Saturday, 31 December 2022
Phiên phiến tuổi già - Tràm Cà Mau (2007)
Friday, 30 December 2022
Cho người già bệnh - Hòa thượng THÍCH THANH TỪ
(Pháp thoại tại Thiền viện Thường Chiếu, Đồng Nai, năm 1996)
Hôm nay tôi có bài thuyết pháp ngắn về đề tài cho người già bệnh. Lý do có bài pháp này là vì một Phật tử đến yêu cầu chúng tôi rằng có cha mẹ già bệnh nặng, nên muốn khi cha mẹ lâm chung được tỉnh táo sáng suốt, không bị hôn mê hoảng sợ. Vì tình của người Phật tử hiếu thảo nên tôi hứa, đồng thời cũng nghĩ thương người già bệnh trong khi mệt mỏi đau đớn, nên chúng tôi nói bài pháp này.
Trước hết nói về cái chết không đáng sợ. Mọi người đều có quan niệm sanh là vui, chết là khổ; sanh là mừng, chết là sợ. Vì vậy ngày sinh nhật gọi là ngày ăn mừng sinh nhật, còn ngày chết con cháu cúng giỗ gọi là ngày cúng kỵ, tức ngày sợ sệt.
Quý Phật tử hiểu đạo thì ngày chết là ngày đáng sợ hay không đáng sợ? Thật tình cái chết không đáng sợ. Già, bệnh là hai thứ khổ trong bốn thứ khổ Phật nói: sinh, lão, bệnh, tử. Đã mang hai thứ khổ này vào mình là một gánh nặng đau khổ. Nếu gánh nặng đau khổ được quăng đi thì nó được nhẹ nhàng. Vậy chết là quăng được gánh nặng của già và bệnh. Lúc đó chúng ta thảnh thơi nhẹ nhàng, có gì đâu mà phải sợ. Nên chúng tôi nói chết là không đáng sợ.
Điểm thứ hai, như kinh Phật thường nói, có sanh là có tử. Có sanh ra thì phải có chết, đây là chuyện thường, không ai tránh khỏi. Như đức Phật tu hành rốt cuộc tám mươi tuổi Ngài cũng chết. Các ông tiên mà chúng ta đọc được trong truyện Tàu như Bát tiên v. v… nói trường sinh bất tử, nhưng sự thật tám chín trăm năm rồi cũng mất, cũng chết. Do đó tám ông tiên mà bây giờ tìm một ông cũng không ra.
Nên biết dù cho tu đắc đạo như Phật, thân này tới khi hoại cũng phải hoại. Dù luyện được thuốc trường sinh bất tử như thần tiên, thân này đến lúc hoại cũng phải hoại, chớ không bao giờ giữ được mãi mãi. Vì vậy chết là lẽ thường, là việc chung cho tất cả, không ai tránh khỏi. Cái không tránh khỏi mà mình sợ là chuyện vô ích, nếu không nói đó là chuyện khờ khạo. Chúng ta là người hiểu đạo rồi biết rằng có sanh là phải có tử. Ngày chết là ngày sẽ đến, bất cứ người nào cũng phải nhận. Chết là chuyện thường, đã là thường thì không sợ.
Tôi nhớ Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ khi sắp tịch nằm trên bộ ngựa, nghiêng bên phải nhắm mắt để tịch. Bấy giờ những người hầu thiếp khóc rống lên, Ngài liền ngồi dậy, súc miệng, rửa mặt, rồi nói: "Sanh tử là lẽ thường, sao lại buồn thảm luyến tiếc như thế, làm não hại chân tánh ta! " Nghe xong, các vị kia mới yên lặng. Ngài nằm nghiêng bên phải mà tịch.
Chúng ta thấy rằng đối với Ngài sanh tử là việc thường. Đã là việc thường thì không có gì quan trọng hết. Do đó Ngài tự tại ra đi. Còn chúng ta cho cái chết là lớn lao đáng sợ, nên tới đó chúng ta kinh hoàng. Kinh hoàng là đau khổ. Vì vậy người Phật tử chân chính lúc nào cũng biết rằng chuyện chết sống không thể tránh được. Không tránh được thì chúng ta chuẩn bị ngay những cái gì cần sau khi chết, đừng để tới đó rồi sợ hãi chỉ là chuyện vô ích thôi.
Điểm thứ ba, người Phật tử hiểu đạo khi tu ít nhất cũng giữ năm giới, nhiều hơn thì Thập thiện. Biết giữ năm giới, biết tu Thập thiện thì khi chết chúng ta sẽ sanh về đâu? Nếu giữ năm giới trọn vẹn thì sau khi chết chúng ta sẽ trở lại làm người đầy đủ phước đức. Tức là do giữ giới không sát sanh nên được tuổi thọ; giữ giới không trộm cướp nên được nhiều của cải; giữ giới không tà dâm nên được đẹp đẽ oai nghi; giữ giới không nói dối nên lời nói thanh tao, được mọi người tín nhiệm; giữ giới không uống rượu nên có trí tuệ sáng suốt. Thế nên sinh làm người được đầy đủ phần tốt đẹp của con người, không có gì thiếu thốn hết. Như vậy thân này hoại rồi được thân kế tốt đẹp hơn, phước đức hơn, có gì mà chúng ta phải sợ. Còn nếu tu Thập thiện khi bỏ thân này sẽ được sanh lên cõi trời, hưởng phước đức thù thắng nhiều hơn cõi này, tức là đẹp đẽ hơn gấp bao nhiêu phần.
Chúng tôi thường nói chết như đổi chiếc xe cũ lấy chiếc xe mới. Chiếc xe cũ xấu hư, chúng ta lấy chiếc xe mới tốt đẹp, hoàn hảo hơn. Cho nên chúng ta hoan hỷ bỏ thân này, vì biết rằng khi bỏ thân này chúng ta sẽ được thân sau tốt đẹp hơn, có gì đâu phải lo buồn. Thật ra chết không đáng sợ, chỉ sợ mình không biết tu. Đó là điều tôi muốn nhắc tất cả quý vị đang ở trong hoàn cảnh bệnh hoạn đau ốm, không thể tin tưởng rằng mình còn sống lâu, ráng nhớ mà tu hành.
*
Trong nhà Phật có nói đến cận tử nghiệp. Cận tử nghiệp này rất mạnh, có công năng đưa chúng ta tới chỗ tốt hay chỗ xấu khi chúng ta sắp lâm chung.
Trước hết nói cận tử nghiệp của người làm ác. Nếu người khi gần chết khởi tâm ác liền chuyển cả sự tu hành hay công đức trước của mình, liền sanh vào chỗ không tốt.
Trong kinh có kể: Một người tu ngoại đạo đạt đến định Phi phi tưởng, nếu người đó chết sẽ được sanh về cõi trời Phi phi tưởng. Nhưng khi gần chết gặp chút nghịch duyên, ông nổi giận, bực tức lên rồi chết. Sau khi chết ông sanh làm con chó sói. Như vậy, từ quả vị cõi trời Phi phi tưởng mà chuyển làm một con vật xấu xa, đủ cho ta thấy cận tử nghiệp nguy hiểm như thế nào. Cận tử nghiệp là nghiệp gần lúc chết. Nếu khởi niệm ác thì nó sẽ dẫn chúng ta sanh vào cõi ác, cõi dữ.
Do đó chúng ta thấy trong cõi người cũng như trong các loài thú, có những người, hoặc những con thú sanh ra một thời gian ngắn liền chết. Chúng ta không hiểu tại sao. Nếu là duyên làm người hoặc làm thú thì phải ở lâu cho mãn kiếp người, kiếp thú, tại sao chỉ một thời gian ngắn thì đi. Đó là lý do để thấy rằng những người ấy lẽ ra không phải sanh chỗ như thế, nhưng vì cận tử nghiệp ác mạnh nên phải sanh chỗ đó. Thời gian ngắn sau chết, sanh lại chỗ kháctheo tích lũy nghiệp, tức là nghiệp chứa đựng lâu dài lúc trước của họ. Vì vậy sức mạnh của cận tử nghiệp đưa đẩy người ta sanh vào chỗ không đúng sở nguyện của mình, chỉ vì cơn nóng giận hoặc khởi những niệm ác lúc sắp lâm chung mà ra như vậy. Đó là tôi nói trường hợp cận tử nghiệp ác.
Kế đến là cận tử nghiệp thiện, tức người gần chết khởi niệm lành. Lúc sắp lâm chung khởi niệm lành liền sanh về cõi lành, dù cho tích lũy nghiệp của họ ác, nhưng nhờ khi sắp chết khởi niệm thiện nên chuyển sang sanh cõi lành. Do sức mạnh của cận tử nghiệp làm cho tích lũy nghiệp mờ đi, nhưng không phải mất. Nghĩa là người ấy phải theo cận tử nghiệp một thời gian. Khi nào cận tử nghiệp hết thì họ mới trở lại tích lũy nghiệp.
Nên nhớ nghiệp tích lũy là nghiệp quan trọng mà chúng ta chứa từ thuở nhỏ cho đến lớn trong đời sống. Giả sử chúng ta chứa điều lành, điều tốt đầy đủ, nhưng giờ chót bị cận tử nghiệp ác lôi đi thì phải trả hết nghiệp cận tử đó rồi mới trở lại với nghiệp tích lũy lành, được quả lành, chứ không phải mất hẳn. Nên lúc sắp lâm chung chúng ta phải dè dặt tối đa, không nên khởi những tâm niệm ác.
Trong kinh nói người phạm hai tội trong năm tội ngũ nghịch là ông Đề Bà Đạt Đa, đức Phật thọ ký khi chết ông phải đọa địa ngục. Do đó lúc sắp lâm chung ông hối hận hướng về Phật chắp tay xin sám hối. Sau này đức Phật kể lại cho ngài A Nan nghe rằng ông Đề Bà Đạt Đa tuy bị đọa địa ngục vì tội ngũ nghịch, nhưng vì sắp chết ông biết hối hận sám hối với Phật. Nên sau khi hết đọa địa ngục ông được trở lại làm người gặp Phật pháp tu hành, cuối cùng cũng chứng quả thành Phật.
Chúng ta thấy rằng cả đời Đề Bà Đạt Đa đã tạo những nghiệp ác nhưng khi sắp lâm chung ông đã có tâm thức tỉnh, hối cải. Vì vậy, sau này khi nghiệp ác hết, ông sanh về cõi lành và được tu hành chớ không mất luôn chủng duyên lành. Nên biết cận tử nghiệp lành có thể giúp người bị khổ lâu dài chuyển thành khổ ngắn, không còn lâu dài nữa.
Thêm một chuyện nữa. Có một vị tiên ở cõi trời ba mươi ba. Ông biết mình hết phước sắp chết. Do có thiên nhãn, ông biết mình sẽ sanh làm con của một Trưởng giả ở nhân gian và sau kiếp làm con ông Trưởng giả ông sẽ đọa địa ngục. Hoảng sợ quá, ông khóc rống lên, kêu la cầu cứu. Khi đó Trời Đế Thích đến hỏi: - Vì sao ông khóc kêu cứu như vậy? Ông trình bày chỗ thấy của mình. Trời Đế Thích liền khuyên ông nếu muốn được cứu phải quy y Tam Bảo.
Ông hỏi:
- Quy y Tam Bảo là sao?
Trời Đế Thích nói:
- Quy y Tam Bảo là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
Ông hỏi:
- Bây giờ Phật ở đâu?
- Hiện giờ Phật đang thuyết pháp ở Vườn Trúc tại xứ Nalanda.
Ông than:
- Bây giờ tôi sắp chết làm sao đến đó để quy y được.
Trời Đế Thích bảo:
- Không sao, chỉ cần ông chắp tay hướng về chỗ Phật đang thuyết pháp nói to lên thế này: "Con tên…… xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin Phật cứu con, xin Phật độ con", như vậy ba lần.
Nghe vậy ông liền quỳ gối chắp tay hướng về Vườn Trúc Nalanda, nói ba lần: "Con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin Phật độ con." Sau khi nói ba lần như vậy rồi, ông liền chết.
Quả thực sanh xuống trần gian ông làm con Trưởng giả. Khi con ông Trưởng giả lớn lên, một hôm gặp đức Phật khất thực ngang qua nhà. Thấy Phật, ông liền phát tâm muốn đi tu. Sau đó ông được Phật độ tu hành chứng quả A La Hán.
Qua đó, chúng ta thấy chỉ cần cận tử nghiệp hướng về Tam Bảo mà sau này khỏi đọa địa ngục, còn được xuất gia và tu hành giải thoát. Như vậy cận tử nghiệp rất là quan trọng. Nếu chúng ta không biết, để cận tử nghiệp chuyển thành ác sẽ đưa tới cõi ác. Nếu chúng ta biết, dù trước kia có làm ác, nhưng nhờ cận tử nghiệp thiện thì sẽ đưa tới cõi lành. Do đó người Phật tử chân chính phải nhớ, phải biết rõ tầm quan trọng của cận tử nghiệp.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa phủ nhận tích lũy nghiệp là nghiệp do chúng ta chứa chấp từ khi mới sanh ra cho tới già. Nếu chúng ta làm điều lành nhiều thì gọi đó là tích lũy nghiệp thiện; làm điều ác nhiều thì gọi là tích lũy nghiệp ác. Nếu tích lũy nghiệp thiện, và lúc sắp lâm chung không khởi niệm ác, thì con đường thiện nhất định sẽ đến với chúng ta. Còn nếu tích lũy nghiệp thiện nhưng khi sắp lâm chung khởi niệm ác thì con đường thiện của chúng ta phải bị quanh co, có khi nó dẫn mình tới chỗ dữ. Ngược lại, nếu tích lũy nghiệp ác nhưng sắp lâm chung khởi niệm thiện thì con đường ác lý đáng chúng ta phải chịu nhưng giờ đây chuyển sang con đường lành. Nên biết cận tử nghiệp rất mạnh, rất đáng sợ. Quý vị nào tuổi đã lớn, hoặc hay bệnh hoạn nên dè dặt tối đa, không nên tạo ảnh hưởng lớn gây cho chúng ta những đau khổ sau này. Đó là tôi nói về sức mạnh của cận tử nghiệp.
*
Tiếp theo, tôi sẽ nói những điều cấm kỵ của người khi sắp lâm chung. Những điều cấm kỵ là những điều không nên làm khi chúng ta biết đạo lý.
Một là lúc sắp lâm chung cấm kỵ không nên sân giận. Dù cho có điều gì trái ý cũng phải bỏ qua để lo cho cái chết của mình, không nên sân giận làm gì. Nếu sân giận thì chúng ta sẽ đọa vào cõi dữ làm những con vật hung dữ khó thể tránh khỏi. Đó là điều thứ nhất.
Thứ hai là phải dứt tâm oán thù. Nếu ôm tâm oán thù thì khi nhắm mắt chúng ta sẽ theo nghiệp oán thù, đền đền trả trả không có ngày cùng. Nghĩa là mình thù người, sanh ra gặp lại nhau rồi hại nhau, đau khổ chồng chất không biết đến đâu cho hết. Vì vậy chúng ta phải dứt tâm oán thù.
Thứ ba là tâm yêu mến con cháu, tiếc của cải, v. v… Đó là mối hiểm họa, nghĩa là vì yêu tiếc mà đôi khi bị trầm luân hay là trở lại làm những con vật không tốt.
Trong sử ba mươi ba vị Tổ có kể về một vị tăng Ấn Độ tôi không nhớ rõ tên. Một hôm Ngài đi khất thực ngang qua nhà ông Trưởng giả. Nhưng ông Trưởng giả đi khỏi. Trong nhà có con chó chạy ra sủa rất to. Ngài nhìn nó và quở: "Ngươi vì bệnh tiếc của mà trở lại làm chó, đã không biết còn sủa om sòm!" Nghe nói như vậy con chó buồn bỏ ăn. Ông Trưởng giả về, thấy con chó cưng của mình bỏ ăn. Ông liền hỏi lý do và được người nhà kể lại rằng hồi sớm mai có một vị Sa môn đi ngang, nó thấy liền sủa. Rồi không biết ông ấy nói gì với nó, từ đó nó buồn, bỏ ăn. Ông hỏi vị Sa môn ấy ở đâu và tìm gặp được Ngài. Với tâm rất sân hận, ông hỏi:
- Hồi sáng ông nói gì mà con chó của tôi nó buồn đến bỏ ăn?
Ngài bảo:
- Ông đừng nóng, để tôi nói cho ông nghe. Con chó đó là cha của ông.
Ông càng tức hơn, hỏi:
- Tại sao con chó đó lại là cha tôi?
Ngài nói:
- Nếu ông không tin ta, ông hãy về tìm ngay giữa giường nơi cha ông khi xưa ngủ mà bây giờ là chỗ con chó hay nằm đó, ông đào xuống sẽ thấy một ché vàng. Vì khi cha ông chết không kịp trối trăn lại với ông, nên bây giờ tiếc của mới sanh trở lại làm chó để giữ của. Nếu không tin ta, ông hãy về đào lên sẽ thấy!
Khi ấy vị Trưởng giả không còn lớn tiếng với Tổ nữa, mà trở về đào chỗ Tổ chỉ. Quả nhiên ông thấy có một ché vàng. Ông liền chạy tới xin Tổ cứu cha ông. Tổ khuyên Trưởng giả nên đem của đó bố thí để cha ông hết nghiệp. Trưởng giả nghe lời Tổ dạy liền đem ché vàng bố thí. Sau đó con chó chết.
Như vậy, vì yêu tiếc của nên trở lại làm chó để giữ của. Đó là điều đáng sợ. Nên ở đây tôi nhắc ba điều cấm kỵ trước khi lâm chung, Phật tử phải nhớ đừng bao giờ để xảy ra. Tôi lặp lại, điều thứ nhất là tâm sân giận; điều thứ hai là tâm oán thù; và điều thứ ba là tâm yêu tiếc, tức yêu con tiếc của. Nhớ, đừng có ba tâm đó mới khỏi đọa vào con đường khổ. Có ba tâm đó là nguy hiểm.
Nếu khi sắp lâm chung mà khởi tâm thiện thì sẽ được điều lành, điều tốt. Tâm thiện là tâm gì? Điều thứ nhất, khi sắp lâm chung phát tâm bố thí, giúp đỡ người nghèo kẻ bệnh. Mình có phương tiện tới đâu phát tâm tới đó. Điều thứ hai đối với người quy y rồi thì phát tâm cúng dường Tam Bảo; còn chưa quy y thì phát tâm quy y Tam Bảo để tâm thiện tăng trưởng. Làm như vậy là đã hướng về điều thiện và sẽ đi theo con đường thiện. Ba là phát tâm phóng sanh, nghĩa là cứu những con vật bị người ta bắt và sẽ bị giết. Mình cứu nó bằng cách mua lại đem thả, hoặc tìm cách nào cứu cho con vật không bị chết. Đó là phát tâm phóng sanh.
Bố thí, cúng dường, phát tâm phóng sanh là tâm lành. Nhờ phát tâm lành, tự nhiên lần lần chúng ta sẽ đi theo con đường lành. Đó là những điều tâm nên khởi khi sắp lâm chung.
*
Người Phật tử biết tu, khi sắp lâm chung, cần biết ứng dụng pháp Phật dạy, gìn giữ tâm mình luôn luôn đi đúng đường, không bị lệch lạc. Đối với người tu Tịnh độ, lâu nay chuyên niệm Phật, khi bệnh nhiều phải ráng nhớ niệm Phật, không quên. Lúc nào tâm mình cũng hướng về Phật không lơi lỏng, không nghĩ tới con, không nghĩ tới cháu, cũng không nghĩ tới tài sản gì hết. Được như vậy thì nhất định sẽ đi theo Phật không nghi ngờ. Đó là điều thứ nhất.
Thứ hai, đối với người không chuyên niệm Phật mà thường hay xem kinh sách thì phải nhớ một bài kệ. Chẳng hạn, nếu quý vị thường tụng kinh Kim Cang, thì phải nhớ một bài kệ, tức là nhớ tới Pháp giống như nhớ tới Phật, niệm Phật vậy. Chúng ta nghiên cứu kinh điển, học pháp của Phật thì phải nhớ pháp, như tụng bài kệ sau đây trong kinh Kim Cang:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.
Nghĩa là tất cả pháp hữu vi như mộng, như huyễn, như bọt, như bóng, như sương mai, như điện chớp, phải luôn quán như thế. Chúng ta tụng mãi bài kệ này thì tâm chúng ta được trong sáng, không kinh hoàng khi sắp lâm chung. Đó là trường hợp thứ hai.
Trường hợp thứ ba, nếu người biết tu thiền, tâm được yên tĩnh phần nào thì nhớ lúc sắp lâm chung, mình hằng sống với tâm thanh tịnh, đừng chạy theo tâm vọng tưởng điên đảo. Nghĩa là nhớ ngay trong thân người bại hoại này có cái không bại hoại. Nhờ vậy chúng ta không kinh hoàng, không sợ sệt mà hằng sống với tâm bất sinh bất diệt của mình. Thân này chẳng qua là tướng hư ảo, có đó rồi mất đó, chớ không bền. Chỉ cái thể chân thật của mình là thanh tịnh, không sanh, không diệt muôn đời. Đó là chúng ta biết tu.
Trong ba trường hợp tôi kể ở trên, người tu niệm Phật thì chuyên niệm Phật, không nhớ chuyện đời. Người chuyên nghiên cứu Pháp thì nhớ một bài kệ. Người tu Thiền thì nhớ ngay nơi mình có cái chẳng sanh diệt, hằng thanh tịnh, không có gì đáng sợ, không có gì đáng lo. Người biết tu nhớ được những điều này thì không bị mê muội, không có gì sợ hãi, ra đi êm ái nhẹ nhàng. Đó là những điều tôi nhắc cho quý vị khi sắp lâm chung.
*
Bây giờ tôi nói tới hậu sự, tức là việc sau khi mình chết. Nhiều vị nghĩ rằng khi mình chết phải trối trăn lại với con cháu làm thế này, làm thế kia cho mình. Điều đó dư. Tại sao? Bởi vì thân này do tứ đại hòa hợp mà thành, chúng ta sống cũng mượn tứ đại mà sống: uống nước giúp cho thủy đại, ăn giúp cho địa đại, thở giúp cho phong đại, v. v… Như vậy bốn đại đó nhờ vay mượn bên ngoài mới tồn tại.
Đến khi chết là không vay mượn nữa thì trả về cho tứ đại. Tứ đại trả về tứ đại thì chỗ nào cũng là tứ đại hết. Tại xứ người, tứ đại cũng là tứ đại; ở quê hương mình thì tứ đại cũng là tứ đại. Đừng nghĩ bỏ thân ở xứ người là thiệt thòi. Thiệt thòi nhất là cái tâm, tinh thần của mình ra đi mà không sáng suốt, đó mới thật thiệt thòi. Còn thân tứ đại này bỏ ở đâu cũng được hết. Người ta hay nói thân này là thân cát bụi cho nên khi chết trả về cho cát bụi, chứ không phải trả về xứ mình, thành vàng thành ngọc gì, cho nên đừng quan trọng nó.
Thân này để cho con cháu giải quyết bằng cách nào thuận lợi nhất thì tốt, mình khỏi cần dặn dò gì hết, khỏi cần bắt buộc gì hết. Dặn dò bắt buộc nhiều khi làm cho con cháu càng thêm lúng túng. Thí dụ nơi đó không có lò thiêu mà bảo phải thiêu, trong khi có đất chôn mà không chịu chôn. Hay ngược lại, chỗ đó không có đất chôn mà có lò thiêu, mình lại không chịu, nói thiêu nóng lắm, phải tìm đất chôn. Như vậy con cháu lo sợ không biết tìm đất đâu mà chôn, càng làm cực khổ cho người sống chớ không có ích lợi gì. Đã là thân tứ đại hoại rồi thì còn biết gì nữa mà sợ nóng, còn biết gì nữa mà đòi đem về quê hương. Biết chăng là cái tinh thần, cái tâm của mình. Do đó quý vị đừng có lầm lẫn thân này phải trở về quê mình mới tốt. Nghĩ như vậy là sai lầm. Chính cái tâm của chúng ta, tâm sáng thì đi tới chỗ tốt, điều đó mới quan trọng.
Đó là những lời nhắc nhở để quý vị biết sau khi chúng ta có trăm tuổi, không làm phiền hà cho con cháu.
*
Tôi chỉ nói một phần ngắn cho quý vị biết khi đau, bệnh và già sắp lâm chung. Theo đó, quý vị có hướng chọn lựa, đừng bị tâm phàm tục làm cho mình đau khổ ngay hiện tại và kéo dài sau khi lâm chung. Đó là những điều thiết yếu.
Mong rằng tất cả quí Phật tử nghe rồi, khéo ứng dụng để tự cứu mình, đó cũng là lời Phật dạy cho chúng ta thoát khổ.
*
Lời huấn từ của Hòa thượng THÍCH THANH TỪ
(Lời huấn từ của Hòa thượng Thích Thanh từ trong buổi lễ chúc thọ Hòa thượng tám mươi tuổi, ngày 23/01/2003 tại Thiền viện Thường Chiếu, Long Thành, Đồng Nai)
Hôm nay gần như là lần chót chúng tôi nói chuyện tại Thiền viện Thường Chiếu, nên những gì đã ôm ấp từ trước tới giờ, tôi sẽ nói ra cho quí vị nghe và hiểu. Trước hết tôi nói về những thành quả trong đời tôi đã làm được và nguyên nhân của những thành quả đó để quí vị biết, học hỏi, hầu tiếp tục làm tròn phận sự của mình.
Phần lớn những thành quả tôi đạt được đều là những cái không ngờ. Như khi xưa đọc sử chư Tổ, tôi thấy ở Trung Hoa có nhiều vị ra đời giáo hóa đến cuối đời, tính ra có hàng vạn tín đồ. Khi bắt đầu đi vào con đường tu học, tôi nghĩ đời mình tới trăm tuổi giáo hóa nhiều lắm chỉ đến ngàn Phật tử, tức là một phần mười chư Tổ thôi, chớ không bao giờ có sức hướng dẫn một số đông như vậy. Nhưng đến nay số lượng Phật tử qui y, khoảng trên tám mươi bốn ngàn người. Đó là phần Phật tử tại gia, còn số lượng xuất gia khó tính quá. Quí vị biết tại sao không? Vì có vị cạo đầu ba bốn năm rồi để tóc lại, làm sao tính được! Như vậy mới thấy thành quả này không phải là việc ngẫu nhiên. Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ thu hoạch được kết quả tốt như vậy. Cho nên ngày nay được thế là chuyện không ngờ đối với tôi.
Kế nữa tôi cũng từng tuyên bố với Tăng Ni, Phật tử: Tôi tu hành chỉ lo hướng dẫn Tăng Ni biết rõ đường lối tu, chớ không đặt nặng chùa to Phật lớn, song bây giờ tôi lại có chùa to Phật lớn. Đây dường như là điều mâu thuẫn, nhưng sự thật không phải mâu thuẫn. Vì tôi lo cho Tăng Ni mà Tăng Ni ngày càng đông nên chùa phải to, chùa nhỏ làm sao dung hết? Chùa to thì Phật cũng phải to theo. Đó là điều tự nhiên, không gượng ép gì hết.
Hiện giờ ở trong nước số thiền viện tiêu biểu, trực thuộc dưới sự hướng dẫn của chúng tôi như:
1. Thiền viện Chân Không.
2. Thiền viện Thường Chiếu.
3. Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt.
4. Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử.
5. Thiền viện Tuệ Quang.
6. Thiền viện Đạo Huệ.
7. Thiền viện Linh Chiếu.
8. Thiền viện Viên Chiếu.
9. Thiền viện Huệ Chiếu.
10. Thiền viện Phổ Chiếu.
11. Thiền viện Tịch Chiếu.
12. Thiền viện Liễu Đức.
13. Thiền viện Hương Hải.
14. Thiền viện Tuệ Thông.
15. Thiền tự Phúc Trường.
Tại nước ngoài, tiêu biểu như:
1. Thiền viện Đạo Viên tại Canada.
2. Thiền viện Đại Đăng tại Mỹ.
3. Thiền viện Bồ-đề tại Mỹ.
4. Thiền viện Quang Chiếu tại Mỹ.
5. Thiền viện Diệu Nhân tại Mỹ.
6. Thiền tự Vô Ưu tại Mỹ.
7. Thiền tự Hiện Quang tại Úc.
8. Thiền tự Pháp Loa tại Úc.
9. Thiền tự Hỉ Xả tại Úc.
10. Thiền tự Tiêu Dao tại Úc.
Đó là chỗ tôi không bao giờ nghĩ, không bao giờ tưởng, nay nó đến một cách đầy đủ, đột ngột, nên tôi nói bất ngờ. Tôi sẽ kể tiếp đời tu của tôi có những bất ngờ như sau:
Bất ngờ thứ nhất là ngày xưa Thầy tôi, Sư ông tôi và các Hòa thượng dạy tôi đều tu Tịnh độ, nhưng tôi lại tha thiết tu Thiền. Thời xưa của tôi không có một vị Thiền sư nào cả, chỉ có những người dạy Thiền mang tánh cách ngoại đạo thôi. Như vậy tâm nguyện tha thiết của tôi không có chỗ tựa, chỉ một người bạn đồng hành duy nhất là thầy Nhất Hạnh. Lúc còn ở Ấn Quang, thầy cũng tha thiết tu Thiền như tôi. Vì vậy hai chúng tôi có chỗ thông cảm về đường lối tu Thiền. Tuy đồng một quan niệm tu Thiền, nhưng hai người có hai lối tu khác nhau.
Sau khi dạy ở Phật học viện Huệ Nghiêm rồi, tôi thấy mình phần nào đã trả được nợ cơm áo của thí chủ và công ơn Thầy Tổ, nên xin ra Vũng Tàu cất thất tu Thiền. Tuy ham tu Thiền nhưng tôi chưa biết phải tu theo Thiền nào, đó là lỗi không gặp được thầy hướng dẫn. Tôi chỉ lấy kinh làm nền tảng tu. Trước hết nghiên cứu kinh A-hàm, tôi thấy pháp tu Thiền trong A-hàm là pháp Tứ niệm xứ, theo đó thì quán hơi thở. Sau này ngài Trí Khải đại sư viết thành cuốn Lục Diệu Pháp Môn, tôi ứng dụng tu theo hai phần.
Phần thứ nhất là Tứ Niệm Xứ, ứng dụng chưa có kết quả thì tôi đã bị lúng túng, do đó tôi chuyển qua Lục Diệu Pháp Môn. Buổi đầu thấy tiến khá tốt, nhưng đi sâu vào tôi cũng bị dội. Thế là xoay qua Thiền tông, tôi dịch một tác phẩm dạy tu thiền của Thiền sư Hư Vân, trong đó ứng dụng theo lối tu Thiền thoại đầu. Song tôi bị ngăn trở khoảng giữa đường, tu cũng không tiến. Đau khổ vô cùng, tôi không biết hướng nào đi, cứ dò dẫm chỗ này, dò dẫm chỗ kia, rốt cuộc bị ngăn trở không tiến được. Lễ Phật, tôi khóc.
Nhưng điều tôi không ngờ được là do túc duyên đời trước. Một đêm chân thành lễ Phật sám hối, sau đó đi nghỉ, tôi mộng thấy mình đi vào một ngôi chùa xưa giống như chùa Tàu. Tôi thấy hai vị Tổ ngồi ở nhà Tổ. Nhìn qua tôi biết liền, đây là Tổ Tăng Xán, đây là Tổ Huệ Khả, thấy rõ hình ảnh ấy tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Mừng quá, tôi chạy kêu thầy Trụ trì ở đâu sao không đem trà nước mời gì cả, để hai vị Tổ ngồi buồn. Mải lo chạy kêu thầy Trụ trì, khi trở ra thì hai vị đi mất ra ngã sau. Tôi giật mình thức dậy, nghĩ rằng mình đã có duyên với Tổ nên ngày nay mới thấy. Đã có duyên như vậy, tại sao hơn một ngàn năm qua mình còn lao đao, lận đận, tu hành không đến đâu hết. Tôi buồn, thấy tủi thân vì duyên của mình không thành tựu gì cả.
Một đêm khác cũng trong thời gian nhập thất, tôi nằm mơ thấy Tổ Huệ Khả. Ngài đứng trên cao đọc một bài thơ, nghe qua tôi không nhớ hết, chỉ nhớ câu cuối cùng Ngài nói: “Không bình, không trắc”. Giật mình thức dậy, tôi lấy làm lạ quá, tại sao thơ mà không bình không trắc, nếu thơ thì phải có luật bình trắc chứ? Tôi cứ nghiền ngẫm tại sao không bình không trắc? Đến giờ ngồi thiền khuya, bỗng dưng tôi sáng được lý Bát-nhã, từ chỗ không bình không trắc đó, tôi nhớ tới câu “sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Sắc-Không không rời nhau, Sắc-Không không hai, bất thần ngay nơi đó tôi hiểu được lý Sắc-Không. Thế là suốt ba ngày, đi tới đi lui một mình tôi cười hoài, rất vui mà không biết vui ra sao nữa? Sau tôi đọc trong tạng, tới bộ Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự, đọc tới đâu thấy sáng tỏ tới đó. Đến đây, rõ ràng tôi biết mình có duyên tu Thiền.
Ngày xưa, vì thấy việc này hơi thần thoại, do đó tôi không dám kể với quí vị, chỉ đơn độc thực hành thôi. Khi thực hành thấy kết quả tốt, tôi đem hết sách Thiền ra đọc và dịch để Tăng Ni, Phật tử có tài liệu tham khảo. Từ đó tôi biết rõ đường lối tu Thiền. Như vậy tôi tu thiền không có thầy, chỉ nhờ duyên đánh thức qua hình ảnh hồi xưa, đó là một lý do. Cho nên những Phật sự ngày nay tôi làm được, không phải là chuyện ngẫu nhiên mà do túc duyên từ thuở nào. Khi đọc kinh Pháp Hoa, tôi càng thấy rõ hơn, không một đức Phật nào thành Phật chỉ trong một đời. Một đời thành Phật là đời chót, chớ không phải tu một đời.
Chúng ta tu từ những đời trước, đã tạo được duyên lành nên qua đời này tuy không gặp thiện tri thức chỉ dạy, song nhân một cơ duyên nào đó mình cũng thức tỉnh được. Trong đời này số Phật tử tôi giáo hóa đông đảo, đương nhiên đã gieo duyên nhiều đời lắm rồi, chớ không phải một đời. Hiểu rõ như thế tôi biết chắc không phải một đời này mình đủ tài đủ đức giáo hóa như vậy. Từ những đời trước chúng ta đã gieo duyên với nhau rồi, nên đời nay gặp lại đông đảo thế này. Lý luân hồi nhân quả của đạo Phật không bao giờ sai chạy. Chúng ta đã gieo nhân thế nào thì sẽ gặt quả thế ấy, không bao giờ mất.
Cho nên trên đường tu chúng ta đừng nghĩ rằng chỉ một đời này mình tu thôi. Những người xuất gia thọ giới tu hành được kha khá đều có duyên từ nhiều đời trước, nên đời này tiếp tục tu nữa. Vì vậy làm được việc gì, tất cả công đức chúng ta tạo ra, gốc đều từ duyên lành đời trước chớ không phải chỉ trong đời này. Nghĩ như vậy rồi chúng ta không có lý do gì để tự cao, ngạo mạn mình là người tài giỏi. Nên biết rằng đây là chúng ta tiếp tục con đường mình đã đi trong nhiều đời, và còn nhiều đời nữa phải tiếp tục, chớ không phải ngang đây là dứt. Đó là lý do thứ nhất mà đời tu này của tôi có được những việc bất ngờ.
Lý do thứ hai tôi muốn nhắc cho Tăng Ni, Phật tử biết việc làm đạt được kết quả tốt là do lòng chân thành của chúng ta. Tôi lo cho Phật pháp, lo cho Tăng Ni, chỉ một bề làm sao cho Tăng Ni tu được, học được, làm sao cho tất cả Phật tử đến với mình phát tâm Bồ-đề ngày càng rộng lớn, chớ không bao giờ nghĩ lợi dụng Phật tử để làm việc riêng cho mình. Muốn cho Phật tử đến chùa mỗi ngày đều được lợi ích, được thấm nhuần chánh pháp; muốn cho Tăng Ni mỗi ngày tu đều, đi sâu trong đạo đức, thấy suốt được lời dạy của Phật Tổ; cả đời tôi chỉ lo cho Tăng Ni, Phật tử tu. Có lẽ vì tâm đó mà Phật tử ủng hộ, giúp đỡ tôi không tiếc công, tiếc của. Tôi chưa kêu gọi quí vị đã hưởng ứng, tôi chưa khuyên bảo tiếp giúp, quí vị đã sẵn sàng gánh vác những công tác tôi muốn làm hay đang làm. Đó là điều chư Tăng, chư Ni nên ghi nhớ muốn làm Phật sự được, chúng ta đừng bao giờ nghĩ đến danh đến lợi, mong mọi người quí kính mình. Chúng ta làm là vì người sau, vì muốn cho chánh pháp ngày càng sáng tỏ, bủa khắp các nơi. Không phải nghĩ tới bản thân mình hoặc nghĩ tới thân nhân mình mà làm Phật sự. Lòng chân thật ấy là lý do thứ hai mà tôi có được những sự việc bất ngờ.
Điều thứ ba tôi muốn nhắc nhở cho Tăng Ni nhớ thật kỹ, chúng ta làm Phật sự phải đúng nghĩa Phật sự, vì muốn cho tất cả chúng sanh hiểu Phật pháp, chớ không nên làm Phật sự mà trá hình bởi cái này, cái nọ. Vì muốn chúng sanh thức tỉnh, giác ngộ được lẽ thật nên chúng ta làm Phật sự, chớ không vì cầu cạnh điều gì, không vì lời khen, không vì những quyền lợi nhỏ lớn nào đó mà làm. Chỉ một bề lo cho Tăng Ni, Phật tử làm sao thức tỉnh, làm sao giác ngộ để đánh tan mê lầm muôn đời của mình, lần lần tiến lên, chớ không nên mong một điều gì khác. Vì vậy tôi mong toàn thể chư Tăng, chư Ni, quí vị đã hi sinh cả cuộc đời, bỏ tất cả thân quyến để vào đạo tu hành, phải làm sao đời tu của mình thật xứng đáng, là một con người giác ngộ thật sự để dìu dắt, chỉ dạy những người sau. Chúng ta là những người mang lại tình thương cho nhân loại bằng cách đánh thức họ, đừng để chúng sanh mê lầm gây tạo tội lỗi khổ đau. Do đó không nên vì một lý do nào mà Tăng Ni xao lãng việc tu hành của mình. Đó là điều hết sức thiết yếu.
Đời này tôi làm Phật sự được kết quả tốt đẹp, nhiều người tán thán không phải do tài của tôi trong một đời, mà là cộng lại quá khứ chúng tôi đã gieo trồng duyên lành với Phật pháp nhiều đời. Đời này tiếp tục nên việc làm dễ dàng có kết quả tốt đẹp, đồng thời cũng do tâm chân thành, một lòng vì chánh pháp, chớ không vì lý do nào khác. Trên bước đường tu, dù chúng ta có giác ngộ cũng chỉ giác ngộ phần nào thôi, chưa phải giác ngộ hoàn toàn. Ví như người thấy núi, đứng dưới chân núi vẫn chưa gọi là đã lên đỉnh núi. Quá trình leo lên tới đỉnh còn trải qua bao nhiêu công phu nữa. Chúng ta đừng lầm khi thấy cái gì hay hoặc tu được kết quả tốt rồi khoe mình thế này, thế nọ. Đó là tổn phước, tổn đức. Phải thấy đường đi của mình còn dài, dù hiện giờ chúng ta biết được đường đi, nhưng chỉ là người đứng ở đầu đường, chưa phải đến được cuối đường. Biết được như vậy, lúc nào cũng là lúc chúng ta phải tu, không nên nói rằng mình làm được nhiều việc rồi, bây giờ thảnh thơi ăn chơi tự tại. Đó là điều không tốt.
Thật tình chúng ta tiến được năm mười bước thì phải thấy rằng đây là những chặng đầu, chưa phải là chặng cuối. Cho nên những bước sau càng mạnh mẽ cố gắng hơn nữa, đừng ngỡ rằng chúng ta đã tiến một hai bước rồi hài lòng, tự mãn, chết chìm trong đó, không tốt. Bởi vậy sau bao nhiêu năm lo dạy Tăng Ni, Phật tử tôi cũng cố gắng tu nhưng sự tu bị giới hạn. Như hôm nay giảng, buổi tối ngồi thiền nhớ câu nào hay hoặc đề tài nào đúng mình lôi ra để mai giảng, bị những thứ ấy lôi đi nhưng vẫn phải chịu thôi. Ngày nào cũng thế, tự nhiên công phu của mình hao hụt rất nhiều, vì vậy việc tu thiệt thòi. Do đó tôi muốn có được một thời gian trọn vẹn để yên ổn tu hành.
Tôi nhớ lại nhiều thầy đồng tuổi với mình đã từ giã cõi đời lâu rồi. Gần nhất là thầy Tịnh Viên ở chùa Linh Sơn Vũng Tàu. Kế đó là thầy Huỳnh Kim ở Sài Gòn đã đi mất hai ba năm nay. Thầy Thiền Định học chung một lớp với tôi cũng đã đi được hai ba năm và nhiều thầy nữa đã đi. Không những quí thầy đồng tuổi với tôi, mà các thầy nhỏ tuổi hơn tôi như thầy Thiện Châu cũng đi, thầy Huyền Vi thì đang bệnh. Tất cả quí thầy kẻ đi trước người đi sau, đi lần mòn, riêng tôi còn sót lại. Đó có phải là điều hạnh phúc không? Chính vì còn sót lại nên tôi mới lo nhiều. Ngày nay mình còn ở đây phải làm gì chứ, không thể chần chừ được. Sanh tử đã chực sẵn, chỉ cần một cái sơ sẩy là mất mạng liền, không thể chần chừ được nữa. Bởi vậy tôi phải từ giã Tăng Ni để ngồi yên nỗ lực tu hành. Ngày nào còn sáng, còn tỉnh, còn mạnh thì ngày đó tôi làm việc cho mình, để khi hết cuộc đời con đường đi của tôi được gần hơn một chút. Hay nói một cách cụ thể hơn, ngày ra đi tôi được tỉnh táo, sáng suốt để Tăng Ni, Phật tử tăng trưởng lòng tin. Nếu không như thế thì tôi chịu trách nhiệm lãnh đạo Tăng Ni, Phật tử tu hành mà không để lại được niềm tin nơi quí vị thì thật đáng buồn!
Các Thiền sư khi ra đi rất là thanh thoát, trước khi đi các ngài còn làm những bài kệ khuyên nhắc đệ tử. Bây giờ nếu tôi ra đi một cách mê muội tối tăm thì chắc rằng lòng tin của Phật tử phải suy giảm. Do đó tôi tu vừa để lợi ích cho bản thân, vừa để làm gương cho những người sau noi theo. Vì lý do đó nên tôi cố gắng tu chớ không phải tu để được ai khen hết. Bởi vì tu là việc của mình, lo cho mình, làm cho mình. Chính mình làm được cho mình mới có thể khuyên nhắc mọi người cùng làm theo. Bản thân mình làm không được mà khuyên người ta làm thì làm cái gì? Mình đứng một chỗ mà xúi người ta đi thì ai đi được? Điều đó không thiết thực.
Tôi muốn trên đường tu của mình, từ khi mới bắt đầu cho đến phút cuối cùng, lúc nào cũng nỗ lực, cũng tinh tấn đi cho hết con đường. Dù biết rằng đường rất dài, tới khúc nào đó ta cũng kiệt lực, nhưng phút kiệt lực chúng ta vẫn là người đang đi, chớ không nên ngã quị hay lăn xuống giếng. Được như vậy mới xứng đáng, mới không hổ thẹn mình là người có trách nhiệm lãnh đạo Tăng Ni, Phật tử tu hành. Do vậy lúc nào tôi cũng tha thiết, cũng muốn làm cho xong phần mình, rồi sau mới kêu gọi anh em cùng làm. Trọng trách này rất là nặng nề.
Hôm nay nhân ngày quí vị tổ chức mừng thượng thọ của tôi, đây là điều mừng hay buồn? Nếu nói theo tôi thì mừng, vì tôi còn sống để lo tu. Thêm được ngày nào là quí ngày ấy, những năm về trước tôi quá nhiều việc nên chạy ra ngoài nhiều, bây giờ ngày nào cũng là ngày của tôi. Sống thêm một tháng là được một tháng, một năm là tốt một năm, được năm bảy năm thì càng tốt hơn, tùy duyên. Biết rằng cái chết lúc nào cũng chực sẵn, chúng ta không ai tránh khỏi, nhưng đi muộn thì mình có thời gian để tu, đó là duyên phúc lành. Vì vậy tuổi cao tôi không sợ, chỉ sợ ngày ra đi mê mờ không biết gì. Thế nên những ai chân thành tu đều phải thấy, phải biết lẽ này để chúng ta dồn sức tu hành. Tuổi càng lớn sự tu càng nhặt hơn, càng nỗ lực hơn. Không thể nói thầy già rồi để thầy chơi, còn mấy đứa nhỏ ráng tu. Mình là người đi trước thì lúc nào cũng phải đi và đi rất mạnh mẽ cho người đi sau nương theo. Đó là trách nhiệm tôi tự thấy, tự gánh vác, tự đặt cho mình, chớ không ai bắt buộc tôi cả.
Những năm còn lại là những năm rất đủ cho tôi làm bổn phận của mình, không phải là những năm thừa để nhàn hạ. Đó là điều tôi muốn nói cho toàn thể Tăng Ni biết, các đệ tử sau tôi cũng theo gương đó dành dụm những ngày chót của mình, nỗ lực tu hành thật nhiều, đừng để phí tổn thời gian vô ích. Cuộc đời tu của chúng ta có mấy chục năm chớ không dài, nếu để phí tổn như vậy thì thật là thiệt thòi lớn!
Tôi đem bản thân mình nhắc nhở cho tất cả chư Tăng Ni, Phật tử hiểu rõ để tu hành, chớ không nói những chuyện gì xa. Mong quí vị nhìn theo tôi, cố gắng tu để đời tu của mình xứng đáng, không hổ thẹn là một người xuất gia tu hạnh giải thoát, mà cuối cùng mình đi trong con đường mê. Cầu mong tất cả Tăng Ni, Phật tử đều là những người tỉnh giác, đi đúng đường cho tới ngày nào đạt được kết quả cuối đường là giác ngộ giải thoát.
(Trích: Phật Pháp tại thế gian, Tập 2)
*
Thursday, 22 December 2022
Hỏa táng rồi rải tro cốt có ảnh hưởng đến gia tộc và con cháu?
Hỏi:
Tôi là Phật tử, có ý định sau này khi mất đi, hỏa táng xong đem tro cốt của tôi rải xuống dòng sông nơi quê nhà. Hiện con cháu của tôi không có ý kiến gì nhưng anh em trong gia tộc phản đối rất gay gắt. Xin hỏi, theo quan điểm Phật giáo, việc này có gì ảnh hưởng đến sự thịnh suy của gia tộc hay hệ lụy gì với con cháu của tôi về sau? – (PHAN DIỄN, phanst...@gmail.com)
Đáp:
Bạn Phan Diễn thân mến!
Việc an táng thi thể người chết tùy thuộc vào phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, xứ sở, vùng miền mà có sự khác biệt nhau. Nhân loại hiện có nhiều cách an táng, có nơi chọn địa táng (chôn dưới đất), nơi khác chọn thủy táng (thả sông hoặc bỏ biển), hỏa táng (thiêu đốt thành tro), thiên táng (treo lên cây hoặc nhét trong hang núi), lâm táng (đem bỏ trong rừng)…. Người Tây Tạng còn có phong tục điểu táng khá rùng rợn, chặt nhỏ thi thể cho kền kền ăn. Người Việt phần lớn theo tập tục địa táng, lâu đời hình thành các tín niệm liên quan đến mồ mả v.v… Hỏa táng với các phương tiện thiêu đốt hiện đại ngày càng được người Việt hưởng ứng vì tiện lợi nhiều mặt.
Theo quan điểm của Phật giáo, việc an táng theo cách nào là tùy duyên, miễn thân nhân, dòng tộc và xã hội đồng thuận là được; không có một định thức nào trong việc an táng. Bởi Phật giáo quan niệm con người là hợp thể năm uẩn, gồm sắc (thân) và thọ, tưởng, hành, thức (tâm). Khi con người chết đi, phần quan trọng nhất là tâm thức thì theo nghiệp tái sinh. Còn xác thân tứ đại, “cái túi da chứa đầy vật bất tịnh” bấy giờ trở nên vô dụng nên tùy duyên mà an táng. Điều đáng nói là, tuy gọi thân tứ đại nhưng thực ra bấy giờ chỉ còn thủy đại và phần lớn là địa đại. Như vậy, với tuệ giác của Phật giáo, không xem một phần còn lại của thân này, xác chết, là một cá nhân đúng nghĩa nên mọi việc tống táng luôn tùy thuận và tùy duyên.
Như vậy, bạn cứ di nguyện cho người thân an táng sau khi bạn chết theo cách nào mà bạn cảm thấy phù hợp nhất. Bạn chọn hỏa táng cũng là một cách hay, thiêu xong rồi đổ tro bụi xuống sông biển hay gửi tro vào chùa là cách mà nhiều người hiện nay vẫn làm. Hỏa táng hiện được xem là văn minh, tiết kiệm và không có bất cứ ảnh hưởng gì lên con cháu cả.
Nước ta có truyền thống địa táng lâu đời nên các tín niệm liên quan đến mồ mả đã ăn sâu vào tâm thức. Việc người mất không có mồ mả khiến cho một số người có cảm giác bất an, chạnh lòng khi người chết không có nơi để “về”. Có người còn suy nghĩ rằng hỏa táng sẽ rất đáng thương vì người chết bị thiêu đốt, thay vì ngàn thu yên nghỉ. Những quan niệm như vậy có thể bị xem là hủ tục, không còn phù hợp trong xu hướng văn minh hiện nay.
Việc các anh em trong gia tộc phản đối có thể vì họ lo sợ bạn không được mồ yên mả đẹp nên quấy phá con cháu xa gần. Sự thật thì đời sống con cháu hay các thành viên trong gia tộc của bạn hạnh phúc hay bất hạnh là do nghiệp duyên nhân quả tốt hay xấu của họ quyết định chứ không phải do cách an táng thân xác của bạn.
Chúc bạn tinh tấn!
*-----*
Wednesday, 21 December 2022
Cư sĩ hành đạo (Practicing Lay Buddhists) - Ajahn Brahmali (2019)
*
Lời người dịch:
Mấy dạo sau này chúng tôi thường thấy những tin tức “giật gân” về những điều không hay trong tăng đoàn Phật giáo ở khắp mọi nơi. Chúng tôi rất buồn và có lẽ cũng như đại đa số, chúng tôi có khuynh hướng kết tội người khác mà không bao giờ nghĩ được rằng chính mình cũng đã góp phần rất nhiều cho những tệ nạn này. Tình cờ nghe bài pháp “Cư Sĩ Hành Đạo” của Ajahn Brahmali khiến chúng tôi phải suy ngẫm rất nhiều, hối hận về những phán đoán thiển cận của mình và đồng thời cũng rất phấn khởi khi nhận ra rằng Phật tử chúng ta cũng chính là những thành viên quan trọng trong việc góp phần bảo tồn đạo Phật cho được trường tồn và tinh khiết.
Nghe bài pháp này chúng tôi nhớ đến trí tuệ siêu phàm của Đức Phật và cách hành xử rất thận trọng của ngài. Chẳng hạn khi nghe Phật tử than phiền về một vị tăng, bao giờ ngài cũng gọi vị tăng ấy đến hỏi “có đúng là ông đã làm như vậy không?” trước khi quở trách hay ra một giới luật mới. Chúng tôi ngẫm lại và thấy dường như thời nay không có ai làm điều này, (kể cả những vị tăng nối tiếng hay cao hạ), đại đa số chỉ nghe qua tin tức báo chí hay truyền thông trên mạng xã hội là đã vội vàng đi đến kết luận. Chúng tôi mong rằng từ nay tất cả chúng ta (dù là tăng ni hay cư sĩ tại gia) sẽ cẩn trọng hơn. Trước khi lên án một tu sĩ, hãy bó chút thời gian tìm hiểu về vị này, cách vị ấy tu hành như thế nào? Cách giảng dạy của vị ấy ra sao? Những hoạt động của tăng đoàn nơi đó có đem lại nhiều lợi lạc cho tứ chúng hay không? Cũng như thế ấy, trước khi cúng dường, hỗ trợ nơi nào, phật tử chúng ta cần phải thận trọng xem xét các tăng ni nơi đó có thật tâm tu hành hay không? Chúng tôi hy vọng rằng, với một đóng góp nhỏ nhoi như vậy của tất cả phật tử chúng ta, sẽ là một duyên lành giúp tất cả thuận duyên tu hành và đồng thời bảo tồn được chánh pháp.
Nếu vì vô minh chúng con có viết những gì sai quấy, xin các vị cao tăng và thiện tri thức thật lòng chỉ dạy.
* * *
Hôm nay tôi sẽ nói về cư sĩ tại gia trong đạo Phật, cách nhìn của Đức Phật về cư sĩ, cách họ tương tác với tăng đoàn (cộng đồng tu sĩ), và cách thực hành lý tưởng nhất cho họ.
Cư sĩ tại gia rất quan trọng bởi vì cộng đồng cư sĩ đông hơn cộng đồng tu sĩ Phật giáo rất nhiều. Ở cương vị một thày tu, một trong những điều tôi thấy khá thú vị là có một số cư sĩ rất đáng ngưỡng mộ, họ hành đạo tốt đẹp và có nếp sống thật là tuyệt vời. Nhiều khi tôi thấy họ hành xử đáng khâm phục hơn một số tăng sĩ mà tôi biết. Đời nay chỉ có một số rất nhỏ thực sự nghiêm túc tu hành, cho dù họ không mặc áo thầy tu tôi vẫn thấy họ tốt và có trí tuệ hơn đại đa số những vị tuy là tu sĩ mà không coi trọng việc thực hành Phật pháp. Vì lý do đó, tôi nghĩ điều quan trọng mà cư sĩ tại gia cần phải quan tâm tìm hiểu, đó là hành đạo thực sự có nghĩa là thế nào và làm sao để có thể tương tác tốt với cộng đồng tăng ni.
Trước hết nên bắt đầu với khái niệm nền tảng, một quan niệm phổ thông ở những quốc gia Phật giáo truyền thống, về mối quan hệ cơ bản giữa tu sĩ và cư sĩ, đó là: các tu sĩ là những vị thầy tâm linh, cư sĩ là những người hỗ trợ vật chất cho tu sĩ. Có lẽ đây là một quan điểm hạn chế trong Phật giáo, một quan điểm cơ bản, bởi vì về cơ bản, Phật giáo sẽ không thể tồn tại nếu không có cả hai điều này. Cộng đồng tu sĩ chỉ tồn tại vì sự hào phóng của cư sĩ, và đó là điểm mấu chốt trong mối quan hệ giữa tu sĩ và cư sĩ.
Đức Phật nói về bốn Parisa. Parisa có nghĩa là một hội đồng, một hội chúng, hoặc một nhóm người. Bốn Parisa đó là Tăng, Ni, nam cư sĩ và nữ cư sĩ. Đây là bốn nhóm, bốn hội chúng trong Phật giáo (tứ chúng) và theo Đức Phật, nếu tất cả bốn hội chúng này tồn tại thì Phật giáo mới đầy đủ, trọn vẹn. Tất cả bốn hội chúng đều cần thiết để giữ cho Phật giáo tiếp tục tồn tại, và một trong những quan niệm cơ bản là quan niệm cư sĩ hỗ trợ tu sĩ và, để đáp lại, tu sĩ dạy giáo lý cho cư sĩ.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, quan hệ cư sĩ - tu sĩ còn đi xa hơn thế nữa. Một trong những vai trò đặc biệt của cư sĩ, của cộng đồng Phật tử, là để kiểm soát các tu sĩ và đây mới chính là điều đáng nói. Từ xa xưa, trong thời Đức Phật, về cơ bản, cộng đồng cư sĩ quan sát các vị tu sĩ và họ hiểu nơi nào nên hỗ trợ, nơi nào không nên hỗ trợ. Qua đó, ta thấy cộng đồng cư sĩ thực sự có một ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo, đối với Tăng đoàn, đối với hàng tăng chúng. Quý vị ở trong một cương vị có rất nhiều quyền lực, bởi vì nếu quý vị ngừng hỗ trợ thì Tăng đoàn không thể hoạt động được nữa và đó chính là một cơ chế an toàn rất quan trọng trong Phật giáo. Tại sao? Bởi vì, nếu quá độc lập thì con người, với những sức mạnh đen tối trong tâm trí, những phiền não, tham lam, giận dữ, ảo tưởng..., những thứ này luôn có xu hướng chế ngự ta (chiếm lấy chúng ta), và chúng ta thấy điều này trong tăng đoàn, chúng ta thấy điều này trên thế giới, chúng ta thấy điều này ở khắp mọi nơi, và một trong những phương thuốc để ngăn ngừa điều này, chính là các cư sĩ biết hướng sự hỗ trợ của mình một cách thiện xảo đến những nơi họ biết, hay đoán rằng, Phật giáo được thực hành đúng đắn.
Có thể quý vị không biết mình có rất nhiều quyền lực. Thật ra, cư sĩ có nhiều quyền lực hơn tu sĩ rất nhiều. Là tu sĩ, chúng tôi làm được gì? Tăng Ni chỉ có quyền gọi là “úp bát không nhận cúng dường”. Đây là “quyền hành” duy nhất mà tăng ni có được. Đối với một Phật tử trong xứ Phật giáo truyền thống thì đây có thể là một điều khá quan trọng. Một trong những ví dụ thú vị về việc này: gần đây ở Miến Điện, khi quân đội vẫn còn cầm quyền, họ đã làm những điều tồi tệ và có lần, tăng đoàn quyết định cần phải làm gì đó với quân đội để họ không áp bức mọi người, không áp bức tăng đoàn. Vì vậy, họ đã quyết định “úp bát” với chế độ quân sự, điều này rất hệ trọng ở Miến Điện và quân đội đã vô cùng khó chịu. Tại sao? Bởi vì cơ hội tạo nghiệp tốt, làm công đức tốt của họ đã bị phá hủy. Là một tu sĩ, đây là “quyền hành” duy nhất mà chúng tôi có được đối với cư sĩ, thật chẳng đáng kể gì.
Còn quý vị, với tư cách là cư sĩ, quý vị có quyền lực, từ chối hỗ trợ khi Phật giáo không được thực hành đúng đắn. Nếu nhìn vào lịch sử của Phật giáo, từ thời Đức Phật, cách sử dụng “quyền lực” này là để làm cho Phật giáo được tinh khiết. Một trong những câu chuyện thú vị liên quan đến việc này là câu chuyện được kể lại trong lần kết tập kinh điển lần thứ nhất. Sau khi Đức Phật nhập diệt, tăng đoàn nhận thấy trách nhiệm và mục đích của tăng đoàn là bảo tồn Phật pháp. Vì vậy mà tất cả chư tăng tụ họp lại để tụng niệm những lời Phật dạy và cũng nhờ thế mà ngày nay chúng ta mới còn có được những lời dạy của Đức Phật. Có một điều thú vị xảy ra ở kỳ kết tập kinh điển này, sau khi tụng đọc đã xong, ngài Ananda, thị giả của Đức Phật, người đã ghi nhớ tất cả lời dạy của Phật, nói rằng trước khi nhập diệt Đức Phật nói chư tăng có thể bỏ những giới luật phụ. Tăng có tất cả 227 giới luật, được chia làm hai phần, 17 giới chính và 210 giới phụ. Nếu chúng ta bỏ đi những giới chính thì coi như đã bỏ đi 90 hay hơn 90% giới luật. Ni có đến 310 giới luật nhưng chỉ có 25 giới chính. Các vị tăng hỏi ngài Ananda có biết rõ ràng Đức Phật muốn nói giới luật nào là phụ ? Ngài Anada nói là không biết! Các vị ấy không thể đồng ý giới luật nào là phụ! Thế là ngài Đại Ca Diếp, vị tăng được tôn kính nhất trong tăng đoàn thời bấy giờ, nói rằng “Đức Phật vừa nhập diệt mà chúng ta đã bỏ hết giới luật thì hàng cư sĩ Phật tử sẽ nói gì? Họ biết những giới luật của chúng ta, nếu chúng ta bỏ đi thì họ sẽ nói các ông thật là bê bối, Đức Phật mới nhập diệt, điều đầu tiên các ông làm là bỏ hết giới luật!”.
Cơ bản cũng vì biết trước phản ứng của cộng đồng Phật tử về việc dẹp bỏ các giới luật nên các vị ấy đã quyết định giữ lại hết tất cả các giới luật. Thật là đặc biệt và nó cũng cho ta thấy ngay từ thuở ban đầu các Phật tử đã biết những giới luật của chư tăng ni. Tôi cũng khuyến khích quý vị nên tìm hiểu, học hỏi chút ít về giới luật của tăng ni, có như vậy thì quý vị mới có thể biết tăng ni nào sống đúng đắn, tăng ni nào không. Thí dụ khi thấy tu sĩ có gia đình thì chắc chắn là không đúng. Còn nhiều, nhiều giới luật như vậy nữa, thí dụ tu sĩ không nên xử dụng tiền bạc, tu sĩ phải có một đời sống đạo đức, trong sạch và lý tưởng nhất là phải làm gương. Vì vậy, điều quan trọng là nên học để biết một chút về những điều mà các tăng ni có thể làm và những điều tăng ni không được làm. Nếu là một tăng ni tốt thì thực sự chẳng có gì để phải lo sợ. Điều này (biết về giới luật của tăng ni) giúp Phật giáo phát triển đúng hướng, giúp Phật tử biết nên hỗ trợ nơi nào và không nên hỗ trợ nơi nào.
Một trong những điều thú vị khác là bộ giới luật cho tăng ni được thành lập phần lớn là từ những lời than phiền của hàng cư sĩ tại gia. Khi các Phật tử tìm đến Đức Phật để than phiền về những hành vi xấu của tăng ni thì Đức Phật gọi vị đó đến hỏi có đúng như vậy không? Nếu đúng thì Đức Phật lại ban ra thêm một giới luật mới. Đức Phật xem những lời than phiền của Phật tử rất nghiêm túc, cho nên nếu có vấn đề gì với tăng chúng thì cứ việc nêu lên, không sao cả, nhiều khi nhờ vậy mà có thể thực sự giải quyết được một số vấn đề trong tăng đoàn.
Vì vậy, đây là một mối quan hệ rất quan trọng giữa tăng đoàn và cộng đồng cư sĩ, đây là cách chúng ta giữ gìn Phật giáo trong sạch cho tương lai, đây là cách chúng ta tránh rơi vào con đường của phiền não và những vấn đề bại hoại trong Phật giáo. Có quá nhiều đồi bại trong Phật giáo trên khắp thế giới. Để giảm thiểu điều đó, Phật tử cần ghi nhớ những phương cách hữu ích này.
Nhưng đây thật ra cũng chỉ là bước đầu giữa mối quan hệ tăng ni và Phật tử, sự hành trì của Phật tử còn đi xa hơn thế rất nhiều. Trong bài kinh nổi tiếng, Đại bát Niết bàn, có đoạn kinh hay nhất nói về tứ chúng và nói về sự thực hành của cư sĩ tại gia. Bài kinh tuyệt vời này nói về những ngày cuối cùng của Đức Phật trước khi ngài nhập diệt. Thật là một bài kinh vô cùng cảm động, hãy tưởng tượng Đức Phật, một thiên tài vĩ đại nhất trong lịch sử loài người sắp sửa nhập diệt! Có một đoạn nói Ma Vương tìm đến Đức Phật và nói “Thưa ngài, lần đầu gặp gỡ ngài nói sẽ không nhập diệt trước khi bốn chúng: tăng, ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ được thành lập vững mạnh. Bây giờ thì tứ chúng đã được thành lập và vững mạnh, ngài nên nhập diệt đi thôi”. Đức Phật thấy Ma Vương nói có lý, tứ chúng đã được vững mạnh. Vậy thì tứ chúng được vững mạnh là như thế nào? Có nghĩa là trước tiên bạn phải nắm bắt rõ ràng các giáo lý Phật dạy, bạn đã lắng nghe các giáo lý Phật dạy và đã hiểu chúng, bạn đã thâm nhập chúng với chánh kiến để biết những gì đang xảy ra. Vì vậy, điều đầu tiên và cơ bản mà cư sĩ nên làm là hiểu rõ các giáo lý Phật dạy.
Vào thời Đức Phật có rất nhiều những cư sĩ như vậy. Nếu nhìn vào lịch sử Phật giáo ta sẽ thấy một trong những bài kinh hay của Đức Phật đã được truyền lại từ những cư sĩ tại gia. Thí dụ, trong mùa an cư, khi các tu sĩ không được ra ngoài ngoại trừ trường hợp đặc biệt. Một trong những trường hợp đặc biệt là nếu có cư sĩ nhớ những lời Phật dạy nhưng sắp sửa chết, họ có thể nhắn chư tăng đến học lời dạy này để bảo tồn lời Phật dạy. Vị tăng ấy sẽ đến để nghe, học bài kinh từ vị cư sĩ đó, đem về để rồi kết hợp vào trong kinh tạng. Những trường hợp này cho thấy các cư sĩ được đặt ngang hàng với các tu sĩ trên vấn đề ghi nhớ kinh điển và giữ gìn Phật giáo cho tương lai. Một trường hơp khác rất nổi tiếng, nguyên một tuyển tập nhiều bài kinh ngắn gọi là Itivuttaka (Phật Tự Thuyết, trong Tiểu bộ kinh), đã được ghi nhớ và tụng đọc lại cho chư tăng bởi một nữ cư sĩ. Trong bối cảnh xã hội thời đó, người nữ thường không có địa vị cao trong xã hội, nhưng về phần ghi nhớ kinh điển thì họ được đặt ngang hàng với mọi người khác. Tuyển tập kinh này có nhiều bài kinh rất hay, khi nào đọc quý vị hãy nhớ điều thú vị này.
Một ví dụ khác mà tôi thấy rất đặc biệt vì nó đã đảo ngược lại vai trò của cư sĩ và tu sĩ. Đó là cư sĩ nổi tiếng Ugga, ông đã đắc quả thánh Bất Lai và ông thường mời tăng chúng đến nhà thọ trai, thông thường sau khi thọ trai một vị tăng sẽ giảng pháp, nhưng nếu không có vị nào giảng pháp thì chính ông cư sĩ Ugga sẽ là người thuyết pháp cho các vị tăng ấy. Chúng ta quen thấy chư tăng là thầy dạy đạo, nhưng ở đây ta thấy cư sĩ lại là người giảng dạy cho chư tăng. Điều này cho ta thấy người nào có trí tuệ, người nào có sự hiểu biết thì người đó nên giảng dạy.
Như vậy, điều đầu tiên người cư sĩ cần làm là học hỏi giáo pháp, và chỉ khi nào họ thấm nhuần giáo lý thì họ mới thật sự trở thành một “chúng” trong tứ chúng của cộng đồng Phật giáo. Một khi đã học giáo lý thì điều thứ hai cần làm là đem giáo lý ra áp dụng trong việc thực hành. Thực hành một cách đúng đắn là bạn đã hoàn tất mọi giai đoạn trên đường đạo và tất cả những yếu tố cần phải làm, về phương diện giới hạnh, về thiền định và cả về phương diện trí tuệ nữa. Điều này thực sự có nghĩa là bạn đã trở thành một người cao quý, những người đã hoàn toàn thâm nhập vào giáo lý tuyệt vời, siêu việt của nhà Phật. Có rất nhiều “thánh cư sĩ” vào thời Đức Phật và “hành đạo đúng pháp”- Dhammanu dhamma Patipattiya có nghĩa là như thế. Điều này cũng là một phần của đời sống cư sĩ nếu bạn muốn sống trọn vẹn và Đức Phật cũng đã nói là điều này có thể thành tựu được.
Một khi đã hành trì giáo pháp tốt và hiểu thấu đáo lời Phật dạy, ngài nói bạn nên phân tích, làm cho rõ ràng rồi nên đem ra chia sẻ với người khác. Cư sĩ cũng nên làm thầy vì có rất nhiều lợi ích, chính bạn cũng sẽ học hỏi được rất nhiều. Tôi nghĩ chúng ta nên đem những tư tưởng từ thời Đức Phật về áp dụng trong thời đại mới này và chúng ta nên khuyến khích cư sĩ đi giảng dạy, nhất là thời nay cư sĩ đông hơn tu sĩ rất nhiều, đôi khi chúng ta phải tận dụng nguồn năng lực một cách thiện xảo. Như vậy quý vị đã biết thêm một điều quan trọng nữa về “Parisa”, khả năng ra giảng dạy Phật pháp của cư sĩ.
Điều cuối cùng mà Đức Phật nói liên quan đến việc giảng dạy là phải có khả năng biện luận, bác bỏ những giáo lý khác. Điều đó có nghĩa là chúng ta có sự hiểu biết về sự khác biệt giữa Phật giáo và các giáo lý khác, chúng ta biết điều gì làm cho Phật giáo trở nên đặc biệt. Vậy thì điều gì khiến cho đạo Phật khác biệt? Nhiều người nói đạo nào cũng giống nhau, cũng hướng về một hướng tốt. Thật tuyệt khi nghĩ như vậy nhưng đó không phải là bức tranh đầy đủ, có rất nhiều điểm tương đồng giữa các tôn giáo trên thế giới, có rất nhiều điều tương đồng trong lĩnh vực đạo đức, nhưng cũng có những khác biệt quan trọng. Điều làm cho Phật giáo khác biệt hoàn toàn với tất cả các giáo lý khác là giáo lý vô ngã. Ý tưởng rằng không có điều gì vốn tự nó hiện hữu trên đời, đây là điều làm cho Phật giáo hoàn toàn độc đáo. Đại đa số các tôn giáo khác trên thế giới tin tưởng có một đấng tạo hóa, một thực thể trường tồn trong vũ trụ. Một phần của quan điểm có một đấng tạo hóa bên ngoài là quan điểm có một linh hồn bên trong, có một bản thể trường cửu trong con người. Chúng ta muốn hiện hữu dưới một hình tướng nào đó, theo một phương cách nào đó, và vì muốn được hiện hữu nên chúng ta có khuynh hướng cho rằng có một cái gì đó trường tồn cố hữu bên trong chúng ta. Vì vậy, đây là một trong những điểm khác biệt quan trọng nhất, nguyên tắc cốt lõi, theo đó Phật giáo khác biệt với hầu hết mọi tôn giáo khác trên thế giới.
Mặc dù điều này hơi bên lề nhưng để quý vị có thêm hiểu biết nên tôi đã đề cập đến ở đây, ít ra nó cũng cho bạn thấy vào thời Đức Phật, khi bốn hội chúng được thiết lập thực sự mạnh mẽ, các cư sĩ vô cùng uyên bác, họ hiểu ý tưởng về vô ngã, họ hiểu điều này một cách rốt ráo. Trong kinh cũng có những ví dụ rất hay, cho chúng ta nhiều cảm hứng về sự hiểu biết đạo pháp và cách tu hành của các vị cư sĩ trong thời Đức Phật, thí dụ như ông Cấp Cô Độc, người đã cúng dường Đức Phật một tịnh xá lớn nhất thời bấy giờ ở Ấn Độ, gọi là Kỳ Viên tịnh xá ở thành Xá Vệ và ông cũng là đại thí chủ hỗ trợ Đức Phật và tăng đoàn. Sau một thời gian, Đức Phật nói khi đã thực hành tốt đẹp như ông rồi thì ông cũng nên tìm nơi vắng vẻ để hưởng phúc lạc của sự ẩn cư. Vậy thì, nếu quý vị đã có một nền tảng tốt như giữ giới, làm việc phước thiện, sống tử tế thì hãy dùng những điều này để thể nghiệm phúc lạc của việc ẩn cư. Phúc lạc của việc ẩn cư chính là trạng thái thiền định sâu mà chúng ta hướng đến khi thực hành thiền định.
Có một ví dụ khác trong kinh đã từng gây nhiều cảm hứng cho tôi, đó là câu chuyện về bà Visakha, một đại thí chủ, tài năng và đức độ. Có một lần bà xin Đức Phật đặc quyền để được hỗ trợ tăng đoàn: cúng dường y đến chư tăng ni cho đến trọn đời, hỗ trợ những tăng ni đau ốm và những vị chăm sóc cho tăng ni bị đau ốm, cúng dường cho tăng ni mới đến và tăng ni sắp rời thành Xá Vệ, cúng dường lúa mạch đến tăng ni, cúng dường y tắm mưa đến các ni. Với sự hiểu biết thâm sâu về giáo pháp bà đã trình bày với Đức Phật lý do tại sao bà muốn được đặc quyền ấy, đại để là nhờ đó mà mai kia khi bà nghe nói có tăng ni nào đã từng ở thành Xá Vệ đã giác ngộ hay đã tiến bộ nhiều trên đường đạo thì bà biết là bà đã cúng dường vị đó và tâm bà sẽ hoan hỷ và nhờ niềm hoan hỷ đó bà cũng sẽ đạt được những tầng thiền sâu.
Quả thật bà đã hiểu sâu sắc một trong những lời dạy chính của Đức Phật về sự tiến bộ trong thiền tập. Nếu thực hành đúng cách, sống tử tế và rộng lượng, có lòng từ bi và bỏ đi những ý xấu, những tư tưởng tiêu cực, khi nền tảng của thiện hạnh đã được vững chắc thì thiền định sẽ tự động tiến triển tốt đẹp. Và dĩ nhiên, từ những tầng định sâu đó mà tuệ giác sẽ phát sinh và khiến bạn trở thành một Aryan, một người cao quý.
Vì vậy, nên nhớ rằng nếu muốn trở thành một Phật tử thực sự, hãy thực hành một cách nghiêm túc và bạn cũng sẽ có thể đạt được tất cả những thành quả tuyệt vời này. Niềm hạnh phúc hơn xa tất cả những hạnh phúc bạn từng mơ ước là điều mà đạo Phật dành sẵn cho tất cả mọi người trong chúng ta. Vì vậy nếu bạn muốn trở thành một phần của cộng đồng (tứ chúng) này thì hãy làm theo lời khuyên của Đức Phật, hãy thực hành những giáo lý Phật dạy một cách đầy đủ và mỗi chúng ta sẽ trở thành một phước lành cho bản thân và cho mọi người.
*-----*
Sunday, 18 December 2022
Sách nói (Audio book) - PHẬT ĐIỂN THÔNG DỤNG: HƯỚNG DẪN VÀ TUỆ TRI CỦA ĐỨC PHẬT
Thực hiện Sách nói: Nhóm Thế Giới Phật Giáo (https://thegioiphatgiao.org/)
Người đọc: Giang Ngọc
Link để tải về máy (190 tập tin MP3, thời lượng tổng cộng: 27 giờ):
https://drive.google.com/drive/folders/1NdRGOg7SeHze9ZoyvwUZpVuUoXnbyNyk
* Tải bản PDF (ấn bản 2022):
https://tinyurl.com/mdwzbxw6 (15.5 MB)
* Bản PDF Anh ngữ:
Common Buddhist Text: Guidance and Insight from the Buddha.
Editors: Venerable Brahmapundit, Peter Harvey (2017)
https://tinyurl.com/2s3az3ab (4.3 MB)
*
Tuesday, 6 December 2022
Sách: Cốt lõi Kinh Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm - Thích Hạnh Bình
Sách:
1) Những vấn đề cốt lõi trong Kinh Trường A-hàm. Thích Hạnh Bình.
https://tinyurl.com/mpr5y6em (1.6 MB)
2) Những vấn đề cốt lõi trong Kinh Trung A-hàm. Thích Hạnh Bình.
https://tinyurl.com/257k57pt (2.7 MB)
3) Những vấn đề cốt lõi trong Kinh Tạp A-hàm. Thích Hạnh Bình.
https://tinyurl.com/2s48e6ma (1.9 MB)
*
Monday, 5 December 2022
Kinh: TAM TẠNG PHẬT GIÁO BỘ PHÁI - BỘ A-HÀM - VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM (2022)
Tải về máy dạng ebook PDF (các tập tin có dung lượng lớn, đề nghị dùng máy tính hay laptop để tải):
- Tập 17a: Kinh Trường A-hàm (CĐPH Huệ Nghiêm dịch), [vn222-17a.pdf], 50.8 MB
https://tinyurl.com/3n4xxvcn
- Tập 17b: Kinh Trường A-Hàm (Trung Tâm DT Trí Tịnh dịch), [vn222-17b.pdf], 54.3 MB
https://tinyurl.com/bddkxyde
- Tập 18: Kinh Trung A-Hàm (CĐPH Hải Đức dịch), [vn222-18.pdf], 117.8 MB
https://tinyurl.com/2p92k7an
- Tập 19: Kinh Trung A-Hàm (Trung Tâm DT Trí Tịnh), [vn222-19.pdf], 143.5 MB
https://tinyurl.com/2p9sk9z5
- Tập 20: Kinh Tạp A-Hàm (HT Thiện Siêu, HT Thanh Từ dịch), [vn222-20.pdf], 161.0 MB
https://tinyurl.com/22hbczks
- Tập 21: Kinh Tạp A-Hàm (Trung Tâm DT Trí Tịnh dịch), [vn222-21.pdf], 211.6 MB
https://tinyurl.com/3uhw4s2d
- Tập 22: Kinh Tăng Nhất A-Hàm (HT Thiện Siêu, HT Thanh Từ dịch), [vn222-22.pdf], 82.3 MB
https://tinyurl.com/5cd6xwtj
- Tập 23: Kinh Tăng Nhất A-Hàm (Trung Tâm DT Trí Tịnh), [vn222-23.pdf], 105.3 MB
https://tinyurl.com/2sdtuy26