Có lẽ cụm từ nầy bắt nguồn từ tựa đề bài kinh Đại Niệm Xứ (Trường Bộ, kinh số 22), bài kinh rất quen thuộc với các thiền sinh. Thế nhưng, dịch tựa đề là “Kinh Đại Niệm Xứ” từ tựa Pali “Mahasatipatthana Sutta” có đúng không? Chữ Đại (Maha) là bổ nghĩa cho chữ “niệm xứ” hay chữ “kinh”?
Thật ra, tựa đề “Maha” là để phân biệt 2 bài kinh có nội dung hầu như tương tự: kinh Niệm xứ trong Trung bộ (kinh số 22) và bài kinh dài hơn trong Trường bộ (kinh số 10). Như thế, “maha” (đại) ở đây là bổ nghĩa cho chữ “sutta” (kinh).
Nếu dịch sát nghĩa Hán Việt, tựa đề phải là: "Đại niệm xứ kinh", hay theo cách dùng thông thường trong tiếng Việt ngày nay: Đại kinh Niệm xứ, nghĩa là một bài kinh lớn (dài) về Niệm xứ.
Do đó, cụm từ “Đại Niệm Xứ”, nếu dùng riêng rẻ, là vô nghĩa.
Nhiều năm trước, tôi có viết vài dòng ghi chú về chữ “’Đại” trong tựa đề các bài kinh. Xin ghi lại dưới đây.
* * *
Đại kinh hay kinh đại?
Vì thế, nếu chúng ta hiểu tựa đề của hai bài kinh trên có nghĩa là bài kinh ngắn và bài kinh dài về tiếng rống sư tử, tựa đề hai bài đó có thể dịch là Tiểu Kinh Sư Tử Hống và Đại Kinh Sư Tử Hống. Điều này cũng tương đồng với tựa đề của các bản dịch Anh ngữ của Tỳ khưu Bodhi: The Shorter Discourse on the Lion's Roar và The Greater Discourse on the Lion's Roar. Tương tự như thế cho các cặp bài kinh khác:
- Đại Kinh Khổ Uẩn (Maha-dukkhakkhanda Sutta, Trung Bộ 13) và Tiểu Kinh Khổ Uẩn (Cula-dukkhakkhanda Sutta, Trung Bộ 14).
- Tiểu Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (Cula-hatthipadopama Sutta, Trung Bộ 27) và Đại Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (Maha-hatthipadopama Sutta, Trung Bộ 28).
- Ðại Kinh Ví Dụ Lõi Cây (Maha-saropama Sutta, Trung Bộ 29) và Tiểu Kinh Ví Dụ Lõi Cây (Cula-saropama Sutta, Trung Bộ 30).
- Tiểu Kinh về Không (Cula-sunnata Sutta, Trung Bộ 121) và Đại Kinh về Không (Maha-sunnata Sutta, Trung Bộ 122).
- Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt (Cula-kammavibhanga Sutta, Trung Bộ 135) và Đại Kinh Nghiệp Phân Biệt (Maha-kammavibhanga Sutta, Trung Bộ 136).
- Kinh Niệm Xứ (Satipatthana Sutta, Trung Bộ 10) và Đại Kinh Niệm Xứ (Maha-satipatthana Sutta, Trường Bộ 22).
- v.v.
Thêm vào đó, tựa bài kinh Maha-parinibbana Sutta (Trường Bộ 16) có lẽ nên dịch là Đại kinh Bát-niết-bàn, thay vì Kinh Đại Bát-niết-bàn như thường gặp trong nhiều tài liệu kinh sách. Chữ Đại ở đây là bổ nghĩa cho chữ Kinh, Đại Kinh là bài kinh dài. Theo thiển ý, chữ Bát-niết-bàn (phiên âm của parinibbana) tự nó đã đủ nghĩa, không cần có thêm tính từ "Đại".
– Bình Anson, 2007
*
No comments:
Post a Comment