Nursing home – Nhà dưỡng lão, người nhà đang gửi gắm hay rũ bỏ?
Tạp Chí Hoa Kỳ - 18 Tháng Mười Hai, 2017
Chuyện kể sau hai ngày đầu thực tập tại Nhà Dưỡng Lão (Nursing Home) của Mỹ.
Với tâm trạng đầy háo hức cùng chúng bạn, tôi bước vào làm công việc giúp đỡ người già tại viện dưỡng lão trong vai trò thực tập sinh. Cảm xúc thì nhiều lắm nhưng vì ko có nhiều thời gian viết lách nên tôi tóm tắt tạm bằng ngôn từ xấu xa của tôi: địa ngục trần gian, trả nợ kiếp người, v.v…
Bên cạnh khoảng 1/5 tổng số là những cụ già vui vẻ, độc lập, ít sầu lo, ít thống khổ, lòng tôi quặn thắt với hình ảnh những cụ già của 4/5 còn lại. Cụ khù khoằm với xương thân cứng đơ và các ngón tay cuộn lại, cụ đeo oxy nằm bẹp trên giường đêm ngày, cụ dính mình vào chiếc xe lăn ngày đêm như một hòn đá tĩnh lặng, cụ hầm hè cả ngày khoanh tay nhìn thế gian như thù hằn… Tất cả, tạo nên bức tranh một nhà dưỡng lão lặng ngắt đến rùng mình, đâu đây chỉ còn tiếng thút thít hay rên la đau đớn.
Vì cùng ngôn ngữ, tôi thường được phân công đút ăn cho một cụ người Việt dính mình trên xe lăn, tôi mới hiểu rõ hơn thêm về một kiếp nhân sinh. Cụ cũng như nhiều cụ khác, không hề câm hay điếc nhưng dường như khả năng dùng ngôn ngữ trả lời đã hoàn toàn biến mất. Chỉ còn khả năng nghe là rất tốt, cụ dùng đôi mắt để nói chuyện, gật và lắc đầu hay nhăn nhó để thể hiện cảm xúc. Tôi có nhắc tới những đứa con có thăm cụ không, cụ lắc đầu.
Tôi có hỏi ở trong này cụ có ra ngoài trời nắng đẹp chơi không, cụ lắc đầu. Ngay sau đó tôi thấy cụ khóc. Giọt nước mắt ngấn rơi ra khỏi đôi mắt kèm nhèm gỉ mắt vì không có người quan tâm rửa mặt cho buổi sáng. Nhà dưỡng lão có thuê những người chăm sóc cho các cụ, nhưng bằng lý do này hay lý do khác, họ chỉ có thể thu xếp một người chăm sóc chăm tám cụ một lúc.
Cụ nào nhiều tiền, con cái hiếu thảo mới có thể giúp đỡ thuê thêm người chăm nom (khoảng 15-20$/giờ và cần ít nhất 8 giờ/ngày), còn lại hầu hết các cụ bị bỏ rơi như một vật phế thải.
Bây giờ thì tôi đã hiểu, dù nhà dưỡng lão làm ăn rất bài bản bằng các nhân viên với đủ các vị trí và chức vụ được đào tạo nghiệp vụ đầy mình, hệ thống chăm sóc hiện đại với đầy đủ cơ sở vật chất hỗ trợ, đồ ăn thức uống không thiếu thốn, nhưng nỗi buồn vì bị bỏ rơi, vì thiếu người quan tâm, vì cảm thấy mình vô dụng, vì thiếu sự giao tiếp trong tình thương, kể cả thiếu giao tiếp với thiên nhiên mỗi ngày… là những thứ rất từ từ và thầm lặng tước đi của con người tất cả cho đến tận khi được cái chết chấp nhận.
Vâng, chết được hoàn toàn không phải chuyện đơn giản, bạn sẽ có thể phải đợi cho tuổi già cướp đi dần dần hơi ấm, hơi thở, sự mềm dẻo, khả năng suy nghĩ bình thường, khả năng hoạt động, v.v... khiến bạn phải chìm đắm trong những nỗi đau đớn, sự thiếu dễ chịu đến tột cùng trong suốt những tháng ngày như vô tận.
Là một người còn trẻ và may mắn được trải nghiệm chứng kiến, tôi tin những kiếp người sẽ trở nên thê thảm nếu trở nên phụ thuộc phần lớn hoặc phụ thuộc hoàn toàn cuộc sống vào một ai đó. Mỗi người hoàn toàn có thể tránh được cho tương lai nỗi khốn cùng này bằng cách có sự chuẩn bị từ trước, rèn luyện sức khoẻ, rèn luyện trí não, rèn cả chí khí, tính khí.
Một người có sự chuẩn bị tốt vẫn có thể sống trong tuổi già một cách rất độc lập, theo đuổi các thú vui hoạt động lành mạnh không khác những người trẻ là bao. Theo như khoa học đã kết luận, tuổi già chỉ là giai đoạn con người chứng kiến mọi sự suy giảm các chức năng trong cơ thể chứ không hề đồng nghĩa với bệnh tật và tất cả những đớn đau ta thường thấy.
Tuy nhiên, không phải ai cũng như ai và chắc chắn không ai có thể đoán trước được tương lai mỗi người sẽ ra sao, như ý muốn hay cực kỳ thảm hại. Hãy yêu thương và thông cảm với người già vì đó có thể là hình ảnh của chính bạn trong không bao lâu nữa.
Cuối đời, không gì khác, chính là sự trả nợ trần gian kiếp người trước khi tạm biệt nó về lại cõi vĩnh hằng.
*
No comments:
Post a Comment