Sunday, 25 March 2018

Nhạc Việt: Tình khúc Phạm Duy 1950-1960

Dành cho những ai thích nghe nhạc Phạm Duy, đã từng theo dõi Chương trình Phạm Duy mỗi tối Thứ Sáu trên đài Phát thanh Sài Gòn trước 1975. Mỗi bài hát đều có lời giới thiệu của nhạc sĩ Phạm Duy, với các giọng hát quen thuộc của Sài Gòn ngày xưa: Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác, Anh Ngọc, Sĩ Phú, Duy Khánh, Thanh Tuyền.

Âm thanh thu trước 1975, nghe không rõ ràng và phong phú như các đĩa CD hiện đại, nhưng đây là kỷ niệm một thời đã qua. Tải về dạng nén ZIP, giải nén sẽ được các files audio, dạng MP3 - 320 kbps.

nviet38.zip – Tình khúc Phạm Duy 1950-1960 (Tape, 205 MB)

*

Saturday, 24 March 2018

Hoàn thành ước nguyện: Hành trình xuyên Việt

Trong 50 năm qua, từ khi còn là học trò trung học, tôi có ước nguyện đi xuyên Việt, ngắm nhìn quang cảnh dọc theo bờ biển hình chữ S của Việt Nam, từ nam ra bắc.

Trong các chuyến về Việt Nam công tác trong thập niên 1990 và sau đó, cùng với bạn bè đi du lịch tham quan trong 15 năm qua, tôi đã có dịp đi dọc theo bờ biển từ Móng Cái – sát biên giới Trung Quốc, xuống tận Thanh Hóa. Rồi từ Hà Tiên – sát biên giới Camphuchia, xuống Cà Mau, đi ngược lên Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến tre, Vũng Tàu, Phan Thiết, Phan Rang, v.v. cho đến Thừa Thiên và Quảng Trị.

Nếu các bạn trong trang Facebook của tôi còn nhớ, vào khoảng năm 2014 tôi có tâm tình, ngỏ ý muốn hoàn tất tham quan đoạn đường ven biển còn lại – từ Quảng Trị đến Vinh. Vào tháng 2-2017, tôi về Việt Nam. Dù chân vẫn còn đau vì bị gút, tôi đã cố gắng tìm được cơ hội đáp máy bay đến Đà Nẵng. Ở đó hai ngày, rồi thuê xe đi theo Quốc lộ 1A đến Quảng Trị, viếng Đông Hà, qua cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, đến ngủ một đêm tại Đồng Hới. Rồi vượt qua sông Gianh (ranh giới Nam-Bắc trong thời Trịnh-Nguyễn) đến Hà Tĩnh và cuối cùng đến thành phố Vinh. Ở Vinh hai ngày, tham quan thành phố rồi đáp máy bay về Sài Gòn.

Như thế, xem như tôi đã hoàn thành ước nguyện ấp ủ bấy lâu nay.

Bình Anson
Tháng 3-2017

*

Friday, 23 March 2018

Vài kinh nghiệm đi hành hương, thăm viếng các địa điểm lịch sử Phật giáo

Tôi thích đi hành hương, thăm viếng các địa điểm lịch sử Phật giáo với một nhóm nhỏ để được chủ động. Có những chuyến đi (Sri Lanka, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia) chỉ có hai vợ chồng, thuê xe nhỏ với tài xế kiêm hướng dẫn viên, do chư tăng ni hay bạn bè giới thiệu hoặc tìm thông tin trong những trang web về du lịch. Tuy hơi đắt, nhưng mình chủ động, tiết kiệm thì giờ, đi viếng được nhiều nơi. Có khi đến nơi rồi mới tìm xe taxi, do nhân viên khách sạn giới thiệu, rồi thương lượng với tài xế. Có khi dùng những phương tiện di chuyển bình dân như xe lôi, xe ôm, xe lửa, xe buýt, ghe tàu.

Trước khi đi, tôi tìm thông tin trên Net, qua các tài liệu du lịch, sách hành hương. Soạn chương trình, lập hai danh sách các địa điểm mình muốn đến viếng, và lộ trình đi đến các điểm đó. Danh sách 1 là các điểm ưu tiên, phải đến viếng bằng mọi cách. Danh sách 2 là các điểm tùy duyên, linh động theo hành trình.

Là Phật tử, tôi tin có chư thiên bảo hộ cho những ai có lòng thành tín trong các thiện sự. Trước khi lên đường và trong suốt cuộc hành trình, hằng ngày tôi tụng kinh tán dương Ân đức Tam Bảo – có khi tụng ra lời, có khi chỉ tụng thầm trong tâm tùy duyên, rồi rải tâm Từ đến mọi loài chúng sinh kể cả chư thiên, xin chư thiên hộ trì cho chuyến đi. Có những sự cố xảy ra bất ngờ nhưng đều được giải quyết tốt đẹp. Có những sự kiện xảy ra rất lạ lùng, mầu nhiệm mà mình không thể giải thích được, nhưng giúp cho mình tăng thêm niềm tin nơi Tam Bảo.

-------------
Ghi thêm: Hành trang cần phải đơn giản gọn nhẹ. Không cần có những loại lễ phục lụng thụng, quần áo kiểu cọ màu mè. Chỉ vài bộ quần áo là đủ. Khi cần thiết, hoặc có khi hành lý bị thất lạc, có thể mua thêm trên đường đi. Mình đi hành hương để giúp tăng trưởng tâm linh, không phải để đóng phim, chụp hình, khoe khoang với người khác.

*

Thursday, 22 March 2018

Viên mãn tâm nguyện: Bốn nơi động tâm và sáu nơi kết tập kinh điển

Trong 15 năm qua, tôi có tâm nguyện là sẽ tìm cơ hội, cố gắng thu xếp để đến viếng thăm chiêm bái các địa điểm lịch sử Phật giáo có ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống tâm linh của tôi:

1) Bốn nơi động tâm: 
1.1) Nơi ngài Bồ-tát đản sinh (Lumbini, Nepal),
1.2) Thành đạo (Bodh Gaya, Ấn Độ),
1.3) Chuyển Pháp luân (Sarnath, Ấn Độ) và
1.4) Bát-niết-bàn (Kusinara, Ấn Độ).

2) Sáu nơi kết tập, trùng tuyên kinh điển: 
2.1) Hang Sattapani (Rajgir, Rajagahar, Vương Xá, Ấn Độ),
2.2) Patna (Pataliputta, Hoa Thị Thành, Ấn Độ),
2.3) Vesali (Tỳ-xá-li, Ấn Độ),
2.4) Aluvihara (Matale, Sri Lanka),
2.5) Kuthodaw Paya (Mandalay, Myanmar) và
2.6) Mahapasana Cave (Yangon, Myanmar).

Sau chuyến du hành Myanmar vào tháng 2-2016 vừa qua, xem như tôi đã hoàn mãn các tâm nguyện quan trọng của đời mình. Trong tương lai, nếu có cơ hội và nếu có đủ điều kiện về sức khỏe và tài chánh, có thể tôi sẽ đi thăm viếng các địa điểm lịch sử Phật giáo khác, nhưng đối với riêng tôi, đó chỉ là những địa điểm tùy duyên, không quan trọng, không tha thiết.

Xin chia phần phước báu thanh cao đã tạo ra trong các chuyến hành hương trong các năm qua đến tất cả bà con họ hàng, bạn bè, thầy cô, chư thiên và tất cả chúng sinh trong cõi Ta-bà nầy.

_()_ _()_ _()_

--------------
Ghi thêm: Vì không đủ chỗ, trong hình đầu còn thiếu hình của kinh đô Hoa Thị Thành xưa (Pataliputta) của vua A Dục (Asoka), nơi kết tập kinh điển lần thứ III. Ngày nay chỉ còn lại các nền đất và các cột trụ gãy đổ ở công viên Kumhrar, thành phố Patna, bang Bihar của Ấn Độ. Xem hình tiếp theo bên dưới.

*

   
Công viên Kumhrar, thành phố Patna
Bốn nơi động tâm & Sáu nơi kết tập kinh điển

Sunday, 11 March 2018

Cơm bình dân, sách căn bản

Bây giờ già rồi, đã từng tham dự các buổi tiệc tùng liên hoan, không còn ham mấy thứ đó nữa. Tôi rất ngại đi ăn các bữa tiệc buffet linh đình vì bây giờ bụng mình đã yếu, không tiêu hóa được nữa. Chỉ thích ăn đơn giản với vài món bình dân, vừa miệng, vừa bụng mình.

Sách vở cũng thế. Tật mê sách vẫn còn. Thấy bạn bè khoe hình ảnh các sách mới làm mình cũng ham, cũng động tâm muốn xin vài cuốn để trưng bày trên kệ sách cho đẹp. Nhưng rồi thôi, tự ngăn lòng mình lại. Thỉnh sách cho nhiều để làm gì? Có đủ thì giờ và quyết tâm để đọc không? Hay là chỉ để thỏa mãn lòng hiếu kỳ và bản ngã?

Thôi thì trở về với các cuốn sách căn bản, trong đó, tác giả trích dẫn, tham chiếu các nguồn kinh điển một cách nghiêm túc, rõ ràng. Tuy lời văn khô khan với những thuật ngữ cổ xưa, không có những từ ngữ thời thượng, không chứa các ý tưởng hấp dẫn theo trào lưu, nhưng đó là kết quả của sự nghiên cứu cẩn trọng có hệ thống, có chiều sâu, có giá trị lâu dài.

-------------------
GHI THÊM:
Đây chỉ là tâm tư của một ông già đã từng ăn tiệc buffet nhiều rồi. Bây giờ đã chán mà bụng cũng đã yếu, không tiêu hóa được, cho nên phải quay về các món căn bản, dễ tiêu hóa hơn. Còn những bạn trẻ khác, háo hức muốn tìm ăn thử đủ món cho biết thì cũng tốt, không sao cả. Tiệc buffet cũng có cái hay của nó. Mỗi người có hoàn cảnh, có nhu cầu khác nhau. Không ai giống ai. Quan trọng là phải thành thật chiêm nghiệm xem có ích lợi gì cho cuộc sống của mình. Sưu tập kinh sách cũng tương tự như thế. Chỉ vậy thôi.

*

Friday, 9 March 2018

Nhạc Việt: Hà Thanh (1937-2014), Họa mi xứ Huế

 
Tải về dạng nén ZIP, giải nén sẽ được các files audio, dạng MP3 - 320 kbps.

nviet37.zip – Tiếng hát Hà Thanh, Họa mi xứ Huế (3 CDs, 345 MB)
https://mega.nz/#!fx4jnSBK!ZRx9v4kDfeEWGw49ihVCYW3x3yF7E5p2p2sz8Oh6xG8

*
CD HẢI NGOẠI THƯƠNG CA
01. Nhớ Huế (Lê Mộng Nguyên)
02. Bóng Mát (Phạm Thế Mỹ)
03. Nhớ Một Chiều Xuân (Nguyễn Văn Đông)
04. Từ Đàm Quê Hương Tôi (Nguyên Thông)
05. Mấy Dặm Sơn Khê (Nguyễn Văn Đông)
06. Khúc Tình Ca Xứ Huế (Trần Đại Mỹ)
07. Khúc Hát Thanh Xuân (Johann Strauss, lời Việt: Phạm Duy)
08. Hải Ngoại Thương Ca (Nguyễn Văn Đông)
09. Mưa Rơi (Ưng Lang)
10. Đêm Tàn Bến Ngự (Dương Thiệu Tước)

CD CHINH PHỤ CA
01. Quê hương (Hoàng Giác)
02. Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong)
03. Suối mơ (Văn Cao & Phạm Duy)
04. Đêm đông (Nguyễn Văn Trương & Kiêm Minh)
05. Chinh phụ ca (Phạm Duy)
06. Em đế thăm anh một chiều mưa (Tô Vũ)
07. Tà áo xanh (Đoàn Chuẩn & Từ Linh)
08. Gửi gió cho mây ngàn bay (Đoàn Chuẩn & Từ Linh)
09. Nụ cười sơn cước (Tô Hải)
10. Bến Xuân (Văn Cao & Phạm Duy)

CD CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI
01. Chiều Mưa Biên Giới (Nguyễn Văn Đông)
02. Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp (Nguyễn Văn Đông)
03. Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn (Văn Phụng)
04. Thiên Thai (Văn Cao)
05. Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui (Trịnh Công Sơn)
06. Tiếng Xưa (Dương Tiệu Tước)
07. Nỗi Niềm (Tuấn Khanh)
08. Cô Nữ Sinh Đồng Khánh (Thu Hồ)
09. Chiều Vàng (Nguyễn Văn Khánh)
10. Khối Tình Trương Chi (Phạm Duy)

* * *
   

QUÀ hay PHƯỚC?

QUÀ hay PHƯỚC?

Nhiều năm trước, một chị bạn Phật tử gốc Singapore mời chúng tôi đến nhà chị ăn mừng sinh nhật 50. Trong thư mời, chị có ghi là không nhận quà mà chỉ nhận phong bì. Chúng tôi rất ngạc nhiên, vì gia đình chị rất giàu, là một trong những đại gia tại Perth.

Trong bữa cơm họp mặt, chị nói rằng bây giờ chị không cần có thêm tiền bạc hay quà tặng, nhưng cần có thêm phước cho tuổi già và cho đời sau. Vì thế, chị sẽ dùng số tiền từ phong bì của bạn bè mang đến tặng để tạo phước – cúng dường các chùa và đóng góp vào các hoạt động cứu trợ từ thiện, và chia phần phước ấy đến cho mọi người.

Tôi rất ấn tượng về nghĩa cử cao đẹp ấy, và từ đó, vợ chồng tôi cũng thực hiện theo ý tưởng nầy. Trước ngày sinh nhật vài tuần lễ, tôi nói với mọi người trong gia đình rằng tôi không muốn có một bữa tiệc đặc biệt hay quà tặng gì cả. Nếu muốn, chỉ cần làm một bữa cơm đơn giản, thân mật trong gia đình. Thông thường, trong dịp đó chúng tôi làm thức ăn mang đến chùa để cúng dường chư Tăng Ni; và nếu có được các phong bì, tôi dùng để đóng góp vào các Phật sự và thiện sự.

*