Thursday 3 December 2020

Bốn kỳ Đại hội Kết tập Kinh điển Phật giáo

 Hai chương cuối cùng của Tiểu phẩm, tạng Luật, ghi lại hai kỳ kết tập đầu tiên:

1) Đại hội Kết tập I: Năm trăm vị trưởng lão A-la-hán tụ hội tại Rajagaha (Vương Xá) trong mùa an cư sau khi đức Phật nhập diệt. Ngài Maha-Kassapa chủ trì, ngài Ananda trùng tuyên phần Kinh, ngài Upali trùng tuyên phần Luật. Chỉ thấy ghi ngài Ananda tuyên đọc năm bộ kinh. Không thấy đề cập gì đến A-tỳ-đàm (Abhidhamma, Vi diệu pháp).

Để giải thích nguồn gốc của A-tỳ-đàm, các luận sư về sau này cho rằng A-tỳ-đàm lúc ấy được xem như là một phần của Tiểu bộ.

2) Đại hội Kết tập II: Bảy trăm vị trưởng lão tụ hội tại Vesali, 100 năm sau khi đức Phật nhập diệt. Ngài Revata chủ trì, ngài Sabbakami giải thích về Luật. Không thấy đề cập gì đến A-tỳ-đàm (Vi diệu pháp).

*

3) Dựa theo các chú giải và sử liệu của Sri Lanka, Đại hội Kết tập III được ghi là xảy ra trong triều đại vua A-dục của nước Ấn Độ, vào khoảng thế kỷ 3 trước Tây lịch. Kết tập tại Pataliputta (Hoa Thị Thành, ngày nay là Patna). Ngài Moggaliputta Tissa chủ trì, và đưa vào bộ Kathavatthu (Ngữ tông). Không thấy đề cập gì đến các bộ khác của tạng A-tỳ-đàm.

4) Đại hội Kết tập IV được tổ chức tại Alu Vihara (Matale) ở Đảo quốc Sri Lanka vào triều đại vua Vattagamani-Abhaya, thế kỷ 1 trước Tây lịch. Đây là lần đầu tiên kinh điển được viết xuống lá buông. Đầy đủ ba tạng kinh điển (Kinh, Luật, A-tỳ-đàm) được kết tập.

Do đó, nhiều học giả nghiên cứu lịch sử kinh điển Phật giáo nhận định rằng có lẽ các ý tưởng về A-tỳ-đàm bắt đầu xuất hiện trong thời kỳ phân chia bộ phái, dần dần phát triển trong thời gian khoảng 300 năm, và đúc kết lại trước khi có Đại hội Kết tập IV.

* * *



No comments: