Sunday, 29 January 2023

Vui sống trong hiện tại.

 Vui sống trong hiện tại.

Hôm nay cần phải mua vài loại thuốc tây, thấy trời nắng tốt nên tôi đi bộ từ nhà đến khu thương mại gần đó có tiệm thuốc quen thuộc. Vừa đi vừa ngẫm nghĩ về cuộc đời của mình.

Như thế là tôi sống ở xứ Úc này được 45 năm, với tuổi 71 thì xem như hơn 2/3 cuộc đời tôi đã sống ở đây, tại thành phố Perth này. Đã quen thuộc với người dân, môi trường, mọi sinh hoạt xã hội, văn hóa, kinh tế. Cho nên, tôi xem đây như là quê hương thứ hai của mình, sẽ sống cho đến khi mãn tuổi thọ, không có ý định sống ở nơi nào khác. Khách quan mà nói, đời sống ở đây tương đối an bình, môi trường trong sạch, khí hậu thời tiết dễ chịu, trợ cấp an sinh và y tế cho người già cũng khá tốt và đảm bảo.

Như có tâm sự nhiều lần, tôi đã từng về Việt Nam làm việc trong thập niên 1990, và thăm viếng nhiều nơi trong 20 năm qua, nhất là các thành phố dọc theo bờ biển hình chữ S. Đã đi hành hương ở Ấn Độ và Sri Lanka. Đã viếng thăm các địa điểm lịch sử Phật giáo ở Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia. Đã từng ngồi máy bay từ Perth đi Mỹ theo 2 hướng khác nhau, xem như là bay vòng quanh trái đất hai lần. Cho nên cũng mãn nguyện, không còn có ý định đi đâu nữa.

Trong những năm tháng còn lại, tự nhủ là mình nên tập trung vào sự tu tập cho chính bản thân, đừng để dính dáng vào những chuyện lu bu của thế giới bên ngoài. Lặng lẻ theo dõi, ghi nhận các diễn biến chung quanh, tùy hứng, tùy duyên, rồi để qua một bên, không bận tâm, không dính mắc vào đó. Ngay cả trong các sinh hoạt Phật giáo, tôi cũng không còn tham gia tích cực vào các nhóm tu học, các đạo tràng, hay các tổ chức Phật giáo. Chỉ đóng góp nếu có nhu cầu, nhưng cũng hạn chế, không hứng thú, hăng hái như xưa.

LIS – Life is short, Đời sống ngắn ngủi. Câu chú “Lis, Lis, Lis, Lis …” là thần chú của tôi để tự nhắc nhở, tập trung vào những việc cần phải làm cho riêng mình trong năm tháng còn lại. Quỹ thời gian không còn nhiều nữa.

Bình Anson
Nollamara, Tây Úc
11/12/2022

* Ghi thêm (21/12/2022):

Mấy ngày gần đây tôi nhận được rất nhiều hình ảnh về quang cảnh xứ Việt của một anh bạn gửi đến chia sẻ.

Bây giờ rảnh rổi, dịch Covid tương đối đã lắng dịu, anh ấy về Việt Nam và thu xếp đi thăm viếng nhiều tỉnh thành, từ Bắc xuống Nam. Anh ấy cũng thích chụp hình, đi đến đâu chụp hình đến đó, rồi gửi vào chia sẻ trong Facebook.

Nhìn những hình ảnh đó, tôi thấy vui vui, nhớ lại những cảnh cũ mình đã từng thấy, và so sánh với cảnh ngày nay để thấy được sự đổi thay theo năm tháng.

Nhưng rồi thôi, không còn thấy háo hức, nhớ nhung như xưa. Ngay cả cảnh đường phố Sài Gòn, nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi cũng cảm thấy dửng dưng, như một người ngoại cuộc. Không còn những cảm xúc, nỗi niềm như mấy năm trước nữa.

Có lẽ đây đúng là lúc mình dừng lại, buông bỏ những gì đã qua đi, không nuối tiếc, và an vui với những gì mình đang có ngay tại đây, trong hiện tại.

*-----*



Thursday, 26 January 2023

Cây Sāla trong kinh điển Pāli

 CÂY SĀLA TRONG KINH ĐIỂN PĀLI

Sāla là một loại cây quan trọng trong Phật giáo. Hai cây Sāla song đôi (Sa-la Song Thọ) của bộ tộc Malla ở Kusināra (Câu-thi-na) đã cho những hoa thơm ngát rơi rụng xuống thân Đức Phật khi Ngài nằm nghỉ trong những giờ phút cuối cùng trước khi nhập diệt (DN 16, SN 6.15, AN 4.76, Ud 4.2, Thag 16.10, Tha-ap 51). Theo Chú giải Trung bộ (M-a IV 182), Đức Phật đản sinh trong rừng Sāla ở Lumbini (lumbinīsālavanuyyāna); mẫu hậu sinh ra ngài Bồ-tát khi đứng vịn cành cây Sāla.

Bài kinh quan trọng Pháp môn Căn bản (Mūlapariyāya Sutta, MN 1) đã được Đức Phật giảng khi Ngài ngồi dưới gốc cổ thụ Sāla trong rừng Subhaga tại Ukkattha. Trong Đại kinh Gosiṅga (Mahāgosiṅga Sutta, MN 32), Trưởng lão Sāriputta mô tả rừng Sāla ở Gosiṅga như sau: “Khả ái thay khu rừng Gosinga! Ðêm rằm sáng trăng, cây Sa-la trổ hoa cùng khắp, như thể hương trời như được tỏa rộng khắp nơi.” Kinh Caṅkī (MN 95) tường thuật chuyện bà-la-môn Caṅkī và các đạo sĩ bà-la-môn cùng đi đến viếng thăm Đức Phật khi Ngài ngự tại rừng Sāla gần đó và họ gọi đó là rừng của chư thiên. Bà-la-môn Navakammika đến gặp Đức Phật khi Ngài ngồi hành thiền ở gốc cây trong rừng Sāla (Navakammika Sutta, SN 7.17). Kinh Gavesī (AN 5.180) được Đức Phật giảng trong rừng Sāla rộng lớn trên đường đến Kosala khi Ngài du hành với một nhóm đông các tỳ-khưu.

Trong thời quá khứ, Đức Phật Vessabhū (Tỳ-xá-phù) giác ngộ dưới cội cây Sāla (Mahāpadāna Sutta, DN 14). Cây Sāla cũng được đề cập trong nhiều bài kinh khác có liên hệ đến ván gỗ, dùng để đóng thuyền bè (Sāḷha Sutta, AN 4.196). Trong chuyện Tiền thân Sonaka (Ja 529), rừng Sālā được mô tả gồm “những cây to lớn, có thân thẳng, có tán màu xanh lục, làm thích ý. Chúng đứng thẳng, nương tựa với nhau, đáng yêu, tương tự đám mây.”

----------

* Nguồn: 
Bhikkhu Nyanatusita. “What is the Real Sal Tree?”, BPS Newsletter, No. 63, 2010. Kandy, Sri Lanka. (Bình Anson trích dịch, 25/01/2023)

* Sāla có nhiều tên gọi trong tiếng Ấn Độ: sāla, shala, sakhua, sarai. Tên tiếng Anh: Sal tree. Tên tiếng Hán: 沙羅 (Sa La). Tên thực vật: Shorea Robusta

* Ghi chú: 
AN : Aṅguttara Nikāya, Tăng Chi Bộ
DN : Dīgha Nikāya, Trường Bộ 
Ja : Jātaka, Chuyện Tiền Thân, Tiểu Bộ 
MN : Majjhima Nikāya, Trung Bộ
M-a: Majjhima-nikayatthakatha, Chú Giải Trung Bộ 
SN : Saṁyutta Nikāya, Tương Ưng Bộ
Thag : Theragāthā, Trưởng Lão Kệ, Tiểu Bộ
Tha-ap : Thera Apadana, Nam Thánh Nhân Ký Sự, Tiểu Bộ
Ud : Udāna, Phật Tự Thuyết, Tiểu Bộ

*-----*

Rừng Sala, Nepal


Sunday, 15 January 2023

Luật Tạng - The Book of the Discipline (Vinaya Piṭaka) – Bản Anh dịch

 LUẬT TẠNG - THE BOOK OF THE DISCIPLINE (VINAYA PIṬAKA)
Anh dịch: I.B. Horner (PTS 1938, 1940, 1942, 1950, 1951, 1966)
Hiệu đính: Bhikkhu Sujato và Bhikkhu Brahmali (Sutta Central 2014)

Tải bản PDF (dung lượng: 9.4 MB, 3000 trang): 
1) https://drive.google.com/file/d/1v58tYgHQVULXBME0G7_bCc80j6-NIsdE/view?usp=drivesdk 

2) https://tinyurl.com/b4v6dhts

Nội dung:
I. The Analysis of Monks’ Rules (Bhikkhuvibhaṅga)
(Phân tích Giới Tỳ-khưu) – trang 1

II. The Analysis of Nuns’ Rules (Bhikkhunīvibhaṅga) 
(Phân tích Giới Tỳ-khưu-ni) – trang 1049

III. Khandhaka 
(Hợp phần) – trang 1337

IV. Parivāra
(Tập yếu) – trang 2423

*