Thỉnh thoảng tôi thấy hình nầy truyền bá trên Internet. Đây có phải hình Đức Phật không?
Có người giải thích đây là do ngài Phú-lâu-na (Purna, Purana, Punna) vẽ khi Đức Phật còn tại thế (41 tuổi), được lưu giữ tại viện bảo tàng Anh quốc. Tôi đã biết đến hình nầy khoảng 20 năm trước, khi một đạo hữu ở Bắc Mỹ gửi cho tôi bản photocopy kèm lời giải thích. Về sau, tình cờ tôi thấy được hình nầy trong trang cuối của một cuốn sách Phật học cũ, xuất bản tại VN trước 1975 (tôi không nhớ tên cuốn sách nầy). Như thế, có thể nói tấm hình và lời giải thích về xuất xứ đã được truyền bá trong 30, 40 năm qua.
Tôi có vài nhận xét như sau:
1) Gương mặt giống như người Tàu (giống dân Mông Cổ), không có vẻ là người Ấn Độ.
2) Râu tóc xồm xoàm, không giống như các tỳ-khưu PG phải cạo râu tóc.
3) Đeo bông tai, một loại trang sức, trái nghịch với giới luật tỳ-khưu.
4) Trong kinh điển, mặc dù có đề cập đến ngài Phú-lâu-na (Punna, Purna), nhưng không thấy nói ngài có tài hội họa, vẽ chân dung.
5) Người Ấn Độ vào thời Đức Phật chưa biết làm ra giấy để viết hay vẽ (giấy là do người Trung Hoa sáng chế vào thế kỷ 1 TL). Cho nên, chuyện vẽ hình Đức Phật trên giấy khi Ngài còn tại thế là chuyện khó tin.
6) Vào thời Đức Phật cho đến khoảng 500 năm sau khi Ngài nhập diệt, người Ấn Độ không có truyền thống vẽ hay tạc tượng các vị đạo sư. Để tưởng nhớ hay để tôn kính Ngài, họ chỉ nắn, tạc hoặc khắc vào đá hình bánh xe Pháp hoặc hình cây và lá bồ đề. Đến khi đoàn quân Hy Lạp xâm lăng và định cư tại miền Tây Bắc Ấn Độ, nghệ thuật tạc hình của Hy Lạp mới được truyền vào Ấn Độ, và từ đó có những hình tượng Đức Phật được tạo ra.
7) Tôi tìm tòi trên mạng, về các cổ vật PG trưng bày tại các viện bảo tàng Anh quốc, chưa bao giờ tìm thấy hình vẽ nầy. Thật ra, tôi chưa bao giờ tìm thấy một hình vẽ nào của Đức Phật – trên giấy hay trên vải – trong thời kỳ cổ xưa đó tại Ấn Độ.
8) Nếu quả thật đây là hình vẽ Đức Phật, lại được lưu giữ tại viện bảo tàng Anh quốc, ắt hẵn đây phải là một di tích quan trọng mà nhiều học giả PG trên thế giới biết đến. Tuy nhiên cho đến nay, qua những sách báo tài liệu về lịch sử và văn hóa PG (bằng tiếng Anh) của các học giả Phật học và các chuyên san Phật học có uy tín, tôi không thấy ai đề cập đến tấm hình nầy.
Vì thế, cho đến khi nào tôi có được những bằng chứng, hay kiến giải, có tính thuyết phục, tôi vẫn cho rằng đây là một hình giả mạo, xuất xứ nguồn gốc không rõ ràng, giải thích không có căn cứ. Chúng ta không nên tiếp tay truyền bá sự giả mạo đó.
-- Binh Anson, 05 September 2014
----------------------------
Ghi thêm (18/05/2020)
Vào tháng 12-2019, “Siam BC Discovery Channel” của Thái Lan có phát hình một chương trình về nhà điêu khắc Pichet Chaiyakul đi tìm khuôn mặt thật của Đức Phật. Ông đi viếng nhiều nơi ở Nepal và Ấn Độ, xem các tượng Phật và chụp hình, quan sát những nét đặc biệt của khuông mặt người Ấn Độ, Nepal. Trong công tác đó, có người giới thiệu ông hình Đức Phật này, nói là chân dung của Ngài lúc 41 tuổi và hiện nay được phát tán rộng rãi trên Internet. Thoạt nhìn, ông không tin, thấy khuôn mặt không có vẻ gì là người Ấn Độ. Rồi ông tìm kiếm thêm thông tin về tấm hình đó.
Ông tìm thấy bài viết này của tôi. Rồi dùng Google Translation dịch sang tiếng Thái. Ông đọc và rất tâm đắc với nội dung của các điểm nêu ra trong bài viết đó. Ông nêu ra từng điểm một bằng tiếng Thái, trong chương trình nói trên, từ phút 10:30 trở đi.
Nghĩ lại thấy cũng hoan hỷ. Tôi viết bài này vào 6 năm trước, 2014, với ý định chỉ phổ biến đến bạn bè Facebook. Vài tờ báo và trang web Việt ngữ đăng lại, phổ biến trên mạng. Có lẽ nhờ bác Gúc Gồ mà bây giờ có thêm vài người Thái biết đến, nhất là trong giới nắn tượng, điêu khắc.
เผยเบื้องลึกการค้นพบใบหน้าที่แท้จริงของพระพุทธเจ้า
Đi tìm những thông tin về chân dung Đức Phật
https://www.youtube.com/watch?v=1cf23hqugzI (time at: 10:40 min)
* Năm 2011, khi còn làm việc ở Hoa Kỳ, ông Pichet Chaiyaku đã nắn một tượng Phật cao 2 mét cho chùa Linh Sơn, Belmont, Michigan.
https://www.youtube.com/watch?v=xRseEAFwpmQ
*
No comments:
Post a Comment