Niệm chết
Phỏng vấn Tỳ-khưu
Anālayo (2017)
Tạp chí Minh Quán (Insight Journal)
Tạp chí Minh Quán (TM): Bạch
Sư, niệm chết là gì, và chúng ta thực hành như thế nào?
Tỳ-khưu Anālayo (TA):
Trong Tăng chi bộ và Tăng nhất A-hàm (bản tiếng Hán tương ứng), Đức Phật kiểm
tra xem các vị tỳ-khưu tu tập niệm chết như thế nào, và Ngài thấy rằng các vị ấy
tu tập chưa đủ tinh tấn. Các tỳ-khưu này nói rằng họ có thể sẽ qua đời trong
vài ngày nữa, và họ sẽ tu tập niệm chết trước khi qua đời. Đức Phật dạy rằng đó
không phải là cách tu tập đúng đắn. Thay vào đó, các tỳ-khưu phải nhận thức về
cái chết của mình ngay trong thời khắc hiện tại.
Trong Tăng chi bộ, Ngài khuyến nghị hai phương cách: Nhận thức
rằng hơi thở này có thể là hơi thở cuối cùng của mình, và nhận thức rằng mỗi miếng
thức ăn nuốt vào có thể là miếng thức ăn cuối cùng của mình.
Cách thực hành này liên quan đến một chứng minh trong tâm lý
học cho thấy chúng ta tránh đối mặt với cái chết của chính mình bằng cách di dời
nó vào tương lai: “Vâng, tôi sẽ chết, nhưng chuyện đó sẽ xảy ra trong tương lại,
không phải bây giờ. (Và đến lúc đó, tôi sẽ nghĩ về cái chết và đối mặt với nó,
nhưng ngay bây giờ tôi không cần phải làm thế.)”
Nhận thức về cái chết phải được đưa ngay vào thời khắc hiện
tại. Bởi vì tôi sẽ chết, nhưng tôi không biết chắc chắn là khi nào. Nó thậm chí
có thể xảy ra ngay bây giờ.
TM: Trong chương 24 của
cuốn sách “Tỉnh thức đối diện trước bệnh tật và cái chết”, Sư trích dẫn đoạn
kinh Đức Phật nói “… các thầy phải chú tâm vào niệm chết trong khoảng giữa hơi
thở ra và hơi thở vào.” Chú tâm niệm chết được thực hiện như thế nào? Có cần phải
dùng một hình ảnh, một câu chú hay một cách nào khác không?
TA: Tôi nghĩ rằng
chúng ta không nên qua chấp chặt vào câu đó, bởi vì đó là trích từ phiên bản của
Hán tạng. Trong Tăng chi bộ của tạng Pāli, không thấy ghi về khoảng cách giữa
hơi thở. Bản Pāli chỉ ghi: “Xin cho tôi sống để tôi có thể thở thêm một hơi nữa.”
Điều quan trọng cần phải hiểu là hơi thở giúp ta duy trì sự
sống. Nếu không có nguồn cung cấp oxygen liên tục, thân xác nầy sẽ chết nhanh
chóng. Và nguồn cung cấp oxygen liên tục này không an toàn. Tôi không thể hoàn
toàn chắc chắn rằng lần tới khi tôi thở ra rồi tôi có thể thở vào hay không. Hiểu
biết về tính mong manh này của thân xác đầu tiên được thiết lập qua một dạng
thái suy tưởng. Với sự tu tập liên tục, suy tưởng đó giảm dần cho đến khi nó
đơn thuần chỉ là một nhận thức.
Thí dụ khi tôi đến ngụ tại Trung tâm Thiền ở đây, tôi rất e
dè về các loài rắn trong vườn. Ông Scott, quản lý Trung tâm, cười nhạo tôi vì
chúng không nguy hiểm. Nhưng vì ở Sri Lanka, những con rắn nhỏ như thế lại là rất
nguy hiểm, cho nên tôi đã quen với sự suy tưởng để phản ứng lại các con rắn đó.
Đây không phải là một cái gì đó cần thêm khái niệm. Trong thời
gian tu học tại Sri Lanka, tôi biết được những con rắn đó rất nguy hiểm, cần phải
cẩn thận, e dè. Cho nên bây giờ, mỗi khi tôi thấy một cái nhỏ gì đó di chuyển
trong tầm mắt là tôi có phản ứng ngay lập tức.
Theo cùng một cách, chúng ta có thể tự huân tập để kết nối với
hơi thở, nhận thức được hơi thở và những gì hơi thở ngụ ý. Hơi thở ngụ ý rằng sự
tồn tại của cơ thể tôi hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp oxygen liên tục. Thân
xác này không thể tồn tại nếu không có oxygen. Sự cung cấp oxygen liên tục đó sớm
hay muộn rồi chắc chắn sẽ bị gián đoạn. Và tôi không biết khi nào điều đó sẽ xảy
ra.
TM: Quán tưởng sâu sắc về
cái chết của chính mình sẽ có tác động gì trong cuộc sống của hành giả? Nó sẽ tạo
thay đổi đặc biệt gì về sự tương quan với bản thân, với người khác, hay với những
ý tưởng nào khác?
TA: Tôi nghĩ rằng
nó sẽ giúp làm rõ thứ tự ưu tiên trong cuộc sống. Mình thực sự muốn làm gì
trong cuộc sống của mình? Nó cũng thay đổi cách mình tương tác đến người khác.
Nếu tôi đến gặp ông mà không biết chắn chắn rằng tôi hay ông sẽ vẫn còn sống để
gặp nhau nữa thì trong cuộc gặp gỡ này, tôi muốn trao đổi trọn vẹn với ông. Tôi
muốn tận dụng tối đa cuộc họp này. Tôi muốn nói ra những gì cần phải nói và học
những gì cần phải học từ ông – một cách trọn vẹn, đầy đủ. Như thế, tôi hoàn
toàn sống thực trong thời khắc này với ông.
Bằng cách đó, trong trường hợp bạn qua đời, tôi không có cảm
giác như có điều gì đó tôi ước mình phải nói nhưng đã không nói. Thay vào đó,
khi chúng ta ở bên nhau, tôi có mặt đầy đủ và ở đó với ông. Tôi không chỉ một
phần ở đây và một phần suy nghĩ về tất cả những điều khác tôi phải làm sau này.
Trong tâm trí, tôi không nghĩ rằng tôi luôn luôn có thể nói với ông phần còn lại
vào tháng tới. Quán niệm về cái chết thay đổi cách chúng ta liên quan đến người
khác và cách chúng ta sống trong cuộc đời. Nó có tác dụng biến đổi sâu sắc. Nó
thực sự làm cho chúng ta trở nên sống động hơn nhiều.
Thêm vào đó, theo kinh điển, Đức Phật nói rằng quán niệm về
cái chết đưa đến Bất tử, đưa đến Niết-bàn. Vì vậy, nó cũng là một cách để thực
hành thiền tuệ bởi vì cái chết là mũi nhọn của vô thường, và vô thường là một
con đường chính để tu dưỡng tuệ giải thoát. Khía cạnh đáng sợ nhất của vô thường
là cái chết. Mọi thứ đều kết thúc, và điều đáng sợ nhất để kết thúc là cái Tôi
này.
Bất tử, như một tên gọi khác của Niết-bàn, đặc biệt thú vị bởi
vì điều đó có nghĩa là trong tư tưởng Phật giáo, Bất tủ có thể được trải nghiệm
trong khi bạn vẫn còn sống. Nó không phải là một dạng bất tử đang chờ bạn sau
khi chết nếu bạn làm mọi thứ mà bạn phải làm trong khi bạn còn sống. Nó là một
cái gì đó bạn trải nghiệm ngay tại đây và ngay bây giờ. Bạn trải nghiệm nó được
một chút khi bạn trở thành vị Dự lưu. Bạn trải nghiệm nó đầy đủ hơn khi bạn trở
thành vị A-la-hán, và bạn tiếp tục sống với Bất tử khi hoàn toàn chứng đắc. Điều
này rất rõ ràng.
TM: Trong một cách nhìn,
dường như niệm chết là một hình thức hồi ức, trong khi hành thiền minh sát (vipassanā)
lại thường dựa vào việc quan sát hoặc chiêm nghiệm. Làm thế nào để hai pháp thiền
này tương hợp với nhau?
TA: Tôi không thấy
hai pháp hành là khác nhau như thế. Trong thiền lập niệm satipaṭṭhāna, chúng ta sử dụng các khái niệm về cảm giác dễ chịu, cảm
giác khó chịu, v.v., giống như trong niệm chết, chúng ta sử dụng khái niệm cho ta
biết rằng hơi thở là vô thường và ta sẽ chết.
Khi hành giả có những tiến bộ, cả hai pháp hành chuyển từ
khái niệm/đặt tên sang im lặng nhiều hơn – đến mức độ bạn không còn cần phải nói rằng “Tôi
có một tâm trí có ô nhiễm như thế hay có yếu tố giác ngộ như thế.” Bạn chỉ nhận
biết những gì đang xảy ra. Quán niệm về sự chết cũng như thế. Đến một lúc nào
đó, sự bấp bênh của cuộc sống trở thành những gì bạn chỉ biết trực tiếp.
Theo sự hiểu biết của tôi, con đường chính để tu dưỡng tuệ
giác là nhìn thấy vô thường, khổ và vô ngã trong tất cả các hiện tượng. Trong đó,
vô thường dường như là nền tảng. Điều đó không có nghĩa là một số người không thể
trực tiếp đi vào vô ngã hay những cách khác, nhưng con đường chính dường như là
tu dưỡng nhận thức về vô thường. Khi nhìn thấy được sự vô thường, bạn nhận ra rằng
nó không thể mang lại cho bạn sự hài lòng lâu dài, và bởi vì nó không thể mang
lại cho bạn sự hài lòng lâu dài, bạn không còn nắm bắt và giữ lấy mọi thứ như Tôi
và Của tôi (ngã và ngã sở).
Cái chết là mũi nhọn – và là khía cạnh đáng sợ nhất – của sự
vô thường. Đôi khi chúng ta có thể nghĩ rằng “Mọi thứ đang thay đổi, nhưng mọi
thứ đều ổn. Thực sự sẽ nhàm chán nếu mọi thứ luôn luôn giống nhau. Một vài biến
đổi, vô thường là khá tốt.” Nhưng khi chúng ta đi đến điểm mà bạn thấy rằng mọi
thứ đều chấm dứt, thì đó là lúc mà sự vô thường thực sự bắt đầu thay đổi thái độ
của chúng ta đối với bản thân và thế giới.
Khuyến nghị của cá nhân của tôi không chỉ là quán niệm về
cái chết, mà là tích hợp nó trong sơ đồ của bốn pháp lập niệm, satipaṭṭhānas. Để tăng trưởng mức hành
thiền, tôi thấy tốt hơn nên có nhiều pháp hành khác nhau, thay vì chỉ thực hành
một pháp duy nhất. Có lúc ta áp dụng tốt pháp hành này, có lúc ta áp dụng tốt pháp
hành kia. Từ đó, tôi có thể tìm cách điều chỉnh để thích ứng với các biến động
tự nhiên của cá nhân tôi và khả năng hành thiền của tôi vào bất cứ lúc nào.
TM: Đôi khi Sư có chủ động
đưa ra sự suy nghĩ về cái chết của chính mình trong khi Sư nói chuyện, tương
tác với người khác hoặc thực hiện các nhiệm vụ trong cuộc sống hằng ngày? Hay ý
nghĩ đó đã có sẵn ở đó hay tự nó xuất hiện từ công phu Sư đã thực hành trong buổi
thiền chính thức?
TA: Lúc đầu tôi nỗ
lực có ý thức để đưa ý tưởng này vào tâm trí, nhưng dần dần nó đã trở nên tự
nhiên hơn. Tâm trí của tôi bây giờ có xu hướng để nói: “Bây giờ nơi đây, hãy
làm trọn vẹn. Đừng làm nửa chừng, đừng có ý tưởng khất lại để làm về sau.”
Thông qua thực hành, nó đã trở thành một thói quen, nhưng
đôi khi cũng cần phải gợi nhớ lại. Ví dụ, như tôi vừa nói với ông, gợi nhớ để
thấy rằng đây là một cơ hội quý giá để dành thời gian trò chuyện với ông. Vì vậy,
gợi nhớ có chủ ý là hữu ích.
TM: Niệm chết có tầm quan
trọng như thế nào trong cách Đức Phật dạy hành thiền, và niệm chết có tầm quan
trọng như thế nào trong công phu tu tập của Sư?
TA: Cái nhìn cơ bản
về sự chết là điều khiến Đức Phật rời bỏ gia đình, tầm cầu giác ngộ. Trong kinh
Thánh cầu (Ariyapariyesanā-sutta, MN 26),
Ngài nói: “Chính ta cũng già, bệnh, chết. Hãy tầm cầu cái không già, không bệnh,
không chết.”
Cái nhìn cơ bản về sự chết, theo tôi, là đặt mọi thứ trở về
thực tại và giúp ta có động lực để tu tập tiến đến một cái gì đó vượt ra ngoài
những gì phải chịu tuổi già, bệnh tật và cái chết. Theo cách này, tôi nghĩ đó
là một phần rất quan trọng của con đường chúng ta đi. Nhưng về mặt thực hành, hồi
ức về cái chết này chỉ được dạy trong hai bài kinh Pāli (AN 6.19 và AN 8.73),
mà ban đầu dường như là từ cùng một bài kinh.
Vì vậy, niệm chết không có một vị trí trung tâm trong kinh tạng
Pāli hay kinh A-hàm như các pháp thiền khác, ví dụ như các pháp lập niệm (satipaṭṭhānas), niệm hơi thở (ānāpānasati) hay niệm các tâm vô lượng (brahmavihāras). Trong các pháp lập niệm,
niệm chết xem như có liên hệ đến quán niệm nghĩa địa, nhưng trong pháp quán niệm
hơi thở, không thấy có niệm chết. Niệm chết dường như cũng không thấy được liên
kết với bốn tâm vô lượng.
Do đó, tôi không muốn nói rằng mọi người phải thực hành pháp
niệm chết. Nhưng đối với những ai thực tập pháp quán niệm này – hoặc là do kinh
nghiệm hay hiểu biết cá nhân, hoặc là vì đã chứng kiến cảnh người thân qua đời
– niệm chết có thể có tác dụng chuyển hóa rất đáng kể.
- Bình Anson lược dịch,
Perth, tháng 5-2020.
No comments:
Post a Comment