Sunday, 10 May 2020

Quả Dự Lưu - Tiến trình tu tập


Quả Dự Lưu - Tiến trình tu tập
Trích: Những lời Phật dạy, Chương X: Các cấp độ thực chứng.
Bhikkhu Bodhi (2005).
Bình Anson biên dịch (2016).
https://budsas.net/sach/vn24nlpd_2017-10b.pdf


Trong kinh tạng Nikāya, đa số chúng sinh được gọi là “vô văn phàm phu” (assutavā puthujjana). Người vô văn phàm phu không biết quý trọng Đức Phật và giáo pháp của Ngài, không biết Pháp hoặc không quan tâm đến thực hành. Mục đích của Phật đạo là để dẫn dắt những kẻ vô văn phàm phu đạt được Bất tử và các giai đoạn thực chứng là các bước đưa đến hoàn tất tiến trình này. Tiến trình chuyển hóa bắt đầu khi một người gặp giáo pháp của Đức Phật, có lòng tin nơi Đức Phật là Bậc Giác Ngộ. Tiếp theo, người ấy có sự hiểu biết rõ ràng về Pháp, tuân giữ các điều giới và đi vào sự thực hành có hệ thống trên con đường đó. Trong các bài kinh, một người như thế được gọi là một vị thánh đệ tử  (ariyasāvaka) theo nghĩa rộng, không nhất thiết phải đúng theo nghĩa hẹp của thuật ngữ là một người đã đắc đạo quả.

Truyền thống sau này gọi một người có lòng tin nơi Pháp và có ước nguyện để đắc quả Dự lưu là một phàm phu có giới đức (kalyāṇaputhujjana). Để đắc quả Dự Lưu, người đệ tử có ước nguyện như thế phải nuôi dưỡng “bốn yếu tố đưa đến Dự lưu” (Dự lưu hướng phần). Như Kinh văn X,2(1) giải thích, đó là: Thân cận bậc hiền trí; lắng nghe Diệu pháp; như lý tác ý (thí dụ, phải biết rõ vị ngọt, nguy hại và xuất ly); và thực hành pháp và tùy pháp (bằng cách huân tập giới, định, tuệ). Đỉnh điểm tu tập của một vị đệ tử có ước nguyện ấy là phát triển minh quán: quán soi thông suốt về các uẩn, các căn và các giới là vô thường, gắn bó với hoạn khổ và không có một bản ngã đích thực. Đến một lúc nào đó, khi tuệ quán đạt đến đỉnh điểm, sự hiểu biết của vị đệ tử sẽ qua một sự chuyển đổi quan trọng, đánh dấu bằng “thể nhập chánh tánh”, thật sự đi vào Bát Chi Thánh Đạo đưa đến Niết-bàn, không đảo ngược nữa. Như trình bày trong Kinh văn X,2(2), một vị đệ tử như thế đã vượt phàm phu địa và đi vào chân nhân địa, lĩnh vực của các vị thánh. Mặc dù chưa đắc quả Dự lưu, vị đệ tử ở giai đoạn này không thể qua đời mà không chứng đắc được quả Dự lưu (xem thêm SN 25:2-10, không trích dẫn ở đây).

Như chúng ta đã thấy, trong số các vị đệ tử nhập dòng thánh, có sự phân biệt giữa vị tùy tín hành – nhập dòng giải thoát bằng niềm tin và tùy pháp hành – nhập dòng giải thoát bằng trí tuệ. Trong khi các vị tùy tín hành và tùy pháp hành khác nhau qua căn mạnh nhất của họ, các vị này cũng đều phải tiếp tục nuôi dưỡng con đường đã thể nhập. Khi các vị ấy đã thấy và biết cốt lõi của Pháp – khi các vị ấy “có Pháp nhãn” và “có sự đột phá tiến đến Pháp” – các vị ấy trở thành bậc Dự lưu, đưa đến giác ngộ hoàn toàn và đắc Niết-bàn trong tối đa là bảy kiếp sống nữa – xem Kinh văn X,2(3). Các vị thánh Dự lưu diệt tận ba kiết sử đầu tiên và có được tám yếu tố của Bát Chi Thánh Đạo. Vị này cũng có được “bốn tính hạnh của Dự lưu”. Đó là: Lòng tin vững chắc nơi Phật, Pháp, Tăng và “giới đức được các bậc thánh ái kính”, có nghĩa là tuân giữ kiên cố năm giới – xem Kinh văn X,2(4)-(5).

Sau khi nhìn thấy chân lý của Pháp, vị thánh Dự lưu phải đối mặt với thử thách, tiếp tục nuôi dưỡng minh kiến này để diệt trừ các kiết sử còn lại. Mốc điểm quan trọng kế tiếp, sự chứng đắc quả vị Nhất lai, không hoàn toàn diệt tận thêm các kiết sử khác. Tuy nhiên, công phu đó làm suy yếu ba căn phiền não – tham, sân, si – đến một mức độ bảo đảm khi vị ấy trở lại thế gian này, là cõi dục giới, chỉ một lần và rồi sẽ chấm dứt hoạn khổ.

----------------

KINH VĂN

X,2. BẬC DỰ LƯU
(1) Bốn Dự lưu phần
Thế Tôn nói với Tôn giả Sāriputta:
– “Dự lưu phần, dự lưu phần”, này Sāriputta, được nói đến như vậy. Này Sāriputta, thế nào là Dự lưu phần?
– Thân cận các bậc chân nhân, bạch Thế Tôn, là Dự lưu phần. Nghe diệu pháp là Dự lưu phần. Như lý tác ý là Dự lưu phần. Thực hành pháp và tùy pháp là Dự lưu phần.
– Lành thay, lành thay, này Sāriputta! “Dòng sông, dòng sông”, này Sāriputta, được nói đến như vậy. Này Sāriputta, thế nào là dòng sông?
– Bạch Thế Tôn, đây là dòng sông Bát Chi Thánh Đạo; tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
– Lành thay, lành thay, này Sāriputta! “Dự lưu, Dự lưu”, này Sāriputta, được gọi là như vậy. Này Sāriputta, thế nào là Dự lưu?
– Bạch Thế Tôn, ai thành tựu Bát Chi Thánh Đạo này, người ấy gọi là Dự lưu. Vị tôn giả với tên như vậy, với họ như vậy.
– Lành thay, lành thay, này Sāriputta! Này Sāriputta, ai thành tựu Bát Chi Thánh Đạo, người ấy được gọi là bậc Dự lưu. Vị tôn giả với tên như vậy, với họ như thế vậy.
(SN 55:5)

(2) Thể nhập chánh tánh
– Này các tỳ-khưu, mắt là vô thường, biến hoại, đổi khác. Tai ... Mũi ... Lưỡi ... Thân ... Ý là vô thường, biến hoại, đổi khác.
Ai có lòng tin, có tín giải đối với những pháp này; vị ấy được gọi là vị tùy tín hành, đã nhập chánh tánh, đã nhập chân nhân địa, đã vượt phàm phu địa. Vị ấy không có thể làm những hành động gì, do làm hành động ấy, phải sinh vào địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ; một vị không có thể mệnh chung mà không chứng quả Dự lưu.
Ai chấp nhận các pháp sau khi suy quán đến mức độ vừa đủ với trí tuệ; vị ấy được gọi là tùy pháp hành, đã nhập chánh tánh, đã nhập chân nhân địa, đã vượt phàm phu địa. Vị ấy không có thể làm những hành động gì, do làm hành động ấy, phải sinh vào địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ; một vị không có thể mệnh chung mà không chứng quả Dự lưu.
Với ai, đối với những pháp này, biết rõ như vậy, thấy rõ như vậy, vị ấy được gọi là đã chứng Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc sẽ chứng quả giác ngộ.
(SN 25:1)

(3) Chứng được minh kiến
Rồi Thế Tôn lấy lên một ít bụi trên đầu móng tay rồi gọi các tỳ-khưu:
– Này các tỳ-khưu, các ông nghĩ thế nào, cái gì nhiều hơn, một ít bụi này Ta lấy lên trên đầu ngón tay, hay là quả đất lớn này?
– Chính cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là quả đất lớn này. Ít hơn là một ít bụi được Thế Tôn lấy lên trên đầu ngón tay; không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần có thể sánh bằng, khi so sánh quả đất lớn với một ít bụi được Thế Tôn lấy lên trên đầu ngón tay.
– Cũng vậy, này các tỳ-khưu, đối với vị thánh đệ tử đã chứng được kiến cụ túc, đối với người đã chứng được minh kiến, cái này là nhiều hơn, tức là khổ đã được đoạn tận, đã được diệt tận; ít hơn là khổ còn lại, không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh với khổ uẩn trước đã được đoạn tận, đã được diệt tận, tức là bảy lần nhiều hơn.
Này các tỳ-khưu, như vậy lợi ích lớn thay là pháp minh kiến (dhammābhisamaya); như vậy lợi ích lớn thay là chứng đắc pháp nhãn (dhammacakkhupaṭilābha).
(SN 13:1)

(4) Bốn pháp thành tựu Dự lưu
– Thành tựu bốn pháp, này các tỳ-khưu, vị thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không có thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: “Ðây bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”.
Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với Pháp: “Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”.
Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với chúng Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Chân chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng cúng dường, đáng tôn trọng, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời”.
Vị ấy thành tựu các giới được các bậc thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến thiền định.
Thành tựu bốn pháp này, này các tỳ-khưu, vị thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc sẽ chứng quả giác ngộ.
(SN 55:2)

(5) Lợi đắc cao hơn lợi đắc của bốn châu
– Dù cho, này các tỳ-khưu, một vị Chuyển luân vương làm chúa tể và cai trị bốn châu, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh lên thiện thú, thiên giới, thế giới này, cộng trú với chư thiên ở cõi Ba mươi ba; tại đấy, vị ấy trú trong rừng Nandana, được chúng thiên nữ đoanh vây, được đầy đủ, được cung cấp, được bao bọc năm thiên dục công đức, nhưng không được đầy đủ bốn pháp; vị ấy chưa được giải thoát khỏi địa ngục, chưa được giải thoát khỏi sinh vào loài bàng sinh, chưa giải thoát khỏi ngạ quỷ và chưa thoát khỏi ác sinh, ác thú, đọa xứ.
Nhưng này các tỳ-khưu, vị thánh đệ tử, dù sống bằng các miếng ăn khất thực, đắp với y nhiều tấm (nantakāni); nhưng vị ấy có đầy đủ bốn pháp. Vị ấy được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi sinh vào loài bàng sinh, được giải thoát khỏi cõi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi ác sinh, ác thú, đọa xứ.
Thế nào là bốn? Vị thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, thành tựu các giới được các bậc thánh ái kính.
Và này các tỳ-khưu, có sự lợi đắc của bốn châu và sự lợi đắc của bốn pháp. Sự lợi đắc bốn châu không đáng giá bằng một phần mười sáu của sự lợi đắc bốn pháp.
(SN 55:1)

*----------*
Dự Lưu - Tiến trình tu tập

Ghi thêm: Biểu đồ lập ra để giúp soi sáng, tóm tắt nội dung cho dễ nhớ. Điều nguy hại cần nên biết để tránh là không nên chỉ quảng bá biểu đồ mà quên phần nội dung. Truyền tải từ người này sang người kia, dần dần, không ai còn biết trong kinh Đức Phật dạy những gì, mà chỉ suy diễn biểu đồ dựa theo hiểu biết cá nhân.
*----------*

No comments: