Monday, 30 December 2024

Sutta-Nipata, Kinh tập - Bản tiếng Anh

 SUTTANIPĀTA – KINH TẬP
Bản dịch tiếng Anh 

Kinh tập thuộc Tiểu bộ của tạng Pāli đã được dịch sang tiếng Anh nhiều lần trong 100 năm qua. Tôi có sưu tập được một số bản dịch dạng PDF và đưa vào Thư viện BuddhaSasana. Xin giới thiệu ở đây để tải về máy tính:

Sutta-Nipāta: Collection of English translations

1. Bhikkhu Bodhi [en169_1.pdf]
   https://tinyurl.com/4d6t2pyh  

2. Bhikkhu Candana [en169_2.pdf]
   https://tinyurl.com/33s5hpas   

3. Laurence Khantipalo Mills [en169_3.pdf]
   https://tinyurl.com/84ha5y6w   

4. Lebkowicz & Ditrich [en169_4.pdf]
   https://tinyurl.com/4sa4y3vc  

5. Fausboll [en169_5.pdf]
   https://tinyurl.com/yck3hy9m  

6. Norman [en169_6.pdf]
   https://tinyurl.com/3ed7e4tk  

7. Bhikkhu Saddhatissa [en169_7.pdf]
    https://tinyurl.com/3apkjas9 

8. Bikkhu Sujato [en169_8.pdf]
   https://tinyurl.com/3dnh98jh   

9. Bhikkhu Thanissaro [en169_9.pdf]
    https://tinyurl.com/mu2uxy4m  

*-----*



Saturday, 28 December 2024

Tam tạng Thái Lan

 TAM TẠNG TIẾNG THÁI
 พระไตรปิฎกภาษาไทย

Theo thông tin của trang web Tipitaka Online พระไตรปิฎกออนไลน์, có 3 bản dịch Tam tạng Pāli sang tiếng Thái trong lịch sử truyền dịch kinh điển của Phật giáo Thái Lan:

1) Ấn bản Tam tạng Hoàng gia Thái (พระไตรปิฎกภาษาไทยฉบับหลวง, Royal Thai Edition Tipitaka). 45 tập.

Bản dịch này có văn phong cổ xưa, hiện nay không còn lưu hành.

2) Ấn bản Tam tạng Thái của Đại học Mahamakut Rajavidyalaya (พระไตรปิฎกภาษาไทยฉบับมหามกุฏราชวิทยาลัย - Thai Tipitaka of Mahamakut Rajavidyalaya University Edition). Bản dịch này có kèm theo Chú giải của Luận sư Buddhaghosa. Gồm có 91 tập:

- Tạng Luật: 10 tập
- Tạng Kinh: 64 tập
- Tạng A-tỳ-đàm (Vi diệu pháp): 17 tập.

3) Ấn bản Tam tạng Thái của Đại học Mahachulalongkorn Rajavidyalaya (พระไตรปิฎกภาษาไทยฉบับมหาจุฬาลงกรณราชวิทยาลัย - Thai Tipitaka of Mahachulalongkorn Rajavidyalaya University University Edition). Đây là bản dịch mới nhất, tương đối dễ đọc vì có văn phong và từ ngữ hiện đại, và có thêm nhiều ghi chú ở mỗi trang dịch khi cần thiết. Ấn bản này chỉ dịch Tam tạng Pāli sang tiếng Thái, không dịch các Chú giải. Gồm có 45 tập:

- Tạng Luật: 8 tập
- Tạng Kinh: 25 tập
- Tạng A-tỳ-đàm (Vi diệu pháp): 12 tập.

* THAM KHẢO

1) Tam tạng Thái của Đại học Mahamakut Rajavidyalaya 
Tripitaka91 - พระไตรปิฎกและอรรถกถาแปล ชุด 91 เล่ม ฉบับมหามกุฏราชวิทยาลัย (เล่มสีน้ำเงิน) พร้อมหัวข้อธรรมจากพระไตรปิฎก
https://www.tripitaka91.com/tripitaka91_showall.php

2) Tam tạng Thái của Đại học Mahachulalongkorn Rajavidyalaya
Tipitaka Online – พระไตรปิฎกออนไลน์
https://tripitaka-online.blogspot.com/2016/09/tpd-main.html

*-----*



Friday, 27 December 2024

Tam tạng Sri Lanka

 TAM TẠNG TIẾNG SINHALA (SRI LANKA)

Công trình dịch thuật Tam tạng Pāli sang tiếng Sinhala bản địa đầu tiên do Giáo sư AGAMPODI PAULUS DE ZOYSA (1890–1968) đề xướng, thực hiện dự án SINHALA TRIPIṬAKAYA (Tam tạng tiếng Sinhala). Công trình bắt đầu từ năm 1950 và hoàn tất năm 1964. Tổng cộng có 48 tập được ấn hành, gồm Chánh tạng (38 tập) và Chú giải (10 tập):

1) Chánh tạng (38 tập)

- Tạng Luật: 4 tập,
- Tạng Kinh: 26 tập,
- Tạng A-tỳ-đàm (Vi diệu pháp): 8 tập.

2) Chú giải (10 tập)

- Thanh tinh đạo: 2 tập,
- Chú giải Trường bộ: 3 tập,
- Chú giải Trung bộ: 4 tập,
- Chú giải Tương ưng bộ: 1 tập.

Đồng thời, vào năm 1956, Bộ Tôn giáo của Chính phủ Sri Lanka hỗ trợ một công trình khác để phiên dịch Tam tạng Pāli – BUDDHA JAYANTĪ TRIPIṬAKA GRANTHAMĀLĀ. Công trình hoàn tất vào năm 1990. Gồm có 57 tập, ấn hành dạng song ngữ Pāli-Sinhala:

- Tạng Luật: 9 tập,
- Tạng Kinh: 35 tập,
- Tạng A-tỳ-đàm (Vi diệu pháp): 13 tập.

* Tham khảo:

1) Mahinda Deegalle (2022). The First Sinhala Tripiṭakaya Translation: De Zoysa’s ‘Protestant’ Buddhist Project for Mass Literacy in Twentieth Century Sri Lanka.
2) https://en.wikipedia.org/wiki/Pali_Canon
3) https://en.wikipedia.org/wiki/Sinhala_language
4) https://en.wikipedia.org/wiki/A._P._de_Zoysa
5) https://www.sjp.ac.lk/news/download-theravada-tripitaka/
6) https://www.buddhistculture.net/tipitaka-download.html
7) https://tipitaka.wordpress.com/
8) https://www.aathaapi.org/Thripitaka.php

*-----*



Wednesday, 25 December 2024

Hán dịch Nam truyền Đại tạng kinh

 HÁN DỊCH NAM TRUYỀN ĐẠI TẠNG KINH 
漢譯南傳大藏經 - Chinese Translation of the Pali Tipiṭaka  

Toàn bộ Tam tạng Pāli và một số kinh văn phụ thuộc đã được dịch sang tiếng Trung hiện đại, gồm 70 tập, do chùa Nguyên Hanh (元亨寺), Cao Hùng, Đài Loan, xuất bản trong những năm 1990-1998. Bản dịch này là dựa theo bản dịch của Nhật Bản do Giáo sư Takakusu Junjirō (高楠順次郎 – Cao Nam Thuận Thứ Lang) chủ biên và lần lượt xuất bản trong những năm 1935-1941.

Ấn bản tiếng Trung cũng được số hóa và đưa vào trang web CBETA để mọi người có thể truy cập trực tuyến và tải về các bản kinh dạng PDF.

Mục lục tổng quát:

Tập 01-04: Luật tạng.

Tập 05-47: Kinh tạng

Tập 48-60: Luận tạng (A-tỳ-đàm tạng)

Tập 61-70: Luận sự, Sử truyện, Ký sự

Tham khảo:

1) Thích Nhật Từ (2021). Sổ tay Mục lục Tam tạng Pali.
2) Sujato Bhikkhu (2014). Chinese translation of the whole Pali Tipiṭaka is now online at CBETA.
https://suttacentral.userecho.com/communities/1/topics/9-chinese-translation-of-the-whole-pali-tipitaka-is-now-online-at-cbeta
3) 漢譯南傳大藏經 Chinese Translation of the Pali Tipiṭaka (Hán dịch Nam truyền Đại tạng kinh). Các links để tải 70 Tập, dạng PDF:
http://tripitaka.cbeta.org/N  
4) CBETA (2013). Mục lục Hán dịch Nam truyền Đại tạng kinh  
https://www.cbeta.org/news/20121225.php#english  

*-----*



Tuesday, 24 December 2024

Dịch giả bốn bộ A-hàm tiếng Hán

DỊCH GIẢ BỐN BỘ A-HÀM TIẾNG HÁN
Bình Anson

*

1) TRƯỜNG A-HÀM KINH (長阿含經 - Dīrgha Āgama, T-0001) do ngài Phật-đà-da-xá và ngài Trúc Phật Niệm dịch từ Phạn văn sang Hán văn vào đời Hậu Tần, vào khoảng năm 413 TL. Bộ kinh này được xem như tương đương với Trường bộ kinh (Dīgha Nikāya) của tạng Pāli Nam truyền. 

Pháp sư PHẬT-ĐÀ-DA-XÁ (佛陀耶舍 - Buddhayaśas, Hán dịch là Giác Minh) là người nước Kế-tân (Kashmir), bắc Ấn Độ. Ngài xuất gia năm 13 tuổi, năm 27 tuổi mới thọ giới Cụ túc. Ngài chuyên cần tu tập, đọc tụng kinh điển, thông suốt cả Đại thừa và Tiểu thừa. Ngài là thầy của Pháp sư Cưu-ma-la-thập (La-thập, 羅什). Năm 408 TL, đời vua Diêu Tần, theo lời thỉnh cầu của ngài La-thập, ngài đến Trường An, hỗ trợ ngài La-thập trong công tác dịch thuật kinh điển. Ngài dịch kinh Thập trụ, Tứ phần tăng giới bản, Tứ phần luật, rồi cùng với ngài Trúc Phật Niệm dịch kinh Trường A-hàm. Về sau, ngài quay trở về Thiên Trúc. 

Pháp sư TRÚC PHẬT NIỆM (竺佛念) là người ở Lương Châu (涼州, nay là Võ Uy, Cam Túc). Ngài xuất gia từ lúc còn nhỏ, chí nghiệp kiên cố, ngoài việc tụng kinh ra, ngài còn siêng năng học tập ngoại điển. Ngài đến Trường An trong khoảng năm 365-384 TL, phụ giúp các Pháp sư Tăng-già-đề-bà (僧伽提婆) và Đàm-ma-nan-đề (曇摩難提) dịch thuật kinh điển, trong đó có bộ kinh Trung A-hàm và Tăng nhất A-hàm. Về sau, ngài phụ giúp Pháp sư Phật-đà-da-xá dịch bộ Trường A-hàm. Ngài còn dịch nhiều bộ kinh Đại thừa khác, tổng cộng 12 bộ, 74 quyển. Ngài thị tịch tại Trường An, không rõ năm tháng.

*

2) TRUNG A-HÀM KINH (中阿含經 - Madhyama Āgama, T-0026) do ngài Tăng-già-đề-bà (僧伽提婆) dịch từ Phạn văn sang Hán văn vào đời Đông Tấn vào khoảng năm 408 TL. Bộ kinh này được xem như tương đương với Trung bộ kinh (Majjhima Nikāya) của tạng Pāli Nam truyền.

Pháp sư TĂNG-GIÀ-ĐỀ-BÀ (僧伽提婆 - Saṅghadeva, Hán dịch là Chúng Thiên) là người nước Kế-tân (Kashmir), bắc Ấn Độ. Ngài là người thông minh tuấn tú, uy nghi đĩnh đạc, bản tính khiêm cung, học thông ba tạng, nhưng chuyên tâm nghiên cứu A-tì-đàm tâm luận của Hữu bộ. Trong khoảng năm Kiến Nguyên (365-384 TL) đời Tiền Tần, ngài đến Trường An. Sau đó, Pháp sư tham gia công tác dịch thuật cùng với các ngài Tăng-già-bạt-trừng, Đàm-ma-nan-đề, Trúc Phật Niệm. Vào năm 397 TL, ngài đến Kiến Khang (nay là Nam Kinh), được các vương công, danh sĩ rất quý trọng. Thượng thư Vương Tuân thỉnh ngài giảng dạy luận A-tì-đàm. Nhận thấy các bản dịch Trung và Tăng nhất A-hàm chưa được hoàn chỉnh,  Vương Tuân tổ chức dịch trường, thỉnh ngài dịch lại Trung A-hàm và hiệu chính, biên tập lại Tăng nhất A-hàm.

Về công trình kinh luận của ngài, Xuất tam tạng kí tập quyển 2 liệt kê ngài dịch 6 bộ 116 quyển, còn Khai nguyên thích giáo lục thì liệt kê 5 bộ 118 quyển.

*

3) TẠP A-HÀM KINH (雜阿含經 - Saṃyukta Āgama, T-0099) do ngài Cầu-na-bạt-đà-la dịch từ Phạn văn sang Hán văn vào khoảng năm 435-436 TL, đời Lưu Tống, tại chùa Kỳ Hoàn ở Nam Kinh. Bộ kinh này được xem như tương đương với Tương ưng bộ kinh (Saṃyutta Nikāya) của tạng Pāli Nam truyền.

Pháp sư CẦU-NA-BẠT-ĐÀ-LA (求那跋陀羅 - Guṇabhadra, Hán dịch là Công Đức Hiền, 394-468 TL) là người gốc Trung Ấn, thuộc dòng dõi Bà-la-môn. Thuở nhỏ ngài được học các luận thư, các môn thiên văn, thư số, y phương, chú thuật v.v Về sau, do tình cờ được đọc A-tì-đàm Tạp tâm luận, tỏ ngộ được Chánh pháp, trở nên sùng tín đạo Phật, rồi cạo tóc xuất gia và thọ giới Cụ túc. Ngài là người hiền hòa kính thuận, chuyên cần học tập, trước học giáo pháp Tiểu thừa, thông suốt ba tạng, sau chuyển sang học giáo pháp Đại thừa, rồi đọc tụng tuyên giảng, đồng thời, đem Phật pháp khuyến hóa cha mẹ. Cha mẹ của ngài về sau cũng chuyển sang theo đạo Phật.

Năm 435 TL đời Lưu Tống, ngài đến Quảng Châu bằng đường biển, vua Văn Đế sai sứ ra rước về chùa Kỳ Hoàn ở Kiến Khang để tham gia việc dịch kinh. Cùng với các tăng sĩ Trung Quốc, ngài dịch bộ Tạp A-hàm kinh và nhiều kinh điển tiếng Phạn khác. Công trình dịch thuật tổng cộng là 52 bộ và 134 quyển. Vào năm 468 TL đời vua Minh Đế, ngài thị tịch, hưởng thọ 75 tuổi.

*

4) TĂNG NHẤT A-HÀM KINH (增壹阿含經 - Ekottara Āgama, T-0125) do ngài Đàm-ma-nan-đề dịch vào khoảng năm 384 TL, sau đó được ngài Tăng-già-đề-bà hiệu chính, biên tập lại vào năm 398 TL. Bộ kinh này được xem như tương đương với Tăng chi bộ kinh (Aṅguttara Nikāya) của tạng Pāli Nam truyền.

Pháp sư ĐÀM-MA-NAN-ĐỀ (曇摩難提 - Dharmanandi, Hán dịch là Pháp Hỷ) là người nước Đâu-khư-lặc  (兜佉勒 – Tukhāra, Tokharistan). Ngài xuất gia từ thuở nhỏ, thông minh đĩnh ngộ, học suốt ba tạng kinh điển, hiểu sâu các bộ A-hàm. Năm 384 TL, đời Tiền Tần, ngài đến Trường An, rồi cùng với các tăng sĩ Trung Quốc phiên dịch Trung A-hàm và Tăng nhất A-hàm. Về sau, các bản dịch này được Pháp sư Tăng-già-đề-bà hiệu chính, biên tập lại, tức là bản dịch lưu hành hiện nay. Ngoài ra, ngài Đàm-ma-nan-đề còn dịch kinh A-dục vương tức hoại mục nhân duyên 1 quyển, kinh Tăng-già La-sát 2 quyển, luận Tam pháp độ 2 quyển, và nhiều bản kinh khác.

Pháp sư TĂNG-GIÀ-ĐỀ-BÀ (僧伽提婆 - Saṅghadeva, Hán dịch là Chúng Thiên) – Xem tiểu sử trong phần Trung A-hàm kinh ở trên.

*

Tham khảo:  
1) Tuệ Sỹ (2008). Trường A-hàm Tổng mục lục.
2) Tuệ Sỹ (2009). Trung A-hàm Tổng mục lục.
3) Tuệ Sỹ (2010). Tạp A-hàm Tổng mục lục.
4) Tuệ Sỹ (2011). Tăng nhất A-hàm Tổng mục lục.
5) Từ điển Phật Quang
6) Từ điển Phật học Tinh tuyển
7) Nguyễn Minh Tiến & Nguyễn Minh Hiển (2004). Mục lục Đại chánh Tân tu Đại tạng kinh.
8) Thích Nhật Từ (2021). Mục lục Tam tạng Đại chánh.

Ghi thêm: Bốn bộ A-hàm tiếng Hán này đã được dịch sang tiếng Việt. Có ba bản dịch:
1) Bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Trí Tịnh và Hòa thượng Thích Thanh Từ,
2) Bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Tuệ Sĩ và Hòa thượng Thích Đức Thắng, và
3) Bản Việt dịch của Trung tâm Dịch thuật Trí Tịnh.

*-----*









Saturday, 21 December 2024

Các nhóm hành giả Theravada ở phương Tây

 CÁC NHÓM HÀNH GIẢ THERAVADA Ở PHƯƠNG TÂY

Dr David Snyder, chủ nhân trang web Dhamma Wiki, https://dhammawiki.com/, phân chia các nhóm Theravada hiện đang sinh hoạt trong xã hội phương Tây theo các khuynh hướng như sau:

1. KHUYNH HƯỚNG THIỀN THƯ GIÃN: Những người này chỉ thích hành thiền để thư giãn tâm trí, giảm stress, để dễ tập trung vào các công việc hàng ngày. Đa số không phải là Phật tử, hầu như không đi chùa. Chỉ trao đổi trên các mạng xã hội hay tại một phòng tập yoga nào đó. Họ hầu như không tin vào thuyết tái sinh và luân hồi. Ngoài hành thiền, họ không quan tâm đến khía cạnh nào khác của Phật giáo.

2. KHUYNH HƯỚNG THIỀN VIPASSANA: Họ hành thiền quán Vipassana hoặc thêm một pháp thiền định, thiền quán tưởng nào đó dựa theo kinh điển Theravada. Họ thường tham dự các khóa thiền do các cư sĩ thiền sư hướng dẫn tại các trung tâm thiền do cư sĩ quản lý, hoặc qua các buổi họp mặt tại một hội trường hay tại nhà của một cư sĩ. Thông thường, người lãnh đạo là một cư sĩ có việc làm riêng, và chỉ hướng dẫn hành thiền trong thời gian nghỉ việc của vị ấy.

3. KHUYNH HƯỚNG TỰ VIỆN TRUYỀN THỐNG: Họ là những Phật tử chính thức quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ Giới, thường đi đến các chùa do các nhóm di dân thành lập từ các nước theo truyền thổng Theravada. Họ tham gia các khóa lễ cầu an, cầu siêu, các lễ hội truyền thống do các vị tu sĩ Phật giáo điều hành.

4. KHUYNH HƯỚNG THERAVADA TÂN THỜI: Những người này tập trung học tập kinh điển của tạng Kinh Pāli, được dịch sang tiếng bản địa. Có khi họ được gọi là những người theo khuynh hướng EBT (Early Buddhist Texts – Kinh văn Phật giáo Sơ kỳ). Họ cũng tìm hiểu sơ lược về tạng A-tỳ-đàm và các Chú giải nhưng họ chú tâm nhiều hơn đến năm bộ Nikaya của tạng Kinh. Những người này đa số là Phật tử, chấp nhận thuyết tái sinh, đơn thuần tập trung vào các bài kinh nguyên thủy, không chú tâm đến các kinh văn hậu tác.

5. KHUYNH HƯỚNG THERAVADA CỔ ĐIỂN: Họ là những Phật tử thích tìm hiểu và chú tâm học tập cả 3 Tạng của kinh điển nguyên thủy. Họ cũng chú tâm đến các luận giải của Luận sư Buddhaghosa, nhất là cuốn Thanh Tịnh Đạo, và các Chú giải khác.

Đây chỉ là một nhận xét tổng quát, sơ lược về các sinh hoạt Phật giáo ở phương Tây bắt nguồn từ truyền thống Theravada. Dĩ nhiên là có những hành giả, tùy theo hoàn cảnh và nghiệp duyên, kết hợp nhiều khuynh hướng khác nhau khi đến với Đạo Phật.

*-----*



Friday, 20 December 2024

Sách: HUYỀN TRANG, NHÀ CHIÊM BÁI VÀ HỌC GIẢ. Thích Minh Châu

 Sách:

HUYỀN TRANG, NHÀ CHIÊM BÁI VÀ HỌC GIẢ 
Thích Minh Châu
Thích Nữ Trí Hải dịch Việt (1966)
(Bình Anson hiệu đính, tháng 12-2024)

Tải bản PDF:
https://tinyurl.com/22mhrkh9  (vn307.pdf, 1.4 MB)

* Nguyên tác Anh ngữ:
HSUAN-TSANG, THE PILGRIM AND SCHOLAR. Bhikshu Thich Minh Chau (1963)

* MỤC LỤC

Lời giới thiệu

I. Diện mạo và tác phong của Ngài Huyền Trang
II. Huyền Trang, nhà Chiêm bái
III. Huyền Trang, nhà Học giả
IV. Huyền Trang, nhà Thuyết giáo
V. Huyền Trang, nhà Hùng biện
VI. Huyền Trang, nhà Dịch thuật
VII. Huyền Trang, nhà Trước tác
VIII. Huyền Trang, nhà Thần bí
IX. Những ngày cuối cùng và sự viên tịch của Pháp sư

*-----*




Wednesday, 18 December 2024

Sách: PHÁP HIỂN, NHÀ CHIÊM BÁI. Thích Minh Châu

 Sách:


PHÁP HIỂN, NHÀ CHIÊM BÁI 
Thích Minh Châu
Thích Nữ Trí Hải dịch Việt (1997) 
(Bình Anson hiệu đính, tháng 12-2024)

Tải bản PDF:
https://tinyurl.com/2h6bjsd7 (vn306.pdf, 1.6 MB)

Nguyên tác Anh ngữ:
FA-HSIEN, THE UNASSUMING PILGRIM 
Thich Minh Chau (1963)
https://tinyurl.com/aaxjtbf7 (en338.pdf, 5.5 MB)  

*

MỤC LỤC

Lời nói đầu 

Phần I: Nhân cách của ngài Pháp Hiển và cuộc chiêm bái
1. Nhân cách và quan điểm 
2. Pháp Hiển, nhà chiêm bái
3. Pháp Hiển và những bạn đồng hành 

Phần II: Hoàn cảnh Phật giáo cùng đời sống của Tăng lữ tại Ấn Độ và Tích Lan vào thế kỷ thứ V TL do ngài Pháp Hiển ghi lại
1. Hoàn cảnh Phật giáo, tu viện và tu sĩ 
2. Ðời sống tu sĩ 
3. Các ngày lễ Phật 
4. Việc thờ cúng Xá-lợi 
5. Việc thờ tháp 

Phần III: Những dữ liệu lịch sử do ngài Pháp Hiển ghi lại
1. Lịch sử và huyền thoại về cuộc đời đức Phật 
2. Những tiền thân của đức Phật 
3. Các vị Phật khác và các vị A-la-hán 
4. Ðệ tử của đức Phật 

Phần IV: Những tư liệu địa hình 
1. Khía cạnh địa hình 
2. Dân cư 
3. Khí hậu và thảo mộc 

*-----*




Sunday, 15 December 2024

Trúng vé số độc đắc

 Hôm qua vợ chồng ngồi ăn cơm tối, bà xã cho biết có một chị bạn Phật tử gốc Thái quen biết ở Perth vừa trúng số Lotto, giải nhì, trị giá khoảng 15 ngàn đô-la Úc (10 ngàn đô-la Mỹ). Rồi tôi cũng có gửi tin nhắn mừng chị ấy.

Tôi rất ít khi nào mua vé số. Nếu có mua thì khi bà con bạn bè kêu gọi hùn hạp góp tiền để mua chơi cho vui. Hầu như trong suốt cuộc đời không bao giờ trúng số. Nếu có, chỉ là những giải rất nhỏ. Khi về VN thì tôi mua giúp những người bán vé số dạo, rồi đem vé số tặng lại cho các em bảo vệ khách sạn, không bao giờ quan tâm đến. 

Rồi nói với bà xã: Thật ra, mình còn ham hố chi nữa? Mình sống bình an trong một xã hội tương đối tốt lành, môi trường ngăn nắp sạch đẹp, trợ cấp người già đầy đủ, con cháu khỏe mạnh hạnh phúc, biết được Phật pháp, sống gần chùa, gần chư tăng ni và bạn đạo đều có tâm từ, có hạnh tu tốt là mình có đại phước duyên, xem như là đã trúng số độc đắc rồi. 

Chỉ nhiêu đó thôi là quá đủ. Không mong cầu gì hơn.

– Bình Anson,
Perth, Tây Úc. 
15/12/2023 

*



Thursday, 12 December 2024

Một đám tang đơn giản – Khun SUPARP DELANEY (1925-2024)

 Bà là một trong những hội viên lâu năm của Hội PG Tây Úc. Chúng tôi quen biết gia đình bà khi đến định cư tại Perth, Tây Úc. Nhìn lại cũng hơn 45 năm. Bà từng giảng dạy ở trường cao đẳng tại Bangkok nên người Thái gọi bà là Ajahn (Giáo sư), nhưng khi sinh hoạt trong chùa, chúng tôi thường gọi bà là Khun Pah Suparp (Dì Suparp), thân mật như người trong nhà. Thỉnh thoảng, bà mời chúng tôi đến nhà ăn cơm, trao đổi các kiến thức về Phật pháp và các thông tin sinh hoạt của Hội PG. Về sau này, chúng tôi thường gặp bà tại Tu viện Bodhinyana, tịnh tu ở dãy nhà dành riêng cho các nữ cư sĩ.

Khoảng 10 năm gần đây, bà bị bệnh mất trí nhớ (dementia, sa sút trí tuệ), rối loạn thần kinh, tay chân run rẩy, không cử động được bình thường, được đưa vào nhà dưỡng lão, và qua đời vào tuần lễ trước. Tang lễ được tổ chức hôm nay tại Trung tâm Phật giáo Dhammaloka gần nhà chúng tôi, do ngài Ajahn Brahm chủ trì. Con cháu và vài bạn đạo lần lượt phát biểu cảm tưởng, chia sẻ những kỷ niệm, những câu chuyện về bà. Ajahn Brahm có một bài pháp ngắn, rồi tụng một thời kinh cầu siêu. Mọi người lần lượt đến nhìn bà lần cuối rồi cùng nhau tiễn biệt, đưa quan tài ra xe tang để tiến thẳng đến lò hỏa thiêu. Khách tham dự được mời ở lại, ăn bánh, uống trà, chuyện trò và chia buồn với gia đình bà.

Một tang lễ đơn giản, nhanh gọn và đầy đủ ý nghĩa.

– Bình Anson,
Trung tâm Phật giáo Dhammaloka
Nollamara, Perth, Western Australia 
11/12/2024

*-----*



Một vị ân nhân: Giáo sư DESMOND O’CONNOR (1926-2023)

Prof. DESMOND O’CONNOR (1926-2023) 
Former Dean, School of Environmental and Life Sciences 
Murdoch University, Western Australia

Giáo sư là Khoa trưởng Khoa Môi trường và Sinh học của Đại học Murdoch, Tây Úc, từ năm 1975 đến 1988. Vào năm 1977, khi tôi được Đại học Murdoch cấp học bổng làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, Giáo sư đã nhiệt tình giúp đỡ, can thiệp với Sứ quán Úc tại Bangkok để cấp chiếu khán và các giấy tờ cần thiết cho tôi được nhập cảnh và định cư tại Tây Úc.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ và bắt đầu cuộc đời công chức, làm việc cho chính phủ bang Tây Úc, tôi không còn liên lạc và không có thông tin gì về ông. Không hiểu lý do gì mà tối nay, sau thời hành thiền, ngồi suy tưởng về cuộc đời của mình, về những vị ân nhân đã từng giúp đỡ mình, tôi chợt nhớ đến ông. Mở máy tính, vào Internet tìm thông tin về Giáo sư thì được biết ông đã từ trần vào tháng 6 năm ngoái – 2023, hưởng thọ 97 tuổi.

Xin chân thành tri ân Giáo sư. Nguyện cho ông sớm tái sinh về nhàn cảnh. 🙏🙏🙏

- Binh Anson 
Perth, Western Australia 
11/12/2024

*-----*



Wednesday, 11 December 2024

A-tỳ-đàm: Tổng quan & Nguồn gốc lịch sử

 Xin giới thiệu một bài viết bằng tiếng Anh của Wikipedia, chứa nhiều thông tin chi tiết và khách quan về A-tỳ-đàm (Abhidharma, Abhidhamma, Vi diệu pháp). Link của trang web:
https://en.wikipedia.org/wiki/Abhidharma

*