Mỗi ngày tôi tụng kinh và hành thiền hai thời, sáng và tối. Rồi đi tưới cây, quét sân, cắt tỉa cành lá. Làm việc nhẹ nhàng thong thả. Nếu có hứng, ngắm nghía, lấy máy ảnh chụp vài tấm hình cây cảnh chung quanh nhà, cắt gọt, rồi chia sẻ đến bạn bè bốn phương qua Facebook. Sau đó là lướt web, xem thông tin thời sự đó đây. Nhờ thế mà tôi biết nhiều về tình trạng kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội tại những nơi mình quan tâm (Úc, Thái Lan, Việt Nam, Hoa Kỳ, v.v.), ghi nhận qua nhiều góc cạnh khác nhau, từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, để có cái nhìn thực tế, khách quan và cân bằng. Nhưng rồi thôi, không quan tâm theo đuổi bình luận. Có khi cao hứng, lần mò vào các trang web âm nhạc, đọc thêm các chia sẻ thông tin và tải về những albums mình thích. Nhờ vậy mà bây giờ có được một kho nhạc đủ loại, khá phong phú.
Sau đó, tôi lái xe đến hồ bơi công cộng gần nhà, bơi lội trong nước như là một hình thức tập thể dục, giúp mạnh khỏe, ăn ngon, ngủ yên. Đây là nơi tôi gặp nhiều người Úc, đủ mọi thành phần trong xã hội, mọi nguồn gốc sắc tộc, mọi lứa tuổi. Cũng là một cơ hội để mình nhìn thấy thực tế rõ ràng về tấm thân tứ đại của con người, không che đậy bởi các loại y phục trang sức màu mè kiểu cọ. Tất cả đều là những bộ xương biết đi hay những túi da biết cử động. Thế thôi.
Trên đường về, có khi tôi ghé vào khu thương mại gần đó để mua sắm vài thứ lặt vặt, cần thiết. Đôi khi ngồi ở một quán càfê tại đó, vừa nhâm nhi, vừa ngắm nhìn người qua kẻ lại. Đây là khu gia cư của giới bình dân, tập trung nhiều sắc tộc sang định cư ở Tây Úc. Vì thế, hàng hóa và thức ăn rất quốc tế, rất đa dạng.
Những khi trời mát, không nắng gay gắt, tôi thường rảo bộ sau bữa ăn trưa, đi loanh quanh trong vùng, qua các công viên nhỏ, mang theo máy ảnh bỏ túi, chụp vài tấm hình phong cảnh cho vui. Tôi không phải là nhiếp ảnh gia nhà nghề nhưng thích chụp hình, giúp mình chú ý và thưởng thức được những góc cạnh của cảnh quang trong đời sống.
Về nhà, tôi tìm đọc kinh sách Phật giáo, tiếng Anh và tiếng Việt. Nếu có hứng, tôi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt những bài tham luận ngắn của vị cao tăng học giả nào đó mà mình thấy hợp duyên. Làm lai rai thong thả, tùy duyên, tùy hứng, không ấn định một mốc thời gian nào. Vừa dịch vừa học thêm, giúp mình có nhiều hiểu biết thông thoáng hơn, tránh được các thái độ vội vã hời hợt một chiều, biên kiến, giáo điều, cực đoan, cuồng tín. Rồi lại lướt web, tìm đọc các thông tin về Phật giáo, nhất là tại các diễn đàn hay các trang web, trang blog Phật giáo mà mình đã chọn trước. Tôi thường đọc các trang tiếng Anh vì cảm thấy thảo luận, trao đổi ở đó có chiều sâu, khách quan, và có tinh thần xây dựng, tương kính hơn. Đây chỉ là một nhận xét dựa theo kinh nghiệm của riêng cá nhân tôi, có thể không hẵn hoàn toàn đúng.
Khi có vài ý tưởng nào đó về Phật pháp, hoặc vài mẫu chuyện trên đời có liên quan đến sự tu tập trong phạm vi của một phàm nhân cư sĩ, tôi thường ghi xuống, tìm vài tấm hình minh họa rồi gửi vào chia sẻ trong trang Facebook cá nhân. Tôi không thích kết bạn nhiều, giới hạn số bạn là 300, không còn ham thích tham gia vào các thảo luận, tranh cãi hơn thua, đúng sai. Nếu thấy cần thiết, chỉ đóng góp vài dòng rồi thôi, không tiếp tục. Đóng góp, chia sẻ cho vui, hoàn toàn không có ý định chỉ dạy, thuyết phục hay hướng dẫn người khác. Đó cũng là nguyên tắc tôi áp dụng khi trình bày một chủ đề Phật pháp nào đó mỗi tuần trên mạng truyền thông Paltalk.
Cuối tuần tôi đến phụ giúp làm vài việc lặt vặt tại chùa Dhammāloka gần nhà, đa phần là tại thư viện. Mỗi năm hai lần tôi phụ trách một khóa hướng dẫn hành thiền cho những người mới bắt đầu, trong bốn buổi tập vào chiều Thứ Bảy. Đôi khi ban Trị sự có những việc cấp bách nhưng thiếu nhân sự, các anh chị ấy gọi tôi đến phụ giúp vì nhà ở gần chùa, chỉ đi bộ khoảng 10 phút.
Trong mùa an cư 3 tháng của chư Tăng Ni, mỗi tuần vợ chồng tôi nấu thức ăn mang đến cúng dường Tu viện Bodhinyana và Ni viện Dhammasara, lái xe mất khoảng 1 giờ để đến hai nơi ấy. Trong các khóa thiền 10 ngày tổ chức tại Thiền trang Jhana Grove, gia đình chúng tôi tình nguyện nấu các món ăn trong ngày đầu tiên cúng dường chư Tăng Ni và thiền sinh tại đó. Thỉnh thoảng, khi Thiền trang Jhana Grove không có khóa thiền, tôi đến xin ở tịnh tu vài ngày, sống trong khung cảnh núi rừng vắng vẻ, làm bạn với loài két rừng và các cô chú kăng-ga-ru.
Hằng năm tôi đều có những chuyến du hành sang miền đông nước Úc, hay đi viếng các nước Phật giáo trong vùng Đông Nam Á và ghé vào viếng Việt Nam. Bây giờ tôi không còn hứng thú đi du lịch tham quan danh lam thắng cảnh hay những thành phố nổi tiếng ở các quốc gia khác. Chỉ thích đi viếng những nơi nào có liên quan đến lịch sử Phật giáo, nhất là trong truyền thống Theravada.
Hôm nay đi bơi, tình cờ gặp một anh bạn gốc Sri Lanka đã từng làm việc với tôi trong một dự án về quản lý nguồn nước. Chuyện trò thăm hỏi thông tin về bạn bè ở nhiệm sở cũ, rồi anh ấy hỏi tôi có thấy nhớ các công việc xưa không. Tôi trả lời là hầu như tôi đã quên hết. Ngày cuối cùng trước khi chia tay tại cơ quan đó, tôi nói với các bạn đồng nghiệp là một khi bước ra khỏi cửa nơi nầy, tôi sẽ không bao giờ quay trở lại. Xem như đã xong giai đoạn chén cơm manh áo trong cuộc đời, và tiến sang một giai đoạn khác. Dòng thời gian chỉ trôi chảy theo một hướng, không thể quay ngược trở lại.
Bình Anson
Perth, 11/01/2017
Cập nhật (24/03/2021):
Theo lời khuyên của bác sĩ, bây giờ vợ chồng tôi có thêm một chuyến đi bộ mỗi ngày, đi thong thả khoảng 20-30 phút chung quanh khu vực, bắt đầu là theo lộ trình chư Tăng Ni đi bát mỗi sáng Thứ Bảy, rồi uyển chuyển thay đổi, thêm bớt. Tổng cộng lộ trình khoảng 1 mile (1.600 - 1.800 mét), tương đương với một vòng ven Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội, hay một vòng trên 4 con đường lớn chung quanh Dinh Độc Lập (Hội Trường Thống Nhất), Sài Gòn. Xem bản đồ bên dưới.
Theo lời khuyên của bác sĩ, bây giờ vợ chồng tôi có thêm một chuyến đi bộ mỗi ngày, đi thong thả khoảng 20-30 phút chung quanh khu vực, bắt đầu là theo lộ trình chư Tăng Ni đi bát mỗi sáng Thứ Bảy, rồi uyển chuyển thay đổi, thêm bớt. Tổng cộng lộ trình khoảng 1 mile (1.600 - 1.800 mét), tương đương với một vòng ven Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội, hay một vòng trên 4 con đường lớn chung quanh Dinh Độc Lập (Hội Trường Thống Nhất), Sài Gòn. Xem bản đồ bên dưới.
*
Bản đồ đi bộ mỗi ngày, khoảng 1.600-1.800 mét. |
No comments:
Post a Comment