Kỷ niệm của tôi với ngài Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU (1918-2012)
Khi còn học trung học, tôi thường đi bộ cùng với má tôi và em gái đến chùa Xá Lợi (Q.3, Sài Gòn) vì nhà chúng tôi ở gần đó. Chùa có hai tầng: tầng trên là chánh điện, tầng dưới là giảng đường. Một đêm rằm nọ, chúng tôi đến chùa, đứng ngoài nhìn vào, tôi thấy có một buổi giảng cho người lớn, diễn giả là một vị tu sĩ quấn y vàng. Không biết là ai, nhưng trong lòng tôi có một niềm kính trọng và hoan hỷ. Đó là hình ảnh đầu tiên của tôi về ngài Hòa thượng Thích Minh Châu.
Về sau, khi vào học đại học, dù khác trường, thỉnh thoảng tôi đến Đại học Vạn Hạnh -- gần cầu Trương Minh Giảng (nay đổi tên là Lê Văn Sĩ) -- để gặp các bạn học cũ, tôi lại thấy vị tu sĩ áo vàng đó, và bạn tôi cho biết đó là ngài Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh.
Mãi đến khi sang Úc, tôi có cơ duyên gần gủi các bạn Phật tử và Tăng Ni trong truyền thống Theravada, tôi bắt đầu tu học và tìm hiểu kinh điển trong truyền thống nầy. Từ đó, tôi mới biết Hòa thượng là dịch giả các bộ kinh Nikāya sang tiếng Việt.
Đến năm 1992, lần đầu tiên trở về VN sau nhiều năm xa cách, tôi nhờ em gái tôi đưa đến Thiền viện Vạn Hạnh, đường Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận. Hôm đó, Hòa thượng đi vắng, nhưng tôi thỉnh được Trường Bộ và Trung Bộ vừa in ra, bìa cứng, đóng hộp, tôi vẫn còn giữ cho đến bây giờ. Trong những năm tiếp theo, bằng cách nầy hay cách khác, tôi tiếp tục thỉnh Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ và Tiểu Bộ. Xem như đầy đủ các bộ Nikāya do Hòa thượng dịch. Từ đó đến nay, tôi thường xuyên tham khảo các bản dịch đó.
Từ năm 2001, tôi về VN mỗi năm, viếng thăm các chùa Nam tông, và nhờ đó, thỉnh được bản Trường Bộ và Trung Bộ in trước năm 1975, song ngữ Pali-Việt với nhiều chú thích rất giá trị. Trong các chuyến đi nầy, tôi đều đến quầy sách ở Thiền viện Vạn Hạnh, và các tiệm sách PG khác ở Sài Gòn, tìm mua các sách của Hòa thượng: Phật pháp, Đường về xứ Phật, Những ngày và những lời dạy cuối cùng của Đức Phật, Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa (dịch), Sách dạy Pali, Chữ Hiếu trong đạo Phật, Hành thiền, Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Chánh pháp và hạnh phúc, Đức Phật của chúng ta ... và những cuốn song ngữ Anh Việt: Thắng pháp tập yếu luận (Abhidhammattha-sangaha, dịch từ bản tiếng Anh của Hòa thượng Narada), Hsuan T'sang - The Pilgrim and Scholar (Huyền Trang, nhà chiêm bái và học giả), Fa-Hsien - The Unassuming Pilgrim (Pháp Hiển, nhà chiêm bái khiêm tốn), Milinda-panha and Nagasena-bhikhu sutra - A comparative study (Nghiên cứu đối chiếu Kinh Milinda vấn đạo chữ Pali và Kinh Na-tiên Tỷ kheo chữ Hán), The Chinese Madhyam-agama and The Pali Majjhima Nikaya (So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán & kinh Trung bộ chữ Pali - Luận án tiến sĩ).
Năm 2004 tôi đến thăm Hòa thượng, lúc đó đã yếu, ngồi xe lăn, ở tầng trên cùng của Thiền viện Vạn Hạnh. Tôi cúng dường đĩa CD Phật Học, và báo đến ngài rằng toàn bộ bản dịch Nikāya của ngài đã được đưa vào Internet và đĩa CD để phổ biến khắp nơi. Có lẽ ngài nghe hiểu, nên tôi thấy ngài mỉm cười. Đó là lần cuối cùng tôi gặp ngài.
Ngài Hòa thượng cũng được nhiều người trong cộng đồng Phật giáo thế giới biết đến. Một lần nọ, tôi nhận được một email từ ngài Bhikkhu Bodhi -- tăng sĩ người Mỹ, học giả Phật học nổi tiếng và là dịch giả Trung bộ, Tăng chi bộ và Tương ưng bộ sang tiếng Anh. Bhikkhu Bodhi cho biết được tin Hòa thượng Minh Châu lâm bệnh nặng, ngài nhờ tôi chuyển thư của ngài đến vấn an sức khỏe Hòa thượng. Bhikkhu Bodhi còn cho biết khi ngài còn là một sa-di Bắc tông tại Mỹ, ngài có gặp Hòa thượng Minh Châu, và Hòa thượng khuyên ngài nên sang Sri Lanka, học và nghiên cứu kinh điển Pāli. Theo lời khuyên ấy, Bhikkhu Bodhi sang Sri Lanka, thọ giới trong truyền thống Theravada, và tu học, làm việc tại đó trong 30 năm. Vì thế, ngài lúc nào cũng nhớ và ghi ân về lời khuyên của Hòa thượng.
Quyển luận án tiến sĩ của ngài Hòa thượng được in thành sách, tái bản nhiều lần, được nhiều học giả dùng làm tài liệu tham khảo, và ngài Hòa thượng được xem như là người tiên phong, giới thiệu giá trị bộ A-hàm của Hán tạng đến giới học giả phương Tây. Gần đây, Bhikkhu Anālayo, tăng sĩ Đức, là một học giả có nhiều nghiên cứu so sánh các kinh điển nguyên thủy trong Pāli tạng và Hán tạng, đã viết một bài tham luận có tựa đề “The Chinese Madhyam-āgama and The Pāli Majjhima Nikāya - In the Footsteps of Thich Minh Chau” (Trung A-hàm chữ Hán & Trung Bộ chữ Pali - Đi theo bước chân của Thích Minh Châu).
-------------
Ghi thêm:
Ngài HT Minh Châu có liên hệ họ hàng với Thi hào Nguyễn Du, tóm tắt như sau:
1) Ông Đinh Văn Phác (1790 - 1833), đỗ Tiến sĩ đời vua Minh Mạng, có vợ là bà Nguyễn Thị Tiềm, là con gái Thi hào NGUYỄN DU.
2) Cháu nội của ông Đinh Văn Phác là ông Đinh Văn Chất (1847 -1887), đỗ Tiến sĩ đời vua Tự Đức.
4) Con của ông Đinh Văn Chất là ông Đinh Văn Chấp (1882 - 1953), đỗ Tiến sĩ (Hoàng Giáp) đời vua Duy Tân.
5) Con của ông Đinh Văn Chấp là ông ĐINH VĂN NAM tức Trưởng lão Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU (1918 - 2012) đỗ Tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ.
*