Friday 22 December 2017

Bốn pháp lập niệm & niệm hơi thở

Bốn pháp LẬP NIỆM (Tứ niệm xứ) & Quán niệm hơi thở
Tỳ-khưu Bodhi 
(Trích “Những lời Phật dạy”, trang 344-348, Bình Anson dịch)
 
Bài kinh giảng thường được xem bao gồm những hướng dẫn hành thiền đầy đủ nhất là Kinh Lập Niệm hay Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna Sutta). Có hai phiên bản bài kinh này, phiên bản dài trong Trường bộ, phiên bản trung bình ở Trung Bộ. Bản dài khác với bản trung bình ở phần phân tích mở rộng về Tứ Thánh Đế, có lẽ nguyên thủy là một chú giải sơ bộ được đưa vào bài kinh. Toàn bộ một chương trong Tương ưng bộ – chương Tương ưng Lập niệm (Satipaṭṭhāna-saṃyutta), cũng dành cho hệ thống hành thiền này.
 
Bài kinh Lập Niệm không đề nghị một đề mục hành thiền duy nhất hay một pháp hành thiền duy nhất. Mục đích của bài kinh là giải thích làm thế nào để thiết lập một chế độ chiêm niệm cần thiết để thực chứng Niết-bàn. Khung tâm thức thích hợp được thiết lập, như ngụ ý trong tựa bài kinh, được gọi là “thành lập niệm”. Từ “satipaṭṭhāna” có lẽ nên hiểu như là một hợp từ của “sati”, niệm hay tỉnh thức và “upaṭṭhāna”, thành lập. Vì thế “thành lập niệm” có lẽ là cách dịch tốt nhất nắm bắt được ý nghĩa nguyên thủy.
 
Theo công thức tiêu chuẩn kèm theo mỗi bài tập, mỗi “satipaṭṭhāna” là một phương thức trú xứ (viharati). Phương thức trú xứ này có liên quan đến việc quan sát các đối tượng trong một khung tâm thức thích hợp. Khung tâm thức đó gồm có ba phẩm chất tích cực: nhiệt tâm (tinh cần, ātāpa), niệm (sati) và tỉnh giác (hiểu biết rõ ràng, sampajañña). Từ “sati” nguyên thủy có nghĩa là trí nhớ, nhưng trong ngữ cảnh này có nghĩa là ghi nhớ hiện tại, một sự nhận thức bền vững về những gì đang xảy ra cho ta và trong ta trong mỗi lần trực nghiệm. Niệm, trong những giai đoạn đầu tiên, có liên quan đến giữ tâm quán sát liên tục vào đối tượng, có nghĩa liên tục giữ đối tượng trong tâm. Niệm ngăn ngừa tâm tuột đi, lang thang đến nơi khác qua những ý tưởng ngẫu nhiên, tạo thành hý luận và quên lãng. Niệm thường được xem xảy ra kết hợp chặt chẽ với “tỉnh giác”, một sự hiểu biết rõ ràng về những gì hành giả đang trực nghiệm.
 
Công thức mở đầu của bài kinh nói rằng hành giả tham gia vào việc thực hành này sau khi “đã chế ngự tham dục và ưu sầu trên đời” (vineyya loke abhijjhā-domanassaṃ). Cụm từ “đã chế ngự” không nhất thiết phải hiểu rằng hành giả trước tiên phải vượt qua ham muốn và ưu sầu – theo Chú giải, có nghĩa là dục tham và sân hận và từ đó đại diện cho năm triền cái – trước khi hành giả thực hành lập niệm. Cụm từ đó có thể hiểu là chính sự thực hành là phương tiện để chế ngự tham dục và ưu sầu. Như thế, trong khi chế ngự các ảnh hưởng ngăn che của tham lam và sân hận, hành giả làm khơi dậy các phẩm chất tích cực của nhiệt tâm, niệm và tỉnh giác và quán soi bốn lĩnh vực đối tượng: Cơ thể, các cảm thọ, các trạng thái tâm và các hiện tượng (thân, thọ, tâm, pháp).
 
Đây là bốn lĩnh vực đối tượng phân chia việc quan sát tỉnh thức thành bốn sự thành lập niệm. Bốn lĩnh vực đối tượng này chia phần mô tả kinh Lập Niệm thành bốn đoạn chính. Hai trong số đoạn này, đoạn đầu và đoạn cuối, có nhiều phân đoạn. Khi tổng cộng các phân đoạn, chúng ta có được hai mươi mốt đề mục hành thiền. Nhiều đề mục này có thể dùng để phát triển an chỉ (samatha), nhưng toàn thể hệ thống lập niệm dường như đặc biệt được thiết kế để phát triển minh quán (vipassanā). Những đoạn chính trong cách phân chia này như sau:
 
1. Quán thân (kāyānupassanā). Gồm có mười bốn đề mục: quán niệm hơi thở; quán bốn oai nghi; quán thân hành; quán thân ô trược (qua quan sát các bộ phận của cơ thể); quán tứ đại; và chín đề mục quán tử thi – những pháp quán tử thi qua các giai đoạn hư thối.

2. Quán thọ (vedanānupassanā). Cảm thọ chia làm ba loại chính – lạc, khổ, không khổ không lạc – và mỗi loại thọ được phân biệt thêm về cảm thọ nơi thân xác hay ở tâm. Tuy nhiên, bởi vì chúng chỉ là cảm thọ, quán thọ được xem chung là một đề mục.
 
3. Quán tâm (cittānupassanā). Đây là một đề mục về tâm, phân biệt thành tám đôi trạng thái tâm đối nghịch.

4. Quán pháp (dhammānupassanā). Từ “pháp” (dhammā) ở đây có lẽ để chỉ các hiện tượng, được phân thành năm loại theo lời dạy của Đức Phật, là Giáo Pháp (Dhamma, Pháp). Như thế, “quán pháp” có ý nghĩa kép, là các pháp (dhammas, hiện tượng) được quán bằng Giáo Pháp (Dhamma). Năm phân hạng là: năm triền cái, năm uẩn, sáu nội xứ và sáu ngoại xứ, bảy giác chi và bốn sự thật cao quý.
 
Mặc dù không nói rõ trong bài kinh, một chuỗi tăng tiến dường như được ngụ ý bằng các điều khoản mô tả mỗi pháp quán. Trong quán niệm hơi thở, hành giả tiến dần đến các mức độ an định vi tế; trong pháp quán thọ, hành giả tiến đến các cảm thọ phi cơ thể không lạc không khổ; trong pháp quán tâm, hành giả tiến đến trạng thái tâm tập trung và giải thoát. Những điều này cho thấy các diễn tiến trong ba pháp quán này giúp tăng cường mức định tâm. Trong pháp thứ tư – quán các pháp, tầm quan trọng chuyển hướng đến minh sát. Hành giả bắt đầu bằng cách quan sát và chế ngự năm triền cái. Chế ngự năm triền cái đánh dấu thành công trong định tâm. Với tâm định, hành giả quán năm uẫn và sáu xứ. Khi quán niệm có đà phát triển, bảy giác chi hiện rõ ra và phát triển bảy giác chi đưa đến đỉnh điểm về tri kiến bốn sự thật cao quý. Tri kiến bốn sự thật cao quý giúp giải phóng tâm khỏi các lậu hoặc và như thế, đưa đến chứng đắc Niết-bàn. Do đó, hệ thống hành thiền này hoàn tất con đường trực tiếp hướng đến thực chứng Niết-bàn, như Đức Phật đã giảng dạy.
 
Mỗi bài tập quán niệm chính được bổ sung bằng một đoạn phụ trợ, một “điệp khúc” với bốn phân đoạn. Phân đoạn thứ nhất cho biết hành giả quán đề mục bên trong (bên trong kinh nghiệm của chính mình), bên ngoài (suy ngẫm như thể xảy ra với kinh nghiệm của người khác) và cả hai. Việc này đảm bảo hành giả có được một cái nhìn cân bằng và đầy đủ về đối tượng. Phân đoạn thứ hai cho biết hành giả quán đề mục vốn được sinh khởi, bị đoạn diệt, được sinh khởi lẫn bị đoạn diệt. Điều này soi sáng tính chất vô thường và từ đó, đưa đến tuệ minh về ba đặc tướng: vô thường, khổ và vô ngã (anicca, dukkha, anattā). Phân đoạn thứ ba dạy hành giả đơn thuần ghi nhận đối tượng với mức độ cần thiết cho niệm vững bền và tri kiến. Phân đoạn thứ tư chỉ rõ hành giả an trú vào trạng thái tâm hoàn toàn xả ly, không dính chấp vào bất cứ việc gì trên đời.


Trong bài kinh Lập Niệm, quán niệm hơi thở (ānāpānasati) được đưa vào như chỉ là một đề mục hành thiền trong nhiều đề mục khác, nhưng kinh tạng Nikāya gán cho pháp thiền ấy một vị trí có tầm quan trọng cơ bản. Đức Phật nói Ngài dùng pháp quán niệm hơi thở như là đề mục hành thiền chính để chứng đạt giác ngộ (SN 54:8). Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, thỉnh thoảng Ngài sống ẩn dật và dành trọn thời gian cho việc “định tâm bằng quán niệm hơi thở”, và Ngài đã vinh danh pháp quán đó qua cách gọi đó là “trú xứ của Như Lai (Như Lai trú)” (SN 54:11).

Quán niệm hơi thở là chủ đề của trọn một chương trong Tương ưng bộ (SN 54, Ānāpāna-saṃyutta, Tương ưng Hơi thở vào ra). Trong khi kinh Lập Niệm giải thích quán niệm hơi thở qua công thức bốn bước, các bài kinh trong Tương ưng bộ mở rộng thành mười sáu bước. Các bài kinh nầy mô tả mười sáu bước đó. Bởi vì các bước này không cần thiết phải tuần tự nhưng có phần trùng lặp, chúng có thể xem như là các khía cạnh chứ không phải là các bước thực hành. Mười sáu bước được gom lại thành bốn nhóm bộ bốn, mỗi bộ tương ứng với một trong bốn cách lập niệm. Bộ bốn đầu tiên là bốn khía cạnh đã đề cập trong kinh Lập Niệm trong đoạn về quán thân, nhưng các bộ bốn kia mở rộng việc thực hành đến quán thọ, quán tâm và quán pháp. Vì vậy, phát triển quán niệm hơi thở có thể thực hiện không chỉ là một nhưng tất cả bốn sự thiết lập niệm.
 
Bốn pháp lập niệm, dựa trên quán niệm hơi thở, lần lượt hoàn tất bảy giác chi; và điều này đưa đến tuệ tri và giải thoát. Bài giảng này cho thấy quán niệm hơi thở là pháp thiền đầy đủ, bắt đầu bằng chú tâm đơn giản vào hơi thở và đưa đến đỉnh điểm tâm giải thoát vĩnh viễn.

* * *

No comments: