Thursday 16 April 2020

NIỆM PHẬT (Buddhānussati). Tỳ-khưu Bodhi (2010)

NIỆM PHẬT (Buddhānussati)
Tỳ-khưu Bodhi    

Nguồn: "Recollection of the Buddha", Bhikkhu Bodhi, Inquiring Mind (Vol. 27, No. 1, 2010)

*

Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa
Cung kính đến Ngài là đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác

Vào đầu thập niên 1970s, trong những năm đầu tiên xuất gia ở Sri Lanka, việc hành thiền của tôi hầu như chỉ bao gồm quán niệm hơi thở. Qua kinh điển, tôi biết đây là đề mục hành thiền mà Đức Phật đã sử dụng để giác ngộ, và tôi tin rằng nếu đề mục đó có hiệu quả với Ngài, chắc chắn cũng có hiệu quả với tôi. Tuy nhiên, qua thời gian, tôi thấy rằng chỉ chú tâm đơn thuần vào hơi thở, tâm ý tôi trở nên khô khan và dễ cáu kỉnh, và tôi cảm thấy có nhu cầu phải cân bằng pháp niệm hơi thở với một pháp thiền khác có khả năng nuôi dưỡng tích cực hơn cho khía cạnh cảm tính của tôi. Tìm tòi trong cuốn Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga), một cuốn cẩm nang đồ sộ về các pháp hành thiền của Phật giáo Nam truyền, tôi tìm thấy hai đề mục hành thiền có vẻ phù hợp với nhu cầu của tôi. Đó là pháp thiền tâm Từ (Mettā-bhāvanā) và pháp niệm Phật (Buddhānussati, tùy niệm về Đức Phật).

Trong lòng tôi đã có sẵn một sự tôn kính sâu sắc đối với Đức Phật, tôi cảm thấy rằng đề mục hành thiền này có lẽ rất thích hợp. Do đó, tôi nghiên cứu các hướng dẫn thực hành như đã ghi trong Thanh tịnh đạo và thêm thời công phu niệm Phật vào các buổi thiền của tôi. Gần như ngay lập tức, đề mục hành thiền này đã có một tác dụng chuyển đổi mạnh mẽ trong tâm tôi, gia tăng niềm tín thành, hỷ lạc và nhiệt tình. Cùng lúc ấy, tôi phát hiện ra một bài kinh trong Tăng chi bộ (AN 1:296), trong đó chính Đức Phật đã ca ngợi các ích lợi của pháp hành này: “Có một pháp, này các tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật.”

Qua nhiều thế kỷ, niệm Phật là một trong những đề mục hành thiền phổ thông nhất trong lịch sử Phật giáo. Pháp hành này được áp dụng rộng rãi trong hàng Phật tử ở Myanmar và Sri Lanka cũng như trong các tín đồ của Phật giáo Tịnh độ Trung Quốc. Pháp hành đó không chỉ là một pháp hành sùng mộ phổ thông trong giới cư sĩ, mà cũng là một pháp hành cơ bản được các vị tu sĩ Phật giáo nhiệt tình áp dụng như là bước đầu tiên để tiến đến thiền minh sát. Pháp niệm Phật còn là một trong “bốn pháp thiền bảo hộ”, được các vị thiền sư khuyên thiền sinh nên sử dụng để đối trị với sự nghi ngờ, tâm ý xơ cứng và tâm ý phóng dật trong các khóa thiền.

Phương pháp niệm Phật cổ điển nhất là tùy niệm chín ân đức Phật, như thường tụng đọc qua công thức: “Itipi so Bhagavā Arahaṃ Sammāsambuddho Vijjācaraṇasampanno Sugato Lokavidū Anuttaro purisadammasārathi Satthā devamanussānaṃ Buddho Bhagavāti” (Thật vậy, bậc đáng kính trọng ấy là A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn). Cho một hành giả trong thời hiện đại, tôi đề nghị có thể chọn ba trong số chín ân đức đó là đủ để bắt đầu thực hành pháp niệm Phật. Ba ân đức có ý nghĩa nhất đối với tôi là những phẩm chất được diễn tả qua ba thuật ngữ Pāli: Arahaṃ, Sammā-sambuddhoBhagavā. Theo tôi, ba thuật ngữ này là để diễn tả sự thanh tịnh cao quý (Arahaṃ), trí tuệ siêu việt (Sammā-sambuddho) và lòng từ bi vô lượng (Bhagavā) của Đức Phật.

THỰC HÀNH   
Để thực hành pháp niệm Phật, đầu tiên bạn ngồi trong một tư thế thoải mái. Bạn không nên dùng tràng hạt (mala), vì nếu dùng, bạn có thể sẽ rơi vào trạng thái lặp đi lặp lại các thuật ngữ đó một cách máy móc. Từ “tùy niệm” trong tiếng Pāli là “anussati”, có nghĩa là “niệm (sati) lặp lại (anu)”. Để thực hành đúng, bạn cần phải ghi nhớ về các đức hạnh của Phật – ghi nhớ thường xuyên trong tâm, mà không lặp đi lặp lại như một công thức trong ngôn ngữ cổ xưa. Để việc thực hành có ích lợi, bạn cần phải hiểu rõ ý nghĩa của các thuật ngữ Pāli đó.

Đầu tiên, làm thư giãn bất kỳ căng thẳng nào trong cơ thể của bạn và tẩy sạch tâm trí bằng cách quán niệm hơi thở trong vài phút. Sau đó, qua con mắt trong tâm trí, bạn hình dung trước mắt một hình ảnh đẹp, đầy cảm hứng của Đức Phật, như thể bạn đang ngồi với sự hiện diện của Ngài. Ngài ngồi an định với thủ ấn thiền định hay thủ ấn giáo hóa. Khuôn mặt Ngài thật là thanh thản, dịu dàng, hiền hậu và từ bi; toàn thân Ngài tỏa ra luồng hào quang dịu nhẹ. Bởi vì đây không phải là một bài tập về hiển thị, bạn không cần phải hình dung chi tiết hình ảnh – chỉ vừa đủ để dùng làm cơ sở để chiêm nghiệm về các đức hạnh của Phật.

Gợi lên trong tâm từ Arahaṃ, “Bậc Thanh tịnh”, và từ đó quán niệm về đức tính thanh tịnh cao quý của tâm Phật. Quán tưởng Đức Phật như là một đại nhân với tâm ý hoàn toàn thanh tịnh, tẩy sạch mọi ô nhiễm và lậu hoặc – là những tính chất tâm ý bất thiện của tham, sân, si và các phiền não liên quan như giận dữ, tự phụ, đố kỵ, kiêu ngạo, lo lắng và nghi ngờ. Quán niệm về sự thanh tịnh như thế trong một hay hai phút. Nếu ý tưởng về sự tinh khiết vẫn chưa rõ ràng, tập trung vào hình ảnh của Đức Phật trong tâm và thử xem sự tinh khiết của tâm Phật được biểu hiện qua hình dáng của Ngài: nét mặt hiền hòa và dịu dàng, phong thái nhẹ nhàng, hào quang tỏa ra từ thân Ngài. Đừng tạo tác những ý nghĩ phức tạp về sự tinh khiết đó. Đơn giản chỉ cần tập trung vào bất cứ ý tưởng nào in sâu vào tâm trí của bạn một ấn tượng riêng biệt về Đức Phật như là một vị đã được hoàn toàn tịnh hóa. Hãy để phẩm chất thuần khiết này chảy vào tâm ý của bạn và lan tỏa toàn thân với cảm giác thuần khiết ấy.

Sau một hoặc hai phút, hãy gợi lên trong tâm từ Sammā-sambuddho, “Bậc Trí tuệ Toàn hảo”. Với từ này, quán tưởng về trí tuệ toàn bích của Đức Phật: sâu sắc, rộng lớn và rực rỡ, xuyên thấu khắp nơi mà không bị cản trở. Ngài đã thấu hiểu các nguyên tắc của Pháp; Ngài đã thấu hiểu tất cả các hiện tượng về những đặc điểm chung, những điểm khác biệt và những duyên hệ. Nếu ý tưởng về trí tuệ toàn hảo vẫn chưa rõ ràng, tập trung vào hình ảnh của Đức Phật trong tâm và thử xem trí tuệ toàn hảo được biểu hiện qua hình dáng của Ngài: tư thế trang nghiêm, tự chủ, đĩnh đạc, hành động khoan thai khi giáo huấn người khác. Đừng tạo tác những ý nghĩ phức tạp về trí tuệ của Đức Phật. Đơn giản chỉ cần tập trung vào bất cứ ý tưởng nào in sâu vào tâm trí của bạn một ấn tượng riêng biệt về Đức Phật như là một vị có trí tuệ toàn hảo. Hãy để phẩm chất trí tuệ toàn bích này chảy vào tâm ý của bạn, truyền cảm hứng cho bạn để phát triển trí tuệ.

Một lần nữa, sau một hoặc hai phút, hãy gợi lên trong tâm từ Bhagavā, “Đức Thế Tôn”. Với từ này, hãy quán tưởng về lòng từ bi vô lượng của Đức Phật, đã nở rộ trong sự toàn hảo của các phẩm chất tuyệt vời: bố thí không vị kỷ, đức hạnh không chút tỳ vết, lòng vị tha vô hạn, tâm xả bất động, sức mạnh tâm linh vĩ đại. Đức Phật ban bố các dòng suối Giáo pháp vô tận để tạo lợi lạc cho vô số chúng sinh tùy theo căn duyên của họ. Nếu ý tưởng về lòng từ bi vô lượng vẫn chưa rõ ràng, tập trung vào hình ảnh của Đức Phật trong tâm và thử xem lòng từ bi vô lượng được biểu hiện qua hình dáng của Ngài: nét mặt mềm mại và dịu dàng của Ngài, những cử chỉ uy nghi, những hành động nhân từ khi giáo huấn người khác. Đừng tạo tác những ý nghĩ phức tạp về lòng từ bi của Đức Phật. Đơn giản chỉ cần tập trung vào bất cứ ý tưởng nào in sâu vào tâm trí của bạn một ấn tượng riêng biệt về Đức Phật như là một vị có lòng từ bi vô lượng, là hiện thân của mọi phẩm chất tuyệt vời. Hãy để phẩm chất từ bi vô lượng này chảy vào tâm ý của bạn, khơi dậy trong bạn lòng biết ơn, sự tôn kính và tận tụy.

Sau khi quán tưởng Đức Phật là Đức Thế Tôn trong một hoặc hai phút, một lần nữa gợi lên trong tâm từ Arahaṃ, “Bậc Thanh tịnh”, và quán tưởng về sự tinh khiết không tì vết của Đức Phật. Rồi tiếp tục tiến qua từ Sammā-sambuddho, “Bậc Chánh Đẳng Giác”, bậc đại nhân với trí tuệ toàn bích. Và rồi tiếp tục đến Bhagavā, “Đức Thế Tôn”, hiện thân của lòng từ bi rộng lớn. Khi bạn thực hành pháp niệm Phật, suy tưởng đến các đức hạnh của Phật hết lần này đến lần khác: thanh khiết vô nhiễm, trí tuệ toàn bích, từ bi vô lượng; thanh khiết vô nhiễm, trí tuệ toàn bích, từ bi vô lượng; … Bạn có thể niệm về một đức hạnh này lâu hơn các đức hạnh kia, nhưng lý tưởng nhất là cố gắng quán niệm mỗi đức hạnh trong khoảng thời gian bằng nhau. Tiến hành như thế trong suốt buổi thiền.

* * *

Bạn có thể dùng đề mục niệm Phật này như là một pháp hành thiền chủ yếu hay là một pháp sơ bộ để chuẩn bị cho các pháp hành thiền khác. Ví dụ nếu pháp thực hành chủ yếu của bạn là quán niệm hơi thở trong một giờ, bạn có thể dành ra mười phút đầu tiên để niệm Phật. Sau khi niệm Phật, tâm ý trở nên hân hoan và thanh tịnh, bạn có thể chuyển sự chú tâm vào hơi thở.

Cũng như bất cứ một đề mục hành thiền nào, đừng mong đợi sẽ có kết quả nhanh chóng và sâu đậm. Nhưng nếu bạn thực hành đều dặn và siêng năng, chắc chắc bạn sẽ trải nghiệm được những lợi ích. Khi ta quán tưởng về Đức Phật, ta tràn ngập tâm ý với các đức hạnh uy nghiêm của Ngài. Ta sẽ có hỷ lạc, thanh thản, an vui và hạnh phúc. Ta an định được những làn sóng tư tưởng rắc rối và ta dễ dàng tập trung tâm ý.  Sự tập trung này là một cơ sở an toàn để vun trồng tuệ minh.

– Tỳ-khưu Bodhi, USA (2010)
Bình Anson lược dịch, Australia (tháng 4, 2020)
--------------------
Ghi thêm:
Iti'pi so Bhagavā Arahaṁ Sammā-sambuddho Vijjā-caraṇa-sampanno Sugato Lokavidū Anuttaro purisadammasārathi Satthā deva-manussānaṃ Buddho Bhagavā'ti.

Iti’ pi so Bhagavā - 彼世尊亦即是 Bỉ Thế tôn diệc tức thị
1) Arahaṁ - 阿罗汉 A-la-hán
2) Sammā-sambuddho - 正等正觉 Chánh đẳng chánh giác
3) Vijjā-caraṇa-sampanno - 明行足 Minh hạnh túc
4) Sugato - 善逝 Thiện thệ
5) Loka-vidū - 世间解 Thế gian giải
6) Anuttaro purisa-damma-sārathi - 无上士调御丈夫 Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu
7) Satthā deva-manussānam - 天人师 Thiên nhân sư
8) Buddho - 佛陀 Phật-đà
9) Bhagavā’ ti - 世尊 Thế tôn

----------------------------
Niệm Phật


Niệm Ân đức Tam Bảo


No comments: