Saturday, 2 March 2024

Vài kinh nghiệm trong các sinh hoạt trên Facebook

 VÀI KINH NGHIỆM TRONG CÁC SINH HOẠT TRÊN FACEBOOK 
Bình Anson

*

1) Tôi bắt đầu tham gia mạng xã hội Facebook vào cuối năm 2007 nhưng chỉ để tìm hiểu, không có nhiều đóng góp. Từ năm 2013, tôi mới bắt đầu đóng góp, chia sẻ nhiều hơn, sau khi nghỉ hưu và dọn về nhà mới, ở gần chùa Dhammaloka trong vùng Nollamara, Tây Úc, có nhiều thì giờ rảnh rỗi hơn. 

2) Tôi giới hạn các trao đổi trong phạm vi sinh hoạt, tu học trong đạo Phật. Thỉnh thoảng, tôi có thêm vài chia sẻ về sinh hoạt đời sống cá nhân, như là một cư sĩ Phật tử bình thường đã nghỉ hưu, không có chức vụ, không tham gia vào bất cứ tổ chức, phe nhóm nào. Đôi khi nổi hứng, tôi chia sẻ vài cảm nghĩ về một chuyện thời sự nào đó, rồi thôi, không đeo đuổi kéo dài.

Tôi không quan tâm đến các chuyện khác như chuyện chính trị, chuyện thời sự lăng nhăng, chuyện ruồi bu kiến đậu, chuyện tào lao thiên địa, chuyện buôn bán kinh doanh, chuyện tranh đua và khoe khoang thành tích cá nhân, chuyện ăn chơi giải trí, du hý, v.v.

3) Trong phạm vi tu học trong đạo Phật, mặc dù không có ý phân biệt tông phái, tôi dành ưu tiên chú tâm trao đổi, chia sẻ, thảo luận về các đề tài sinh hoạt trong truyền thống Phật giáo Theravāda (Nam tông) và kinh điển Phật giáo Sơ kỳ (kinh điển Pāli và A-hàm).

4) Ban đầu, tôi không giới hạn số người kết bạn với mình. Vào khoảng tháng 5-2016, tôi đọc một bài viết đăng trên kênh truyền thông ABC Úc châu, khảo sát hoạt động của các mạng xã hội và có kết luận rằng mỗi người chúng ta chỉ cần có tối đa 150 bạn là đủ. Đây là một ý kiến hay, nhưng lúc ấy, tôi có khoảng 500 bạn Facebook, nên ngần ngại, không muốn hủy kết bạn quá nhiều. Bèn tự đặt cho mình số bạn tối đa là 300, gấp đôi con số trong bài viết ấy.

5) Từ đó, 300 là tiêu chuẩn của riêng tôi. Thỉnh thoảng, tôi duyệt lại danh sách bạn, lọc bỏ những ai không thường xuyên tương tác, hay có những chia sẻ, những bình luận có nội dung không hợp duyên với mình để giữ con số 300 ấy.

6) Bây giờ, mỗi khi có ai xin kết bạn, trước khi nhận kết bạn, tôi đến đọc trang Facebook của người ấy, xem nội dung có hợp duyên với mình hay không? Thêm một tiêu chuẩn phụ là người ấy phải có ít nhất là 10 người bạn Facebook chung với tôi – ngoại trừ trường hợp người ấy gửi tin nhắn riêng để xin kết bạn với lý do chính đáng. Nhờ đó mà trang Facebook của tôi có nội dung trao đổi tương đối hài hòa, thuần nhất trong giới hạn phạm vi mình đã đặt ra.

7) Phần lớn tôi dùng máy tính ở nhà (máy để bàn và laptop) để chia sẻ và tham gia các thảo luận, trao đổi trong Facebook. Tôi chỉ dùng điện thoại di động (iPhone) để đọc các bình luận và tin nhắn khi đi ra ngoài – ngồi chờ đợi bác sĩ hay ngồi chờ đợi ở các quán café, nhưng không trực tiếp trả lời, trao đổi, đóng góp chia sẻ. Tôi không trả lời tin nhắn của người lạ, cũng không tò mò bấm theo các đường link mà người nào đó đề nghị. Có lẽ nhờ vậy mà cho đến nay, trang Facebook của tôi tương đối an toàn, không bị kẻ gian đến quậy phá.

8) Tôi thấy tài khoản Faceboook có cho phép sử dụng 2 lớp bảo mật nên cũng tương đối khá an toàn. Trong 15 năm qua, tôi chưa từng bị ai đánh cắp tài khoản. Có một lần, hắc-ke (hacker, tin tặc) nào đó cướp lấy tài khoản của một bạn đạo rồi giả danh gửi tin nhắn đến tôi, xin số điện thoại, mật khẩu và vài thông tin cá nhân. Tôi nghi ngờ, hỏi vặn lại vài câu. Thấy trả lời quanh co là biết ngay đó là kẻ gian. Tôi chặn ngay tên đó và báo cáo đến Facebook. 

9) Nhìn lại, tôi thấy nếu biết sử dụng Facebook khôn khéo thì sẽ có nhiều ích lợi cho mình. Qua  Facebook, tôi đã lập được một sự liên lạc tốt đẹp và trao đổi thông tin tu học với chư Tăng Ni và các bạn Phật tử người Việt ở Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới (Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka, Ấn Độ, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Đan Mạch, Na Uy, Anh quốc, Canada, Hoa Kỳ). Qua Facebook, tôi biết được thông tin sinh hoạt của nhiều đạo tràng, các khóa giáo lý, các khóa tu thiền, hình ảnh các chuyến hành hương Phật tích, hình ảnh các chùa, các lễ hội Phật giáo, các công tác cứu trợ từ thiện, v.v. 

Qua Facebook, tôi thành lập được một nhóm ấn tống kinh sách, giúp dò soát và chỉnh sửa bản thảo các sách Phật giáo do tôi biên dịch, xúc tiến xin giấy phép in ấn ở Việt Nam, rồi gửi sách quảng bá khắp nơi. Thêm vào đó, bạn bè trên Facebook đã giúp tôi tổ chức được các buổi gặp gỡ thân mật với bạn đạo ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc trong những lần tôi về thăm viếng Việt Nam để giới thiệu các cuốn sách đó.

10) Cũng xin ghi thêm ở đây là ngoài Facebook – và Messenger, tôi không có kinh nghiệm và không có ý định tham gia mạng xã hội nào khác. Đối với tôi, chỉ một mạng xã hội thôi là đủ.

Bình Anson
Perth, Tây Úc
01/03/2024

*-----*




No comments: