Cuộc đời Ðức Phật
Bình Anson
Ngày Rằm tháng Tư âm lịch mỗi năm là một ngày đặc biệt cho tất cả các Phật tử trên toàn thế giới. Theo truyền thống Theravāda (Nam tông), đó là ngày lễ Tam Hợp – Vesak (Vesakha) – kỷ niệm ngày sinh (Phật đản), ngày chứng đắc (Thành đạo), và ngày tịch diệt (Bát-niết-bàn) của Ðức Phật. Trong khi đó, một số quốc gia theo truyền thống Mahāyana (Bắc tông) cử hành ba dịp trọng đại trên vào ba ngày khác nhau trong năm. Tuy nhiên, ngày Rằm tháng Tư được xem như là ngày lễ Phật giáo quan trọng nhất, và đã được các tông phái Phật giáo chấp nhận, trong kỳ Ðại hội Phật giáo Thế giới lần thứ VI, năm 1961. Ngoài ra, vào ngày 15 tháng 12 năm 1999, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã biểu quyết công nhận đại lễ Vesak là một trong những ngày lễ chính thức hằng năm của tổ chức quốc tế này.
Ðến nay, nhiều sử liệu ghi rằng Ðức Phật sinh ra trong đêm trăng rằm tháng tư âm lịch năm 623 trước Tây lịch, tại vườn Lumbini (Lâm-tỳ-ni), ngoại ô thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ngày nay thuộc xứ Nepal, phía bắc Ấn Ðộ. Thân phụ Ngài là vua Suddhodana(Tịnh Phạn) và thân mẫu là hoàng hậu Mahā Mayā (Ðại tịnh diệu). Ngài thuộc sắc tộc Sākyā (Thích-ca), có họ Gotama (Cồ-đàm), và được vua cha đặt tên là Siddhattha (Sĩ-đạt-ta), có nghĩa là Như Ý. Năm 16 tuổi, Ngài lập gia đình với công chúa Yasodharā (Gia-du-đà-la) và có một người con trai, tên là Rāhula (La-hầu-la).
Năm 29 tuổi, Ngài rời bỏ cung vàng, vượt sông Anomā (một chi nhánh của thượng lưu sông Gange Hằng hà), tầm sư học đạo, sống cuộc đời du sĩ. Sau 6 năm học hỏi với nhiều bậc đạo sư nổi tiếng thời đó với nhiều pháp môn tu tập khác nhau, Ngài cảm thấy vẫn còn nhiều vướng mắc, và không tìm ra được con đường giải thoát tối hậu.
Cuối cùng, Ngài quyết định không sống lệ thuộc vào một vị đạo sư, một pháp môn nào cả. Từ bỏ lối tu khổ hạnh hành xác, Ngài bắt đầu đi khất thực trở lại để phục hồi sức khỏe, và tham thiền dưới cội cây Assatha, sau này được gọi là cây bồ đề (bodhi), trong vùng Gaya ngày nay được gọi là Bodh Gaya (Bồ-đề đạo tràng), bên bờ sông Nerañjarā (Ni-liên-thuyền).
Ngài lập tâm nhất quyết nỗ lực bất thối chuyển: “Dù chỉ còn da, gân và xương, máu và thịt đã cạn khô và tan biến, ta nguyện không xê dịch chỗ này cho đến khi chứng ngộ toàn giác”. Vào đêm Rằm tháng Tư năm 588 trước Tây lịch, Ngài nhập định tham thiền, quán niệm hơi thở và định tâm, an trú vào bốn tầng thiền-na (jhāna), rồi hướng tâm hồi tưởng các tiền kiếp. Vào cuối canh một đêm đó, Ngài chứng đạt trí tuệ “túc mạng minh”. Sau đó, Ngài hướng tâm quán triệt nguyên do đưa đến sự sinh tử của mọi loài, về luật nghiệp quả, và vào cuối canh hai, Ngài chứng đạt “thiên nhãn minh”. Sau đó, Ngài quán triệt sự chấm dứt các lậu hoặc, quán triệt Khổ, Khổ tập, Khổ diệt, và Con đường diệt khổ (Tứ Thánh đế), và chứng đạt “lậu tận minh”. Lậu đã tận diệt, tuệ đã toàn khai, Ngài quán triệt chân lý và giác ngộ, trở thành một vị Chánh đẳng Chánh giác, và được xem như là đã chứng Niết-bàn hữu dư y, nghĩa là trạng thái tâm trí hoàn toàn giải thoát nhưng thân xác vẫn còn tồn tại. Lúc đó Ngài được 35 tuổi.
Bài giảng đầu tiên của Ngài là bài kinh Chuyển Pháp luân, giảng cho năm anh em Kondañña (Kiều-trần-như), đệ tử đầu tiên, tại vườn Lộc Uyển gần thành Benares (Ba-na-lại). Ðây là bài giảng tóm tắt tinh hoa của đạo giải thoát, là một Trung đạo, không lệ thuộc vào hai cực đoan của việc nô lệ dục lạc và việc hành khổ thân xác, bao gồm bốn sự thật phổ quát (Tứ thánh đế) và con đường diệt khổ gồm tám yếu tố chân chính (Bát chi Thánh đạo).
Từ đó, trong suốt 45 năm, Ngài đi truyền giảng con đường giải thoát, thu nhận đệ tử, có người xuất gia theo Ngài và lập thành tăng đoàn, cũng có người còn tại gia, gọi là các cư sĩ. Vùng truyền giáo của Ngài là vùng đông bắc Ấn Ðộ giáp biên giới xứ Nepal, dọc theo các nhánh thượng nguồn sông sông Hằng.
Ngài thường được gọi là Ðức Phật Cồ-đàm. Từ “Phật” là tiếng gọi tắt của “Phật-đà”, phiên âm từ tiếng Phạn Buddha – người bình dân Việt Nam có nơi gọi là ông Bụt – nghĩa là người đã giác ngộ (giác giả). Trong các kinh điển ghi lại, Ngài thường tự gọi mình là Tathāgata (Như Lai). Ngoài ra, theo kinh điển, Ðức Phật có chín danh hiệu: Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn.
Ngài giảng rất nhiều chủ đề cho nhiều hạng người khác nhau, tùy theo tâm tính, căn cơ, hoàn cảnh của họ, để giúp họ thăng tiến trên đường tu tập. Thực tế nhất là 37 phẩm trợ đạo mà Ngài đã tóm tắt lại trong những ngày cuối của cuộc đời tại thế của Ngài: bốn pháp lập niệm, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, và đường thánh tám chi (Bát chi Thánh đạo).
Ðức Phật tịch diệt năm 543 trước Tây lịch, lúc Ngài 80 tuổi, tại khu rừng cây Sālā, gần thành Kusinārā (Câu-thi-na). Ðêm đó, sau khi nhập và xuất tám bậc thiền, Ngài nhập Niết-bàn vô dư y – hay Bát-niết-bàn (Parinibbāna) – nghĩa là Niết-bàn với thân xác không còn mầm sống tồn tại trong thế gian. Lúc đó là canh cuối cùng của đêm rằm tháng tư. Lời dạy cuối cùng của Ngài là:
“Này các vị Tỳ khưu, nay Ta khuyên bảo chư vị: tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tinh tấn, chớ có phóng dật.”
Các bài giảng của Ngài được trùng tuyên và kết tập lại thành bộ Kinh tạng (Sutta piṭaka). Các điều giới luật cho các vị tu sĩ cùng các câu chuyện có liên quan đến giới luật đó được kết tập thành bộ Luật tạng (Vinaya piṭaka). Ngoài ra, còn có nhiều bài giảng đặc biệt khác mà về sau này được đúc kết lại trong bộ A-tỳ-đàm (Abhidhamma piṭaka, Thắng pháp tạng hay Vi diệu pháp tạng). Ba tạng này kết hợp thành bộ Tam tạng kinh điển của Phật giáo ngày nay.
Bình Anson hiệu đính,
"Phật pháp Vấn đáp",
Mùa Vesak 2020.
"Phật pháp Vấn đáp",
Mùa Vesak 2020.
*---------------------*
No comments:
Post a Comment