Saturday 16 May 2020

Niệm chết trong thế giới hôm nay.

Niệm chết trong thế giới hôm nay
Kim Allen và Shaila Catherine
Hội Thiền Quán South Bay, Menlo Park, California, Hoa Kỳ

“Niệm chết, khi được tu tập và phát triển, sẽ mang đến kết quả lớn và lợi ích lớn, đưa đến bất tử, có bất tử là cứu cánh.” – AN 8.7

Xã hội phương Tây của chúng ta rất khéo che giấu cái chết. Cái chết chỉ thấy xảy ra đằng sau những cánh cửa đóng kín hoặc ở những địa điểm y tế như bệnh viện và nhà dưỡng lão. Chúng ta hiếm khi nhìn thấy xác chết, hiếm khi nhìn thấy tiến trình cuối cùng đưa đến cái chết. Nghiêm trọng hơn, cái chết thường được hiểu như là một sự thất bại hoặc có gì đó không ổn, và người ta hoàn toàn bỏ qua chiều kích tâm linh của nó.

Trong thời đại hôm nay, hơn bao giờ hết, trong đạo Phật, quán soi về cái chết có nhiều ý nghĩa, có nhiều ích lợi tâm linh. Giáo lý của Đức Phật khuyến khích mọi người nên tự mình suy ngẫm, tra vấn sâu sắc và trực tiếp hiểu biết về cái chết, vì đó là một con đường đưa đến Giải thoát.
Khi Ngài Bồ-tát bắt đầu cuộc tầm cầu giải thoát, một trong các động lực mạnh mẽ nhất là khi Ngài thấy  một xác chết và hiểu rằng rồi Ngài cũng sẽ chết. Ngài lên đường tầm đạo để khám phá cái không già, không bệnh, không chết – Niết-bàn, Giải thoát Bất tử.

Có thể chúng ta không lập tức chấp nhận ý tưởng suy ngẫm về các chết của chính mình. Bởi vì chúng ta có bản năng sinh tồn như các loài động vật khác. Tuy nhiên, là con người, chúng ta có thêm được sự hiểu biết là bản năng sinh tồn đó rồi cũng sẽ thất bại vì chúng ta sẽ phải chết, không tránh được.

Làm thế nào để chúng ta sống với sự hiểu biết này? Có nhiều phương cách để tránh né, và chúng có xu hướng giống như tất cả các vấn đề khác của thế giới: Từ chối, gây hấn, thèm muốn, lo lắng, quá bận rộn, v.v. Thật thú vị vì chỉ cần chuyển sang chú tâm về cái chết, thậm chí thực hiện một cách rất nhẹ nhàng, là bắt đầu làm xói mòn nỗi sợ hãi và nỗi đau khổ vốn là nền tảng cho tất cả các phương cách đó.

Phạm vi tu tập trong Phật giáo chung quanh cái chết được gọi là “maranasati” – niệm chết. “Mara” được xem như là sức mạnh của tâm bất thiện, sự cám dỗ – thường được nhân cách hóa như là Ma vương, hay là cái chết theo nghĩa đen trong văn học Phật giáo. “Sati” là niệm, sự tỉnh thức. “Maranasati” được hiểu như là dùng cái chết như là một đề mục hành thiền, để quán soi trạch vấn một cách trầm lặng, tỉnh thức.

Trong truyền thống Phật giáo Nam tông, thực hành niệm chết thường được dựa vào bài kinh Lập Niệm (Satipatthana Sutta, MN 10), trong đó, hành giả hình dung cơ thể gồm có 32 bộ phận, bao gồm các cơ quan và chất dịch khác nhau, và quán tưởng xác chết qua các giai đoạn phân hủy. Nhiều tu viện thường có các bộ xương khô đặt ở những chỗ nổi bật trong khuôn viên để khuyến khích pháp quán niệm này.

Những pháp thiền chính thức như vậy hiện có sẵn cho chúng ta, nhưng người phương Tây cũng có thể chọn thêm nhiều cách khác để giúp có thêm hiểu biết về cái chết. Có vài phương cách khá đơn giản, chỉ cần chúng ta nhớ bắt tay thực hành (nói dễ hơn làm, vì ý muốn tự nhiên của chúng ta là trốn tránh cái chết!), có vài phương cách khác cần nhiều nỗ lực tập trung hơn. Sau đây là một danh sách ngắn gọn, dựa trên kinh nghiệm của người viết; đề nghị quý vị đọc qua, thử áp dụng và tự khám phá cho riêng mình.

I. Thực hành Niệm Chết
Chìa khóa để thành công trong bất kỳ pháp niệm chết nào nào là sự suy niệm đúng đắn, có thể được tóm tắt ở câu ”Tôi cũng thế”: Cơ thể của tôi cũng sẽ như thế. Tôi không tránh khỏi điều đó. Rất ít người nhấn mạnh điều này, thay vào đó, họ chọn sử dụng ống kính thẩm mỹ hoặc khoa học/phân tích khi quan sát thân xác còn sống hoặc đã chết. Những ống kính như vậy tạo ra khoảng cách và không giúp vượt qua nỗi sợ hãi hay ảo tưởng. Ngược lại, suy niệm đúng đắn khiến chúng ta hiểu rằng cái chết là tự nhiên, bình thường và sẽ là một phần của trải nghiệm của chính chúng ta. Tỉnh thức ghi nhận sự tương quan, đồng nhất sẽ giúp vượt qua nỗi sợ hãi. Quan trọng nhất, suy niệm đúng đắn sẽ thúc đẩy mức thực hành được thâm sâu hơn.

I.1 Trên chiếu thiền
Hít vào thở ra như thể đó là hơi thở cuối cùng của bạn. Đặc biệt chú ý đến phần cuối của hơi thở ra, cảm thấy nó trôi đi vào khoảng không, an nghỉ trong khoảng trống. Rồi khi bắt đầu hít vào một hơi thở khác, tiếp tục nhận thức rằng có thể đây là hơi thở cuối cùng của mình.

I.2 Chiêm nghiệm cuộc sống hàng ngày
• Lưu ý đến đồ vật trong cuộc sống của bạn đến từ những người đã chết. Ví dụ, một chiếc vòng cổ mà bạn được thừa hưởng từ bà cố của bạn; trên bàn thờ hay trên đầu tủ có những tấm ảnh của người thân đã chết từ lâu; hoặc một bức tranh vẽ của người anh hay người chị đã qua đờì khi còn trẻ. Sau đó xem xét những đồ vật của riêng bạn: Rồi thì chúng cũng sẽ được truyền giao cho người khác sau khi bạn chết. Điều này giúp ta bớt đi ý tưởng phải thu thập, tích lũy nhiều thứ đồ vật trong cuộc sống và giảm thiểu sự dính mắc vào của cải vật chất.

• Ghi nhận sự kết thúc hay các dạng thức “chết” của mọi sự vật chung quanh, thay vì vội vã hướng đến sự bắt đầu của những thứ khác. Không có gì trên đời này mà không vô thường, chết đi. Lá rơi từ cành cây, hoa héo tàn, tiệc tùng kết thúc. Tạm dừng mọi hoạt động để chỉ ghi nhận sự kết thúc.

• Trên đường đi, khi thấy một con thú bị xe cán chết, hoặc khi thấy con mèo kéo xác con chuột, hãy nghĩ: “Rồi thì thân xác của tôi cũng sẽ như thế.”

• Khi được tin bạn bè hoặc người thân qua đời, hãy suy nghĩ một cách có ý thức: “Rồi tôi cũng sẽ chết.” Rồi chiêm nghiệm rằng mình sẽ không mang theo được gì khi chết, ngoại trừ nghiệp thiện và bất thiện mà mình tạo ra qua thân, khẩu, ý. Từ đó, suy nghĩ mình nên làm những gì trong đời sống này.

I.3 Nghĩa trang và nhà xác
• Lưu ý khi bạn lái xe đi ngang qua nghĩa trang và nhà xác, tâm trí của bạn có thể không muốn chú ý đến những nơi này, ngay cả khi bạn đi ngang qua đó mỗi ngày. Hãy nhận định rằng thân xác của mình rồi sẽ bị phân hủy ở đó.

• Tìm cơ hội đi bộ trong nghĩa trang. Bạn có thể đọc tên tuổi ghi ở các bia mộ, đó là những người khi còn sống đã có những hy vọng, ước mơ, nỗi sợ hãi, nhân tính khác nhau. Cũng rất thú vị khi ghi nhận tuổi thọ của họ – có người còn khá trẻ, trẻ hơn bạn, khi họ qua đời. Hoặc bạn có thể ngồi lặng lẽ và ghi nhận không khí, khung cảnh của nơi này. Rồi chiêm nghiệm: Cái chết có thể đến với mình bất cứ lúc nào.

I.4 Hình ảnh
• Có thể tìm những hình ảnh về xác chết và xác đang phân hủy để quán niệm. Nhưng nên sử dụng có ý thức, bởi vì đó là những hình ảnh có tính nhạy cảm. Không nên để lộ liểu, bừa bãi trên màn hình máy tính, trên bàn, trên kệ sách. Dành một thời gian nhất định nào đó để chiêm nghiệm nghiêm túc các hình ảnh này như là đối tượng thiền quán. Có thể tham khảo các sách về cơ thể học (chẳng hạn như cuốn “Color Atlas of Anatomy”, tác giả là Rohen và Yokochi), trong đó có nhiều hình ảnh về các bộ phận của cơ thể. Xem như cơ thể của mình cũng như thế.

• Có thể tìm xem hình ảnh về các bộ xương trong nhiều cuốn sách hay trên các trang web. Thật là ấn tượng mạnh mẽ khi nhìn các khúc xương rã rời, phân tán khắp nơi, và từ đó quán niệm – như trong kinh Lập Niệm (MN 10) – rằng “Đây là xương tay, đây là xương chân, đây là xương cánh tay, đây là xương ống chân, đây là xương răng, đây là xương sọ, … Thân thể này một ngày kia rồi cũng sẽ như thế.” Từ đó, thật khó mà bám thủ vào thân thể này, xem nó là vững bền.

I.5 Tình nguyện
• Bạn có thể tình nguyện đến giúp việc trong bệnh viện, hoặc tốt hơn, tại một nhà tế bần hoặc viện dưỡng lão là nơi ta có thể nhận thức được rằng cái chết đang dần dần tiến đến. Khung cảnh ở đó cho ta một cơ hội để nhìn thấy những người sắp sửa qua đời. Chắc chắn bạn sẽ ghi nhận được những cảm giác của mình về cái chết, đã từng xảy ra trong các kiếp trước và sẽ xảy đến trong kiếp này. Nếu có quen biết ai đó đang sống tại nhà dưỡng lão, bạn nên cố gắng đến viếng thăm thường xuyên.

I.6 Giải phẫu
• Nếu có điều kiện và cơ hội, bạn có thể xin phép đặc biệt đến quan sát cuộc giải phẫu khám nghiệm tử thi tại các bệnh viện. Thấy tận mắt trên thực tế sẽ tạo một ấn tượng rất sâu đậm về xác thân và cái chết.

II. Kết quả của thực hành Niệm Chết
Thực hành các phương pháp niệm chết để đem cái chết vào nhận thức cá nhân chắc chắn sẽ có một tác động vào tâm trí của hành giả. Có nhiều kết quả khác nhau, tùy theo các điều kiện thực hành và cách hành giả hiểu về những gì đang áp dụng.

Một tác động chung khi tiếp xúc với cái chết là có được một đánh giá cao hơn về hành vi đạo đức. Khi chứng kiến một người bạn qua đời, hay khi phải trải qua một đêm lo sợ cận kề với cái chết trong một phòng cấp cứu tại bệnh viện sẽ tạo một cái nhìn mới về các mối quan hệ và về cách sống của mình. Đôi khi điều này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn rồi người ấy quên đi, và đôi khi người ấy thay đổi hoàn toàn về cái nhìn trong cuộc sống, trở thành một người có đạo đức, có tâm bố thí và lòng biết ơn.

Kết quả lâu dài của việc sống theo cách này là người ấy không còn sợ chết nữa. Đức Phật đã khuyên nhủ một đệ tử cư sĩ lo lắng về trạng thái của tâm của mình khi kề cận cái chết rằng: “Đừng sợ! Đừng sợ! Cái chết của ông sẽ không xấu ác, cái chết của ông sẽ không xấu ác. Khi tâm trí được vững mạnh trong một thời gian dài qua tu tập trọn vẹn về tín, về giới, về sở văn, về xả ly bố thí, về trí tuệ,  thì tâm trí ấy là thượng thặng, đi đến thù thắng.” (SN 55.21)

Khi thực hành niệm chết như là một pháp hành thiền nghiêm túc, công phu đó giúp làm thâm sâu mức an chỉ, định tâm và lòng từ bi. Sự tất yếu của cái chết có thể đem đến sự yên tĩnh sâu sắc. Nếu được hướng dẫn đúng đắn, dùng các hình ảnh xác chết như là đề mục thiền định có thể giúp tâm chuyên nhất đến mức có thể đắc thiền-na. Khi tâm trí hướng về sự tương đồng về cái chết của mọi chúng sinh, lòng đại bi có thể khởi sinh khi hành giả cảm thông được nỗi khổ về cảm nghiệm sự chết này. Tóm lại, tất cả các pháp niệm chết đều giúp củng cố sâu sắc và mở rộng trái tim.

Nhưng thành quả của niệm chết được Đức Phật nhấn mạnh nhiều nhất là nó có thể đưa đến Giải thoát (AN 1.203). Sự “cấp bách tâm linh” trước cái chết gọi là “saṃvega”, là một bước quan trọng trong tu tập. Trên thực tế,  saṃvega được xem như là một dấu hiệu đánh giá mức thành công của niệm chết. Niệm chết thường được xem như là để đối trị với tâm giãi đãi, tự mãn – thí dụ, tâm của những người có một lối sống sung túc, đầy đủ tiện nghi.

Không còn thỏa mãn với những dục lạc tạm bợ, hành giả tầm cầu niềm hạnh phúc sâu sắc hơn trước khi qua đời. Đức Phật ca ngợi nỗ lực thực hành niệm chết ngay trong giây phút hiện tại. Trong bài kinh AN 6.19 và 8.73, Ngài dạy:

“Tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy.’ … Những tỳ-khưu ấy được gọi là những vị sống không phóng dật, tu tập rất sắc sảo niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc.”

Trong bài kinh AN 6.20 và 8.74, Ngài ví “saṃvega”, sự cấp bách thôi thúc để luyện tập niệm chết như thể quần áo hoặc đầu của một người bị bắt lửa cháy. Người ấy phải có mong muốn mãnh liệt để kịp thời dập tắt ngọn lửa, với nỗ lực, nhiệt tình, tỉnh thức và hiểu biết rõ ràng.

Do đó, hãy đi theo ước nguyện thiện lành này cho đến tận cùng con đường đưa đến Giải thoát Bất tử. Chúc các bạn thu thập được nhiều kết quả và lợi ích trong việc thực hành niệm chết.

– Bình Anson lược dịch,
Perth, tháng 5-2020.

Nguyên tác: Maranasati for the Modern World, by Kim Allen and Shaila Catherine

–ooOoo–
Kim Allen và Shaila Catherine


No comments: