Saturday, 9 May 2020

Chúng ta nên sống đến bao lâu?

Chúng ta nên sống đến bao lâu?
How long should we live?
David Robson, 21/10/2014

Việt dịch: Cafebiz, www.cafebiz.vn, 16/06/2015
-----------

Cái chết – cùng với tình dục – là hai nỗi ám ảnh lớn nhất của con người. Vì vậy khi Bác sĩ Ezekiel Emanuel, 57 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh, đứng lên phát biểu rằng ông đã chuẩn bị sẵn cho ngày chết của mình ở tuổi 75, mọi người đều ngạc nhiên.

*

“Tôi nghĩ đến tuổi 75, bạn đã sống đủ cho một đời người… Bạn đã làm việc chăm chỉ khi còn trẻ, làm nên sự nghiệp và có một gia đình. Với tôi đó là một cuộc sống tuyệt vời, vậy tại sao chúng ta lại phải tiếp tục cố gắng chống chọi với chứng mất trí nhớ và trở thành gánh nặng cho gia đình?”, ông nói.

Đáng ngạc nhiên hơn là những điều này lại được phát ngôn từ một bác sĩ chuyên khoa và giám đốc của Ủy ban Đạo đức Y học thuộc Bộ Y tế Mỹ. Ông chắc chắn hiểu rõ hơn chúng ta hiệu quả của những phương thuốc hiện đại. Thế nhưng, Emanuel lại khuyên mọi người hãy chấp nhận cái chết như một lẽ tự nhiên, dù nó có khó khăn đến thế nào. Liệu chúng ta có nên đồng tình với ý tưởng việc chọn thời điểm chết, để rời bỏ cuộc đời này?

Emanuel đã nói về vấn đề này nhiều lần trong cuộc đời mình. Ông từng viết: “Không cần phải nghi ngờ, cái chết là một sự mất mát. Nó tước mất của chúng ta kinh nghiệm và kỷ niệm, những quãng thời gian chúng ta giành cho gia đình, con cái. Nó lấy đi tất cả những gì giá trị của chúng ta.”

“Tuy nhiên, có một sự thật đơn giản mà chúng ta dường như đang cố gắng chối bỏ: Sống quá lâu cũng là một sự mất mát. Nó khiến rất nhiều trong chúng ta, nếu không bị bại liệt, thì cũng mắc hội chứng suy giảm và mất chức năng, một tình trạng có thể không tồi tệ như cái chết nhưng cũng tước đoạt của chúng ta mọi thứ. Nó khiến chúng ta không còn có khả năng sáng tạo hay có năng lực để làm việc, giao tiếp với xã hội và thế giới bên ngoài. Nó làm thay đổi cách mọi người giao tiếp với chúng ta, quan hệ với chúng ta, và quan trọng hơn, cách họ nhớ nghĩ về chúng ta. Chúng ta sẽ không còn được nhớ tới như là một con người năng động, tích cực. Thay vào đó, được nghĩ đến như là một người yếu ớt, vô ích, thậm chí là tội nghiệp.”

Thật ra, những điểm mà Emanuel đưa ra đã được nhắc tới nhiều lần và dĩ nhiên, chúng ta đều biết về chúng. Cả tham vọng bất tử – cũng như những nỗi đau khổ mà nó có thể đem đến – từ lâu đã ám ảnh loài người.

Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần Eos đã cầu xin Zeus hãy cho người tình của mình là Tithonus cuộc sống bất tử. Tuy nhiên, dù Tithonus không bao giờ chết, ông vẫn già đi như tất cả chúng ta, trở thành một ông già ốm yếu, bệnh hoạn. Eos cuối cùng cảm thấy ghê tởm người tình của mình và khóa ông vào một căn phòng, nơi ông luôn cầu xin được chết.

*

Dù có thể không sai, nhưng những lập luận của Emanuel chưa chắc được nhiều người đồng ý. Đó là bởi vì chúng ta vẫn luôn đặt niềm tin vào các vị bác sĩ – những người được kỳ vọng có thể cứu chúng ta thoát khỏi vòng tay tử thần. Thay vì nghĩ về những gì sẽ xảy ra sau khi chết, chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn khi nghĩ tới các phương thuốc có thể kéo dài và duy trì cuộc sống của mình càng lâu càng tốt.

Vấn đề đặt ra, theo Emanuel, đó là dù đúng là có những phương pháp duy trì cuộc sống của chúng ta được thêm nhiều năm, nhưng chúng không thể ngăn cản việc suy giảm các chức năng sinh hoạt trong cuộc sống. Càng ngày càng có nhiều người sống lâu nhưng ốm yếu, tàn tật và mất dần các chức năng. Emanuel cho biết một thí dụ là hiện nay, tỉ lệ người sống sót sau cơn đột quỵ cao hơn 20% so với quá khứ. Tuy nhiên, hầu hết đều bị bại liệt hoặc di chấn nghiêm trọng. “Một mặt, có thể gọi đó là chiến thắng trước bệnh tật. Mặt khác, có lẽ không hẳn là vậy”, ông nói.

Tuy nhiên, không giống như những người đòi quyền tự sát, Emanuel không đề nghị mọi người nên thúc đẩy cái chết của mình. Riêng Emanuel, khi tới năm 75 tuổi, ông chỉ đơn giản là sẽ khước từ những hỗ trợ y tế như hóa trị hay máy tạo nhịp tim để kéo dài cuộc sống “Nghĩa là bạn không cố kéo dài cuộc sống bằng cách tận dụng mọi loại thuốc”. Ông cũng sẽ không dùng ngay cả các loại thuốc kháng sinh.

Tất nhiên, mỗi người sẽ già đi theo những cách rất khác nhau. Có thể tới ngoài 80, bạn vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Emanuel cũng thừa nhận như thế. Giới hạn 75 tuổi chỉ là một con số tương đối. Tuy nhiên, “Nếu bạn không đặt một cột mốc thời gian, bạn sẽ không đối mặt với câu hỏi lớn, và bạn sẽ không nghĩ rằng bạn sẽ suy yếu dần dần,” ông nói. “Tôi đề nghị bạn tập trung vào câu hỏi: ‘Bạn có 75 năm, bạn sẽ làm gì với nó?’”

------------------------
* Nguyên tác tiếng Anh: 
Why I want to die at 75

* Có thể tìm đọc thêm một bài viết khác của Dr Ezekiel Emanuel, với nhiều thông tin chi tiết hơn, đã gây nhiều bàn luận sôi nổi:

- Why I Hope to Die at 75.
An argument that society and families—and you—will be better off if nature takes its course swiftly and promptly.
Story by Ezekiel J. Emanuel
The Atlantic, October 2014.

=> https://www.theatlantic.com/magazine/archive/2014/10/why-i-hope-to-die-at-75/379329/

=> https://budsas.blogspot.com/2019/09/why-i-hope-to-die-at-75.html


No comments: