Monday 20 December 2021

Niệm: Bài thi trắc nghiệm hằng ngày

 NIỆM: BÀI THI TRẮC NGHIỆM HẰNG NGÀY.
 Bình Anson

Cũng như đa số những người lớn tuổi khác, càng già thì mắt mờ, thị lực yếu đi. Đi đâu, làm gì thì cũng cần có cặp kính. Có người cần đến 2 cặp kính để nhìn xa, nhìn gần. Nhất là bây giờ, hầu như người nào cũng có máy điện thoại thông minh bỏ trong túi quần, túi áo để liên lạc, lướt web, trao đổi buôn bán, đọc tin nhắn của bạn bè khắp nơi trên thế giới. Với những dòng chữ tí hon hiển thị trên màn hình điện thoại, hầu như người nào, kể cả các bạn trẻ, đều cần có cặp kính. Đối với những ai bị cận thị và phải đeo kính từ nhỏ thì có lẽ đã quen, không có vấn đề. Nhưng đối với những người chỉ mang kính để đọc sách hay đọc chữ trên màn hình như tôi thì đeo kính là một cực hình. Cảm thấy nặng nề, khó chịu. Nếu không cần thiết thì tôi thường gỡ ra, bỏ xuống. 

Từ đó, nảy sinh vấn đề khác: Thất niệm. Không nhớ mình vừa đặt cặp kính ở đâu, quay đi tìm kiếm. Bệnh này càng ngày càng gia tăng, nhất là trong vài năm qua … Có khi đặt xuống ở một góc bàn làm việc để đứng lên đi làm chuyện gì đó, khi quay trở lại là quên mất, không nhớ vừa để cặp kính ở đâu. Buồn cười nhất là nhiều khi bỏ vào túi áo trước ngực, hay đeo ở trên đầu, đeo vào cổ mà cũng không nhớ, quay đi tìm cặp kính khắp nơi mà không thấy. Mãi một chặp sau mới nhớ là nó ở ngay trên thân mình! 

Chuyện này vừa xảy ra hôm nay: Sáng ngủ dậy tìm cặp kính để đọc tin tức, thông tin trên máy quẹt iPad, mà không thấy nó ở đâu. Tìm khắp nơi ở  những góc nhà, góc bàn quen thuộc mà cũng không thấy. Chán nản, pha một tách café nhâm nhi, ngồi ngẫm nghĩ. Thôi chết rồi! Hôm qua cùng với gia đình cô Hai đi ra ngoài ăn tiệc mừng Giáng sinh với các gia đình láng giềng Úc cùng ở trên một đường phố. Tôi nhớ lại là đã bỏ cặp kính vào túi quần, rồi đi ngủ vì tiệc tàn quá khuya. Sáng nay, thấy bà chủ nhà gom mấy bộ quần áo dơ đem bỏ vào máy giặt! Lật đật đến phòng giặt quần áo xem thử thì máy giặt cũng vừa dừng lại. Moi móc ra thì thấy cặp kính nằm trong đó. Cũng may là không hề gì, không bị hư hại. 

Những chuyện nhỏ nhặt như thế thường xảy ra cho những ai không giữ niệm, không ghi nhớ, không để tâm đến những hành động hằng ngày, nhất là những người lớn tuổi, tâm trí có phần xao lãng. Riêng tôi, một người đang cố gắng tu tập, đó là những bài trắc nghiệm thường xuyên để nhắc nhở mình. Thứ nhất, trí óc mình đang ở trong tiến trình lão hóa, không còn nhanh nhẹn, nhạy bén như xưa. Thứ hai, quan trọng hơn, mình cần phải luyện tập, trau dồi “niệm” – sati, mindfulness. Nghĩa là phải cố gắng để ý, ghi nhớ mỗi mỗi động tác, hành động của mình ngay bây giờ, tại nơi đây. Ở đây chỉ nói về NIỆM, chưa nói gì về CHÁNH NIỆM (samma sati, right mindfulness). Không có niệm thì bàn về chánh niệm là vô nghĩa, vô ích. Đa phần Phật tử chúng ta thích bàn về “chánh niệm” nghe cho có vẻ sang chảnh, mà thật ra, bàn luận lung tung với những thuật ngữ rỗng tuếch, quên đi định nghĩa căn bản, quan trọng mà Đức Phật đã đề cập trong nhiều bài kinh. Chánh niệm phải bao gồm đầy đủ bốn yếu tố là tinh cần, niệm, tỉnh giác, chế ngự tham ưu trên đời. 

Quỹ thời gian ngày càng cạn dần, không nên phung phí vào những chuyện trên trời, dưới đất vô tích sự, không có ý nghĩa thiết thực. Bây giờ, tôi không còn ham hố muốn biết nhiều chuyện trên đời nữa, mà chỉ tập trung vào những chuyện thực tế có lợi cho quãng đời còn lại và cho đời sau. Một trong những chuyện đó là cố gắng giữ “niệm” trong mọi hành động, hay nói theo ông bà mình thường hay nhắc nhở: “Làm việc gì cũng phải có ý, có tứ.” 

­-- Một chiều cuối năm 2021,
Bình Anson
Redlynch, Cairns, Queensland, Australia

*



 

 

 

No comments: