HỌC TRÒ CÙNG TRƯỜNG
Phật tử chúng ta như thể là những học trò cùng học một trường. Có người học “full-time”, dành toàn thời gian để học. Có người học “part-time”, vừa đi học, vừa đi làm. Có người học full-time vài năm rồi chuyển sang part-time. Cũng có người học part-time một thời gian rồi chuyển sang full-time. Có người thích học môn học nầy, có người thích học môn học kia. Có người thích học các môn học căn bản để áp dụng vào đời sống hằng ngày; nhưng cũng có người chọn học các môn học triết lý siêu hình, lý luận xa vời viễn vông.
Từ "Phật tử" (Buddhists) ở đây được dùng theo nghĩa rộng, để chỉ chung cho những người con Phật, đệ tử, học trò của Ngài, tức là "tứ chúng": xuất gia (học full-time) và tại gia (học part-time), nam và nữ.
Có người học chậm, có người học nhanh. Có người học nghiêm túc, thi cử đàng hoàng. Có người chỉ thích học tắt, có khi tìm cách gian lận lúc làm bài thi. Có người siêng năng, chăm chỉ; nhưng cũng có người ham chơi, lười biếng, v.v.
Tuy nhiên, trường học này không bao giờ xua đuổi học trò cho dù chúng học chậm, trốn học, quậy phá, gian lận v.v. Chỉ có trò bỏ trường, trường không bao giờ bỏ trò.
Đặc biệt của trường học này là rất hiếm có thầy giỏi. Thông thường, người học lớp trên chỉ dạy lại cho người học lớp dưới. Nguyên tắc chung là mỗi người phải nỗ lực tự tìm tòi học hỏi cho riêng mình.
Có rất ít người học xong và tốt nghiệp ra trường. Cần phải dè dặt, suy xét, tìm hiểu về những người tự xưng đã tốt nghiệp, hay được người khác tôn xưng đã tốt nghiệp. Có thể đó là những người dùng bằng cấp giả, hay được người khác gán ghép cho những bằng cấp mà họ chưa có.
*
No comments:
Post a Comment