CÁC NHÓM HÀNH GIẢ THERAVADA Ở PHƯƠNG TÂY
Dr David Snyder, chủ nhân trang web Dhamma Wiki, https://dhammawiki.com/, phân chia các nhóm Theravada hiện đang sinh hoạt trong xã hội phương Tây theo các khuynh hướng như sau:
1. KHUYNH HƯỚNG THIỀN THƯ GIÃN: Những người này chỉ thích hành thiền để thư giãn tâm trí, giảm stress, để dễ tập trung vào các công việc hàng ngày. Đa số không phải là Phật tử, hầu như không đi chùa. Chỉ trao đổi trên các mạng xã hội hay tại một phòng tập yoga nào đó. Họ hầu như không tin vào thuyết tái sinh và luân hồi. Ngoài hành thiền, họ không quan tâm đến khía cạnh nào khác của Phật giáo.
2. KHUYNH HƯỚNG THIỀN VIPASSANA: Họ hành thiền quán Vipassana hoặc thêm một pháp thiền định, thiền quán tưởng nào đó dựa theo kinh điển Theravada. Họ thường tham dự các khóa thiền do các cư sĩ thiền sư hướng dẫn tại các trung tâm thiền do cư sĩ quản lý, hoặc qua các buổi họp mặt tại một hội trường hay tại nhà của một cư sĩ. Thông thường, người lãnh đạo là một cư sĩ có việc làm riêng, và chỉ hướng dẫn hành thiền trong thời gian nghỉ việc của vị ấy.
3. KHUYNH HƯỚNG TỰ VIỆN TRUYỀN THỐNG: Họ là những Phật tử chính thức quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ Giới, thường đi đến các chùa do các nhóm di dân thành lập từ các nước theo truyền thổng Theravada. Họ tham gia các khóa lễ cầu an, cầu siêu, các lễ hội truyền thống do các vị tu sĩ Phật giáo điều hành.
4. KHUYNH HƯỚNG THERAVADA TÂN THỜI: Những người này tập trung học tập kinh điển của tạng Kinh Pāli, được dịch sang tiếng bản địa. Có khi họ được gọi là những người theo khuynh hướng EBT (Early Buddhist Texts – Kinh văn Phật giáo Sơ kỳ). Họ cũng tìm hiểu sơ lược về tạng A-tỳ-đàm và các Chú giải nhưng họ chú tâm nhiều hơn đến năm bộ Nikaya của tạng Kinh. Những người này đa số là Phật tử, chấp nhận thuyết tái sinh, đơn thuần tập trung vào các bài kinh nguyên thủy, không chú tâm đến các kinh văn hậu tác.
5. KHUYNH HƯỚNG THERAVADA CỔ ĐIỂN: Họ là những Phật tử thích tìm hiểu và chú tâm học tập cả 3 Tạng của kinh điển nguyên thủy. Họ cũng chú tâm đến các luận giải của Luận sư Buddhaghosa, nhất là cuốn Thanh Tịnh Đạo, và các Chú giải khác.
Đây chỉ là một nhận xét tổng quát, sơ lược về các sinh hoạt Phật giáo ở phương Tây bắt nguồn từ truyền thống Theravada. Dĩ nhiên là có những hành giả, tùy theo hoàn cảnh và nghiệp duyên, kết hợp nhiều khuynh hướng khác nhau khi đến với Đạo Phật.
*-----*
No comments:
Post a Comment