HÃY TRÍCH LỜI ĐỨC PHẬT
Hỏi: – Sư thường khuyến khích các vị đệ tử nên trích dẫn lời của Đức Phật, không trích dẫn lời của Sư. Tại sao Sư đặc biệt nhấn mạnh điều này, trong khi người ta thường thích quy chiếu về những lời nói và giảng dạy của những vị thầy của họ?
Đáp: – Tôi thường nói với mọi người ở đây, tại Hội Thiền Quán (Bhavana Society), rằng: “Khi các bạn giảng pháp, đừng trích lời của Sư G (*)! Đừng nói ‘Sư G đã giảng, đã nói như thế này …, thế này …’ Hãy trích dẫn lời Đức Phật! Đức Phật nói như thế này ..., thế này ... Các bạn ghi nguồn, xuất xứ trong tạng Nikaya và cho biết tên bài kinh liên quan.”
Tại sao?
Khi bạn trích dẫn lời của một vị thầy Phật giáo, như thể sao chép. Từ bản đầu tiên bạn tạo ra một bản sao khác. Từ bản sao thứ hai, bạn tạo ra thêm một bản sao khác nữa, rồi cứ tiếp tục như thế. Khi đến bản thứ 100, nó chỉ còn là một tờ giấy trắng. Bạn không còn có thể đọc được một chữ nào!
Vì thế tôi không thích trích dẫn lời của các vị thầy. Thay vào đó, tôi thích trích dẫn lời dạy nguyên thủy của Đức Phật. Lời dạy của Đức Phật được giữ nguyên, không thay đổi theo thời gian. Các bạn hãy tìm đọc các bản dịch giá trị từ bản Pali và trích dẫn từ nguồn đó. Như thế, cho dù bạn trích dẫn lời dạy hay các đệ tử của bạn trích dẫn, tất cả đều quy về cùng một nguồn.
Nếu làm khác đi – trích lời của vị thầy này của vị thầy kia của vị thày nọ … – cuối cùng rồi bạn sẽ không thấy được ý nghĩa thật sự. Như thể tìm cây kim trong đống rơm. Bạn không còn thấy được đạo Phật!
Đó là xu hướng ngày nay trong xã hội phương Tây. Người ta thích trích dẫn lời “thầy của tôi đã nói như thế này, thế này.” Có người chỉ viết những cuốn sách về thầy của họ. Chúng tôi có nhiều sách như thế trong thư viện ở đây. Họ không thích trích lời Phật dạy có lẽ là vì họ cho rằng các lời dạy đó đã xưa cũ, không theo trào lưu nữa.
Đôi khi tôi đến một nơi nào đó để thuyết pháp, nếu tôi đề cập đến Tứ Thánh đế, nhiều người phản ứng nói rằng: “Bạch Sư, điều đó quá sơ đẳng. Hãy bàn luận về những điều thâm sâu hơn!”
Bạn có thấy tâm trạng đó không, cho rằng lời dạy cốt lõi lại là “điều sơ đẳng”? Tôi hỏi lại: “Vậy thì điều thâm sâu thật sự là gì?”
Chúng ta cần phải nhớ rằng sau 45 năm truyền giảng giáo pháp, Đức Phật tuyên bố, “Này các tỳ-khưu, ta chỉ giảng dạy Khổ và sự Diệt khổ.” Đó là tất cả những gì Ngài đã dạy. Còn các điều khác chỉ là thứ yếu, phụ thuộc.
Tôi đã thấy chuyện này xảy ra trong suốt cuộc đời tôi. Do đó, chúng ta sẽ còn thấy vẫn tiếp tục trong tương lai.
(*) Sư G: “Bhante G”. Đây là tên gọi thân mật dành cho ngài Hòa thượng Gunaratana.
*
No comments:
Post a Comment