Friday 18 December 2020

Bà Kuai Chan, Một tấm gương đầy cảm hứng.

BÀ KUAI CHAN, MỘT TẤM GƯƠNG ĐẦY CẢM HỨNG
Tỳ-khưu Visuddhacara
Hòa thượng Thích Tâm Quang dịch
(Bình Anson hiệu đính)

*

Tôi muốn nói với bạn về một hành giả tu thiền can đảm, đã chết an bình vì bệnh ung thư với từ “Niết Bàn” trên môi. Tên bà là Kuai Chan và bà ra đi vào ngày 18 tháng 12, năm 1992 tại nhà riêng ở Kuala Lumpur, Malaysia. Lúc ấy bà được bốn mươi ba tuổi. Chồng bà, Billy, kể cho tôi nghe bà đã đương đầu với đau bệnh như thế nào. Nhận thấy câu chuyện có nhiều ý nghĩa, nhất là đối những hành giả tu thiền, tôi xin phép ông được kể lại trong tập sách này, và tôi cám ơn ông đã đồng ý. 

Bà Kuai Chan được chẩn bệnh lần đầu tiên với bệnh ung thư vú vào tháng 4 năm 1989. Lúc ấy, bà đã tu tập hành thiền Minh sát vào khoảng độ một năm. Bà bình tĩnh chấp nhận kết quả chẩn bệnh. Billy nói: “Vợ tôi chấp nhận bệnh, xem đó là nghiệp của bà. Bà không đổ lỗi cho ai hay bất cứ điều gì. Bà cũng không cay đắng hay rơi vào tình trạng ngã lòng. Bà hết sức vững vàng và giữ bình thản cho đến lúc chết.” Kuai Chan đã trải qua phẫu thuật để loại bỏ phần vú bị ung thư. Ba tháng sau bà lại phải giải phẫu lẫn thứ hai khi người ta thấy những tế bào ung thư vẫn còn ở trong vùng đó. Tiếp theo, bà được xạ trị và hóa trị, với rất ít phản ứng phụ. Trong suốt thời kỳ chữa bệnh ung thu vú và trong sáu tháng cuối đời khi được chẩn đoán là có thêm bệnh ung thư phổi trong giai đoạn cuối, bà đã từ chối không dùng một thứ thuốc giảm đau nào. Billy nói: “Bà không muốn thứ thuốc giảm đau nào.  Cả đến khi cơn đau lên đến cực độ, bà vẫn từ chối không dùng thuốc giảm đau, ngay cả đến một viên Panadol. Bà là một người kiên quyết, rất mạnh mẽ và đáng khâm phục.”

Bà quyết định không dùng thuốc giảm đau vì bà muốn giữ tâm bà càng trong sáng và tỉnh táo càng tốt. Bà là hành giả tu thiền, và tất cả những hành giả tu thiền trân quý chánh niệm. Họ không muốn một thứ thuốc nào làm cho tâm họ trì độn và làm suy yếu công phu hành thiền của họ. Cho nên nếu có thể chịu đựng được cơn đau, họ sẽ không dùng thuốc giảm đau. Kuai Chan đã sửa soạn đối đầu với cái đau nên bà đã từ chối dùng thuốc giảm đau. 

Bà chỉ chấp nhận xạ trị, hóa trị cho ung thư vú của bà vì phương pháp này có khă năng dẫn đến chữa lành bệnh. Nhưng về sau, bà bị thêm chứng ung thư phổi và được cho biết đã ở giai đoạn cuối, bà đã từ chối chữa bằng xạ trị, hóa trị mà bệnh viện đề nghị làm cho bà đỡ phải nghẹt thở. Và khi bác sĩ đề nghị thuốc giảm đau, như morphine, bà cũng từ chối. 

Billy cho biết khi trong đợt ung thư vú đầu tiên, Kuai Chan có một chút khó khăn với cơn đau sau khi giải phẫu. Là hành giả tu thiền, bà đã có thể nhận thấy cơn đau rất rõ ràng và cơn đau sẽ biến đi. Nhưng ung thư phổi là một sự thử thách thực sự với bà. Cơn đau luôn lên đến cực điểm nhưng bà vẫn từ chối không dùng thuốc. Có nhiều lúc bà bị ngất xỉu và ngã sóng soài trên sàn nhà khi cơn đau đột phát. Nhưng bà vẫn bình tĩnh. Bà cũng bị ho dữ dội dai dẳng nhiều ngày đêm. Billy ở bên cạnh bà và khi thấy bà không ngủ được ban đêm, ông cố giúp làm bà dịu cơn đau bằng cách xoa dầu, chà sát và những cách chữa trị truyền thống. Billy đưa bà đến các thầy thuốc Tàu và mua nhiều loại thuốc bắc và sắc thuốc cho bà uống. 

Billy nói chính niềm tin tưởng và hành thiền đã khiến bà có thể đối đầu khổ đau với một mức độ thanh thản và tự tại phi thường. Cả hai vợ chồng đều đã tu tập hành thiền với thiền sư Sujiva tại một đạo tràng ở Ðài Bắc năm 1988. Sau đó Kuai Chan tiếp tục tham gia thường xuyên các khóa tu thiền tại thiền đường Santisukharama của thiền sư ở Kota Tinggi, Johor.

Khi được chẩn đoán bị ung thư phổi sau đợt ho vào tháng 7 năm 1992, bác sĩ cho biết bà chỉ sống được một tháng nữa. Chỉ cho Kuai Chan và Billy thấy hình chụp tia X, bác sĩ nói rằng ung thư đã lan tràn khắp cả phổi. Ông cũng rất ngạc nhiên thấy Kuai Chai vẫn đi được và trông rất khỏe mạnh, mặc dù tình trạng ung thư tàn phá phổi của bà. Nhưng bác sĩ không biết là Kuai Chan có một tâm trí sắt thép. Bà sống thêm được sáu tháng nữa. Ðối với bà, đó không phải là một cuộc chiến để sống mà là để chết có phẩm cách. Lúc bà và Billy gặp tôi tại Trung tâm Trí tuệ ở Petaling Jaya khi tôi đến viếng thăm nơi đây vào tháng 7, họ hỏi tôi rằng họ có thể làm gì. Tôi bảo họ: “Ðiều một hành giả có thể làm là tiếp tục hành thiền! Nếu tôi là bà, tôi sẽ hành thiền cho đến lúc cuối cùng.” Hai vợ chồng cảm thấy được khích lệ và Kuai Chan kiên quyết dành những ngày còn lại hành thiền tại nhà. Billy nói ông hỗ trợ bà tận tình. 

Nhưng bà không biết trước là cơn đau có thể ghê gớm đến thế. Bà nói bà chưa từng thấy cơn đau nào như vậy. Nhất là ở phần dưới lưng, nóng như đốt và đau như cắt. Bà đã dồn tất cả sức mạnh tinh thần để ghi nhận cơn đau đớn nhưng có khi vẫn không thành công. Đau đớn quá nặng nề. Có những lúc bà nằm đó bất lực không nhận biết được cái đau đớn nữa. Bà hoàn toàn cam chịu. Nhưng bà vẫn không uống thuốc giảm đau. Bà tham khảo với thiền sư của bà. Thiền sư Sujiva khuyên bà trải lòng từ bi thân ái và tu thiền sổ tức, hít thở để giảm thiểu cơn đau khi bà chịu không nổi nữa. Việc làm này khiến cho bà dễ chịu. Từ sự dễ chịu này bà có thể tiếp tục hành thiền Minh sát. Một hôm sau ba tuần chiến đấu với cơn đau dai dẳng, bà có một kinh nghiệm độc đáo. Bà nói với Billy trong khi nhận thấy cái đau như cắt, bà quan sát thấy nó càng ngày càng nhỏ đi cho đến khi nó biến hẳn. Bà nói bà cảm thấy như tất cả giác quan đều bị cắt bỏ, như thể không có danh-sắc, vào lúc đó tâm và thân đã cùng nhau tan biến với cơn đau. Bà nói với Billy bà cảm thấy giống như bà trải nghiệm Niết Bàn, và bà cảm thấy cực kỳ sung sướng. Sau kinh nghiệm này, bà không còn đới diện với loại đau đớn cực độ như thế nữa. 

Mười ngày trước khi lâm chung, Billy đem bà vào một bệnh viện tư nhân vì bà cảm thấy khó thở. Bác sĩ đặt ống dưỡng khí cho bà. Hình chụp tia X cho thấy những tế bào ung thư đã lan rộng hơn nữa, làm gia tăng chứng khó thở. Chữa bằng xạ trị, hóa trị được đề nghị không phải là có thể chữa lành bệnh mà chỉ để giảm nhẹ bệnh trạng. Nhưng Kuai Chan không muốn tâm mất sáng suốt nên bà đã từ chối. Sau năm ngày, bà đòi Billy đem bà về nhà vì bà cảm thấy không có lý do nào nữa để bà phải ở lại bệnh viện. Billy lắp đặt bình dưỡng khí tại nhà, mang bà về và để bà thở qua ống dưỡng khí hầu làm giảm bớt khó khăn về hít thở của bà. Năm ngày sau, từ 13 tháng 12 đến lúc bà chết ngày 18 tháng 12, bà dường như ở trong tình trạng thiêm thiếp ngủ, thỉnh thoảng mới tỉnh dậy. Hai ngày trước khi chết, bà vẫn còn nhớ ngày sinh nhật thứ 17 của đứa con gái vào ngày 17 tháng 12. Bà nhắc Billy luộc hai quả trứng cho đứa con gái và cho con gái một bao tiền lì xì màu đỏ. Billy đã làm theo lời bà. 

Vào ngày 18 tháng 12, bà tỉnh dậy lúc 9 giờ sáng với một nụ cười. Bà hỏi: “Có phải em đã ngủ không?” Billy trả lời: “Phải. Đã năm ngày rồi, em biết không?” Bà ngạc nhiên. Bà dường như rất sung sướng và mỉm cười. Bà nói bà không cần uống thuốc bắc nữa. Bà lại nhớ lại ngày sinh nhật của đứa con gái và mặc dù Billy đã nói cho bà biết là ông đã đưa bao lì xì đỏ cho đứa con gái như bà đã dặn, bà lại nói lần nữa với Billy: “Hãy cho cho con gái thêm một bao lì xì nữa, nhân danh tôi.” 

Vào khoảng 2 giờ chiều hôm đó, Billy cho biết Kuai Chan muốn nói cái gì với ông ta nhưng quá yếu không nói nổi. Billy nhắc bà hãy duy trì tâm trạng xả ly, đừng lo lắng gì về chồng và các con, và hãy tự do ra đi một cách an bình. Ông nói, trước đây họ đã thảo luận nhiều lần về việc này, rằng nếu bà có thể lành bệnh thì tốt, và nếu không thể chữa được, thì cũng phải chịu. Bà có thể ra đi một cách thanh nhã, hiểu biết luật về nghiệp, rằng tất cả chúng ta một ngày nào đó sẽ phải chia lìa. 

Vào lúc 3 giờ chiều, khi đứa con trai 15 tuổi đi học về và báo với mẹ: “Mẹ ơi, con đã về”, bà nghe hiểu nhưng không nói được. Bà gật đầu để ra dấu bà biết. 

Vào khoảng 3:30 giờ chiều, Billy cho biết Kuai Chan tận dụng sức lực nói rõ ràng bằng tiếng Quảng Ðông “Woh Yap Niphoon (Ngộ nhập Niết Bàn),” có nghĩa là “Tôi đã vào Niết Bàn,” câu này có ý nói nói là bà tin rằng bà đã thực chứng hay chứng nghiệm Niết Bàn. Và bà chỉ vào bụng. Ðó là lời cuối cùng của bà, bà ra đi một cách rất êm ả vào khoảng 45 phút sau. Billy nói Kuai Chan, trong lúc hành thiền, thường quan sát sự chuyển động lên xuống của bụng xảy ra mỗi lần hít vào hay thở ra. Bà thấy sự lên xuống của cái bụng là một đối tượng tốt để đặt tâm vào, và bà thường khuyến khích các hành giả tu thiền nên bám vào đối tượng ấy. Bất chấp hiện tượng nào của thân hay tâm khi ta áp dụng chánh niệm và tập trung vào, cuối cùng ta có thể thấy sự sinh diệt của hiện tượng và đi đến hiểu biết tính chất vô thường, cái bất toại nguyện và vô ngã của chúng. Thấy và biết như thế khởi sinh khi hành giả bắt đầu nhập vào dòng thánh giải thoát, cảm nghiệm Niết Bàn. Sự hiểu biết có thể tiến tới đỉnh cao trong việc đạt Niết Bàn, trạng thái chấm dứt khổ đau. Những ô nhiễm của tham, sân và si sẽ bị hoàn toàn bị loại bỏ khi chứng nghiệm Niết Bàn đạt được ở trình độ của bậc thánh A La Hán.

Billy nói khi giờ phút cuối cùng sắp đến, mặt của Kuai Chan rạng rỡ, khi bà nói, mắt của bà long lanh và sáng. Vào khoảng 4:15 giờ chiều, Billy thấy bà tắt thở. “Bà trông rất bình thản, thanh thoát. Bà đã ra đi một cách rất an lạc,” Billy nói. 

Vào khoảng 4 giờ chiều hôm ấy, một người bạn đạo của Kuai Chan là bà Lily, cư ngụ ở cách xa 25 kílômét, đột nhiên có ý nghĩ trải tâm từ thân ái đến Kuai Chan. Lily ngồi xuống và hành thiền, gửi đi tất cả những ý tưởng về lòng từ thân ái đến Kuai Chan. Bà ta nói bà thấy Kuai Chan rất thanh thản trong một ảo ảnh trong suốt như pha lê. Khi bà ngừng hành thiền, bà ta nhìn đồng hồ lúc đó là 4 giờ 15, cùng lúc Kuai Chan ra đi. 

Chết theo cách Kuai Chan đã chết, rõ ràng là một cái chết đẹp đẽ. Không có cách ra đi nào tốt hơn – với tâm bà tập trung về Niết Bàn. Không ai có thể nói được về sự trải nghiệm độc đáo của bà. Chỉ có mình bà biết thôi. Nhưng có một điều chắc chắn là tâm bà vững vàng vào lúc cuối cùng, hướng về Niết Bàn. Tôi nghĩ rằng có thể bà đã đạt được Niết Bàn. Nếu bà đã không đạt được thế trong đời này, tôi nghĩ rằng bằng tâm vững chắc và cương quyết của bà, bà đã tái sinh vào cõi lành – cõi người hay cõi trời, và sẽ đạt được mục tiêu hằng ấp ủ trong kiếp sống mới. 

Là một Phật tử, bà đã căn dặn Billy tổ chức cho bà một tang lễ đơn giản, không có những nghi lễ và nghi thức không cần thiết. Theo ý muốn của bà, Billy đã thu xếp việc hỏa táng vào ngay ngày hôm sau. Vài vị sư, các hành giả tu thiền và bạn đạo cùng đến tụng kinh. Tang lễ rất giản dị theo lời bà yêu cầu. Sau lễ hỏa táng, Billy thu thập tro cốt và đem rắc tại cây bồ đề tại thiền đường của sư phụ của họ tại Johor. 

Hồi tưởng lại cuộc sống với nhau, Billy nói Kuai Chan là một người vợ tốt nhất mà ông đã có được. Ông nói: “Chúng tôi lấy nhau đã 22 năm và bà đã sát cánh với tôi qua thăng trầm, qua nhiều thử thách và cực khổ. Bà có một tâm tính vui tươi và hoạt bát. Bà bao giờ cũng thương yêu và ân cần. Ngay cả lúc bà ốm, bà vẫn tuyệt vời. Bà không bao giờ phàn nàn. Bà không ngã lòng. Không có giận hờn hay cay đắng nơi bà. Bà vẫn bình tĩnh và vững vàng. Bà vẫn có thể mỉm cười và cười lớn. Bà chấp nhận tất cả khổ đau với thái độ trang nhã. Bà nói thân bà bệnh nhưng tâm bà không bệnh. Tâm bà vẫn sung sức và khỏe mạnh. Sự quan ngại của bà không phải cho chính bà mà cho người khác. Bà nói nếu bà có thể sống thêm 10 năm nữa, bà sẽ thực hành Phật Pháp nhiều hơn. Bà rất quan tâm đến tôi và những đứa con. 

“Thực ra bà đã chịu đựng khổ đau tốt hơn tôi. Tôi không thể chịu nổi khi thấy bà quá nhiều đau đớn. Tôi cố gắng cho bà uống thứ thuốc bắc tốt nhất, hy vọng có thể chữa khỏi hay cho bà được nghỉ ngơi. Ðôi khi tôi hỏi tại sao tất cả việc đó lại xảy ra cho bà. Và tôi nghĩ: ‘Hãy để cho bà sống thêm mười năm và cuộc đời tôi ngắn đi mười năm. Xin để cho tôi cho bà mười năm của đời tôi.’ Nhưng lẽ đương nhiên điều đó không phải là do chúng ta quyết định. Chính là ‘nghiệp’ mới có quyền quyết định cuối cùng. 

“Bà thường nói với tôi: ‘Ðó là nghiệp của em, Billy à. Cái đó hoàn toàn đúng. Em không biết em đã làm gì trong quá khứ. Em phải chấp nhận nghiệp của em.’ Ðôi khi bà nói: ‘Em rất hối hận vì đã đem đến cho anh tất cả khó khăn này, Billy, tất cả cái khổ đau này. Billy biết không, em nợ anh rất nhiều trong cuộc đời này.’ Tôi phải nói với bà rằng xin đừng nói thế. Tôi nói bà không nợ gì tôi cả. Chúng ta là vợ chồng phải không? Và bà là người vợ tuyệt vời của tôi. Chúng ta cùng trải qua những lúc thăng trầm, và bây giờ là giờ phút bà cần đến tôi, tôi sẽ ở bên cạnh bà. Chúng ta sẽ một mất một còn cùng nhau, tôi nói với bà, tôi cam đoan với bà. 

“Vào những dịp khác, bà nói với tôi: ‘Này Billy, đây là giáo pháp chân chính, là con đường chân thật, em tin chắc như thế,’ và bà nhắc tôi đừng lơ là thực tập hành thiền, không nên tự mãn mà phải nỗ lực tu tập. Chúng tôi đã mất một thời gian tìm kiếm một giáo pháp mà chúng tôi có thể hiểu được. Và khi chúng tôi biết được đạo Phật và pháp thiền Minh sát vào năm 1988, chúng tôi đã hăng hái tu tập. Sư biết không, chúng tôi thường cùng nhau bàn luận Phật Pháp mỗi đêm bên tách trà. Mối quan hệ của chúng tôi rất tuyệt vời.”

Người anh em họ của Kuai Chan, Sati, có lần hỏi liệu bà có sợ bệnh ung thư không, bà trả lời không, bà không sợ bệnh này. Bà sẵn sàng chịu đựng đau đớn mà không dùng thuốc. Bà quả là một hành giả can đảm, mặc dù phải đối diện với nhiều nghịch cảnh, vẫn kiên trì thực hành Pháp. Bà làm tôi băn khoăn, nếu tôi, một nhà sư mà ở hoàn cảnh như bà, bị ung thư, thì tôi có thể chịu đựng được nhiều như thế không, có can đảm và chịu đựng như thế không? Bà quả là một tấm gương đầy cảm hứng, một vị thầy làm gương cho tất cả chúng ta. Tôi cám ơn Billy đã đưa ra chuyện riêng tư của mình để chia sẻ với chúng ta câu chuyện đầy cảm hứng này, để chúng ta có thêm nhiều khích lệ trong việc tu tập, cương quyết hơn nữa và phấn đấu mạnh hơn nữa. 

Billy yêu cầu tôi ghi nhận lòng biết ơn của ông đối với thiền sư Sujiva và những vị sư khác cùng với các hành giả tu thiền về tất cả những sự giúp đỡ ân cần mà họ đã dành cho ông và Kuai Chan. Những bạn đạo tại Trung tâm Trí tuệ Phật giáo, Petaling Jaya, đã đặc biệt hỗ trợ tinh thần và khuyến khích Kuai Chan trong suốt thời gian bà lâm bệnh. Ông Billy nói: “Tôi không biết làm sao bày tỏ lòng biết ơn của tôi đến tất cả mọi người đã giúp đỡ chúng tôi. Xin vui lòng nói với họ rằng tôi xin cám ơn tất cả. Xin cám ơn quý vị rất nhiều về mọi thứ mà quý vị đã dành cho Kuai Chan." 

- Trích CHẾT TRONG AN BÌNH (LOVING AND DYING), 
Tỳ-khưu Visuddhacara
Hòa thượng Thích Tâm Quang dịch 
(Bình Anson hiệu đính)

*


No comments: