Friday, 22 June 2018

Thường nghiệp (āciṇṇa-kamma)

THƯỜNG NGHIỆP (āciṇṇa-kamma)

Trưa nay đi bơi, bồng bềnh trên mặt nước, tôi bỗng nghĩ đến bài viết của Bhikkhu Anālayo về tâm hoài nghi (vicikicchā) mà tôi vừa dịch xong, trong đó ngài đề cập đến một cách đối trị hoài nghi là phải có trạch pháp (dhammavijaya), biết lắng nghe và suy tư về Pháp. Ngài cũng đề cập đến một lợi ích khác của việc tìm đến, chăm chú lắng nghe Pháp là: “… Người nào quen nghe Pháp trong kiếp nầy sẽ tiếp tục hưởng được lợi ích cho cuộc sống trong các kiếp sau, bởi vì người ấy sẽ dễ dàng tiếp nhận nếu có dịp được nghe Pháp mà không do dự, cũng giống như những ai đã từng nghe âm thanh tiếng trống hoặc tù và sẽ không nghi ngờ hoặc phân vân về bản chất của âm thanh vừa nghe (AN 4.191, kinh Nghe với tai).”

Rồi tôi nghĩ đến cuộc đời mình lăn trôi trong mấy chục năm qua. Khoảng bốn mươi năm trước, tình cờ được một người bạn Thái Lan tại Perth mời vợ chồng tôi đến gặp một vị sư người phương Tây tu theo truyền thống Theravāda. Nghe Sư giảng những điều căn bản trong đạo Phật, Tứ Thánh đế, Bát chi Thánh đạo áp dụng vào đời sống hằng ngày, tôi cảm thấy rất gần gũi, dễ hiểu. Rồi những ngày sau đó trong suốt một tuần lễ, tôi tiếp tục đến gặp Sư để được hướng dẫn hành thiền, tôi cảm thấy rất quen thuộc, không thấy lạ lùng hay bỡ ngỡ. Từ đó, tôi tới lui sinh hoạt với Hội Phật giáo Tây Úc cho đến bây giờ.

Và rồi nghĩ thêm về cuộc đời của mình khi còn bé, đã từng theo mẹ đi chùa, rồi khi vào học trung học, đã có duyên được học cách ngồi xếp chân, theo dõi hơi thở với ngài Hòa thượng Thích Tâm Giác ở Viện Nhu Đạo Quang Trung, Đa Kao, và tiếp tục thực hành như thế khi vào đại học, mặc dù không quan tâm tìm hiểu sâu xa về pháp hành đó. Chỉ thấy nó giúp mình thư giãn, xả stress, tăng thêm sự chú tâm trong học tập.

Những sự kiện xảy ra như thế và cách tiếp nhận dễ dàng và sẵn sàng của mình có lẽ là do thói quen từ những đời trước. Có lẽ mình đã từng là Phật tử, đã từng quen đi chùa, đã từng quen nghe Pháp, đã từng có vài kinh nghiệm hành thiền quán niệm hơi thở. Đạo Phật gọi đó là “thường nghiệp” (āciṇṇa-kamma) – những hành động, lời nói, ý nghĩ mình thực hiện thường xuyên thành thói quen, và thói quen đó sẽ tiếp tục vào các kiếp sau nếu mình vẫn còn tái sinh trôi lăn trong luân hồi.

Cho nên tôi vững lòng tin trên con đường của mình. Vẫn tiếp tục nỗ lực tìm hiểu, học hỏi giáo pháp, gần gũi các bạn đồng tu, đến chùa nghe pháp, làm phước bố thí chia sẻ, đều đặn hành thiền tịnh tâm. Đường còn dài, còn nhiều gian nan thử thách, còn trải qua nhiều kiếp sống nữa. Nhưng nếu không đi thì không bao giờ đến.

*---*---*

No comments: