Wednesday 25 June 2008

Pháp sư Ấn Thuận (Taiwan)

Trích đoạn từ một bài giảng của Pháp sư Ấn Thuận (Thích Hạnh Bình dịch Việt):
(nguồn: http://www.thuvienhoasen.org/hanhbinh-nghiencuuphathoc.htm" )

1) "... thái độ học tập Phật pháp của tôi là chỉ tin tưởng vào đức Phật, không tin tưởng ở bất cứ ai, cũng không nhất định phải tin tưởng vào các bậc Tổ sư. Có người cho rằng, là người Trung Quốc, nhất định phải tin tưởng vào giáo lý tư tưởng của những Tổ sư người Trung Quốc, tôi hoàn toàn không đồng tình với quan niệm này. Giả sử như cái gì là chân chánh của Phật pháp, dù nó là gì đi nữa, tôi nhất định tin theo, ngược lại nếu như là những điều không đúng với Phật pháp, đó chỉ là quan điểm riêng của người Trung Quốc, nhất định tôi không thể tin theo được"

2) "... Có người hỏi, tôi tu học theo Tông phái nào? Tôi không biết phải trả lời như thế nào! Một số người nghĩ rằng, nên y vào một Tông một phái nào đó tu học mới đúng. Nhưng theo tôi, Tông phái chỉ là phương tiện đem Phật pháp để thích ứng tính đặc thù văn hóa tư tưởng của từng thời đại, do đó hình thành và phát triển thành Tông phái khác nhau. Cũng giống như có nhiều con đường khác nhau cùng dẫn đến đỉnh núi. Riêng tôi không thuộc về Tông phái nào cả, chẳng qua có người cho tôi là Tam luận tông, cũng có người gọi tôi là Luận sư.Thật sự mà nói, tôi cũng không hiểu tại sao họ cho tôi như thế. Kỳ thực, tôi không phải là người như thế đó, gọi như thế nào cũng được miễn là tôi tự hiểu rằng, tôi không phải là người như thế là đủ rồi. "

3) "... Phương pháp nghiên cứu của tôi về Phật học, có thể nói là rất cố chấp, vì tôi cho rằng, chúng ta là một tín đồ Phật giáo, cần phải lấy phương pháp của Phật pháp để nghiên cứu Phật pháp. Thế thì chúng ta bằng cách nào để nghiên cứu Phật pháp? Ðức Phật đã từng chỉ ra rằng, có một loại chân lý rất phổ biến và hiện thực ở thế gian, cũng có thể nói là sự thật của cuộc đời là: Tất cả sự tồn tại của sự vật đều không thể tách rời nguyên tắc phổ biến này. Nguyên tắc này, tức là “Các hành đều vô thường, các pháp đều vô ngã”. Tôi cho rằng, khi chúng ta nghiên cứu Phật pháp, nên vận dụng nguyên tắc này để xử lý mọi vấn đề. "

4) "... Vấn đề học tập, có người không biết cách học, bèn dùng cách ghi chép, thầy giáo nói điều gì ghi chép điều ấy, về sau cứ y như thế mà phát biểu. Ðứng về phương diện học vấn mà nói, đây không phải là cách làm của người nghiên cứu, nó sẽ không giúp ích gì cho sự tiến bộ của chúng ta. Khi chúng ta đọc sách, cần phải phát hiện những điều mới mẻ ở trong đó. Trước khi xem sách, người đọc cần có một vài ý niệm đơn sơ về nó. Trong quá trình đọc duyệt kinh luận, tự biết mình có những nhận thức sai lầm, tự biết sai lầm, có nghĩa là đã tiến bộ, nếu như ba năm về trước tôi cho rằng cái này là như thế này, cho đến nay vẫn như thế, tức là không có gì mới mẻ, nó đồng nghĩa không tiến bộ. Vấn đề nghiên cứu, chúng ta cần có nhiều thời gian suy tư về nó, bằng nhiều góc độ khác nhau để phát hiện chúng ta sai ở điểm nào và tại sao sai, chúng ta luôn sửa đổi nhận thức sai lầm của mình, sửa thành chính xác hơn đúng hơn, điều đó cũng sẽ cống hiến cho mọi người tốt hơn. "

5) "... Tôi không cần thảo luận sự chân thật tu chứng, nhưng khi chúng ta nghiên cứu học vấn, phụng sự Phật pháp hay làm những việc phúc lợi xã hội, chúng ta cần phải lấy Phật pháp làm kim chỉ nam chỉ đạo cho chính mình, sách tấn chính mình, điều đó sẽ giúp cuộc sống tinh thần của chúng ta càng ngày càng tốt hơn. Nếu như vị nào đối với việc học tập, cảm thấy càng học càng phiền não đau khổ, hoặc tự cho rằng, không ai bằng mình, sanh tâm khinh mạn, thậm chí phụ ân thầy tổ huynh đệ đều không bằng, người này chắc chắn cũng sẽ gặt lấy khổ đau. Người chân chánh học Phật, thường đem Phật pháp áp dụng vào cuộc sống, cải đổi thói hư tật xấu, Phật giáo vốn là một tôn giáo, không chỉ đơn thuần chỉ là tri thức thế gian. Nghiên cứu Phật pháp mà cuộc sống không có chút gì gọi là Phật pháp, thì công việc nghiên cứu ấy cũng giống như những tri thức của thế gian, nó không phải là Phật pháp. "

No comments: