Tuesday, 24 December 2024

Dịch giả bốn bộ A-hàm tiếng Hán

DỊCH GIẢ BỐN BỘ A-HÀM TIẾNG HÁN
Bình Anson

*

1) TRƯỜNG A-HÀM KINH (長阿含經 - Dīrgha Āgama, T-0001) do ngài Phật-đà-da-xá và ngài Trúc Phật Niệm dịch từ Phạn văn sang Hán văn vào đời Hậu Tần, vào khoảng năm 413 TL. Bộ kinh này được xem như tương đương với Trường bộ kinh (Dīgha Nikāya) của tạng Pāli Nam truyền. 

Pháp sư PHẬT-ĐÀ-DA-XÁ (佛陀耶舍 - Buddhayaśas, Hán dịch là Giác Minh) là người nước Kế-tân (Kashmir), bắc Ấn Độ. Ngài xuất gia năm 13 tuổi, năm 27 tuổi mới thọ giới Cụ túc. Ngài chuyên cần tu tập, đọc tụng kinh điển, thông suốt cả Đại thừa và Tiểu thừa. Ngài là thầy của Pháp sư Cưu-ma-la-thập (La-thập, 羅什). Năm 408 TL, đời vua Diêu Tần, theo lời thỉnh cầu của ngài La-thập, ngài đến Trường An, hỗ trợ ngài La-thập trong công tác dịch thuật kinh điển. Ngài dịch kinh Thập trụ, Tứ phần tăng giới bản, Tứ phần luật, rồi cùng với ngài Trúc Phật Niệm dịch kinh Trường A-hàm. Về sau, ngài quay trở về Thiên Trúc. 

Pháp sư TRÚC PHẬT NIỆM (竺佛念) là người ở Lương Châu (涼州, nay là Võ Uy, Cam Túc). Ngài xuất gia từ lúc còn nhỏ, chí nghiệp kiên cố, ngoài việc tụng kinh ra, ngài còn siêng năng học tập ngoại điển. Ngài đến Trường An trong khoảng năm 365-384 TL, phụ giúp các Pháp sư Tăng-già-đề-bà (僧伽提婆) và Đàm-ma-nan-đề (曇摩難提) dịch thuật kinh điển, trong đó có bộ kinh Trung A-hàm và Tăng nhất A-hàm. Về sau, ngài phụ giúp Pháp sư Phật-đà-da-xá dịch bộ Trường A-hàm. Ngài còn dịch nhiều bộ kinh Đại thừa khác, tổng cộng 12 bộ, 74 quyển. Ngài thị tịch tại Trường An, không rõ năm tháng.

*

2) TRUNG A-HÀM KINH (中阿含經 - Madhyama Āgama, T-0026) do ngài Tăng-già-đề-bà (僧伽提婆) dịch từ Phạn văn sang Hán văn vào đời Đông Tấn vào khoảng năm 408 TL. Bộ kinh này được xem như tương đương với Trung bộ kinh (Majjhima Nikāya) của tạng Pāli Nam truyền.

Pháp sư TĂNG-GIÀ-ĐỀ-BÀ (僧伽提婆 - Saṅghadeva, Hán dịch là Chúng Thiên) là người nước Kế-tân (Kashmir), bắc Ấn Độ. Ngài là người thông minh tuấn tú, uy nghi đĩnh đạc, bản tính khiêm cung, học thông ba tạng, nhưng chuyên tâm nghiên cứu A-tì-đàm tâm luận của Hữu bộ. Trong khoảng năm Kiến Nguyên (365-384 TL) đời Tiền Tần, ngài đến Trường An. Sau đó, Pháp sư tham gia công tác dịch thuật cùng với các ngài Tăng-già-bạt-trừng, Đàm-ma-nan-đề, Trúc Phật Niệm. Vào năm 397 TL, ngài đến Kiến Khang (nay là Nam Kinh), được các vương công, danh sĩ rất quý trọng. Thượng thư Vương Tuân thỉnh ngài giảng dạy luận A-tì-đàm. Nhận thấy các bản dịch Trung và Tăng nhất A-hàm chưa được hoàn chỉnh,  Vương Tuân tổ chức dịch trường, thỉnh ngài dịch lại Trung A-hàm và hiệu chính, biên tập lại Tăng nhất A-hàm.

Về công trình kinh luận của ngài, Xuất tam tạng kí tập quyển 2 liệt kê ngài dịch 6 bộ 116 quyển, còn Khai nguyên thích giáo lục thì liệt kê 5 bộ 118 quyển.

*

3) TẠP A-HÀM KINH (雜阿含經 - Saṃyukta Āgama, T-0099) do ngài Cầu-na-bạt-đà-la dịch từ Phạn văn sang Hán văn vào khoảng năm 435-436 TL, đời Lưu Tống, tại chùa Kỳ Hoàn ở Nam Kinh. Bộ kinh này được xem như tương đương với Tương ưng bộ kinh (Saṃyutta Nikāya) của tạng Pāli Nam truyền.

Pháp sư CẦU-NA-BẠT-ĐÀ-LA (求那跋陀羅 - Guṇabhadra, Hán dịch là Công Đức Hiền, 394-468 TL) là người gốc Trung Ấn, thuộc dòng dõi Bà-la-môn. Thuở nhỏ ngài được học các luận thư, các môn thiên văn, thư số, y phương, chú thuật v.v Về sau, do tình cờ được đọc A-tì-đàm Tạp tâm luận, tỏ ngộ được Chánh pháp, trở nên sùng tín đạo Phật, rồi cạo tóc xuất gia và thọ giới Cụ túc. Ngài là người hiền hòa kính thuận, chuyên cần học tập, trước học giáo pháp Tiểu thừa, thông suốt ba tạng, sau chuyển sang học giáo pháp Đại thừa, rồi đọc tụng tuyên giảng, đồng thời, đem Phật pháp khuyến hóa cha mẹ. Cha mẹ của ngài về sau cũng chuyển sang theo đạo Phật.

Năm 435 TL đời Lưu Tống, ngài đến Quảng Châu bằng đường biển, vua Văn Đế sai sứ ra rước về chùa Kỳ Hoàn ở Kiến Khang để tham gia việc dịch kinh. Cùng với các tăng sĩ Trung Quốc, ngài dịch bộ Tạp A-hàm kinh và nhiều kinh điển tiếng Phạn khác. Công trình dịch thuật tổng cộng là 52 bộ và 134 quyển. Vào năm 468 TL đời vua Minh Đế, ngài thị tịch, hưởng thọ 75 tuổi.

*

4) TĂNG NHẤT A-HÀM KINH (增壹阿含經 - Ekottara Āgama, T-0125) do ngài Đàm-ma-nan-đề dịch vào khoảng năm 384 TL, sau đó được ngài Tăng-già-đề-bà hiệu chính, biên tập lại vào năm 398 TL. Bộ kinh này được xem như tương đương với Tăng chi bộ kinh (Aṅguttara Nikāya) của tạng Pāli Nam truyền.

Pháp sư ĐÀM-MA-NAN-ĐỀ (曇摩難提 - Dharmanandi, Hán dịch là Pháp Hỷ) là người nước Đâu-khư-lặc  (兜佉勒 – Tukhāra, Tokharistan). Ngài xuất gia từ thuở nhỏ, thông minh đĩnh ngộ, học suốt ba tạng kinh điển, hiểu sâu các bộ A-hàm. Năm 384 TL, đời Tiền Tần, ngài đến Trường An, rồi cùng với các tăng sĩ Trung Quốc phiên dịch Trung A-hàm và Tăng nhất A-hàm. Về sau, các bản dịch này được Pháp sư Tăng-già-đề-bà hiệu chính, biên tập lại, tức là bản dịch lưu hành hiện nay. Ngoài ra, ngài Đàm-ma-nan-đề còn dịch kinh A-dục vương tức hoại mục nhân duyên 1 quyển, kinh Tăng-già La-sát 2 quyển, luận Tam pháp độ 2 quyển, và nhiều bản kinh khác.

Pháp sư TĂNG-GIÀ-ĐỀ-BÀ (僧伽提婆 - Saṅghadeva, Hán dịch là Chúng Thiên) – Xem tiểu sử trong phần Trung A-hàm kinh ở trên.

*

Tham khảo:  
1) Tuệ Sỹ (2008). Trường A-hàm Tổng mục lục.
2) Tuệ Sỹ (2009). Trung A-hàm Tổng mục lục.
3) Tuệ Sỹ (2010). Tạp A-hàm Tổng mục lục.
4) Tuệ Sỹ (2011). Tăng nhất A-hàm Tổng mục lục.
5) Từ điển Phật Quang
6) Từ điển Phật học Tinh tuyển
7) Nguyễn Minh Tiến & Nguyễn Minh Hiển (2004). Mục lục Đại chánh Tân tu Đại tạng kinh.
8) Thích Nhật Từ (2021). Mục lục Tam tạng Đại chánh.

Ghi thêm: Bốn bộ A-hàm tiếng Hán này đã được dịch sang tiếng Việt. Có ba bản dịch:
1) Bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Trí Tịnh và Hòa thượng Thích Thanh Từ,
2) Bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Tuệ Sĩ và Hòa thượng Thích Đức Thắng, và
3) Bản Việt dịch của Trung tâm Dịch thuật Trí Tịnh.

*-----*









No comments: