Friday 27 June 2008

Bàn về chữ Minh, Trí, Tuệ

1) Bàn về chữ Minh:

‘Minh” thường dùng để dịch chữ “vijjā”, “Trí” dùng để dịch chữ “ñāna”, và “Tuệ” dùng để dịch chữ “paññā”. Tuy nhiên, đó chỉ là 1 nhận xét đầu tiên, không phải hoàn toàn tuyệt đối như thế. Các chữ này đôi khi dùng lẫn lộn với nhau, trong Pāli cũng như trong Hán Việt.

Trước hết, hãy thử bàn về chữ Minh:

- Avijjā: vô minh
- Tevijjā: tam minh (túc mạng minh, sinh tử minh, lậu tận minh), có khi cũng gọi là Trí, vì ñāna cũng được dùng đến.
- Vijjā-carana: minh hạnh (một trong 9 danh hiệu Phật)

Trong chữ Hán, có nhiều cách viết chữ Minh, và vì thế mang nhiều ý nghĩa khác nhau:

- Minh 明 (bộ Nhật): Nhật là mặt trời hay ban ngày, cho nên chữ Minh này có nghĩa là sáng, sáng tỏ, ngay thẳng, rõ ràng, v.v. và là chữ ta thường gặp trong kinh sách: minh quang, minh trí, chứng minh, phân minh, minh bạch, minh tinh, văn minh, khải minh, tam minh, v.v.
(chiết tự: Minh = Nhật + Nguyệt)

- Minh 銘 (bộ Kim): Kim là hiện tại, và chữ Minh này có nghĩa là ghi nhớ không quên, như chữ “minh tâm” (ghi khắc trong lòng). Chữ này ít gặp.

- Minh 盟 (bộ Mãnh): Mãnh là 1 thứ hộp để chứa các đồ vật khác, hay các loại chén đĩa. Chữ Minh này có nghĩa là thề nguyện, lời thề, thề thốt cùng làm bạn, chung nhóm với nhau. Từ đó sinh ra các chữ: đồng minh, liên minh, minh ước.

- Minh 冥 (bộ Mịch): Mịch là bao trùm, đậy lại, viết ra như 1 cái nắp đậy. Chữ Minh này có nghĩa là u ám, ngu tối, sâu tối, sâu ngầm, cõi âm, cõi chết … như chữ: u minh (rừng U Minh ở Cà Mau), minh minh (2 chữ minh, càng thêm u tối, chỗ hồn ma ở), minh khí (đồ vàng mã chôn theo người chết).

- Minh 溟 (bộ Thủy): biển, trận mưa nhỏ, như “Nam minh”: biển Nam. Chữ này ít gặp.

- Minh 螟 (bộ Trùng): một thứ sâu ăn lúa.

- Minh 蓂 (bộ Thảo): Thảo là cỏ, ở đây, Minh là 1 loại cỏ.

- Minh 鳴 (bộ Điểu): Điểu là chim. Chữ Minh này có nghĩa là gáy, hót, phát ra âm thanh, gõ, có tiếng tăm, … Như: kê minh (gà gáy), lôi minh (sấm vang), minh la (đáng phèn la), minh tạ (bày tỏ lòng tạ ơn), minh khiêm (có tiếng tăm về khiêm nhường).

Ghi chú thêm: “viên minh” 猿 鳴 nếu viết theo chữ này là tiếng kêu của con vượn (viên, thuộc bộ Khuyển, là con vượn), “viên minh” 圓 明 viết theo bộ Nhật có nghĩa là có trí sáng suốt tròn đủ (viên, thuộc bộ Vi, ở đây là tròn, tròn đủ). Thêm vào đó, mỗi khi ai đó dùng lời hoa mỹ, khen tôi là người "minh triết" (!), tôi cảm thấy ngượng, và tự hỏi không biết chữ "minh" đó là từ bộ Nhật hay bộ Mịch?!

2) Bàn về chữ Trí:
Trong Hán Việt, Trí có nhiều nghĩa:

- Trí 智 (bộ Nhật): thông minh, hiểu biết, khôn. Đây là chữ Trí thường dùng trong kinh sách (đại trí, hiền trí, trí tuệ).
(chiết tự: Trí = Tri + Nhật)

- Trí 置 (bộ Võng): thả, phóng thích, bỏ đi, đặt để (bài trí, phối trí, bố trí, vị trí).

- Trí 致 (bộ Chí): suy cho cùng, hết lòng, truyền đạt, trả lại, ý hướng (nhất trí: đồng lòng, đồng ý).

- Trí 緻 (bộ Mịch): tỉ mỉ, khít khao.

3) Bàn về chữ Tuệ:
Người miền Nam thường dùng chữ Huệ, và có khi dùng cả Tuệ và Huệ. Thí dụ: trí tuệ, Lục tổ Huệ Năng, phước huệ song tu, giới định tuệ, …

- Tuệ 慧 (bộ Tâm): sáng trí, hiểu biết tường tận. Đây là chữ thường thấy nhất trong kinh sách (trí tuệ, tuệ nhãn, tuệ giác, v.v.).
(chiết tự: Tuệ = Tuệ (cái chổi, 11 nét) + Tâm)

- Tuệ 彗 (bộ Kí): cái chổi quét nhà (tuệ tinh: sao chổi).

- Tuệ 穗 (bộ Hòa): bông lúa, hoa đèn.

- Tuệ 槥 (bộ Mộc): cái áo quan nhỏ.

- Tuệ 篲 (bộ Trúc): cái chổi.

Xin ghi nhận ở đây là trong 3 chữ liên hệ đến sự hiểu biết, thông minh, thông thái dùng trong kinh sách, chữ Trí và Minh dựa theo bộ Nhật, nghĩa là đầu óc phải sáng chói như mặt trời. Còn chữ Tuệ lại dựa vào bộ Tâm. Phải chăng đây là một dụng ý cao thâm của các vị cao nhân học giả ngày xưa, nếu tâm không tốt, còn nhiều bụi bặm dơ bẩn, không dùng cái chổi để quét dọn sạch sẽ, thì làm sao có tuệ?





* Xem thêm: Hán Việt Từ Điển, http://hanviet.org/

No comments: