VÔ THƯỜNG (1940-2003): Một hiện tượng trong làng tân nhạc Việt Nam hải ngoại
Trần Quang Hải
*
Từ nhiều năm qua, tôi đã nghe rất nhiều băng nhạc, dĩa CD, gặp gỡ rất nhiều danh ca cũng như nhạc sĩ Việt Nam từ những người nổi tiếng từ lúc còn ở Việt Nam đến những người bắt đầu tạo nên tiếng tăm ở hải ngoại. Tôi muốn nói đến các nhạc sĩ đàn anh như Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Phạm Đình Chương, Phạm Mạnh Cương, Nhật Bằng, Hoàng Trọng, Xuân Lôi, Xuân Tiên, Trịnh Hưng, Lê Hữu Mục, Mạnh Bích, đến các danh ca có nhiều tên tuổi như Thái Thanh, Khánh Ly, Bạch Yến, Lệ Thu, Thanh Thúy, Hương Lan, Elvis Phương, Chế Linh, Anh Khoa, Tuấn Ngọc, Duy Quang ,Thanh Tuyền, Kim Tước, Châu Hà, v.v.
Tôi muốn nói tới những nhạc sĩ trẻ như Đức Huy, Trần Quãng Nam, Trịnh Nam Sơn, các nhạc sĩ phong trào Hưng Ca,các nhạc sĩ các quán Nhạc Việt, Em Ca Hát , các nữ nhạc sĩ trẻ xuất hiện ở hải ngoại như Nguyệt Ánh, Khúc Lan, Lê Khắc Thanh Hoài, Trang Thanh Trúc, Bảo Trâm, Hoàng Kim Chi ,hay các ca sĩ trẻ như Ngọc Lan, Ý Lan, Linda Trang Đài, Như Quỳnh, Dalena, Thanh Hà, Tuấn Anh, Tuấn Vũ, Mạnh Đình, v.v.
Băng nhạc đã được sản xuất quá nhiều. Rồi tới CD, VCD, DVD đủ tất cả các loại. Các trung tâm băng nhạc “mọc” lên như nấm. Từ những cuốn băng đầu tiên được thu ở hải ngoại của Thanh Thúy khoảng tháng 4, năm 1976 cho tới ngày hôm nay , bìa băng đã ghi nhận một sự tiến bộ vượt bực từ cách trình bày trang nhã, đơn sơ đến phần chữ nổi, đến những tấm hình ca sĩ hay “người đẹp” chụp rất “hấp dẫn”. Kỹ thuật trình bày có tiến bộ. Kỹ thuật thu thanh tân kỳ hơn. Một vài trung tâm thu băng đầu tiên do nhạc sĩ Việt đứng ra làm chủ như Trung Tâm Tùng Giang, trung tâm Anh Tài. Cả hai Tùng Giang và Anh Tài đều là nhạc sĩ nên họ chú trọng đến kỹ thuật âm thanh nhiều dù rằng người mình vẫn còn mắc phải bịnh để quá nhiều “écho”.
Trong thập niên 80, thị hiếu của người mua băng nhạc có vẻ “thoái bộ”. Qua những cuốn băng được xuất bản từ giữa năm 1985 cho tới 1989, tôi chỉ thấy hình bìa với những cô gái Việt Nam đẹp thì không chỗ chê, nhưng càng ngày càng ăn mặc hở hang. Nếu người mua chỉ thích mua vì hình bìa “hở hang” khêu gợi thì chắc người đó sẽ không để ý tới nghệ thuật âm nhạc của cuốn băng đó .
LÝ DO BIẾT TỚI NHẠC SĨ VÔ THƯỜNG
Tình cờ đọc trên báo Hồn Việt phát hành tại Glendale, Quận Cam, Cali hồi tháng 5 năm 1987, tôi thấy có một bài quảng cáo 2 cuốn băng chuyên về tây ban cầm do anh Vô Thường độc tấu các bản nhạc quen thuộc của giới nghe nhạc Việt Nam. Tôi tự hỏi: ”Vô Thường là ai vậy cà?” Cái biệt hiệu cũng lạ nữa Tại sao lại Vô Thường? Như vậy có nghĩa là “không có bình thường” hay là “Khác thường”, “Dị thường”, “Bất thường”?
Tôi tự đánh dấu hỏi trong đầu hoài. Anh này đâu có gì là người “không có bình thưòng” mà chắc cũng không phải là người “khác thường”. Theo tôi hiểu chữ “Vô Thường” có nghĩa là “lúc có lúc không” hay “biến cố thình lình đến” theo định nghĩa cua ông Đào Duy Anh trong quyển Hán Việt tự điển. Anh Vô Thường đàn tây ban cầm hồi nào mà tôi không bao giờ nghe tiếng biêt tên? Tôi chỉ biết có anh chàng trẻ tuổi nổi tiếng bên Mỹ tên là Trịnh Bách hay anh Lê Thành Đông, giáo sư Tây ban cầm ở Pháp, hay anh Hoàng Ngọc Tuấn ở Sydney bên Úc mà thôi. Anh này là ai mà mãi tới bây giờ mới xuất đầu lộ diện???
Thế là tôi liền viết thơ cho anh Vô Thường để nhờ anh ấy gởi cho tôi mấy cuốn băng do anh tự sản xuất lấy, và tự trình diễn. Rồi một hôm , tôi nhận được 2 cuốn băng tựa đề là “Ru Khúc Mộng Thường” 1 và 2.
Ngồi lắng nghe cuốn “Ru khúc Mộng Thường” 1, những âm điệu của các nhạc phẩm quen biết của Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Trần Định, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương qua ngón đàn tây ban cầm của anh Vô Thường gây cho tôi từ ngạc nhiên nây đến ngạc nhiên nọ. Người này là ai mà có ngón đàn có hồn như vậy mà mình chẳng bao giờ quen hay biết tới? Nghe một lần, chưa đủ để nhận định. Nghe lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Càng nghe càng thấm. Tiếng đàn chạy khắp cơ thể, vào tận trong tim não. Càng về khuya, tiếng đàn càng ảo não, như gợi cho tôi một hình ảnh đau buồn, một tâm hồn tuyệt vọng, một ảo thanh của thế giới huyền mộng chứ không phải là “mộng thường” của một anh chàng mang tên là Vô Thường. Tôi không muốn để đầu óc chuyên phân tách nhạc ngữ của tôi làm chi phối tôi mà tôi muốn để tâm hồn tôi bay theo tiếng đàn. Quên đi kỹ thuật mà chỉ nhắm vào tình cảm, để tìm hiểu con người yêu nhạc, muốn mượn tiếng đàn của mình để nói lên một cái gì đó. Và chính “cái gì đó” làm cho tôi tò mò muốn tìm hiểu thêm về con người, về hứng nhạc của anh nhạc sĩ có tên khá đặc biệt là VÔ THƯỜNG.
VÀI DÒNG VỀ THÂN THẾ ANH VÔ THƯỜNG
Anh tên thật là Võ Văn Thường, sinh năm 1940 tại Phan Rang, đỗ khóa 9 trường sĩ quan Thủ Đức, phục vụ ngành tâm lý chiến. Lúc nhỏ, anh rất yêu nhạc, có thể nói là mê nhạc nhưng không có phương tiện để học nhạc vì nơi anh ở không có trường quốc gia âm nhạc như Saigon và Huế. Cho nên anh tự học đàn lấy một mình. Nhờ có khiếu, anh đánh đàn măng cầm (mandoline) rất khá, và đã chiếm giải “người đánh đàn mandoline hay nhứt của quân khu” vào năm 1962.
Tên VÔ THƯỜNG đã được xuất hiện từ lúc đó, nhưng chỉ được một số người trong binh chủng biết đến mà thôi. Anh cũng có giao dịch và gặp gỡ những tay đàn mandoline nổi tiếng ở Việt Nam lúc đó như Pierre Trần (Trần Anh Tuấn), Lê Duyên, Khánh Băng, Nguyễn Mạnh, Đức Qưê, Văn Lạc. Cũng như nhạc sĩ Khánh Băng, anh chuyển từ mandoline qua tây ban cầm vào năm 1966. Có một điều là anh đàn tây ban cầm bằng tay trái, ngược đối với tất cả cao thủ đàn ghi-ta. Tuy vậy anh cũng thường xuyên đàn trong một số ban nhạc ở các club Mỹ tại Phan Rang , nơi anh làm việc ở tại trung tâm Bình Định phát triển ở tòa hành chánh Ninh Thuận.
Cuộc đời binh chủng cũng như văn nghệ của anh tưởng cứ như thế mà tiến triển một cách trầm lặng. Nào dè 30 tháng 4, 1975 đến với sự xâm chiếm miền Nam của cộng sản, anh đã phải tự tháo thân , không kịp đem theo vợ và hai con gái trên con đường tạm dung. Anh đã theo lớp người Việt đầu tiên đến xứ Mỹ.
Không biết làm nghề gì trong giai đoạn đầu của cuộc sống mới, anh mới nẩy ra ý mở một cửa hàng bán bàn ghế, tủ giường. Anh trở thành ngưới Việt đầu tiên hành nghề này tại vùng Quận Cam. Từ đó cho tới năm 1987 anh làm chủ tiệm Kim’s Furniture ở Santa Ana, California. Có một dạo, anh mở tới 5 tiệm nhưng vì coi không xuể, lớp vì có máu văn nghệ mạnh quá, anh mới «thử thời vận” hùn với một người bạn mở một khiêu vũ trường mang tên là RITZ vào tháng 3, năm 1983. Nhưng tới tháng 7, 1984, sau 16 tháng “lăn lóc” có dịp thù tạc chén anh chén em, anh đã nhường khiêu vũ trường RITZ lại cho Ngọc Chánh, trưởng ban Shotgun, để quay về nghề bán bàn ghế như trước.
Tuy không có hợp mặt cùng anh em nghệ sĩ trên sân khấu, anh vẫn tiếp tục mượn tiếng đàn tây ban cầm để dạo những khúc nhạc của thời vàng son của miền Nam. Không những nhạc Việt mà còn cả nhạc ngoại quốc. Trong một lá thơ anh viết cho tôi, anh đã kể như sau : “tôi đàn tay trái, thành ra phải học mò và đàn lấy một mình khi còn nhỏ. Không học ký âm pháp nhiều, chỉ quọt quẹt chút ít, nên đôi khi nhìn bản nhạc mà đàn thì chẳng ra hồn. Tôi chỉ ân hận những ngày còn nhỏ vứt đi những thời giờ quý báu. Thành ra cho tới bây giờ, nghĩ cũng muốn để đi vào khuôn khổ. Tôi kỳ vọng gởi hồn vào những bản nhạc những khi hứng đàn, hát và viết nhạc ... Đền bù vào đó, tôi rất nhớ dai và dễ học. Những bản nhạc nghe qua một lần hai lần là tôi mò ra và đánh được, dầu không đúng hẳn 100 %”.
Rồi một ngày chủ nhật 19 tháng 4, 1987, tại quán Phở Ngon ở quận Cam, Cali, anh Vô Thường đã cho trình làng hai cuốn “Ru khúc mộng thưòng” 1 và 2, kết quả của tiếng đàn tây ban cầm mà anh đã để hết tâm hồn cho hai đứa con gái của anh đã đòi hỏi anh đàn cho chúng nghe vì khi anh ra đi, chúng chỉ mới có 6 và 4 tuổi. Giờ đây đã 18 tuổi và 16 tuổi xuân xanh.
Hai cuốn băng trình làng với sự hiện diện của 200 bạn bè đã gặt hái một kết quả tài chánh và nghệ thuật rất đáng kể. Anh đã dành số tiền 800 Mỹ kim bán băng buổi ra mắt để tặng cho Ủy ban cứu trợ quốc tế (International Rescue Committee) để giúp những trẻ mồ côi tại các trại tỵ nạn Đông Nam Á .
Băng của Anh đã được tái bản nhiều lần, hơn hẳn những băng nhạc “chuyên nghiệp” và báo chí đã cho hiện tượng đó là “ngựa về ngược”. Anh tiếp tục cho trình làng thêm hai cuốn băng khác vào tháng 6 với tựa đề “Hạnh phúc nửa vời” gồm những bản nhạc do Anh sáng tác qua một số giọng hát có tên tuổi trình bày, và một cuốn “Hải Âu” do ca sĩ và nhạc sĩ Phạm Hoàng Dũng phụ trách.
Con đường âm nhạc anh đã dấn thân vào chỉ mới có mấy tháng trong năm 1987 mà đã gây một tiếng vang. Và dư âm đã vang dội cho tới ngày anh ra đi vào tháng 4-2003, sau nhiều tháng chống trả với tử thần vì bịnh ung thư , 16 năm thành công với hơn 120 CD đã lưu lại cho hậu thế.
VÔ THƯỜNG: CA SĨ VÀ NHẠC SĨ
Anh Vô Thường có viết cho tôi rằng anh không phải là ca sĩ hay nhạc sĩ gì cả. Giọng anh thì khàn, loại “khao khao vọng cổ”, nếu không nói là “giọng vịt đực”. Nhưng anh Vô Thưòng đâu có biết rằng giọng hát đó rất khó tìm, vì nó lạ, vì nó khác giọng thường nghe, vì chất nhựa của thuốc, của rượu đã quện lại thành một loại giọng của người đã từng lăn lóc trong trường đời .Đó là cái may mắn của anh mà anh Vô Thường không biết hay không muốn biết.
Ở Pháp có ca sĩ Charles Aznavour cò một giọng hát the thé, hát lên cứ rung hoài. Vậy mà “ăn khách” đến nỗi anh ta phải tìm hãng bảo hiểm giọng hát của anh ta. Ở Mỹ có Louis Amstrong cũng nhờ có giọng khàn đặc biệt mà thế giới thần tượng hóa trong lĩnh vực nhạc Jazz. Nhờ vào cái tâm hồn rất phong phú mà khi anh Vô Thường hát, tiếng hát đó dễ đi sâu vào lòng người nghe, như truyền đi những gì anh muốn nói qua lời ca, qua tiếng nhạc.
Lúc đó tôi chưa gặp anh Vô Thường. Tôi chỉ nghe giọng hát, nghe lời nhạc anh viết , tôi mường tượng con người đã bị đời cho nhiều “vố” đau điếng nên xuyên qua giọng hát , tôi có cảm tưởng một bầu trời bi quan, chán chường, tuyệt vọng, một khung cảnh u sầu, uất hận.
Bản nhạc anh vừa sáng tác vào tháng 8, 1987 với tựa đề “Giọt nước mắt lưu đày” gói ghém nỗi lòng của anh:
Đêm thức giấc quanh đây trời đất lạ
Ta một mình biết nói với ai đây
Bao ưu phiền ray rứt bấy lâu nay
Thân lạc loài viễn xứ mấy ai hay.
Giòng nước mắt no đầy kiếp lưu đày
Ly rượu này chưa uống sao ta say?
Một đoạn khác của bài hát nói lên tâm tư của anh:
Bây giờ đây, bên kia đại dương cha ta nhục nhã đói
Bây giờ đây, lao tù giam tù nhân đến mấy kiếp
Bây giờ đây căn nhà hoang mẹ ta vừa nhắm mắt
Chiếc quan tài, hay manh chiếu rách gói thân mẹ ta
Ôi trẻ thơ, ôi đàn con đang lang thang ngoài phố trời,
Đi về đâu, không ngày mai, tương lai là bóng tối,
Saigon ơi! Saigon ơi! Thay tên và hấp hối
Xác bạn bè, ngã xuống không mồ chôn.
Cuốn băng “Hạnh phúc nửa vời” của anh Vô Thường phát hành giữa năm 1987. Tất cả những nhạc phẩm trong cuốn băng đầu tay có tính cách “chuyên nghiệp” hơn qua các giọng ca đầy triển vọng của Uyên Lan, Lê Uyên, Phạm Hoàng Dũng, Việt Dzũng, Hằng Nga, Ngọc Giao, Như Mai và Vô Thường. Nữ ca sĩ Uyên Lan , một tài năng mới xuất hiện, trước kia ở Houston, nay đã dời đô về Cali, có một giọng hát nghiêng về “alto” hơn là “soprano”. Đa số nữ ca sĩ Việt đều có giọng cao “soprano”. Bản nhạc “Hạnh phúc phù du” cũng như bài “Hạnh phúc nửa vời” đã được Uyên Lan diễn tả với tất cả tâm hồn làm người nghe như lắng đọng trong không gian hư vô.
“Hạnh phúc nửa vời vì không trọn vẹn, vì bên em mà nửa hồn anh như cùng mềm. Khách khoảng thương quê hương vì mòn mỏi đợi chờ , mơ một ngày trở lại. Anh thốt gọi tên em trong câm lặng. Hạnh phúc phù du, hạnh phúc nửa vời”. Đó là lời anh Vô Thường khơi mào vào đầu cuốn băng.
Hạnh phúc nửa vời, qua nhịp điệu Habanera chậm buồn, tôi có cảm giác anh Vô Thường muốn gởi trọn nỗi lòng của anh trong tiếng hát của Uyên Lan:
Có bao giờ anh khóc một mình
Có bao giờ anh thương nhớ cuộc tình
Một đêm mưa, mưa đêm dĩ vãng
Đến bên anh, lại vuốt vai gầy
Lời tính đầu , cho nhau bỡ ngỡ
Chút ngây thơ, tình thuở dại khờ
Có bao giờ em nhớ trong đời
Có bao giờ em tiếc nuối một thời
Bài nhạc sầu yêu thương với nhớ
Nhớ đêm mưa là nhớ mãi một người
Trong cuốn băng «Hạnh phúc nửa vời”, bài tôi thích nhất có lẽ là bản nhạc “Tình khúc cho Saigon” được Lê Uyên diễn tả rất đậm đà, chân tình trong một giọng hát nồng ấm. Cặp Lê Uyên Phương giờ đây không còn nữa. Phương tức Lộc đã ra người thiên cổ sau khi hai người đã xa nhau một thời gian. Lê Uyên hiện vẫn còn hát và điều khiển quán Cà phê LUP, nơi tụ họp của những người làm văn nghệ tại Quận Cam, Cali. Dòng nhạc của bài “Tình khúc cho Saigon” nghe như đi nhẹ vào hồn, như dìu ta về dĩ vãng của thời Saigon xa xưa:
Saigon ơi, chớp mắt mười năm qua,
Đời tha hương vẫn thấy buồn trong ta
Giờ lưu vong, mang kiếp sống xa nhà,
Saigon ơi, còn đó ơi xa thật xa
Mười năm trời, ôi nhớ quá Saigon tôi
Đầy đau thưong trống, vắng và đơn côi
Và hôm nay, lê thân xác nơi quê người
Bầy chim non lạc tổ quên lối về
Ngày trôi đi, tôi cứ ngỡ ngày về không xa
Mà mười năm qua, ta hỏi đã được gì cho ta
Nhìn lại ta vẫn sống kiếp xa nhà
Saigon ơi, còn đó nhưng xa thật xa
Dù nơi đây ai có sống đời yên vui
Một mình tôi, tôi vẫn thấy lòng buồn không nguôi
Dù hôm nay tôi sống sót nơi que người
Tim yêu cuối đời, tôi xin gửi hết lại SAIGON tôi
Tất cả những bản nhạc (11 bài tất cả) đều được thể hiện qua hai chủ đề : thương nhớ quê hương , và nuối tiếc hạnh phúc mà vì hoàn cảnh đất nước anh đã mất đi và tuyệt vọng trong kiếp sống lưu đầy. Anh đã bị đời dày xéo. Nếu còn đươc giây phút nào để nói về thân phận , về cuộc đời trên giấy bút , trên âm nhạc, trên văn thơ, thì anh Vô Thường sẽ không ngần ngại. Nhục nhã của 16 năm làm lính, mất “quê hương”, mất gia đình, mất tất cả, lại thêm một nhục lớn là phải ở xứ lạ quê người. Đời chỉ được một lần sinh ra và chết, nhưng bổn phận làm người và tình không còn nữa. Anh Vô Thường đã tâm tình với tôi rằng:
“Tôi xin được nói những khi còn có thể nói,
Tôi xin được viết những khi tôi còn có thể viết,
Xin còn đủ lý trí để nhận định và không gì thay đổi
Dù sang hay hèn,
Nghèo hay giàu,
Dù có danh hay không?”
Đúng như nhà Phật đã nói: “Sắc sắc không không. Không tức thị Sắc. Sắc tức thị Không”. Cuộc đời của anh Vô Thường được gói ghém qua mấy câu:
“Một quê hương trước khi nhắm mắt không hiểu còn có thấy lại hay không?
Một cuộc đời toàn những hạnh phúc phù du, người đây, vợ và con một ngã, của 12 năm
Ước muốn chi nhiều, rồi cũng bấy nhiêu thôi.”
Khi anh sang thăm chúng tôi tại Paris vào đầu thập niên 90, anh Vô Thường giới thiệu Tín Hương, một người đàn bà miền Trung rất đẹp. Một bài nhạc đã được viềt ra trên đất Pháp, dọc sông Seine, giữa thành phố Paris hoa lệ:
Một chút tình bỏ quên
Đầu cơn mưa mùa hạ
Em lạc bước chân xa
Paris dường như đã
Nghe tình lên trong ta
Từ anh lặng lẽ tới
Cho nhung nhớ đầy vơi
Cho mộng tràn chăn gối
Hao gầy trái tim côi .
Một chút duyên để nhớ
Một chút tình để quên
Một thoáng thơ mộng vỡ
Nửa vời hạnh phúc ơi
Đừng trách nhau lầm lờ
Dù tình ta lỡ lầm
Một chút ân tình vỡ
Tình buồn mãi trăm năm
Từng đêm mưa hững hờ
Em xuống phố ngẩn ngơ
Paris tình muôn thuở
Nhớ thương anh dại khờ
Hàng cây sầu im tiếng
Hiu hắt bên sông Seine
Có một lần Anh đến
Nhớ chút tình bỏ quên
Bạch Yến đã dịch bài thơ của anh Vô Thường ra tiếng Pháp vài năm sau với tựa “Souvenir d’un amour oublié”:
On s’est rencontés
Un beau soir d’été
Au coeur de Paris
Notre amour est né
Depuis je te vois
En rêve chaque nuit
Et ne pense qu’à toi
Qui toujours me fuis
Cet amour si beau
Si tendre et si doux
Où l’on s’aime trop
A s’en rendre fou
Si tu pars un jour
Me laissant sans toi
O ! Mon bel amour
Je ne te suivrais pas
Paris et la Seine
Bercent mon âme meurtrie
Qu’importe ma peine
Je veux que tu ris
Que tombe la pluie
Que règne l’ennui
Nos beaux souvenirs
Deviendront ma vie
Ít lâu sau, anh loan bào tin anh lập gia đình. Chúng tôi có sang Cali mấy lần gặp anh và Tín Hương. Anh đã giúp và khuyến khích Tín Hương sáng tác nhạc. Và Tín Hương đã thực hiện được hai CD. Cuộc tình tưởng như sẽ tốt đẹp như bài thơ. Nhưng có ai ngờ là vào cuối năm 1999, Tín Hương và anh không còn chung sống với nhau. Anh Vô Thường có buồn thật nhưng sau đó , anh tìm lại nguồn vui và đã cùng anh Lữ Mộc Sinh sáng tác một nhạc phẩm “Từ lúc yêu em”.
Anh vẫn tiếp tục sản xuất CD nhạc khiêu vũ, nhạc ngoại quốc, nhạc để nghe , loại nhạc ûkhông lời” mà anh đã tạo một chỗ đứng “không đối thủ”. Nhạc của anh đàn đã đi vào thị trường Mỹ. Mỗi tuần anh nhận được nhiều thơ hỏi mua, hoặc viết lời khen anh , cám ơn Anh đã mang lại cho họ những giây phút êm ái qua những ca khúc du đương. Thỉnh thoảng anh mang thơ của những người ái mộ người Mỹ từ khắp xứ Mỹ đưa cho tôi đọc để cùng chung vui với anh.
Anh Vô Thường đã thành công mang hai đứa con gái Diễm và Khanh sang Mỹ và đã giúp cho hai cháu có một nghề chắc chắn và cả hai đều lập gia đình với hai chàng rể thật dễ thương. Anh đã hoàn thành sứ mạng của một người cha trước khi nhắm mắt. Tôi có gặp anh lần chót vào tháng 10 , 2001 tại San Jose khi chúng tôi sang diền. Anh tuy ốm nhưng vẫn còn tếu như mọi khi. Anh có trở về Việt Nam lần chót để thực hiện CD “Tình Ca Vô Thường / Giọt Nước Mắt Vô Thường” qua tiếng hát của Quỳnh Lan, Đức Minh, Vô Thường và bài “Nhớ chút tình bỏ quên” do Bạch Yến hát cả hai lời Việt / Pháp. Đây là dĩa CD với nhạc và tiếng hát Vô Thường và là dĩa “có lời” nhưng chưa kịp “kiếm lời” là anh đã ra đi. Bạch Yến đến thăm Anh lần chót vào ngày mùng 1 Tết Quý Mùi ( tháng 2, 2003), hai tháng trước khi anh lìa trần.
Anh Vô Thường đã trở về với cát bụi , nhưng anh đã để lại cho đời một số sáng tác nhạc, hàng trăm dĩa CD ghi lại tiếng đàn ghi-ta tay trái bất hủ của anh. Anh ra đi nhưng đã để lại bao tiếc thương một người bạn tốt với bạn, với người đồng hương (anh đã đóng góp rất nhiều cho các cơ quan từ thiện qua số dĩa CD và băng nhựa anh tặng), với đất nước.
Những sáng tác mới của anh Vô Thường là những điểm son trong làng nhạc Việt. Sự đóng góp của anh Vô Thường, tuy không to tác nhưng rất có ý nghĩa vì anh viết nhạc đặt lời rất thành thật tự đáy lòng phát ra. Anh Vô Thường là một ngôi sao sáng, một hiện tượng trong làng tân nhạc Việt ở hải ngoại.
Trần Quang Hải
(Paris, mùa thu 2003)
http://tranquanghai.info/p927-tran-quang-hai-%3A-vo-thuong-(1940-2003)%3A-mot-hien-tuong-trong-lang-tan-nhac-viet-nam-hai-ngoai.html
*
No comments:
Post a Comment