Theo tôi biết, trong Chánh tạng (Kinh, Luật, Luận) không thấy ghi một nghi thức nào cho một cư sĩ trở thành đệ tử của Đức Phật – một Phật tử. Có những bài kinh ghi lại câu chuyện một cư sĩ tại gia (vua, quan, thương gia, nội trợ, nông dân, …) khi đủ duyên để gặp Đức Phật, được Ngài khuyến dạy; sau khi nghe, vị ấy phát tâm trong sạch xin nương nhờ nơi Đức Phật, Giáo pháp và Tăng đoàn, thường gọi là quy y Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), và từ đó trở thành một cư sĩ Phật tử. Ba câu phát nguyện đó thường được cộng đồng Theravāda tụng đọc như sau:
Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi – Con xin quy y Phật
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi – Con xin quy y Pháp
Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi – Con xin quy Tăng
Tăng (Saṅgha) ở đây theo định nghĩa trong câu kệ tán dương ân đức Tam Bảo (SN 11.3) và trong bài kinh Châu báu (Ratana sutta, Snp 2.1) là cộng đồng chư thánh tăng, gồm những vị đã nhập dòng thánh giải thoát.
Có những bài kinh Đức Phật khuyên các đệ tử cư sĩ nên gìn giữ năm học giới (DN 5, DN 33.5, AN 3.79, AN 9.20, …). Từ đó, có câu phát nguyện gìn giữ năm học giới như sau:
1) Pāṇātipātā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi (Con nguyện giữ điều học là không sát sinh)
2) Adinnādānā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi (Con nguyện giữ điều học là không trộm cắp)
3) Kāmesumicchācāra veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi (Con nguyện giữ điều học là không tà dâm)
4) Musāvādā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi (Con nguyện giữ điều học là không nói dối)
5) Surāmerayamajjapamādaṭṭhānā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi (Con nguyện giữ điều học là không uống rượu và dùng các chất say)
Đây là 5 học giới để người cư sĩ nguyện học tập, gìn giữ trong đời sống có đạo đức.
Trong các cộng đồng Theravāda - Nam tông (Thái Lan, Lào, Campuchia, Sri Lanka, Myanmar), các em học sinh được nhà trường dạy tụng đọc ba câu quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới bằng tiếng Pāli ngay từ bậc tiểu học. Thêm vào đó, mỗi lần đi chùa dự lễ, hay nghe thuyết pháp, hoặc thỉnh mời chư Tăng đến nhà để cầu an, cầu siêu, chư Tăng đều đọc các câu quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới đó để mọi người cùng đọc theo, như là một hình thức nhắc nhở. Do đó, hầu như các Phật tử Theravāda đều đọc thuộc các câu Pāli này, dù rằng cách phát âm của mỗi quốc độ có vài khác biệt.
Theo tôi biết, Phật tử cư sĩ tại các quốc gia Theravāda không có những buổi lễ xin quy y chính thức, mà cũng không có pháp danh đặc biệt nào. Pháp danh thường chỉ dành riêng cho các tu sĩ xuất gia trong các buổi lễ truyền giới của tu sĩ.
Ngay cả tại Việt Nam ngày xưa, trong truyền thống Bắc tông, cũng thế. Ba má, ông bà tôi đều là Phật tử, thường đi chùa vào ngày rằm và các dịp lễ lớn. Bà cố tôi đã từng hiến đất để cất chùa trong làng. Nhưng các vị đó không tham dự một lễ quy y Tam Bảo nào, cũng không có một pháp danh nào.
Thông lệ người cư sĩ tham dự một buổi lễ chính thức xin quy y tại chùa, rồi được ban cho một pháp danh có lẽ được áp dụng tại Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ 20, khi có phong trào canh tân Phật giáo. Về sau, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập vào năm 1964, lễ Quy y Tam bảo này được Giáo hội khuyến khích áp dụng rộng rãi hơn trong khắp các tỉnh thành của Việt Nam Cộng Hòa xưa.
Như tôi đã từng chia sẻ, tôi có tham dự buổi lể xin quy y Tam Bảo chính thức tại Viện Nhu đạo Quang Trung, Đa Kao, Sài Gòn, do ngài Hòa thượng Thích Tâm Giác chủ trì, và được ban cho một pháp danh và một tờ điệp quy y. Tôi không còn giữ tờ điệp này, nhưng hình thức tương tự như tờ điệp trong hình kèm theo. Bên trái tấm hình là ngài Hòa thượng Thích Tâm Giác. Đó là vào năm 1965, khi tôi học lớp đệ Ngũ (lớp 8 bây giờ) tại trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký.
Tôi hầu như không bao giờ dùng pháp danh đó vì mình không chính thức tham gia một sinh hoạt Phật sự nào khác. Về sau này, khi tôi bắt đầu tìm hiểu truyền thống Theravāda trong thập niên 1980, tôi có gặp một vị sư Nam tông gốc Việt ở Bangkok. Vị sư ấy đọc các câu Tam quy và ngũ giới để tôi đọc theo, rồi tụng kinh cầu an chúc phúc cho tôi. Sau đó, vị sư ấy cho tôi pháp danh là Sucitto (nghĩa là Thiện Tâm). Tôi có dùng tên này trong vài bài viết về Phật giáo, rồi thôi, cũng không dùng đến nữa.
Trong thời gian qua, tôi có góp ý với vài bạn đạo về việc tham dự lễ xin quy y Tam Bảo để trở thành một Phật tử cư sĩ. Nếu có cơ hội và thuận duyên, thì đăng ký tham dự một lễ chính thức như thế cũng tốt. Đó là một kỷ niệm đẹp, nhắc nhở mình là một Phật tử, phát tâm nguyện quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới. Nếu không thuận duyên, hoặc ở những nơi xa xôi không tiếp cận được các chùa, thì chỉ cần mình có lòng thành thật, với tâm trong sạch phát nguyện trong lòng là mình tìm về quy y ở Phật, Pháp, Tăng và nguyện giữ 5 học giới là đủ. Nếu trong nhà có bàn thờ Phật thì đến trước bàn thờ, lễ lạy rồi thành tâm nói lên 3 câu quy y và nguyện thọ trì 5 giới bằng tiếng Việt cũng được. Như thế, mình trở thành một Phật tử cư sĩ. Đơn giản thế thôi. Quan trọng là ở nơi tâm nguyện chân thành của mình.
*-----*