Monday, 20 December 2021

Niệm: Bài thi trắc nghiệm hằng ngày

 NIỆM: BÀI THI TRẮC NGHIỆM HẰNG NGÀY.
 Bình Anson

Cũng như đa số những người lớn tuổi khác, càng già thì mắt mờ, thị lực yếu đi. Đi đâu, làm gì thì cũng cần có cặp kính. Có người cần đến 2 cặp kính để nhìn xa, nhìn gần. Nhất là bây giờ, hầu như người nào cũng có máy điện thoại thông minh bỏ trong túi quần, túi áo để liên lạc, lướt web, trao đổi buôn bán, đọc tin nhắn của bạn bè khắp nơi trên thế giới. Với những dòng chữ tí hon hiển thị trên màn hình điện thoại, hầu như người nào, kể cả các bạn trẻ, đều cần có cặp kính. Đối với những ai bị cận thị và phải đeo kính từ nhỏ thì có lẽ đã quen, không có vấn đề. Nhưng đối với những người chỉ mang kính để đọc sách hay đọc chữ trên màn hình như tôi thì đeo kính là một cực hình. Cảm thấy nặng nề, khó chịu. Nếu không cần thiết thì tôi thường gỡ ra, bỏ xuống. 

Từ đó, nảy sinh vấn đề khác: Thất niệm. Không nhớ mình vừa đặt cặp kính ở đâu, quay đi tìm kiếm. Bệnh này càng ngày càng gia tăng, nhất là trong vài năm qua … Có khi đặt xuống ở một góc bàn làm việc để đứng lên đi làm chuyện gì đó, khi quay trở lại là quên mất, không nhớ vừa để cặp kính ở đâu. Buồn cười nhất là nhiều khi bỏ vào túi áo trước ngực, hay đeo ở trên đầu, đeo vào cổ mà cũng không nhớ, quay đi tìm cặp kính khắp nơi mà không thấy. Mãi một chặp sau mới nhớ là nó ở ngay trên thân mình! 

Chuyện này vừa xảy ra hôm nay: Sáng ngủ dậy tìm cặp kính để đọc tin tức, thông tin trên máy quẹt iPad, mà không thấy nó ở đâu. Tìm khắp nơi ở  những góc nhà, góc bàn quen thuộc mà cũng không thấy. Chán nản, pha một tách café nhâm nhi, ngồi ngẫm nghĩ. Thôi chết rồi! Hôm qua cùng với gia đình cô Hai đi ra ngoài ăn tiệc mừng Giáng sinh với các gia đình láng giềng Úc cùng ở trên một đường phố. Tôi nhớ lại là đã bỏ cặp kính vào túi quần, rồi đi ngủ vì tiệc tàn quá khuya. Sáng nay, thấy bà chủ nhà gom mấy bộ quần áo dơ đem bỏ vào máy giặt! Lật đật đến phòng giặt quần áo xem thử thì máy giặt cũng vừa dừng lại. Moi móc ra thì thấy cặp kính nằm trong đó. Cũng may là không hề gì, không bị hư hại. 

Những chuyện nhỏ nhặt như thế thường xảy ra cho những ai không giữ niệm, không ghi nhớ, không để tâm đến những hành động hằng ngày, nhất là những người lớn tuổi, tâm trí có phần xao lãng. Riêng tôi, một người đang cố gắng tu tập, đó là những bài trắc nghiệm thường xuyên để nhắc nhở mình. Thứ nhất, trí óc mình đang ở trong tiến trình lão hóa, không còn nhanh nhẹn, nhạy bén như xưa. Thứ hai, quan trọng hơn, mình cần phải luyện tập, trau dồi “niệm” – sati, mindfulness. Nghĩa là phải cố gắng để ý, ghi nhớ mỗi mỗi động tác, hành động của mình ngay bây giờ, tại nơi đây. Ở đây chỉ nói về NIỆM, chưa nói gì về CHÁNH NIỆM (samma sati, right mindfulness). Không có niệm thì bàn về chánh niệm là vô nghĩa, vô ích. Đa phần Phật tử chúng ta thích bàn về “chánh niệm” nghe cho có vẻ sang chảnh, mà thật ra, bàn luận lung tung với những thuật ngữ rỗng tuếch, quên đi định nghĩa căn bản, quan trọng mà Đức Phật đã đề cập trong nhiều bài kinh. Chánh niệm phải bao gồm đầy đủ bốn yếu tố là tinh cần, niệm, tỉnh giác, chế ngự tham ưu trên đời. 

Quỹ thời gian ngày càng cạn dần, không nên phung phí vào những chuyện trên trời, dưới đất vô tích sự, không có ý nghĩa thiết thực. Bây giờ, tôi không còn ham hố muốn biết nhiều chuyện trên đời nữa, mà chỉ tập trung vào những chuyện thực tế có lợi cho quãng đời còn lại và cho đời sau. Một trong những chuyện đó là cố gắng giữ “niệm” trong mọi hành động, hay nói theo ông bà mình thường hay nhắc nhở: “Làm việc gì cũng phải có ý, có tứ.” 

­-- Một chiều cuối năm 2021,
Bình Anson
Redlynch, Cairns, Queensland, Australia

*



 

 

 

Saturday, 11 December 2021

Tóm tắt kinh Hạnh Phúc (kinh Điềm Lành - Mangala Sutta, Sn 2.4, Khp 5)

Tóm tắt kinh Hạnh Phúc
(kinh Điềm Lành - Mangala Sutta, Sn 2.4, Khp 5)

Lộ trình tu tập

1) Không gần kẻ ngu si,
Thân cận người hiền trí,
Cúng dường bậc xứng đáng,
Là điềm lành tối thượng

Đầu tiên là 3 điềm lành: tránh xa kẻ ngu (bāla, fool, ignorant), thân cận người hiền trí, thiện tri thức (pandita), cúng dường (pūjā) những bậc xứng đáng để được cúng dường. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Người ngu ở đây là người không biết phân biệt thiện ác và có khuynh hướng theo các điều xấu ác. Bậc trí hiền là những người có đạo đức, tinh cần học và hành trong giáo pháp. Tôn kính và dâng tặng phẩm vật đến các bậc tôn túc, phẩm hạnh thanh cao là một điều quý nên làm.

2) Ở trú xứ thích hợp,
Quá khứ tạo nhân lành,
Hướng tâm theo lẽ chánh,
Là điềm lành tối thượng

Có 3 điềm lành:

- Trú xứ (desa) thích hợp (patirūpa) là những nơi có môi trường văn hóa xã hội tốt cho sự tu tập. Ở bầu thì dài, ở ống thì tròn. Chúng ta thường bị tác động bởi hoàn cảnh xã hội. Ở những nơi chỉ chuộng hình thức hào nhoáng bên ngoài, hưởng thụ vật chất, chạy theo nhu cầu dục lạc, lễ nghi rườm rà, chuộng các lời hoa mỹ rỗng tuếch thì cũng khó tu tập.

- Nếu trong quá khứ của đời này, hay trong các đời trước, đã tạo các công đức (katapuññatā), nay, quả phước lành sẽ được gặt hái trong hiện tại. Đây là một điềm lành. Bằng không, hãy nỗ lực làm việc thiện, để tạo nhân lành cho tương lai.

- Một điềm lành khác là tâm ta có định hướng chân chánh, đúng đắn (sammāpanidhi), hiệp theo lẽ đạo. Đây là điều quan trọng, phải có tác ý đúng.

3) Học nhiều, nghề nghiệp giỏi,
Giới luật biết tu tập,
Có những lời khéo nói,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành ở đây: được học và có nhiều hiểu biết (bāhu-saccam) , có nghề nghiệp tốt (sippam), biết hành trì các nguyên tắc giới luật đạo đức (vinayo), và biết dùng ngôn từ hòa ái, chân thật.

4) Hiếu dưỡng mẹ và cha,
Biết nuôi nấng vợ con.
Việc làm không xung khắc,
Là điềm lành tối thượng

Có 3 điềm lành: phụng dưỡng cha mẹ (mātāpitu), nuôi nấng gia đình (puttadārassa), có công việc làm không gây xung đột (anākulā) với người khác.

5) Bố thí, hành đúng pháp,
Giúp quyến thuộc họ hàng,
Hành xử không tỳ vết,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: có lòng bố thí rộng rãi (dānā), có phẩm hạnh trong sạch theo giáo pháp (dhammacariyā), biết giúp đỡ bà con họ hàng (ñātakā), có những hành động giao tiếp trong sạch, không bị chê trách (anavajjā).

6) Ghê sợ, tránh điều ác
Không nghiện ngập rượu chè,
Tinh tấn hành thiện pháp,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: biết ghê sợ (āratī) tội lỗi, biết tránh xa (viratī) tội lỗi (viratī pāpā), không rượu chè say sưa làm u mê (majjapānā), tinh tấn (appamādo) làm các điều lành, thiện pháp (dhammesu).

7) Sống lễ độ, khiêm cung,
Tri túc và tri ân,
Đúng thời, nghe giảng Pháp,
Là điềm lành tối thượng.

Có 5 điềm lành: thái độ lễ phép có văn hóa (gāravo), tính khiêm hạ (nivāto), biết sống đủ, tri túc (santutthī), biết nhớ ơn, tri ân (kataññutā), và biết đến nghe Pháp (dhammassavanam) đúng thời, đúng lúc (kālena).

8) Kham nhẫn, biết phục thiện,
Thường đến gặp Sa-môn,
Ðúng thời, đàm luận Pháp,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: biết kiên nhẫn (khantī) và chịu đựng, biết phục thiện dễ dạy (sovacassatā), thường thân cận các bậc tu hành (samana), và đàm luận, trao đổi học Pháp (dhammasākacchā).

9) Tự chế, sống phạm hạnh,
Thấy chân lý nhiệm mầu.
Thực chứng quả Niết Bàn
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: sống tinh cần tự chế (tapo), sống đời sống phạm hạnh (brahmacariya), thẩm thấu chân lý nhiệm mầu (ariyasaccā) – tức là tứ thánh đế, thực chứng Niết bàn (nibbāna sacchikiriyā).

10) Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không động, không sầu,
An nhiên, không uế não,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: Tâm bất động, không lay chuyển khi bị gió đời hay pháp thế gian (lokadhamma) – khen chê, được mất, vinh nhục, buồn vui – thổi đến. Ba điềm lành khác: không còn sầu não (asoka), sống an nhiên (khema), không còn uế nhiễm (virajam).

Kết luận:
11) Ai sống được như thế,
Đến đâu không thối thất,
Đến đâu cũng an toàn,
Những điềm lành tối thượng.

Được như thế là đã nhập dòng thánh giải thoát. Khi ấy, cho dù sống trong dòng đời, đi đến đâu cũng không bao giờ bị tham sân si đánh bại (sabbattha aparājitā), đi đến đâu cũng bình an tự tại, an toàn (sabbattha sotthim gacchanti). Đó là điềm lành cao quý nhất.

– Bình Anson,
Perth, Tây Úc
16/04/2017

* * *



Friday, 10 December 2021

Nên đọc kinh như thế nào? Bhante Sujato

NÊN ĐỌC KINH NHƯ THẾ NÀO? 
How to Read the Suttas

Bhante Sujato
Nhóm Phật tử Bắc Mỹ dịch Việt

Từ những ngày mới bắt đầu thực hành Phật Pháp, tôi đã thấy các bộ kinh Phật là nơi nương tựa tuyệt vời. Nơi ấy có biết bao điều uyên thâm, kỳ diệu – thật là một kho tàng vô tận về Giáo Pháp. Tôi muốn khuyến khích mọi Phật tử nên hàng ngày mở kinh ra đọc, hay ít nhất là hàng tuần.

Kinh Phật không có sức lôi cuốn tức khắc. Trái lại, thường lập đi lập lại, và có thể không có gì hấp dẫn. Nhưng cái hay đẹp của kinh rất tinh tế. Nó tiềm ẩn trong sự quân bình, trong cách cấu trúc rõ ràng, trong sự hợp lý, trong bản chất thanh tịnh và trí tuệ của Đức Phật trước mọi tình huống có thể tưởng tượng được.

Tốt nhất là nên đọc mỗi lần một ít. Mỗi lần đọc kinh thì nên đọc một đoạn kinh dài trung bình là lý tưởng nhất. Đọc từ từ, cẩn trọng. Để ý xem có chỗ nào mình không hiểu – và cẩn thận xem xét lại cả những chỗ mình nghĩ là mình đã hiểu. Đọc xong rồi nên kiểm lại với những chú thích cuối trang hay những hướng dẫn khác để thông hiểu . Tránh không phân tích quá chi li – hãy cố gắng thâm nhập trọn vẹn cốt lõi của lời kinh. Nếu chúng ta đọc kinh trước khi ngồi thiền, nó có thể giúp ta hứng khởi, tâm tư trong sáng, ý nghĩa trong kinh sẽ rõ ràng hơn.

Nên nhớ là chúng ta đang đọc bản dịch. Đừng vướng mắc, bận tâm vào những thuật ngữ này nọ – đó chỉ là sự chọn lựa chữ dùng của dịch giả. Nên tập làm quen, mỗi lần một chữ, với các từ Pali hay Sanskrit vốn là nền tảng của lời Phật dạy. Lại càng nên đề phòng thói quen hay diễn giải quá lố từng chữ một: ý nghĩa đích thực của bài kinh thoát ra từ ngữ cảnh và kinh nghiệm, không phải nơi từ ngữ chuyên khoa.

Lắng nghe những cảm xúc của chính mình: điều gì cho mình cảm hứng, điều gì thấy nhàm chán, điều gì mơ hồ, không rõ. Cái phản ứng đó là của bạn, không phải là từ bài kinh.

Hãy coi chừng cái tâm có thói hay phê phán lời người khác. Mặc dù chính tôi tin rằng việc học hỏi, nghiên cứu, phê bình lời kinh là việc quan trọng, đây là sau nhiều năm nghiên cứu và tu tập. Cần phải có thời gian mới thấm được ý nghĩa. Nên thương yêu, quý mến lời kinh. Đọc với lòng nâng niu, trìu mến, như là ta đang lắng nghe người bạn thiết tha trò chuyện. Lời lẽ trong kinh được hình thành từ truyền thống truyền khẩu, xảy ra từ một thuở đã xa xưa, ở một nơi xa xôi lắm. Nó còn được lưu truyền đến ngày nay đã là một phép lạ, vì thế chúng ta không nên nản lòng cho dù đôi khi cách diễn đạt có vẻ xa lạ với chúng ta.

Một điều nữa có lẽ còn nguy hại hơn, đó là ý muốn hiểu kinh theo nghĩa đen hay cứ chấp chặt theo một cách giảng giải riêng biệt nào đó. Trong kinh Phật cũng có một chữ để chỉ thái độ ấy: idasaccabhinivesa – khăng khăng cho rằng “chỉ điều này mới là sự thật”. Lời kinh nào cũng có thể có nhiều cách giảng khác nhau, đặt trọng tâm vào những chỗ khác nhau. Rất dễ thấy trường hơp các vị sư hiện thời, hay các trường phái truyền thống giảng dạy những điều khác biệt với kinh tạng. Điều không dễ gì hiểu được, nhưng rất đáng quan tâm, là những sự đổi thay ấy do đâu mà có, và những khía cạnh nào của giáo pháp có thể bị ảnh hưởng đến. 

Nếu bạn hoang mang, hãy nhớ đến tinh thần bình thản mà kinh Phật vẫn nhắc đến: “Không chấp nhận, cũng không chối từ, tôi sẽ tìm hiểu ý nghĩa…” Trong đạo Phật, chúng ta không nhất thiết phải hoàn toàn tin vào từng chi tiết của kinh điển; nhưng nếu ai đọc kinh với thái độ bới lông tìm vết, thì người ấy sẽ chẳng bao giờ thực sự hiểu được.

Ở bất cứ khía cạnh nào của Pháp – dù là thiền, là triết lý, là đạo đức, luân lý, là những câu chuyện đầy cảm hứng – không gì sánh được với những trải nghiệm của chính bản thân. Hãy thử sống theo lời dạy trong kinh rồi xem nó ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời bạn. Hãy quán niệm về nó. Tôi đã làm điều ấy 18 năm, và chưa lần nào bị thất vọng. Lỗi lầm gì của tôi, tất cả đều xảy ra do tôi không sống được đúng theo Pháp, chứ chẳng khi nào là do sai lầm của Pháp. 

Một nhóm Phật Tử Bắc Mỹ chuyển dịch

---------------------------- 

How to Read the Suttas
Bhante Sujato

https://discourse.suttacentral.net/t/how-to-read-the-suttas/6676

Since I started practicing Buddhism, I have found the Suttas to be an invaluable refuge. There is so much wisdom, so many amazing things – they are an inexhaustible trove of Dhamma. I encourage all Buddhists the have the habit of daily, or at least weekly, reading the Suttas.

The Suttas are not immediately striking. They are often repetitive, and can be mundane. But their beauty is a subtle thing. It lies in the balance, the sense of form, the reasonableness, the Buddha’s serenity and wisdom in every imaginable situation. 

It’s best to read them a little at a time. One middle-length Sutta is ideal for one session. Read it slowly, carefully. Notice if there are things that you don’t understand—and beware of what you think you already understand. When you have finished, check any footnotes or other guides to comprehension. Don’t get too analytic about it—try to soak in the whole essence of the teaching. If you read a Sutta before meditation, it can uplift and inspire your mind, and the meaning becomes clear.

Remember you are reading a translation. Don’t get hung up on the specific connotations of terminology—that’s just the choices of the translator. Become familiar, one word at a time, with the Pali/Sanskrit terms that underlie all Buddhist teachings. But beware of over-interpreting individual words: the true meaning of a spiritual text emerges from context and experience, not from etymology.

Notice your own response to the text: what is inspiring, what is boring, what is dubious. Your responses belong to you, not the text.

Beware of the mind that wants to criticize the text. Even though I myself believe in the importance of text-critical studies, this is after many years of study and reflection. It takes time to get a sense for these things. Have compassion for the text. Read it kindly, as if you were listening to a beloved friend. It was composed in an oral tradition in a far off time and place. It is a miracle that it exists at all, and we should not be put off if some of the modes of expression are alien to us.

Perhaps a bigger problem is the desire to literalize or insist on a particular reading. The Suttas have a word for this: idasaccabhinivesa—the insistence that “this alone is the truth”. Any text is open to different readings and emphases. It is easy enough to find cases where modern teachers or traditional schools teach things that differ from the Suttas. It is not so easy, but far more valuable, to understand why these changes came to be made, and to understand what aspect of Dhamma is at stake.

If you are in doubt, remember the poised attitude that the Suttas themselves speak of: “Neither accepting nor rejecting, I will inquire about the meaning…”. In Buddhism, we are not expected to believe literally every detail of the scriptures; but if we read them with a fault-finding mind, we will never really get it.

Whatever aspect of Dhamma—whether meditation, philosophy, ethics, or inspiring stories—there’s nothing like the real thing. Take the text, and live it. Try it out and see what it does in your life. Meditate on it. I’ve been doing this for 18 years now, and I’ve never been let down. Whatever faults I have, they’re all because of my failing to live up to the Dhamma, not because of the Dhamma itself.

-----------



Thursday, 9 December 2021

Chuyện thiền: Gia đình lên núi

 Chuyện thiền: Gia đình lên núi

Trưa hôm nay tôi đến chùa tham dự buổi thiền do ngài Ajahn Brahm hướng dẫn, từ 3.00 đến 4:00 giờ. Cảm thấy nhẹ nhàng an vui.

Trước khi bắt đầu hành thiền, ngài kể một câu chuyện vui. Người ta thường thắc mắc về lối dạy hành thiền của ngài là theo pháp hành thiền Samatha (An chỉ) hay Vipassana (Minh quán), ngài trả lời là phương cách hành thiền của ngài giống như chuyện cặp vợ chồng cùng nhau lên núi chơi, dắt theo hai con chó.

Người chồng có tên là Sâm (Samatha, an chỉ), người vợ có tên là Vi (Vipassana, minh quán), hai con chó có tên là Na (Anapanasati, niệm hơi thở) dẫn đường đi trước và Mít (Metta, niệm tâm từ) đi theo sau. Anh Sâm muốn lên núi để hưởng không khí an lành thanh vắng. Chị Vi muốn lên đó để ngắm cảnh đẹp. Thật ra, Sư dùng tên Úc nhưng tôi đổi thành tên Việt cho dễ nhớ.

Khi leo đến lưng chừng núi, con Na biến mất, chỉ còn con Mít chạy loanh quanh. Anh Sâm bắt đầu cảm thấy được sự yên tĩnh của núi rừng. Chị Vi bắt đầu thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên. Hai vợ chồng rất phấn khởi, tiếp tục leo núi. 

Tiếp tục như thế cho đến khi lên đến đỉnh núi. Trời trong xanh, vắng lặng. Nhìn toàn cảnh bao la, màu sắc đẹp tuyệt vời. Anh Sâm thưởng thức thêm được vẻ đẹp của thiên nhiên và chị Vi thấy thêm được sự mầu nhiệm của không gian vắng lặng. Còn con Mít không chạy loanh quanh nữa, nằm yên dưới chân của hai vợ chồng. Không ai để ý, bận tâm đến con Na.

Câu chuyện ngắn gọn như thế nhưng đầy đủ ý nghĩa. Những ai thật sự hành thiền và có kinh nghiệm thực tế thì chắc là đã hiểu và cảm thông.   

*