Saturday, 28 June 2008

Chung sống hạnh phúc

Sống Chung Này các Tỷ-kheo, có bốn loại sống chung này. Thế nào là bốn? Ðê tiện nam sống chung với đê tiện nữ. Ðê tiện nam sống chung với Thiên nữ. Thiên nam sống chung với đê tiện nữ. Thiên nam sống chung với Thiên nữ. (…) Và này các Gia chủ, thế nào là Thiên nam sống chung với Thiên nữ? Ở đây, này các Gia chủ, người chồng và người vợ cùng nhau từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, có giới, có chánh kiến, thiện tánh, sống ở gia đình không với tâm bị cấu uế xan tham chi phối, không có nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. (AN 4.53) Xứng Ðôi (AN 4.55) Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga tại núi Sumsumāra, rừng Bhesakalā, ở vườn Nai. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ gia chủ cha Nakulā, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi gia chủ cha Nakulā và nữ gia chủ mẹ Nakulā đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ cha Nakulā bạch Thế Tôn: – Từ khi nữ gia chủ mẹ Nakulā được đem về đây cho con khi con còn trẻ tuổi, con không bao giờ biết con có điều gì xâm phạm đến vợ con, cho đến ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa. Nữ gia chủ mẹ Nakulā bạch Thế Tôn: – Bạch Thế Tôn, từ khi con được đem về đây cho gia chủ cha Nakulā, khi con còn trẻ tuổi, con không bao giờ biết con có điều gì xâm phạm đến gia chủ cha Nakulā, cho đến ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau, trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa. – Vậy này các Gia chủ, khi cả hai vợ và chồng muốn thấy mặt nhau trong đời này, và cũng muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa, và cả hai người là đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí tuệ, thời trong đời hiện tại, các người được thấy mặt nhau, và trong đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau.
Cả hai, tín, bố thí, Sống chế ngự, chánh mạng, Cả hai vợ chồng ấy, Nói lời thân ái nhau, Ðời sống nhiều hạnh phúc, Chờ đợi hai người ấy. Kẻ thù không thích ý, Cả hai giới hạnh lành, Ở đây sống theo Pháp, Giữ cấm giới đồng đẳng, Cả hai giới hạnh lành, Sống hoan hỷ Thiên giới, Hân hoan được thỏa mãn, Ðúng với điều sở cầu.
* Tk Giác Giới tóm tắt trong cuốn “Kho tàng pháp học”: Bốn pháp làm duyên xứng đôi chồng vợ (Samajīvīdhamma): 1. Đồng đẳng đức tin (Samasaddhā), hai người đều có chánh tín. 2. Đồng đẳng giới hạnh (Samasīla), hai người đều có giữ giới. 3. Đồng đẳng thí xả (Samacāgā), hai người đều có hạnh bố thí. 4. Đồng đẳng trí tuệ (Samapaññā), hai người đều có trí tuệ hiểu biết. * Đối xử giữa vợ chồng: Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Sigàlovàda sutta), Trường bộ 31: Này Gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: Quý trọng vợ; không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang với vợ; Này Gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc. Này Gia chủ, người vợ được người chồng đối xử như phương Tây theo năm cách và người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách. Như vậy phương Tây được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi. *

Friday, 27 June 2008

Tinh thần Vô Ngã trong lối xưng hô tiếng Việt

Tối nay ngồi nghe chư Tăng trong PalTalk bàn luận về chữ Tathagata (Như Lai) mà Đức Phật thường dùng để dùng để tự xưng. Thay vì dùng đại danh từ ngôi thứ nhất, Ngài dùng Tathagata là ngôi thứ ba để tự xưng. Tôi liên tưởng đến một bài viết khá lâu của 1 học giả Tây phương về ngôn ngữ VN, trong đó, người Việt cũng không có đại danh từ ngôi thứ nhất (tương đương với "I" hay "me" của tiếng Anh) để tự xưng. các chữ: tôi, ta, tớ, anh, em, chị, v.v. thật ra, cho chính xác, đều thuộc về ngôi thứ ba.

Đọc: Vietnamese mode of self-reference: A model of Buddhist egology, Steven W. Laycock (1994), http://www.budsas.net/ebud/ebdha124.htm

Bàn về chữ Minh, Trí, Tuệ

1) Bàn về chữ Minh:

‘Minh” thường dùng để dịch chữ “vijjā”, “Trí” dùng để dịch chữ “ñāna”, và “Tuệ” dùng để dịch chữ “paññā”. Tuy nhiên, đó chỉ là 1 nhận xét đầu tiên, không phải hoàn toàn tuyệt đối như thế. Các chữ này đôi khi dùng lẫn lộn với nhau, trong Pāli cũng như trong Hán Việt.

Trước hết, hãy thử bàn về chữ Minh:

- Avijjā: vô minh
- Tevijjā: tam minh (túc mạng minh, sinh tử minh, lậu tận minh), có khi cũng gọi là Trí, vì ñāna cũng được dùng đến.
- Vijjā-carana: minh hạnh (một trong 9 danh hiệu Phật)

Trong chữ Hán, có nhiều cách viết chữ Minh, và vì thế mang nhiều ý nghĩa khác nhau:

- Minh 明 (bộ Nhật): Nhật là mặt trời hay ban ngày, cho nên chữ Minh này có nghĩa là sáng, sáng tỏ, ngay thẳng, rõ ràng, v.v. và là chữ ta thường gặp trong kinh sách: minh quang, minh trí, chứng minh, phân minh, minh bạch, minh tinh, văn minh, khải minh, tam minh, v.v.
(chiết tự: Minh = Nhật + Nguyệt)

- Minh 銘 (bộ Kim): Kim là hiện tại, và chữ Minh này có nghĩa là ghi nhớ không quên, như chữ “minh tâm” (ghi khắc trong lòng). Chữ này ít gặp.

- Minh 盟 (bộ Mãnh): Mãnh là 1 thứ hộp để chứa các đồ vật khác, hay các loại chén đĩa. Chữ Minh này có nghĩa là thề nguyện, lời thề, thề thốt cùng làm bạn, chung nhóm với nhau. Từ đó sinh ra các chữ: đồng minh, liên minh, minh ước.

- Minh 冥 (bộ Mịch): Mịch là bao trùm, đậy lại, viết ra như 1 cái nắp đậy. Chữ Minh này có nghĩa là u ám, ngu tối, sâu tối, sâu ngầm, cõi âm, cõi chết … như chữ: u minh (rừng U Minh ở Cà Mau), minh minh (2 chữ minh, càng thêm u tối, chỗ hồn ma ở), minh khí (đồ vàng mã chôn theo người chết).

- Minh 溟 (bộ Thủy): biển, trận mưa nhỏ, như “Nam minh”: biển Nam. Chữ này ít gặp.

- Minh 螟 (bộ Trùng): một thứ sâu ăn lúa.

- Minh 蓂 (bộ Thảo): Thảo là cỏ, ở đây, Minh là 1 loại cỏ.

- Minh 鳴 (bộ Điểu): Điểu là chim. Chữ Minh này có nghĩa là gáy, hót, phát ra âm thanh, gõ, có tiếng tăm, … Như: kê minh (gà gáy), lôi minh (sấm vang), minh la (đáng phèn la), minh tạ (bày tỏ lòng tạ ơn), minh khiêm (có tiếng tăm về khiêm nhường).

Ghi chú thêm: “viên minh” 猿 鳴 nếu viết theo chữ này là tiếng kêu của con vượn (viên, thuộc bộ Khuyển, là con vượn), “viên minh” 圓 明 viết theo bộ Nhật có nghĩa là có trí sáng suốt tròn đủ (viên, thuộc bộ Vi, ở đây là tròn, tròn đủ). Thêm vào đó, mỗi khi ai đó dùng lời hoa mỹ, khen tôi là người "minh triết" (!), tôi cảm thấy ngượng, và tự hỏi không biết chữ "minh" đó là từ bộ Nhật hay bộ Mịch?!

2) Bàn về chữ Trí:
Trong Hán Việt, Trí có nhiều nghĩa:

- Trí 智 (bộ Nhật): thông minh, hiểu biết, khôn. Đây là chữ Trí thường dùng trong kinh sách (đại trí, hiền trí, trí tuệ).
(chiết tự: Trí = Tri + Nhật)

- Trí 置 (bộ Võng): thả, phóng thích, bỏ đi, đặt để (bài trí, phối trí, bố trí, vị trí).

- Trí 致 (bộ Chí): suy cho cùng, hết lòng, truyền đạt, trả lại, ý hướng (nhất trí: đồng lòng, đồng ý).

- Trí 緻 (bộ Mịch): tỉ mỉ, khít khao.

3) Bàn về chữ Tuệ:
Người miền Nam thường dùng chữ Huệ, và có khi dùng cả Tuệ và Huệ. Thí dụ: trí tuệ, Lục tổ Huệ Năng, phước huệ song tu, giới định tuệ, …

- Tuệ 慧 (bộ Tâm): sáng trí, hiểu biết tường tận. Đây là chữ thường thấy nhất trong kinh sách (trí tuệ, tuệ nhãn, tuệ giác, v.v.).
(chiết tự: Tuệ = Tuệ (cái chổi, 11 nét) + Tâm)

- Tuệ 彗 (bộ Kí): cái chổi quét nhà (tuệ tinh: sao chổi).

- Tuệ 穗 (bộ Hòa): bông lúa, hoa đèn.

- Tuệ 槥 (bộ Mộc): cái áo quan nhỏ.

- Tuệ 篲 (bộ Trúc): cái chổi.

Xin ghi nhận ở đây là trong 3 chữ liên hệ đến sự hiểu biết, thông minh, thông thái dùng trong kinh sách, chữ Trí và Minh dựa theo bộ Nhật, nghĩa là đầu óc phải sáng chói như mặt trời. Còn chữ Tuệ lại dựa vào bộ Tâm. Phải chăng đây là một dụng ý cao thâm của các vị cao nhân học giả ngày xưa, nếu tâm không tốt, còn nhiều bụi bặm dơ bẩn, không dùng cái chổi để quét dọn sạch sẽ, thì làm sao có tuệ?





* Xem thêm: Hán Việt Từ Điển, http://hanviet.org/

Wednesday, 25 June 2008

Pháp sư Ấn Thuận (Taiwan)

Trích đoạn từ một bài giảng của Pháp sư Ấn Thuận (Thích Hạnh Bình dịch Việt):
(nguồn: http://www.thuvienhoasen.org/hanhbinh-nghiencuuphathoc.htm" )

1) "... thái độ học tập Phật pháp của tôi là chỉ tin tưởng vào đức Phật, không tin tưởng ở bất cứ ai, cũng không nhất định phải tin tưởng vào các bậc Tổ sư. Có người cho rằng, là người Trung Quốc, nhất định phải tin tưởng vào giáo lý tư tưởng của những Tổ sư người Trung Quốc, tôi hoàn toàn không đồng tình với quan niệm này. Giả sử như cái gì là chân chánh của Phật pháp, dù nó là gì đi nữa, tôi nhất định tin theo, ngược lại nếu như là những điều không đúng với Phật pháp, đó chỉ là quan điểm riêng của người Trung Quốc, nhất định tôi không thể tin theo được"

2) "... Có người hỏi, tôi tu học theo Tông phái nào? Tôi không biết phải trả lời như thế nào! Một số người nghĩ rằng, nên y vào một Tông một phái nào đó tu học mới đúng. Nhưng theo tôi, Tông phái chỉ là phương tiện đem Phật pháp để thích ứng tính đặc thù văn hóa tư tưởng của từng thời đại, do đó hình thành và phát triển thành Tông phái khác nhau. Cũng giống như có nhiều con đường khác nhau cùng dẫn đến đỉnh núi. Riêng tôi không thuộc về Tông phái nào cả, chẳng qua có người cho tôi là Tam luận tông, cũng có người gọi tôi là Luận sư.Thật sự mà nói, tôi cũng không hiểu tại sao họ cho tôi như thế. Kỳ thực, tôi không phải là người như thế đó, gọi như thế nào cũng được miễn là tôi tự hiểu rằng, tôi không phải là người như thế là đủ rồi. "

3) "... Phương pháp nghiên cứu của tôi về Phật học, có thể nói là rất cố chấp, vì tôi cho rằng, chúng ta là một tín đồ Phật giáo, cần phải lấy phương pháp của Phật pháp để nghiên cứu Phật pháp. Thế thì chúng ta bằng cách nào để nghiên cứu Phật pháp? Ðức Phật đã từng chỉ ra rằng, có một loại chân lý rất phổ biến và hiện thực ở thế gian, cũng có thể nói là sự thật của cuộc đời là: Tất cả sự tồn tại của sự vật đều không thể tách rời nguyên tắc phổ biến này. Nguyên tắc này, tức là “Các hành đều vô thường, các pháp đều vô ngã”. Tôi cho rằng, khi chúng ta nghiên cứu Phật pháp, nên vận dụng nguyên tắc này để xử lý mọi vấn đề. "

4) "... Vấn đề học tập, có người không biết cách học, bèn dùng cách ghi chép, thầy giáo nói điều gì ghi chép điều ấy, về sau cứ y như thế mà phát biểu. Ðứng về phương diện học vấn mà nói, đây không phải là cách làm của người nghiên cứu, nó sẽ không giúp ích gì cho sự tiến bộ của chúng ta. Khi chúng ta đọc sách, cần phải phát hiện những điều mới mẻ ở trong đó. Trước khi xem sách, người đọc cần có một vài ý niệm đơn sơ về nó. Trong quá trình đọc duyệt kinh luận, tự biết mình có những nhận thức sai lầm, tự biết sai lầm, có nghĩa là đã tiến bộ, nếu như ba năm về trước tôi cho rằng cái này là như thế này, cho đến nay vẫn như thế, tức là không có gì mới mẻ, nó đồng nghĩa không tiến bộ. Vấn đề nghiên cứu, chúng ta cần có nhiều thời gian suy tư về nó, bằng nhiều góc độ khác nhau để phát hiện chúng ta sai ở điểm nào và tại sao sai, chúng ta luôn sửa đổi nhận thức sai lầm của mình, sửa thành chính xác hơn đúng hơn, điều đó cũng sẽ cống hiến cho mọi người tốt hơn. "

5) "... Tôi không cần thảo luận sự chân thật tu chứng, nhưng khi chúng ta nghiên cứu học vấn, phụng sự Phật pháp hay làm những việc phúc lợi xã hội, chúng ta cần phải lấy Phật pháp làm kim chỉ nam chỉ đạo cho chính mình, sách tấn chính mình, điều đó sẽ giúp cuộc sống tinh thần của chúng ta càng ngày càng tốt hơn. Nếu như vị nào đối với việc học tập, cảm thấy càng học càng phiền não đau khổ, hoặc tự cho rằng, không ai bằng mình, sanh tâm khinh mạn, thậm chí phụ ân thầy tổ huynh đệ đều không bằng, người này chắc chắn cũng sẽ gặt lấy khổ đau. Người chân chánh học Phật, thường đem Phật pháp áp dụng vào cuộc sống, cải đổi thói hư tật xấu, Phật giáo vốn là một tôn giáo, không chỉ đơn thuần chỉ là tri thức thế gian. Nghiên cứu Phật pháp mà cuộc sống không có chút gì gọi là Phật pháp, thì công việc nghiên cứu ấy cũng giống như những tri thức của thế gian, nó không phải là Phật pháp. "

Tuesday, 24 June 2008

Ai thuyết A-tỳ-đàm (Abhidhamma, Thắng pháp, Vi diệu pháp)?

Vài ghi nhận khi đọc phần mở đầu của cuốn "Atthasālinī - Chú giải Bộ Pháp tụ" của Luận sư Buddhaghosa (Phật Âm), Tỳ-khưu Siêu Minh dịch Việt (2005):
  
Trong 3 tháng của mùa an cư thứ bảy, Đức Phật ngự tại cung trời Tāvatimsa (Tam Thập Tam) giảng A-tỳ-đàm cho chư thiên (trong đó, có thân mẫu ngài Bồ-tát). Hằng ngày, Đức Phật tạo ra một hình hài thứ nhì, xuống địa cầu, gần hồ Anottata, đi khất thực. Sau khi thọ thực và nghỉ trưa, Đức Phật tóm tắt lại cho Trưởng lão Sāriputta (Xá-lợi-phất). Sau đó, ngài Sāriputta giảng rộng ra cho 500 vị tỳ-khưu và về sau, kết tập lại thành 6 bộ A-tỳ-đàm. Bố cục, sắp xếp các bộ này là do ngài Sāriputta đặt ra. Đó là: 
  
1) Dhammasanganī (Pháp tụ)
2) Vibhanga (Phân tích)
3) Dhātukatha (Chất ngữ)
4) Puggalapaññattī (Nhân chế định)
5) Yamaka (Song đối)
6) Patthāna (Vị trí)
  
Ngoài ra, Đức Phật cũng đưa ra một bảng đề mục (khung sườn, dàn bài) và tiên đoán 218 năm sau sẽ có Trưởng lão Moggaliputta Tissa (Mộc-kiền-liên Đế-tu) khai triển thành bộ thứ 7 là Kathāvatthu (Thuyết luận sự). Vào thời vua A-dục, 218 năm sau khi Phật bát-niết-bàn, Trưởng lão Moggaliputta Tissa ngồi thiền giữa hội chúng 1000 vị tỳ-khưu và suy ra toàn bộ cuốn này.
 
Như vậy – theo Luận sư Buddhaghosa trong cuốn Atthasālinī – tạng A-tỳ-đàm như đã được kết tập và lưu truyền cho đến ngày nay, thật ra, không phải là tập hợp các bài giảng của Đức Phật về A-tỳ-đàm (Vi diệu pháp), mà là tập hợp các bài giảng của Trưởng lão Sāriputta và Trưởng lão Moggaliputta Tissa.
 
Trưởng lão Sāriputta sắp xếp các bài giảng của ngài trong sáu bộ đầu tiên. Còn bộ thứ 7 (Thuyết luận sự) là tổng hợp các bài giảng của Trưởng lão Moggaliputta Tissa.
 
Bảy bộ này kết hợp thành tạng A-tỳ-đàm (hay Thắng pháp, Vi diệu pháp) của Tam tạng Kinh điển Pāli.

*

Monday, 23 June 2008

Ba tạng, Năm bộ, Chín thể

Đọc Chú giải Tiểu tụng (Khuddakapatha Atthakatha), Luận sư Buddhaghosa, Tk Nanamoli dịch Anh, Tk Thiện Minh dịch Việt:

Thay vì sắp đặt 3 tạng kinh điển Kinh, Luật và Thắng pháp tạng, Ngài Buddhaghosa chia 5 bộ: Trường bộ, Trung bộ, Tương ưng, Tăng chi, và Tiểu bộ. Ngài xếp tạng Luật và tạng Thắng pháp (A tỳ đàm) vào Tiểu bộ.

Trong phần mở đầu của Chú giải bộ Pháp tụ (Atthasalini, Tk Thiện Minh dịch Việt), Ngài Buddhaghosa đề cập đến sự phân chia nầy với nhiều chi tiết hơn, và trình bày rõ hơn về nguồn gốc của tạng Thắng pháp.

Nếu nói về tạng (pitaka), có 3 tạng: Kinh, Luật, và Thắng pháp.

Nếu nói về bộ (nikāya), có 5 bộ: Trường bộ, Trung bộ, Tương ưng, Tăng chi, và Tiểu bộ (bao gồm cả tạng Luật và Thắng pháp).

Nếu nói về thể loại (anga, phần), có 9 loại: khế kinh (sutta), ứng tụng (geyya), ký thuyết (veyyākarana), kệ ngôn (gāthā), cảm hứng ngữ (udāna), như thị thuyết (itivuttaka), bổn sinh (jataka), vị tằng hữu (abbhūtadhamma), phương quảng (vedalla). Trong đó, các bài giảng về Thắng pháp - A tỳ đàm được xếp vào loại ký thuyết.

Nếu nói về pháp uẩn (dhammakkhanda, đoạn pháp, đơn vị pháp, dhamma unit), có 84.000 pháp uẩn, trong đó 2.000-3.000 đoạn pháp là A tỳ đàm.

Thiền-na đưa đến Niết Bàn

Nhân đọc blog về Chỉ Quán, một bạn đạo có nhắc tôi về 1 bài kinh trong Tương Ưng về việc phát triển thiền-na (jhana) trong tu tập như sau:

Tương Ưng, SN LII.1
Thiền-na đưa đến Niết-bàn


Tại Savatthi (Xá vệ). Ðức Thế Tôn giảng:


--"Này các Tỷ-kheo, có bốn Thiền này. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly các pháp bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.

Làm tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhứt tâm.

Ly hỷ, trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm, lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba.

Ðoạn lạc, đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn Thiền.

Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bốn Thiền, làm cho sung mãn bốn Thiền, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bốn Thiền, làm cho sung mãn bốn Thiền như thế nào để thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. ... an trú vào Thiền thứ hai ... an trú vào Thiền thứ ba ... an trú vào Thiền thứ tư.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bốn Thiền, làm cho sung mãn bốn Thiền, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn." (HT Minh Châu dịch)

Giới - Định - Tuệ

Sáng nay thức dậy sớm, trong khi sửa soạn điểm tâm, mở PalTalk nghe được 1 bài giảng về Bát Chánh Đạo. Lời giảng giản dị, rõ ràng, dễ hiểu.

Vấn đề ở đây là làm sao áp dụng vào cuộc sống? Tám yếu tố này bổ sung cho nhau, không thể thiếu sót một yếu tố nào, thì con đường mới thực hiện trọn vẹn.

Chúng ta thường chỉ nhớ các điều tóm tắt. Tóm tắt lại ở đây là Giới (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng), Định (chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định), Tuệ (chánh kiến, chánh tư duy). Giống như cái ghế 3 chân, phải dài đều nhau thì mới vững vàng. Làm sao để có Tuệ nếu tâm không định tĩnh (Định) và nếu đời sống quá phức tạp, nhiều oan trái (không có Giới)? Có mấy ai giữ được Chánh Ngữ? It's easier said than done!

Issues:

1) Dùng chữ định tỉnh (dấu hỏi) hay định tĩnh (dấu ngã)? Có lẽ ta cần cả hai: tỉnh (tỉnh táo, tỉnh thức) và tĩnh (tĩnh lặng, an tĩnh).

2) Định: chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định -- hay nói khác đi, phải có nỗ lực đúng đắn về cả Chỉ lẫn Quán. Nếu không đem tâm an trú vào các trạng thái thiền-na (jhana) thì làm sao có chánh định? "Thiền vipassana" (vipassana bhavana), mà ngày nay chúng ta thường nghe nhiều người đề cập đến, có liên hệ gì trong Định và chánh định?

Có nhiều thiền sinh (và thiền sư) cho rằng thiền chỉ (thiền định, samatha bhavana) là thiền ngoại đạo, không đưa đến giải thoát ... Thế thì tại sao trong kinh tạng, Phật dạy rất nhiều về jhanas -- liên quan đến samatha bhavana, hơn là đề cập đến vipassana bhavana? Tại sao trong bộ luận Thanh tịnh đạo, ngài Phật Âm (Buddhaghosa) đã đề cập rất nhiều về các phương pháp đưa đến định và thiền-na, gần như là 1/3 quyển sách? Chánh niệm là nền tảng chung cho các pháp môn hành thiền, không phải chỉ dành riêng cho vipassana bhavana. Trong định nghĩa về thiền-na cấp 3 và 4 (tam thiền và tứ thiền) của chánh định, yếu tố Niệm lúc nào cũng hiện diện ở đó.

Sunday, 22 June 2008

Kinh Điềm lành (2)

Patirūpadesavāso ca,
Pubbe ca katapuññatā,
Attasammāpanidhi ca,
Etam mangalam uttamam.


Ở trú xứ thích hợp,
Quá khứ tạo nhân lành,
Hướng tâm theo lẽ chánh,
Là điềm lành tối thượng.


Có 3 điềm lành:


- Trú xứ (desa) thích hợp (patirūpa) là những nơi có môi trường văn hóa xã hội tốt cho sự tu tập. Ở bầu thì dài, ở ống thì tròn. Chúng ta thường bị tác động bởi hoàn cảnh xã hội. Ở những nơi chỉ chuộng hình thức hào nhoáng bên ngoài, hưởng thụ vật chất, chạy theo nhu cầu dục lạc, lễ nghi rườm rà, chuộng các lời hoa mỹ rỗng tuếch thì cũng khó tu tập.

- Nếu trong quá khứ của đời này, hay trong các đời trước, đã tạo các công đức (katapuññatā), nay, quả phước lành sẽ được gặt hái trong hiện tại. Đây là một điềm lành. Bằng không, hãy nỗ lực làm việc thiện, để tạo nhân lành cho tương lai.

- Một điềm lành khác là tâm ta có định hướng chân chánh, đúng đắn (sammāpanidhi), hiệp theo lẽ đạo. Đây là điều quan trọng, phải có tác ý đúng.

Đang phân vân, không biết dịch "mangala" như thế nào? Điềm lành (auspicious sign) hay phước/phúc lành (blessing)? Các bản Anh dịch gần đây thì dùng chữ "blessing", làm tôi liên tưởng đến thành ngữ "God bless you", một lời chúc rất phổ thông trong xã hội Anh Mỹ (Cầu xin Thượng đế ban phúc lành cho bạn), hay "God bless America" (Thượng đế ban phúc cho nước Mỹ). Có sách dịch Mangala là phước đức, hạnh phúc, v.v.

Theo bản Chú giải Tiểu tụng (Sư Thiện Minh dịch Việt), trong phần giới thiệu bài kinh, đề cập đến các thảo luận giữa các người Ấn thời đó về các điềm lành vào buổi sáng sớm, trước khi làm ăn buôn bán ... (cũng giống như ngày nay, khi các cửa tiệm bắt đầu trong ngày, thường mong thấy các điềm may mắn). Có lẽ tạm thời dùng chữ "điềm lành" ở đây.

Saturday, 21 June 2008

Từ đâu ra?

Vừa làm việc, vừa nghe bàn luận trong các room Phật giáo của PalTalk. Có 1 vị thắc mắc về câu: Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình. Tôi hỏi câu đó từ đâu ra? Vị ấy trả lời là từ 14 điều răn (sic) của Đức Phật. Tôi hỏi 14 điều đó là từ nguồn kinh điển nào? Không ai trả lời ...

Mấy năm trước, khi tôi về VN, được 1 Sư cô tặng cho 1 cái quạt, trên đó có viết ra 14 điều này, gọi là "14 Điều Phật dạy", viết fantasy theo kiểu thư pháp. Khi viếng thăm các chùa, tôi thấy các điều đó được in ra trong các loại posters và treo trên tường. Các posters đó cũng thấy bán ở vài nhà sách Saigon, và hiện nay cũng thấy phổ biến tại các websites ... Đến nay, tôi vẫn chưa biết xuất xứ nguồn gốc của 14 điều đó ... Có hỏi vài vị Tăng Ni và đạo hữu, không ai biết đích xác từ đâu ra!

Hình như tâm lý chung của chúng ta là có thái độ lười biếng, dễ dãi. Cái gì nghe có vẻ có lý là chấp nhận ngay, không phân tích rõ ràng, không cần biết có phải chính do Phật nói, không cần biết có ghi trong kinh điển hay không.


(*) 24-06-2009: Tôi đã tìm được câu trả lời: 14 điều đó là do Hòa thượng Kim Cương Tử (Hải Phòng) đề xuất, dựa theo 1 tấm bảng ghi ở chùa Thiếu Lâm Tự, Trung Quốc. Bây giờ hầu như không ai biết được nguồn gốc xuất xứ đó.


Điều này làm tôi liên tưởng đến một số "kinh Phật", không biết xuất xứ gốc gác từ đâu, nhưng đa số đều chấp nhận là do Phật dạy!

Kinh Điềm lành

Đang đọc lại bài kinh Điềm Lành, Mangala Sutta, kệ 1:

Asevanā ca bālānam,
Panditānañca sevanā,
Pūjā ca pūjanīyānam,
Etam mangalam uttamam.


Không gần kẻ ngu si,
Thân cận người hiền trí,
Cúng dường bậc xứng đáng,
Là điềm lành tối thượng


Đầu tiên là 3 điềm lành: tránh xa kẻ ngu (bāla, fool, ignorant), thân cận người hiền trí, thiện tri thức (pandita), cúng dường (pūjā) những bậc xứng đáng để được cúng dường. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Người ngu ở đây là người không biết phân biệt thiện ác và có khuynh hướng theo các điều xấu ác. Bậc trí hiền là những người có đạo đức, tinh cần học và hành trong giáo pháp. Tôn kính và dâng tặng phẩm vật đến các bậc tôn túc, phẩm hạnh thanh cao là một điều quý nên làm.

Bắt đầu (21/06/2008)

This blog will be written in English and Vietnamese. Blog nầy sẽ được viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt.