Chánh Ngữ là chi thứ ba trong Bát chi Thánh đạo và được xếp vào nhóm Giới của con đường.
* ĐỊNH NGHĨA
Thế nào là chánh ngữ? Không nói dối, không nói đâm thọc, không nói lời gay gắt, không nói lời phù phiếm.
– SN 45.8
* NĂM YẾU TỐ CỦA CHÁNH NGỮ
Này các tỳ-khưu, có năm yếu tố tạo nên lời nói thiện lành, không xấu ác, không bị chê trách, không bị người trí chỉ trích. Thế nào là năm? Nói đúng thời. Nói đúng sự thật. Nói lời nhu hòa. Nói những gì có lợi ích. Nói với tâm từ.
– AN 5.198
* NGUY HẠI CỦA NÓI DỐI
“Này các tỳ-khưu, người nào vi phạm một pháp, Ta nói rằng đối với người ấy không có việc ác nào người ấy không làm được. Một pháp ấy là gì? Đó là việc cố tình nói dối.”
– Iti 25
* CHỈ NÊN NÓI NHỮNG LỜI KHÔNG GÂY TAI HẠI
Nên nói những lời gì,
Lời ấy không khổ mình,
Lời không làm hại người.
Đó là lời thiện thuyết.
Nên nói lời ái ngữ,
Lời nói khiến hoan hỷ.
Lời nói không ác độc,
Đó là lời ái ngữ.
–Thag 21.1239-1240
* THANH LỌC TÂM QUA NHỮNG LỜI KHÉO THUYẾT.
Có bốn cách mà một người dùng lời nói để thanh lọc tâm. Thế nào là bốn?
Người ấy đoạn tận nói dối, từ bỏ nói dối. Khi người ấy đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa các vương tộc, nếu được gọi làm chứng và được hỏi: “Này ông, hãy nói những gì ông biết.” Nếu không biết, người ấy nói: “Tôi không biết.” Nếu biết, người ấy nói: “Tôi biết.” Nếu không thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy.” Nếu thấy, người ấy nói: “Tôi thấy.” Như vậy người ấy không cố ý nói dối vì mình, vì người khác, hoặc vì một vài quyền lợi gì khác.
Người ấy đoạn tận nói hai lưỡi, từ bỏ nói đâm thọc. Khi nghe điều gì ở chỗ này, người ấy không nói ở chỗ kia để gây chia rẽ với những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, người ấy không nói ở chỗ này để gây chia rẽ với những người kia. Như vậy người ấy hòa giải những kẻ chia rẽ, khuyến khích tình đoàn kết, yêu thích sự hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp.
Người ấy đoạn tận lời nói gay gắt, từ bỏ lời nói gay gắt. Người ấy nói lời nhu hòa, êm tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui ý nhiều người.
Người ấy đoạn tận lời nói phù phiếm. Người ấy nói đúng thời, nói chân thật, nói có lợi ích, nói đúng Pháp, nói đúng Luật. Đúng thời, người ấy nói những lời đáng được ghi nhận, hợp lý, ngắn gọn, lợi ích.
Như vậy là bốn cách mà một người dùng lời nói để thanh lọc tâm.
–AN 10.176
* LIÊN HỆ VỚI CÁC CHI KHÁC CỦA THÁNH ĐẠO
Và như thế nào, chánh kiến đi hàng đầu? Biết rõ tà ngữ là tà ngữ, biết rõ chánh ngữ là chánh ngữ. Thế nào là tà ngữ? Nói dối, nói đâm thọc, nói gay gắt, nói lời phù phiếm. Như vậy là tà ngữ. (…)
Ai tinh tấn đoạn trừ tà ngữ, thành tựu chánh ngữ: Như vậy là chánh tinh tấn của vị ấy. Ai có ý niệm đoạn trừ tà ngữ và an trú trong chánh ngữ: Như vậy là chánh niệm của vị ấy. Như vậy, ba pháp này – chánh kiến, chánh tinh tấn, chánh niệm – chạy theo, chạy vòng theo chánh ngữ.
–MN 117
* TIÊU CHUẨN CHỌN LỰA NHỮNG GÌ NÊN NÓI
[1] Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thì Như Lai không nói lời ấy.
[2] Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thì Như Lai không nói lời ấy.
[3] Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thì Như Lai biết đúng thời để nói lời ấy.
[4] Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, thì Như Lai không nói lời ấy.
[5] Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, thì Như Lai không nói lời ấy.
[6] Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, ở đây, thì Như Lai biết đúng thời để nói lời nói ấy. Vì sao vậy? Vì Như Lai có lòng thương cảm các loài hữu tình.
–MN 58
Hãy nói lên lời nói,
Không làm khổ cho mình,
Không làm hại người khác,
Lời nói ấy khéo nói.
Hãy nói lời khả ái,
Nói lời khiến hoan hỷ,
Không mang theo ác hại,
Khiến người khác ưa thích.
–Sn 3.3
* SUY NGẪM VỀ LỜI NÓI – TRƯỚC KHI, TRONG KHI VÀ SAU KHI NÓI.
[Đức Phật dạy Rāhula (La-hầu-la)]
Khi muốn làm một khẩu nghiệp gì, hãy suy ngẫm như sau: “Khẩu nghiệp ta muốn làm có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai? Có phải khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ?” Nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ; khẩu nghiệp như thế nhất định không nên làm. Nhưng nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người khác, hay không đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc; khẩu nghiệp như thế nhất định nên làm.
Khi đang làm một khẩu nghiệp gì, hãy suy ngẫm như sau: “Khẩu nghiệp ta đang làm có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai? Có phải khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ?” Nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ; khẩu nghiệp như thế nhất định nên từ bỏ. Nhưng nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người khác, hay không đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc; khẩu nghiệp như thế nhất định nên tiếp tục.
Khi làm xong một khẩu nghiệp gì, hãy suy ngẫm như sau: “Khẩu nghiệp ta vừa làm xong có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai? Có phải khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ?” Nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ; khẩu nghiệp như thế cần phải được thưa lên, cần phải được tỏ lộ, cần phải được trình bày trước vị đạo sư hay trước các vị phạm hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương lai. Nhưng nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người khác, hay không đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc; nên an trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tiếp tục tu học ngày đêm trong các thiện pháp.
–MN 61
* NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI VỊ TỲ-KHƯU CÓ GIỚI HẠNH CẦN PHẢI TRÁNH
Có một số đạo sĩ, bà-la-môn tuy sống nhờ vật thực do tín đồ cúng dường nhưng vẫn thích nói những chuyện vô ích tầm thường như: chuyện về vua chúa, về ăn trộm, về các quan đại thần, về binh lính, về các hiểm nguy, về chiến tranh, về thức ăn, chuyện về thức uống, về y phục, về chỗ ở, về vòng hoa, về hương liệu, về họ hàng, về xe cộ, về làng xóm, về thị tứ, về thành phố, về xứ sở, về đàn bà, về đàn ông, về các vị anh hùng, chuyện bên lề đường, chuyện tại chỗ lấy nước, chuyện về những người đã chết lúc trước, các chuyện linh tinh, chuyện tiên đoán về thế giới và biển cả, chuyện về được và mất. Còn vị tỳ-khưu có giới hạnh thì từ bỏ nói những chuyện vô ích, tầm thường đó.
Có một số đạo sĩ, bà-la-môn tuy sống nhờ vật thực do tín đồ cúng dường, nhưng vẫn thích biện luận, tranh chấp và nói với nhau như: “Ông không biết pháp và luật này, tôi biết pháp và luật này. Làm sao mà ông có thể hiểu biết pháp và luật này? Ông đã hành sai pháp, tôi nói mới thật hành đúng pháp. Lời tôi nói là nhất quán, lời nói của ông không nhất quán. Điều đáng nói trước, ông lại nói sau. Điều đáng nói sau, ông lại nói trước. Những gì ông suy nghĩ bấy lâu nay là sai lầm. Quan điểm của ông đã bị bác bỏ. Ông đã bị đánh bại. Nên sửa đổi quan điểm của ông, hãy cố gắng thoát ra khỏi ngõ bí.” Còn vị tỳ-khưu có giới hạnh thì từ bỏ những cuộc biện luận, tranh chấp đó.
–DN 2
Này các tỳ-khưu, đừng nói những lời tranh luận như: “Ông không biết pháp và luật này, tôi biết pháp và luật này. Làm sao mà ông có thể hiểu biết pháp và luật này? Ông đã hành sai pháp, tôi nói mới thật hành đúng pháp. Lời tôi nói là nhất quán, lời nói của ông không nhất quán. Điều đáng nói trước, ông lại nói sau. Điều đáng nói sau, ông lại nói trước. Những gì ông suy nghĩ bấy lâu nay là sai lầm. Quan điểm của ông đã bị bác bỏ. Ông đã bị đánh bại. Nên sửa đổi quan điểm của ông, hãy cố gắng thoát ra khỏi ngõ bí.”
Vì sao? Vì những tranh luận ấy không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Này các tỳ-khưu, nếu có đối thoại thì nên nói về Khổ, Khổ tập, Khổ diệt, và Con đường Diệt khổ. Vì sao? Vì các đối thoại đó có liên hệ đến mục đích, là căn bản cho phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
–SN 56.9
* MƯỜI ĐỀ TÀI ĐỂ ĐÀM LUẬN
Này các tỳ-khưu, có mười đề tài xứng đáng để đám luận. Mười đề tài ấy là gì? Đề tài về thiểu dục, về tri túc, về viễn ly, về không tụ hội, về tinh tấn, về giới đức, về thiền định, về trí tuệ, về giải thoát, về tri kiến giải thoát. Đó là mười đề tài xứng đáng để đàm luận. Nếu các ông tiếp tục đàm luận về mười đề tài này, các ông sẽ sáng chói hơn cả ánh sáng mạnh mẽ, chói chang của mặt trời và mặt trăng, du sĩ ngoại đạo khác không thể sánh bằng.
–AN 10.69
No comments:
Post a Comment