằng hàng quý của xứ Sīveyyaka và ông cúng dường bộ y đó đến Phật (Vin. i. 268-81; AA. i. 216).
Jīvaka rất quý mến Phật. Lần nọ Phật lâm bệnh, ông thấy cần bốc cho Phật một liều thuốc xổ, dùng mỡ thoa lên thân Ngài, và dùng bông sen để tăng hương thơm cho không khí Ngài thở. Bấy giờ Jīvaka cần phải đi. Lúc nhớ rằng ông không có bạch Phật tắm nước nóng sau khi thuốc xổ có hiệu nghiệm, nhưng Phật đã tắm như được bạch trước vì Ngài đọc được tâm ý của Jīvaka (1).
Sau khi Jīvaka đắc quả Dự lưu, ông muốn được yết kiến Phật mỗi ngày hai lần, nhưng Veḷuna (Trúc Lâm) lại ở xa. Ông bèn xây trong khu vườn xoài của ông ở Rājagaha một tịnh xá để cúng dường Phật và chư tỳ-khưu (DA. i. 133; MA. ii. 590).
Sau khi Vua Bimbisāra băng hà, Jīvaka tiếp tục làm ngự y cho Vua Ajātasattu (A-xà-thế) và thu xếp để đưa nhà vua này đến yết kiến Phật vì ăn năn tội giết cha (Xem Sāmaññaphala Sutta để biết chi tiết; xem thêm J. i. 508 f.; v. 262, v.v.).
Là một ngự y danh tiếng, Jīvaka rất bận rộn, tuy nhiên không khi nào ông xao lãng nhiệm vụ đối với Tăng Đoàn. Do đó có nhiều người bị bệnh nhưng không chạy chữa nổi nên xin gia nhập Tăng đoàn để được ông trị bệnh. Thấy có sự lạm dụng, ông bạch Phật chế giới cắm thu nhận vào Tăng đoàn những người mắc phải một số bệnh (Vin. i. 71 ff). Jīvaka được Phật tuyên bố là tối thắng trong các vị nam cư sĩ được dân chúng kính mến (A. i. 26) Ông còn được liệt kê trong danh sách nam nhân sống thấy được bất tử, chứng ngộ được bất tử (Ibid., iii. 451; DhA. i. 244, 247; J. i. 116 f).
Jīvaka có lần thỉnh Phật về thọ trai. Phật không chịu dùng bữa vì thấy còn thiếu tỳ-khưu Cūlapanthaka (Chu-lợi Bàn-đặc) không được mời. Lúc tỳ-khưu này được đưa đến Ngài mới bắt đầu thọ thực (Chi tiết, xem câu chuyện về. Cūlapanthaka).
Có thể kinh Jīvaka ảnh hưởng đến sự chuyển hoá của Jīvaka. Jīvaka đến viếng Phật tại Vườn Xoài và bạch hỏi có phải Phật vẫn dùng thịt của thú vật mà Ngài biết được giết để cúng dường Ngài? Phật bảo đó là xuyên tạc và dạy có ba trường hợp không được phép dùng thịt, đó là khi có thấy, nghe và nghi con vật ấy đã vì mình mà bị giết. Jīvaka tán thán Phật và xin Phật nhận mình làm đệ tử (M.i.368, MN 55)
Tăng chi bộ có ghi câu chuyện ông bạch hỏi Phật thế nào là một nam cư sĩ, Phật trả lời rằng nam cư sĩ (upāsaka, ưu-bà-tắc) là người quy y Phật, Pháp và Tăng; là người giữ ngũ giới; là người thực hành vừa tư lợi vừa lợi tha (A. iv. 222 f).
Jīvaka có người em gái là Sirimā(SnA. i. 244; DhA. iii. 106).
Theo khuyến cáo của Jīvaka, Phật có chỉ thị cho các tỳ-khưu tập thể dục. Lần ấy đến Vesāli công tác, ông có ghi nhận nước da xanh xao và tình trạng không mấy khoẻ mạnh của các vị tỳ-khưu (Vin. ii. 119).
GHI CHÚ:
(1) Vin. i. 279 f.; DhA. (ii. 164 f.) có kể một chuyện tương tợ nhưng trong một trường hợp khác. Lúc Phật bị miểng đá trúng chân chảy máu, Ngài được đưa từ Maddakucchi đến Ambavana, và được Jīvaka rịt thuốc cầm máu. Sau đó Jīvaka đi công chuyện định lúc về sẽ tháo băng thuốc. Nhưng lúc trở về ông không vào thành được vì cổng đã đóng lúc chạng vạng. Ông nóng lòng vì sợ thuốc qua đêm sẽ làm Phật đau nhức. Nhưng Phật đọc được tâm ý của Jīvaka và tự tháo băng thuốc ra. Xem thêm J. v. 333.
Jīvakambavana.—Vườn Xoài của Lương y Jīvaka ở Rājagaha. Trong vườn ông có xây một tịnh xá và Phật có đến đây an trú nhiều lần. Có lần vì Vua Ajātasattu Phật thuyết Sāmaññaphala Sutta (Kinh Sa-môn quả, D. i. 47 ff); nhà vua được đưa tới yết kiến Phật vì hối hận đã giết cha là Bimbisāra. Các bài kinh Jīvaka Suttā khác cũng được Phật thuyết tại đây.
Vườn Xoài này gần Maddakucchi nơi Phật bị miểng đá trúng chân chảy máu, Ngài được đưa đến đây (DhA. ii. 164, v.v.). Tại vườn này, ngài Cūlapanthaka đắc quả A-la-hán; lúc bấy giờ có 500 tỳ-khưu trú tại đây (J. i. 114 f., v.v.). Các vị tỳ-khưu-ni cũng được nói có đến Vườn Xoài để nghỉ trưa (ThigA. 245 f.).
*-----*
(10) Nakulapitā và Nakulamātā — Nam và nữ cư sĩ tối thắng về nói chuyện thân mật
Hai ông bà gia chủ ở Suṃsumāragiri trong xứ Bhagga. Ông bà đến yết kiến Phật lúc Ngài an trú tại Bhesakaḷāvana. Gặp Phật, ông bà sụp quỳ dưới chân Ngài, gọi Ngài là “con” và hỏi sao Ngài đi xa lâu vậy. Được biết ông bà là từng là cha mẹ của ngài Bồ-tát những 500 kiếp và là họ hàng trong nhiều kiếp hơn nữa. Phật thuyết giảng và ông bà đắc Sơ quả (Dự lưu). Phật đến làng viếng ông bà một lần nữa lúc ông bà về già. Ông bà thỉnh Ngài thọ trai và bạch rằng ông bà luôn hy sinh cho nhau trong đời này và bạch xin Ngài giáo giới cho pháp để hai ông bà luôn được hạnh phúc bên nhau trong các kiếp sau (đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí). Phật tuyên bố với Tăng Đoàn ông bà là cư sĩ tối thắng về giao tiếp một cách thân mật (A. i. 26; ii. 61 f.; AA. i. 216 f., 246; ii. 514; SA. ii. 182).
Một hôm, Nakulapitā bị bệnh, bà thấy ông lo âu. Bà liền khuyên ông chớ âu lo cho ông, cho bà, hay cho con cái. Bà nói với giọng khẳng định khiến ông an tâm và khỏi bệnh. Sau đó ông đến viếng Đức Phật kể lại chuyện này. Phật tán thán ông có người vợ tốt (A. iii. 295 ff.).
Tương ưng bộ (S. iii. 1 ff.; iv. 116; A. iv. 268) có ghi lại các câu chuyện giữa Phật và ông bà gia chủ Nakulapitā (Nakulapitā Sutta). Gia chủ Nakulapitā yết kiến Phật và bạch hỏi tại sao một số chúng sinh được giải thoát trong đời này còn số khác thì không. Đó là vì chấp thủ vào sáu trần, Phật đáp. Tiếp theo, Ngài giảng giải cho ông nghe (S. iv. 107, 116). Một lần khác, gia chủ Nakulapitā xin Phật giáo giới để ông được an lạc trong lúc tuổi về chiều hay đau yếu. Phật dạy ông tu tập tâm, và luôn ghi nhớ: “Dù thân ta có đau, nhưng tâm ta sẽ không đau theo”. Tiếp theo, ông yết kiến Tôn giả Sāriputta để xin được giải thích điều Phật dạy. Tôn giả giải thích cặn kẽ pháp tu tập tâm bằng cách diệt trừ các ý tưởng về ngã đối với các uẩn (S. iii. 1 ff.).
Cả hai ông bà được Phật tuyên bố là hai vị tối thắng về “nói chuyện một cách thân mật” (A. iii. 465; iv. 348). Được biết (A. i. 216) ước muốn làm người tối thắng phát khởi nơi ông bà Nakulapitā từ thời Phật Padumuttara. Bấy giờ ông làm gia chủ ở Haṃsavatī và có mặt trong lúc Phật tuyên bố với Tăng Đoàn vị tối thắng trong số các vị cư sĩ giao tiếp một cách thân mật.
*-----*
THAM KHẢO
1. Dictionary of Pali Proper Names, G.P. Malalasekera.
2. Tăng chi bộ, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
3. The Numerical Discourses of the Buddha (Anguttara Nikaya), English translation by Bhikkhu Bodhi.
4. Tăng Nhất A-hàm, Hòa thượng Thích Đức Thắng dịch Việt.
5. Great Disciples of the Buddha, Nyanaponnika Mahathera and H. Hecker (Đại Đệ Tử Phật, BBT Thích Ca Thiền Viện dịch).
6. The Historical Buddha, H.W. Schumann (Đức Phật Lịch Sử, Trần Phương Lan dịch).
|
Tài liệu tham khảo
|