Friday, 3 January 2025

24 bệnh thường gặp ở người cao tuổi

 24 BỆNH THƯỜNG GẶP Ở NGƯỜI CAO TUỔI 
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
tamanhhospital.vn/benh-thuong-gap-o-nguoi-cao-tuoi/  

*

Tìm hiểu thông tin về các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, cách phòng ngừa bệnh người già hay gặp có thể giúp chủ động phòng tránh bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tốt hơn.

Những bệnh thường gặp ở người cao tuổi có thể khiến người bệnh giảm chất lượng cuộc sống, sức khỏe suy yếu nhanh, thậm chí giảm tuổi thọ. Mỗi người cần tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa các bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi từ sớm để có những điều chỉnh, can thiệp phù hợp.

VÌ SAO NGƯỜI CAO TUỔI THƯỜNG DỄ MẮC BỆNH?

Khi già đi, cơ thể bắt đầu lão hoá, trở nên kém hiệu quả hơn trong việc điều chỉnh nhiệt độ, chống lại nhiễm trùng và các bệnh lý khác. Lúc này, người cao tuổi dễ bị chấn thương, tai nạn, mắc bệnh hơn so với những người trẻ tuổi. 

Cụ thể, khi càng lớn tuổi thì các mảng mỡ tích tụ trong động mạch ngày càng nhiều, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Lão hóa khiến cơ thể của người trung niên và người cao tuổi mất đi lượng canxi cùng các khoáng chất khác. Sự suy giảm mật độ xương tăng nhanh do lão hoá khiến xương trở nên mỏng và yếu hơn.  

Người cao tuổi còn dễ mắc bệnh hơn do lão hoá làm cho các tế bào dễ bị tổn thương hơn, quá trình phục hồi chậm hơn, sức đề kháng suy giảm. Những bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi cũng có nhiều khả năng phát triển hơn do người cao tuổi dễ mệt mỏi, ít vận động tập thể dục, ngồi hoặc nằm nhiều … 

CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP Ở NGƯỜI CAO TUỔI

Một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi có thể kể đến như:

1. Tiểu đường (đái tháo đường) - Diabetes

Bệnh tiểu đường là một căn bệnh mạn tính ở người lớn tuổi, ảnh hưởng đến khoảng 33% số người từ 65 tuổi trở lên. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin đúng cách, hoặc kết hợp cả hai vấn đề trên. Khi cơ thể gặp vấn đề với insulin, cơ thể có lượng glucose trong máu tăng cao (tăng đường huyết), điều này diễn ra trong thời gian dài gây tàn phá sức khỏe. (1)

Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở người lớn tuổi có thể diễn ra từ nhẹ đến nặng, bao gồm khát nước và đi tiểu nhiều, mờ mắt, mệt mỏi, chóng mặt, ngất xỉu… Không phải người lớn tuổi nào bị tiểu đường cũng có toàn bộ các triệu chứng này. Tùy theo từng mức độ nghiêm trọng của bệnh mà người bệnh có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng cùng lúc. Các yếu tố quan trọng dẫn đến bệnh tiểu đường là do sự thiếu hụt bài tiết insulin phát triển theo tuổi tác, tình trạng kháng insulin ngày càng tăng do thay đổi thành phần cơ thể và thiểu cơ. (2)

2. Suy giảm trí nhớ (Bệnh Alzheimer) - Alzheimer's disease and dementia

Bệnh Alzheimer là một căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi gây sa sút trí tuệ và bệnh diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn khi người bệnh ngày càng lớn tuổi. Ở giai đoạn đầu, tình trạng mất trí nhớ xảy ra với mức độ nhẹ. Ở giai đoạn cuối, người bệnh thậm chí có thể bị mất khả năng giao tiếp và phản ứng với môi trường.

Tốc độ tiến triển của bệnh Alzheimer rất khác nhau. Trung bình, những người mắc bệnh Alzheimer sống được từ 3 đến 11 năm sau khi được chẩn đoán. Nhưng một số người bệnh vẫn có thể sống được 20 năm hoặc hơn. (3)

3. Suy giảm thính lực - Hearing loss

Suy giảm thính lực là tình trạng mất thính lực dần dần ở cả hai tai. Đây là một trong các bệnh thường gặp ở người cao tuổi liên quan đến vấn đề lão hoá. Các khảo sát cho thấy, ⅓ người cao tuổi trên 65 tuổi gặp vấn đề liên quan đến suy giảm thính lực. Tình trạng suy giảm này không diễn ra đột ngột mà thay đổi dần dần nên thậm chí một số người còn không nhận ra vấn đề sức khỏe của mình. (4)

Nguyên nhân phổ biến dẫn đến căn bệnh người già hay gặp này chính là do những thay đổi ở tai trong xảy ra khi già đi. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến di truyền và thói quen khi còn trẻ (thường xuyên đeo tai nghe, nghe âm thanh quá lớn…) cũng làm tăng nguy cơ bị suy giảm thính lực khi về già.

4. Đục thủy tinh thể - Cataracts

Trong các bệnh thường gặp ở người già thì đục thuỷ tinh thể cũng là một căn bệnh phổ biến. Người bệnh có thể bị mờ một phần hoặc toàn bộ thuỷ tinh thể. Đây là căn bệnh không thể phục hồi và diễn ra ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến mất thị lực hoàn toàn. Khoảng 20% những người từ 65 tuổi trở lên bị đục thủy tinh thể. Khoảng một nửa số người từ 75 tuổi trở lên bị đục thủy tinh thể. (5)

5. Loãng xương - Osteoporosis

Người cao tuổi cũng có nguy cơ gặp các vấn đề về xương khớp do tình trạng suy giảm mật độ xương cũng như việc xương mất đi lượng canxi và khoáng chất cần thiết khiến xương mỏng manh hơn, yếu hơn. Người cao tuổi thường dễ bị loãng xương hơn.

Để củng cố sức khỏe xương khớp và giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương, người cao tuổi cần tập thể dục với cường độ phù hợp, tiêu thụ thực phẩm giàu canxi, vitamin D.

6. Viêm khớp - Arthritis

Một căn bệnh mạn tính ảnh hưởng đến nhiều người lớn tuổi là viêm khớp, gây đau khớp, cứng khớp và sưng tấy ở các khớp. Viêm khớp là một trong những phản ứng tự nhiên của cơ thể trước bệnh tật hoặc chấn thương, xuất hiện phổ biến, đặc biệt là khi già đi.

Mặc dù hiện tại không có cách chữa dứt điểm bệnh viêm xương khớp nhưng một số phương pháp điều trị có thể làm giảm bớt triệu chứng. Trong đó, tập thể dục là một phương pháp giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tập thể dục giúp bôi trơn các khớp và tăng cường cơ bắp xung quanh khớp.

7. Bệnh tim mạch - Ischemic heart disease (coronary heart disease)

Một trong các bệnh thường gặp ở người cao tuổi nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng là những bệnh lý tim mạch như đau tim, đột quỵ, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính … Tình trạng tích tụ mảng bám có thể làm tăng độ xơ cứng trong động mạch - một trong những thay đổi phổ biến mà người cao tuổi gặp phải. Mặc dù không thể kiểm soát những thay đổi liên quan đến tuổi tác nhưng người cao tuổi vẫn có thể áp dụng lối sống khoa học để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, chẳng hạn như hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc chất béo, tập thể dục mỗi ngày. 

8. Bệnh ung thư - Cancer

Ung thư có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng lên đáng kể ở “giai đoạn sau” của cuộc đời. Thống kê của GLOBOCAN 2022 thuộc WHO đưa ra thông tin, vào năm 2022, khoảng 53% số người mắc bệnh ung thư là từ 65 tuổi trở lên. Điều này cho thấy, có mối quan hệ mật thiết giữa căn bệnh ung thư và lão hóa.

Đặc biệt, tuổi tác cũng làm tăng thêm sự phức tạp khi sống chung với bệnh ung thư. Nhiều bệnh ung thư ở người lớn tuổi được chẩn đoán vào giai đoạn muộn, vì các triệu chứng ung thư sớm có thể bị nhầm lẫn với những tình trạng bệnh nhẹ liên quan đến tuổi già. Do đó, việc điều trị ung thư thường bắt đầu muộn, tăng sự phức tạp, tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và làm giảm cơ hội điều trị thành công.

9. Viêm phổi - Lung infections

Khi bước vào giai đoạn trung niên và cao tuổi, ngoài những vấn đề liên quan đến thần kinh, tim mạch hay xương khớp… bạn có thể phải đối diện với nhiều bệnh lý hô hấp. Trong đó, viêm phổi là một trong những bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Dấu hiệu bệnh viêm phổi ở người lớn tuổi là gì? Đó chính là ho có đờm và sốt. Ngoài ra, khi bị viêm phổi, người cao tuổi cũng có thể bị tiêu chảy hoặc lú lẫn nếu không được điều trị kịp thời khiến bệnh diễn tiến nặng.

10. Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) - Chronic obstructive pulmonary disease

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào thường xuyên.

Các triệu chứng chính của COPD bao gồm khó thở, đặc biệt là khi hoạt động, ho dai dẳng có đờm, thở khò khè dai dẳng… Nếu không điều trị, các triệu chứng thường diễn ra ngày càng nặng hơn. Vào những đợt bùng phát, bệnh có thể đe dọa đến tính mạng.

11. Viêm phế quản mạn tính - Chronic Bronchitis

Viêm phế quản có thể diễn ra ở dạng cấp tính hoặc mạn tính. Viêm phế quản cấp tính ở người cao tuổi thường khỏi sau khoảng 10 ngày. Viêm phế quản mạn tính ở người lớn tuổi diễn ra nghiêm trọng hơn vì người cao tuổi có thể có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc đang có các bệnh lý nền, các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, cùng với tình trạng phổi bị lão hóa theo độ tuổi. Các triệu chứng viêm phế quản ở người cao tuổi thường bao gồm:

- Ho dai dẳng.
- Ho ra đờm màu vàng hoặc xanh hoặc ho ra máu.
- Cảm thấy khó thở hoặc thở nhanh và nông.
-Thở khò khè.
- Sốt.

12. Tăng huyết áp - Hypertension

Trong các bệnh người cao tuổi thường gặp thì tăng huyết áp là một vấn đề phổ biến. Mạng lưới mạch máu của cơ thể (hệ thống mạch máu) thay đổi theo tuổi tác. Động mạch trở nên cứng hơn, khiến huyết áp tăng cao. Điều này có thể đúng ngay cả với những người có thói quen tốt cho tim.

13. Trầm cảm - Depression

Trong 10 người lớn tuổi thì luôn có lớn hơn 1 người bị trầm cảm. Người cao tuổi có nguy cơ bị trầm cảm cao do nhiều yếu tố tác động. Trong đó, việc mắc các bệnh lý khác có thể gây trầm cảm trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể, sức khỏe kém có thể thay đổi cách cơ thể hoạt động, gây trầm cảm. Các tình trạng bệnh lý cũng khiến người cao tuổi gặp khó khăn trong sinh hoạt, dễ gây bức bối và trầm cảm. Khi lớn tuổi, việc không được ở gần con cháu, không thuận tiện để gặp gỡ bạn bè, thiếu sự tiếp xúc với xã hội, cảm giác bản thân vô dụng, đang làm phiền con cháu… khiến người cao tuổi dễ bị trầm cảm hơn. (6)

14. Mỡ máu cao - High cholesterol

Mỡ máu cao (tình trạng cholesterol cao) là một vấn đề thường gặp ở những người trung niên và cao tuổi. Nếu không điều trị kịp thời, mỡ máu cao dẫn đến xơ cứng động mạch cũng như các mảng bám tích tụ có thể gây tắc nghẽn mạch máu, từ đó dẫn đến đột quỵ.

15. Bệnh thận mạn tính - Chronic kidney disease (CKD)

Người cao tuổi thường mắc những bệnh lý nào? Bệnh thận mạn tính cũng nằm trong nhóm bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Những người mắc bệnh thận mạn tính có nguy cơ bị đau tim cao gấp hai đến ba lần và bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho những người chạy thận nhân tạo, người được ghép thận.

16. Cúm - Flu, Influenza

Người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cúm nghiêm trọng hơn và các biến chứng liên quan đến cúm cũng diễn ra nghiêm trọng hơn đối với nhóm đối tượng này. Cúm làm tăng nguy cơ đau tim lên 3 - 5 lần và tăng nguy cơ đột quỵ lên 2 - 3 lần trong 2 tuần đầu nhiễm bệnh đối với những người trên 65 tuổi. (7)

17. Đột quỵ - Stroke

Khi bạn càng lớn tuổi thì nguy cơ đột quỵ càng cao do mạch máu mỏng và yếu đi, làm tăng nguy cơ vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não. Các mảng bám tích tụ trong mạch máu gây xơ vữa mạch cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi do tắc nghẽn mạch máu não. Các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu không được kiểm soát tốt là yếu tố nguy cơ gây bệnh đột quỵ ở người già.

Các yếu tố về lối sống từ khi còn trẻ như ít vận động, uống nhiều rượu bia, ăn những loại thực phẩm nhiều dầu mỡ hay thường xuyên căng thẳng, ngủ không đủ giấc… đều làm tăng nguy cơ đột quỵ khi về già.

Người cao tuổi có thể bị đột quỵ tái phát nhiều lần nếu không tầm soát sức khỏe định kỳ và điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ. Đột quỵ có thể để lại những biến chứng nặng nề, khiến người cao tuổi bị rối loạn ngôn ngữ, mất khả năng vận động, sống đời sống thực vật… hay thậm chí tử vong. Đột quỵ còn làm tăng gánh nặng về mặt tài chính, tâm lý cho người bệnh, gia đình và xã hội.

18. Nhiễm trùng đường tiểu - Urinary tract infection (UTI)

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở người cao tuổi, chủ yếu do các yếu tố nguy cơ liên quan đến tuổi tác như suy dinh dưỡng, đái tháo đường không được kiểm soát tốt, kiểm soát bàng quang kém dẫn đến bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ, táo bón, nằm viện dài ngày, teo âm đạo, phì đại tuyến tiền liệt… Các triệu chứng ở người cao tuổi bị nhiễm trùng đường tiểu bao gồm: nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên hoặc cần đi tiểu gấp, cảm giác bàng quang không hoàn toàn trống, đau bụng dưới hoặc vùng chậu, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi khó chịu…

19. Rối loạn tiêu hóa - Gastrointestinal disorders

Nói đến các bệnh thường gặp ở người cao tuổi thì không thể không nói đến rối loạn tiêu hóa. Trong đó, trào ngược axit dạ dày, táo bón, hội chứng ruột kích thích, xuất huyết tiêu hóa… là những vấn đề thường gặp. Những thay đổi quan trọng về mặt lâm sàng trong chức năng đường tiêu hóa khi già đi bao gồm giảm ngưỡng vị giác, giảm acid clohydric do viêm dạ dày teo. Đây là những yếu tố tác động làm tăng nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi.

20. Bệnh Zona - Shingles, Herpes zoster

Đối với người lớn tuổi, bệnh zona gây ra những vấn đề nguy hiểm đặc biệt, tăng nguy cơ dẫn đến đau sau zona và biến chứng thần kinh của bệnh zona. Các triệu chứng điển hình ở người mắc bệnh zona bao gồm: có cảm giác nóng rát hoặc ngứa ran trên da tại một bộ phận của cơ thể, phát ban, ngứa da, có mụn nước, sốt, buồn nôn…

21. Bệnh Parkinson - Parkinson's disease

Khi đề cập đến các bệnh thường gặp ở người cao tuổi thì không thể không kể đến bệnh Parkinson. Tại Mỹ, bệnh Parkinson ảnh hưởng đến khoảng hai triệu người. Phần lớn số người bệnh đều từ 60 tuổi trở lên. Tuổi thọ trung bình của người cao tuổi mắc bệnh Parkinson là bao nhiêu? Trung bình, một người mắc bệnh Parkinson có thể sống đến hơn 80 tuổi. Tuy nhiên, bệnh gây ra những bất tiện trong cuộc sống, ảnh hưởng đến trí não và chức năng vận động, tâm lý của người bệnh khiến quãng đời sau này của người cao tuổi không còn được thoải mái.

22. Bệnh hen suyễn - Asthma

Một số người lớn tuổi mắc bệnh hen suyễn đã mắc bệnh này từ khi còn nhỏ. Những người khác bị hen suyễn khi trưởng thành.

Các dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn ở người lớn tuổi cũng giống như những triệu chứng hen suyễn gặp ở các nhóm tuổi khác. Các dấu hiệu của bệnh hen suyễn ở người lớn tuổi bao gồm: thở hụt hơi, ho, tức ngực, đau ngực, thở khò khè… Bệnh này còn dễ khiến người bệnh thức giấc vào ban đêm và gây mất ngủ, khó ngủ.

23. Béo phì - Obesity

Tỷ lệ béo phì ở người già đang gia tăng và hiện là mối đe dọa toàn cầu lớn ở cả các nước phát triển, đang phát triển. Người cao tuổi ít vận động hơn, ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng với hàm lượng chất béo cao hơn nên nguy cơ béo phì cũng gia tăng. Béo phì là một yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh lý tim mạch, thần kinh và đột quỵ, có thể dẫn đến tử vong.

24. Bệnh da liễu - Skin diseases

Người cao tuổi cũng có nguy cơ đối mặt với những vấn đề liên quan đến sức khỏe làn da. Khi già đi, các tế bào da cũng dễ bị tổn thương, rách và nhiễm trùng hơn, dẫn đến các vết lở loét trên da. Các tế bào lúc này cũng chậm lành hơn. Người cao tuổi có thể dễ bị nhiễm trùng và loét do tỳ đè.

YẾU TỐ NGUY CƠ KHIẾN NGƯỜI GIÀ DỄ MẮC BỆNH

Ngoài yếu tố lão hóa làm cho các tế bào cơ thể bị suy yếu và dễ tổn thương, hệ miễn dịch suy giảm thì người ở tuổi trung niên, cao tuổi có nguy cơ mắc các bệnh lý cao hơn do:

- Kém vận động: Người cao tuổi ít vận động, hay nằm hoặc ngồi một chỗ. Đây là yếu tố dễ gây béo phì, mỡ máu cao và dẫn đến các bệnh lý khác.

- Yếu tố tâm lý: Cảm giác phụ thuộc vào con cháu, vô dụng, cô đơn… khiến người cao tuổi dễ buồn bã, rầu rĩ. Sức khỏe tinh thần không ổn định cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của người cao tuổi.

- Lối sinh hoạt chưa phù hợp: Người cao tuổi thường có tâm lý thoải mái hơn về lối sống và sinh hoạt, ít duy trì lịch ăn uống hoặc nghỉ ngơi đều đặn. Đây cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

Có rất nhiều bệnh thường gặp ở người cao tuổi và các bệnh lý này nhìn chung đều có thể gây ra biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Tốt hơn hết, người cao tuổi nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh, sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ gây bệnh để kịp thời can thiệp điều trị. 

*  Nguồn tham khảo:

(1) Learn 10 warning signs of diabetes in older adults. National Council on Aging (NCOA).  
https://www.ncoa.org/article/what-are-10-warning-signs-of-diabetes-in-older-adults

(2) Mordarska, K., & Godziejewska-Zawada, M. (2017). Diabetes in the elderly. Przeglad Menopauzalny, 2, 38-43. National Library of Medicine.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5509969/

(3) Alzheimer’s stages: How the disease progresses. (2023, June 7). Mayo Clinic.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/alzheimers-disease/in-depth/alzheimers-stages/art-20048448

(4) Age-Related hearing loss (Presbycusis). (2023, January 6). Johns Hopkins Medicine.
https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/presbycusis

(5) Cataracts. Aging & Health A-Z. American Geriatrics Society. Health in Aging Foundation. 
https://www.healthinaging.org/a-z-topic/cataracts

(6) Depression in older people. Causes, Symptoms, Treatment. Healthdirect Australia.  
https://www.healthdirect.gov.au/depression-in-older-people

(7) Flu and Older Adults. National Foundation for Infectious Diseases (NFID). 
https://www.nfid.org/infectious-diseases/flu-and-older-adults/    

*-----*




Thursday, 2 January 2025

Vài ghi nhận về nguồn gốc và sự phân chia xá-lợi dựa theo Chánh tạng

VÀI GHI NHẬN VỀ NGUỒN GỐC VÀ PHÂN CHIA XÁ-LỢI
DỰA THEO CHÁNH TẠNG (TẠNG KINH VÀ TẠNG LUẬT)
Bình Anson

(1) Có nhiều truyền thuyết, huyền thoại về câu chuyện hai thương buôn Tapassu và Bhallika đến gặp Đức Phật sau khi Ngài thành đạo và được cho mấy sợi tóc. Theo truyền thuyết Miến Điện thì hai thương buôn này trở về xứ đó, tạo dựng tháp thờ tóc và còn lưu truyền cho đến ngày nay. Còn truyền thuyết của Sri Lanka thì cho rằng các sợi tóc đó được đem sang đảo quốc Sri Lanka và được tôn thờ cho đến bây giờ.

Tuy nhiên, tạng Kinh và tạng Luật không thấy ghi thông tin nào về câu chuyện các sợi tóc của Đức Phật. Đại phẩm, tạng Luật (Kd 1.4), có ghi chuyện hai thương buôn Tapassu và Bhallika đến gặp Đức Phật sau khi Ngài thành đạo, dâng cúng thức ăn, rồi xin quy y Đức Phật và Giáo Pháp. Lúc ấy, Tăng đoàn chưa thành lập, cho nên hai vị này xem như hai cư sĩ đầu tiên xin quy y Nhị Bảo (Phật Bảo và Pháp Bảo). 

Tăng chi bộ, tạng Kinh (AN 1.248) có ghi sự kiện hai vị này là hai đệ tử cư sĩ đầu tiên của Đức Phật. Tăng nhất A-hàm (EĀ 1.1) của Hán tạng cũng ghi tương tự, nhưng gộp hai tên Tapassu và Bhallika thành tên phiên âm là “Tam-quả”.

(2) Sau khi Đức Phật nhập diệt, lễ trà-tỳ được chư tăng và dân chúng Mallā tổ chức tại Kusinārā, sau khi hỏa thiêu, Đại kinh Bát-niết-bàn (DN 16, Trường bộ) ghi rằng “thân Thế Tôn cháy, từ da ngoài cho đến da mỏng, thịt, dây gân hay nước giữa khớp xương, tất cả đều cháy sạch không có tro, không có than, chỉ có xương xá-lợi còn lại”. Bà-la-môn Doṇa đứng ra phân chia xá-lợi cho tám nhóm để dựng tháp thờ:

- Vua Ajātasattu  của nước Magadha,
- Những người Licchavī ở Vesāli,
- Những người Sākya ở Kapilavatthu,
- Những người Bulī ở Allakappa, 
- Những người Koliya ở Rāmagāma,
- Bà-la-môn Vethadīpaka ở Vethadīpa,
- Những người Mallā ở Pāvā,
- Những người Mallā ở Kusinārā.

Bà-la-môn Doṇa nhận bình chứa dùng để đong chia xá-lợi để dựng tháp thờ, và những người Moriyā ở Pipphalivana nhận than tro từ củi đốt để dựng tháp thờ. 

Bài kinh kết thúc bằng các câu kệ có ghi thêm thông tin rằng răng, tóc và lông của Đức Phật được Long vương và chư Thiên mang đi khắp vũ trụ. Tuy nhiên, Luận sư Buddhaghosa trong Chú giải Trường bộ nhận định rằng các câu kệ đó là do các vị Trưởng lão Sri Lanka về sau ghi thêm vào.

Bài kinh tương đương trong Trường A-hàm của Hán tạng, kinh Du hành (DĀ 2) cũng ghi thông tin tương tự. Sau khi trà tỳ, Bà-la-môn Hương Tánh (Doṇa) phân chia xá-lợi cho tám nhóm, ông ấy nhận bình chứa xá-lợi, còn tro than từ củi đốt thì chia cho dân chúng thôn Tất-bát (Pipphalivana). Kinh có ghi thêm rằng tóc Phật khi còn tại thế thì được tôn thờ trong một tháp khác, nhưng không thấy đề cập gì về nơi chốn và người nhận tóc đó. Có lẽ chi tiết này về sau được ghi thêm vào bài kinh.

Kèm theo dưới đây là các đoạn kinh trích từ tạng Kinh (Tăng chi bộ, Trường bộ, Trường A-hàm) và tạng Luật (Đại phẩm).

Bình Anson,
Perth, Tây Úc 
01/01/2025

*-----*

 

I- VỀ HAI ÔNG TAPASSU VÀ BHALLIKA, ĐỆ TỬ ĐẦU TIÊN QUY Y NHỊ BẢO (PHẬT VÀ PHÁP)

(1) Tăng chi bộ, tạng Kinh (AN 1.248):

Này các tỳ-khưu, trong các vị đệ tử nam cư sĩ của Ta đã quy y đầu tiên, tối thắng là các thương buôn Tapassu và Bhallika. – (AN 1.248) 

(2) Đại phẩm, tạng Luật (Kd 1.4):

(Giảng về cây Rājāyatana, tuần lễ thứ tư sau khi thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác – Tỳ-khưu Indacanda dịch)

1. Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ cội cây Mucalinda đã đi đến cây Rājāyatana, sau khi đến đã ngồi xuống với một tư thế kiết già ở cội cây Rājāyatana trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.

2. Vào lúc bấy giờ, có các thương buôn Tapassu và Bhallika đang đi đường xa từ Ukkalā đến khu vực ấy. Khi ấy, vị Thiên thần là thân quyến cùng huyết thống của các thương buôn Tapassu và Bhallika đã nói với các thương buôn Tapassu và Bhallika điều này: “Này các bác, đức Thế Tôn này đang ngự ở cội cây Rājāyatana là vị đầu tiên được hoàn toàn giác ngộ. Hãy đi và bày tỏ lòng thành kính đến đức Thế Tôn ấy với bánh bột gạo và mật viên. Điều ấy sẽ đem lại cho các bác sự lợi ích và sự an vui lâu dài.”

3. Khi ấy, các thương buôn Tapassu và Bhallika đã mang theo bánh bột gạo và mật viên đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, các thương buôn Tapassu và Bhallika đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên của chúng tôi. Điều ấy sẽ đem lại cho chúng tôi sự lợi ích và sự an vui lâu dài.”

4. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Các đức Như Lai không thọ lãnh ở (hai) tay, vậy ta nên thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên bằng vật gì?” Khi ấy, bốn vị Đại Thiên Vương dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã dâng lên đức Thế Tôn bốn cái bình bát làm bằng đá từ ở bốn phương (nói rằng): “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên ở đây.” Đức Thế Tôn đã thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên trong bình bát mới[2] làm bằng đá, và sau khi thọ lãnh đã thọ dụng.

5. Sau đó, các thương buôn Tapassu và Bhallika đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch ngài, chúng con đây xin đi đến nương nhờ đức Thế Tôn và Giáo Pháp. Xin đức Thế Tôn chấp nhận chúng con là các nam cư sĩ đã đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.” Và họ đã trở thành những nam cư sĩ đọc hai câu (nương nhờ)[*] đầu tiên ở thế gian. – (Kd 1.4)

Chú thích:

[*] Nghĩa là đi đến nương nhờ đức Thế Tôn và đi đến nương nhờ Giáo Pháp, vì hội chúng tỳ-khưu vào lúc bấy giờ chưa được hình thành (Tỳ-khưu Indacanda).

*-----*

II- PHÂN CHIA XÁ LỢI THEO ĐẠI KINH BÁT-NIẾT BÀN (TRƯỜNG BỘ, DN 16)
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Vua nước Magadha tên là Ajātasattu Vedehiputta nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinārā, liền gởi một sứ giả đến các người Mallā ở Kusinārā: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, ta cũng là người Sát-đế-lỵ. Ta cũng xứng đáng được một phần Xá-lợi của Thế Tôn. Ta cũng dựng tháp và tổ chức nghi lễ đối với Xá-lợi của Thế Tôn.”

Những người Licchavī ở Vesālī nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinārā, liền gởi một sứ giả đến các người Mallā ở Kusinārā: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, chúng tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần Xá-lợi của The Tôn. Chúng tôi cũng dựng tháp và tổ chức nghi lễ đối với Xá-lợi của Thế Tôn”.

Các người Sākya ở Kapilavatthu nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinārā, liền gởi một sứ giả đến các người Mallā ở Kusinārā: “Thế Tôn là người bà con tối tôn của chúng tôi. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần Xá-lợi của Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá-lợi của Thế Ton”.

Những người Bulī ở Allakappa nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinārā, liền gởi một sứ giả đen các người Mallā ở Kusinārā: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, chúng tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần Xá-lợi của Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá-lợi của Thế Tôn.”

Những người Koliya ở Rāmagāma nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinārā, liền gởi một sứ giả đến các người Mallā ở Kusinārā: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, chúng tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần Xá-lợi của Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá-lợi của Thế Tôn.”

Bà-la-môn Vethadīpaka nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinārā, liền gởi một sứ giả đến các người Mallā ở Kusinārā: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Tôi cũng xứng đáng được một phần Xá-lợi của Thế Tôn. Tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá-lợi của Thế Tôn.”

Các người Mallā ở Pāvā nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinārā, liền gởi một sứ giả đến các người Mallā ở Kusinārā: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, chúng tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần Xá-lợi của Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá-lợi của Thế Tôn.”

Khi được nghe nói vậy, các người Mallā ở Kusinārā liền tuyên bố giữa đại chúng: 

– Thế Tôn đã diệt độ tại làng vườn của chúng tôi, chúng tôi sẽ không cho phần Xá-lợi nào của Thế Tôn.

Khi nghe vậy, Bà-la-môn Doṇa nói với họ: 

– Tôn giả, hãy nghe lời tôi nói! 

Phật dạy chúng ta phải kham nhẫn, 
Thật không tốt nếu có tranh giành,
Khi chia Xá-lợi bậc Thượng Nhân.
Chúng ta hãy đoàn kết nhất tâm,
Hoan hỷ chia Xá-lợi tám phần.
Chúng ta hãy dựng tháp mọi phương,
Đại chúng mười phương tin Pháp Nhãn...

– Này Tôn giả Bà-la-môn, Ngài hãy phân chia Xá-lợi ra tám phần đồng đều.

– Xin vâng, các Tôn giả.

Bà-la-môn Doṇa vâng lời hội chúng ấy, phân chia Xá-lợi của Thế Tôn thành tám phần đồng đều rồi thưa hội chúng:

– Các Tôn giả, hãy cho tôi cái bình dùng để đong chia Xá-lợi này. Tôi sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ cho cái bình.

Và hội chúng ấy tặng Bà-la-môn Doṇa cái bình.

Và người Moriyā ở Pipphalivana nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinārā, liền gởi một sứ giả đến các người Mallā ở Kusinārā:

– Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, chung tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được hưởng một phần Xá-lợi của Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá-lợi của Thế Tôn.

– Nay không còn phần Xá-lợi nào của Thế Tôn. Xá-lợi của Thế Tôn đã được phân chia, hãy lấy tro còn lại.

Rồi các vị này lấy các than tro còn lại. 

Và vua nước Magadha tên là Ajātasattu, con bà Videhi, xây dựng tháp trên Xá-lợi của Thế Tôn tại Vương Xá và tổ chức lễ cúng dường.

Những người Licchavī ở Vesāli cũng xây dựng tháp trên Xá-lợi của Thế Tôn tại Vesālī và tổ chức lễ cúng dường.

Những người Sākya ở Kapilavatthu cũng xây dựng tháp trên Xá-lợi của Thế Tôn tại Kapilavatthu và to chức lễ cúng dường.

Những người Bulī ở Allakappa cũng xây dựng tháp trên Xá-lợi của Thế Tôn tại Allakappa và tổ chức lễ cúng dường.

Những người Koliya ở Rāmagāma cũng xây dựng tháp trên Xá-lợi của Thế Tôn tại Rāmagāma và tổ chức lễ cúng dường.

Bà-la-môn Vethadīpaka cũng xây dựng tháp trên Xá-lợi của Thế Tôn tại Vethadīpa và lễ chức lễ cúng dường.

Những người Mallā ở Pāvā cũng xây dựng tháp trên Xá-lợi của Thế Tôn tại Pāvā và to chức lễ cúng dường.

Những người Mallā ở Kusinārā cũng xây dựng tháp trên Xá-lợi của Thế Tôn tại Kusinārā và tổ chức lễ cúng dường.

Bà-la-môn Doṇa cũng xây dựng tháp trên bình [dùng để đong chia Xá-lợi] và tổ chức lễ cúng dường.

Những người Moriyā ở Pipphalivana cũng xây dựng tháp trên những than tro và tổ chức lễ cúng dường.

Như vậy, có tám tháp Xá-lợi, tháp thứ chín trên bình [dùng để đong chia Xá-lợi] và tháp thứ mười trên tro [Xá-lợi].

Đó là truyền thống thời xưa như vậy. [*]

Đấng Pháp Nhãn Vô Thượng,
Xá-lợi phân tám phần,
Bảy phần được cúng dường,
Tại Jambudīpa.
Một phần Long vương cúng,
Tại Rāmagāma.

Một răng Phật được cúng,
Cho chư thiên ba cõi,
Một tại Gandhāra,
Một tại Kāliṅga.
Một răng cho Long vương,
Tự mình riêng cúng dường.

Quả đất được chói sáng,
Với hào quang Xá-lợi,
Với lễ vật cúng dường,
Hạng thượng phàm, thượng đẳng.
Xá-lợi đấng Pháp Nhãn,
Như vậy được cúng dường,
Bởi những bậc tôn trọng.

Cung kính lễ cúng dường,
Bởi thiên, long, nhơn chủ,
Các bậc tối thượng nhơn.
Các ngươi hãy chắp tay,
Cung kính lễ cúng dường.

Khó thay sự chiêm ngưỡng!
Tôn nhan bậc Như Lai,
Trải nhiều nhiều trăm kiếp,
May lắm được một lần.

Bốn mươi răng đều nhau,
Chư Thiên đã mang đi,
Cùng với tóc và lông,
Đến khắp các vũ trụ.

*

Chú thích:

[*] Luận sư Buddhaghosa, trong Chú giải Trường bộ, cho biết câu kết “Đó là truyền thống thời xưa như vậy” (Evametaṁ bhūtapubbanti) được thêm vào trong kỳ Kết tập Kinh điển III, còn các câu kệ tiếp theo là do các vị trưởng lão ở xứ Sri Lanka ghi thêm vào (DA ii, 615).

*-----*

III- PHÂN CHIA XÁ-LỢI THEO KINH DU HÀNH, TRƯỜNG A-HÀM (MĀ 2)
Trung tâm Dịch thuật Trí Tịnh dịch

Bấy giờ, chúng Mạt-la nước Ba-bà nghe Phật diệt độ tại rừng Song Thọ, đều tự nghĩ: “Chúng ta nên đến đó xin phần Xá-lợi, thỉnh về nước dựng tháp cúng dường.”

Họ liền hạ lệnh tập hợp bốn quân chủng là quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ kéo đến thành Câu-thi, rồi sai sứ giả đến thưa:

– Chúng tôi nghe tin đấng Chúng Hựu [1] diệt độ tại đây, Phật cũng là Thầy chúng tôi, vì lòng kính mộ Ngài, chúng tôi đến xin phần Xá-lợi, thỉnh về nước dựng tháp cúng dường.

Vua nước Câu-thi đáp:

– Đúng vậy! Quả thật như lời Ngài nói nhưng vì Thế Tôn giáng lâm tại đây và diệt độ cũng tại đây, nhân dân nước tôi tự lo cúng dường, khỏi phiền các ngài ở xa. Việc phân chia Xá-lợi e rằng không thể được.

Bấy giờ, chúng Bạt-ly [2], nước Già-la-phả [3], chúng Câu-lợi [4], nước La-ma-già [5], chúng Bà-la-môn nước Tỳ-lưu-đề [6], chúng Thích-ca nước Ca-duy-la-vệ [7], chúng Ly-xa [8] nước Tỳ-xá-ly, Vua A-xà-thế [9] nước Ma-kiệt-đà, nghe tin Như Lai diệt độ tại rừng Song Thọ thành Câu-thi đều tự nghĩ: “Chúng ta hãy nên đến đó để chia phần Xá-lợi.”

Thế rồi, Vua A-xà-thế bèn hạ lệnh dẫn bốn quân chủng là quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ tiến qua sông Hằng, sai Bà-la-môn Hương Tánh [10]: “Ngươi hãy nhân danh ta, vào thành Câu-thi vấn an sức khỏe các vị Mạt-la: Sinh hoạt thường ngày có thảnh thơi không? Đi đứng có được nhẹ nhàng không? Và nói rằng ta với quý ngài ấy xưa nay vốn kính trọng lẫn nhau, láng giềng hòa nghị, chưa từng tranh chấp. Nay nghe Như Lai diệt độ tại quý quốc, đối với Thế Tôn, ta vô cùng tôn kính nên từ xa đến đây muốn thỉnh phần Xá-lợi đem về nước dựng tháp cúng dường. Nêu nhận lời, ta sẽ hiến quốc bảo cho.”

Bấy giờ, Bà-la-môn Hương Tánh vâng lệnh nhà vua, đến thành Câu-thi thưa với các Mạt-la rằng:

– Đại vương nước Ma-kiệt kính lời vấn an sức khỏe các Ngài: “Sinh hoạt thường ngày có thảnh thơi không? Đi đứng có được nhẹ nhàng không? Và nói rằng Đại vương với quý ngài xưa nay kính trọng lẫn nhau, láng giềng hòa nghị, chưa từng tranh chấp. Nay nghe Như Lai diệt độ tại quý quốc, đối với

Thế Tôn, Đại vương vô cùng tôn kính, nên từ xa đến đây muốn thỉnh phần Xá-lợi đem về nước dựng tháp cúng dường. Nếu nhận lời, Đại vương sẽ hiến quốc bảo cho.”

Lúc đó, các Mạt-la trả lời Bà-la-môn Hương Tánh:

– Đúng vậy! Quả thật như lời ngài nói nhưng vì Thế Tôn giáng lâm tại đây và diệt độ cũng tại dây, nhân dân nước tôi tự lo cúng dường, khỏi phiền các ngài ở xa. Việc phân chia Xá-lợi e rằng không thể được.

Lúc đó, vua các nước bèn triệu tập quần thần, bàn bạc:

Chúng ta hòa hiếu,
Xa đến đảnh lễ,
Khiêm tốn thỉnh cầu,
Nếu không chấp nhận,
Bốn binh đã sẵn,
Không tiếc thân mạng,
Dùng nghĩa không được,
Tất phải dùng sức.

Khi ấy vua nước Câu-thi liền triệu tập quần thần, cùng nhau bàn bạc, rồi đáp trả rằng:

Từ xa khổ nhọc,
Các vị đến xin,
Di thể Như Lai,
Nhưng không cho được.
Nếu muốn dùng binh,
Ta đây cũng sẵn,
Chống trả đến cùng,
Chưa từng biết sợ.

Lúc ấy, Bà-la-môn Hương Tánh đứng ra phủ dụ mọi người:

– Chư Hiền! Lâu nay chúng ta lãnh thọ lời Phật dạy, miệng tụng pháp ngôn, tâm theo nhân nghĩa. Tất cả chúng sanh đều muốn an lành, nay chẳng lẽ vì tranh giành Xá-lợi Phật mà tàn hại lẫn nhau? Đối với di thể Như Lai, nếu muốn có được lợi ích rộng rãi thì nên phân chia ra thành nhiều phần.

Mọi người đều khen là phải, lại bàn luận với nhau: “Ai là người đủ khả năng phân chia?” Rồi tất cả đều cho rằng Bà-la-môn Hương Tánh là người nhân trí công tâm, có thể đứng ra phân chia.

Thế rồi, các quốc vương liền bảo Hương Tánh:

– Ông hãy chia Xá-lợi Phật thành tám phần bằng nhau cho chúng tôi.

Bà-la-môn Hương Tánh vâng lệnh, liền đến chỗ Xá-lợi, cúi đầu đảnh lễ xong, tiến lên nhặt chiếc răng trên của Phật để riêng một bên, rồi sai sứ giả đưa đến chỗ Vua A-xà-thế. Ông bảo sứ giả:

– Ngươi hãy thay mặt ta tâu với Đại vương rằng: “Sinh hoạt thường ngày có thảnh thơi không? Đi đứng có được nhẹ nhàng không? Xá-lợi chưa đến, chắc ngài mong đợi lắm? Nay giao sứ giả đem răng trên của Như Lai đến trước để Đại vương có thể cúng dường, thỏa lòng trông mong. Khi sao Mai [11] mọc, phân chia xong Xá-lợi, thần sẽ đích thân đến dâng.”

Sứ giả vâng lời, đến chỗ Vua A-xà-thế tâu:

– Bà-la-môn Hương Tánh kính lời thỉnh an Đại vương: “Sinh hoạt thường ngày có thảnh thơi không? Đi đứng có được nhẹ nhàng không? Xá-lợi chưa đến, chắc ngài mong đợi lắm? Nay giao sứ giả đem răng trên của Như Lai đến trước để Đại vương có thể cúng dường, thỏa lòng trông mong. Khi sao Mai mọc, phân chia xong Xá-lợi, Bà-la-môn Hương Tánh sẽ đích thân đến dâng.”

Bấy giờ, Bà-la-môn Hương Tánh dùng cái bình đựng khoảng một thạch để đong chia Xá-lợi, phân thành tám phần bằng nhau xong, nói với mọi người:

– Tôi muốn xin cái bình này đem về nhà dựng tháp cúng dường.

Mọi người đều bảo:

– Thật là có trí, thật là hợp lý, chúng tôi đồng ý!

Lúc đó người trong thôn Tất-bát cũng đến xin:

– Hãy cho chúng tôi phân tro còn sót lại dưới đất kia để đem về xây tháp cúng dường. 

Mọi người lúc đó đều chấp thuận. Bấy giờ, người nước Câu-thi được chia phần Xá-lợi, liền dựng tháp trong nước cúng dường. Người nước Ba-bà, Già-la, La-ma-già, Tỳ-lưu-đề, Ca-duy-la-vệ, Tỳ-xá-ly và Vua A-xà-thế nước Ma-kiệt khi nhận được phần Xá-lợi, đều thỉnh về nước, xây tháp cúng dường. Bà-la-môn Hương Tánh ôm bình về nhà dựng tháp miếu cúng dường. Người dân thôn Tất-bát cũng đem phần tro còn lại về dựng tháp miếu cúng dường.

Như vậy, Xá-lợi Như Lai được chia thờ tại tám tháp, tháp thứ chín thờ bình, tháp thứ mười thờ tro và tháp thứ mười một thờ tóc Phật khi còn tại thế.

----------------

Chú thích:

[1] Chúng Hựu (眾祐). Theo Tứ phần luật danh nghĩa tiêu thích, 四分律名義標釋 (X.44. 0744.19. 0544c20), do có nhiều phước đức tự bảo hộ cho mình và còn có thể phù hộ tất cả chúng sanh nên gọi là Chúng Hựu. Hựu giống như sự trợ giúp vậy. (謂有眾德自祐.復能祐諸有情.故稱眾祐.祐猶助也).
[2] Bạt-ly (跋離, Bulī).
[3] Già-la-phả, Già-la (遮羅頗, Allakappa).
[4] Câu-lợi (拘利, Koliya).
[5] La-ma-già (羅摩伽, Rāmagāma).
[6] Tỳ-lưu-đề (毘留提, Vethadīpa).
[7] Kinh Đại bổn ghi: Ca-tỳ-la-vệ (迦毗羅衛, Kapilavatthu).
[8] Ly-xa (離車, Licchavī).
[9] A-xà-thế (阿闍世, Ajātasattu).
[10] Hương Tánh (香姓, Doṇa).
[11] Nguyên tác: Minh tinh (明星, Aruṇa), tức Thái Bạch tinh, còn gọi sao Kim, sao Hôm, sao Mai, sao Phất.

Ba-bà: Pāvā
Câu-thi, Câu-thi-na: Kusinārā
Ma-kiệt, Ma-kiệt-đà: Magadha
Mạt-la: Malla
Tất-bát: Pipphalivana
Tỳ-xá-ly: Vesālī

*-----*