Saturday, 30 April 2022

Về Tạng A-tỳ-đàm (Abhidhamma Piṭaka, Tạng Vi Diệu Pháp, Tạng Thắng Pháp)

ABHIDHAMMA PIṬAKA – Vi Diệu Pháp Tạng, Tạng A-tỳ-đàm.
Chơn Quán Trần Ngọc Lợi dịch (2006), Bình Anson hiệu đính (2022).

* Nguồn: “Dictionary of Pāli Proper Names”, G. P. Malalasekera (1938, 1997), Pali Text Society.

Đây là tạng thứ ba của Tam tạng (Tipiṭaka). Gồm bảy bộ: Pháp tụ (Dhammasaṅganī), Phân tích (Vibhaṅga), Ngữ tông (Kathāvatthu), Nhân chế định (Puggalapaññati), Nguyên chất ngữ (Dhātukathā), Song đối (Yamaka) và Vị trí (Paṭṭhāna); tất cả được gọi là Luận thư (Pakaraṇa). Chỉ trong Biên niên (Chronicles) và Chú giải (Commentaries), từ “Abhidhamma” mới được dùng làm tựa của Tạng thứ ba [1]. Trong Kinh tạng [2], từ ấy có nghĩa là “pháp đặc biệt”, nghĩa là một giáo lý đơn thuần (không có pha trộn thêm văn học hay truyện cá nhân, v.v.), và thỉnh thoảng được dùng kèm theo từ Abhivinaya [3] – được hiểu như là pháp tối thượng và luật tối thượng.

Có người cho rằng [4], vì từ Abhidhamma không thấy hiện diện đơn lẻ trong Kinh tập (Sutta Nipāta), Tương ưng bộ (Saṃyutta Nikāya) hay Tăng chi bộ (Aṅguttara Nikāya), và chỉ được thấy một đôi lần trong Trường bộ (Dīgha Nikāya) và Trung bộ (Majjima Nikāya), từ ấy chỉ được sử dụng vào giai đoạn cuối khi hình thành bốn bộ Nikāya [5].

Những người theo Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika) không chấp nhận xem A-tỳ-đàm là một Tạng (Piṭaka) vì họ không công nhận đó là lời của Phật [6].

Theo nhóm Trì tụng Trường bộ (Dighabhānaka), tạng A-tỳ-đàm (Abhidhamma Piṭaka) bao gồm toàn bộ Tiểu bộ (Khuddaka Nikāya), ngoại trừ Hạnh tạng (Cariyāpiṭaka), Thánh nhân Ký sự (Apadāna) và Phật sử (Buddhavaṃsa) [7].

Theo cách phân chia khác, năm bộ Nikāya không phải là thành phần riêng của các bài kinh giảng mà là của toàn bộ kinh văn của thời kỳ nguyên thủy; và trong bộ thứ năm – Tiểu bộ (Khuddaka Nikāya) – bao gồm cả tạng Luật (Vinaya) và tạng A-tỳ-đàm (Abhidhamma) [8].

Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) có ghi lại truyền thuyết cho rằng A-tỳ-đàm được Đức Phật thuyết lần đầu tiên ở cõi trời Đao Lợi (Tāvatiṃsa), dưới gốc cây Pāricchataka, lúc Ngài ngồi trên ngai của Thiên chủ Đế-thích (Sakka), trong dịp viếng thăm thân mẫu trên cõi ấy. Sau đó, Phật dạy lại cho Trưởng lão Xá-lợi-phất bên bờ hồ Anotatta, chỗ mà Trưởng lão Xá-lợi-phất đến để phục vụ Đức Phật trong lúc Ngài viếng cõi trời Đao-lợi [9].

Truyền thuyết còn nói thêm rằng sau khi đắc quả Chánh đẳng giác, Đức Phật dành tuần lễ thứ tư ngự tại Bảo cung (Ratanaghara), tập trung tâm trí vào từng chi tiết về các giáo lý phức tạp của A-tỳ-đàm [10].

Tuy nhiên, theo Tiểu phẩm (Cullavagga) của tạng Luật (Vinaya Piṭaka), trong hai kỳ Kết tập Kinh điển đầu tiên [11], tạng A-tỳ-đàm không thấy được trùng tụng.

Sự kiện mà A-tỳ-đàm (Abhidhamma) không thấy được đề cập trong các bài kinh và chỉ có Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya) được đề cập đến cho thấy rằng, vào một lúc nào đó, A-tỳ-đàm không được kết hợp thành một tạng riêng biệt. Trên thực tế, A-tỳ-đàm không được các nhà Chú giải gọi là lời của Phật dạy theo ý nghĩa như các bài kinh. Thêm vào đó, chỉ có một bộ trong tạng A-tỳ-đàm – bộ Ngữ tông (Kathāvatthu) [12], được đem ra giảng dạy trong kỳ Kết tập Kinh điển lần thứ ba.

Bảy bộ A-tỳ-đàm được xem như rất đặc biệt đối với trường phái Theravāda (Thượng tọa bộ); tuy nhiên có bằng chứng cho thấy nhiều trường phái khác, nhất là phái Nhất thiết Hữu bộ (Sarvāstivāda), cũng xem A-tỳ-đàm như là kinh văn thiêng liêng [13].

Về nội dung, A-tỳ-đàm không tạo ra một triết lý được sắp đặt theo một hệ thống nào, mà là một luận giải về về các Pháp (Dhamma) như thấy trong tạng Kinh (Sutta Piṭaka). Hầu hết đều có có tính cách tâm lý và luận lý; các giáo lý căn bản được đề cập hay bàn luận là những gì đã được đề xuất trong các bài kinh, và như vậy, được xem như là hiển nhiên [14]. Ngoài các Chú giải về bảy bộ A-tỳ-đàm, còn có một công trình luận giải về toàn bộ tạng A-tỳ-đàm, có tên là Phụ chú giải A-tỳ-đàm (Abhidhamma Mūlaṭīkā) do ngài Ānanda Vanaratanatissa thuộc trường phái Vanavāsī (Lâm trú) của Sri Lanka soạn thảo.

Ngài Ānanda Vanaratanatissa dựa trên các Chú giải của Luận sư Buddhaghosa (Phật Âm), nhưng có nhiều nơi ngài không đồng ý với Luận sư Buddhaghosa. Công trình được soạn thảo theo lời yêu cầu của Trưởng lão Buddhamitta và tu chính bởi ngài Mahā Kassapa ở Pulatthipura.

Có một Phụ chú (Anuṭīkā) về A-tỳ-đàm do ngài Culla Dhammapāla soạn [15].

----------

Ghi chú:

[1] Xem thảo luận trong DA. i. 15, 18 f.
[2] Vin.i. 64; iii. 144; iv. 344.
[3] D. iii. 267; M. i. 272.
[4] Xem New Pāli Dictionary về từ Abhidhamma
[5] Xem Dial. iii. 199 về nguồn gốc của Abhidamma.
[6] Dpv. v. 32-8.
[7] DA. i. 15.
[8] DA. i. 23.
[9] VibhA. p. 1; AA. i. 71 v.v.
[10] J. i. 78.
[11] Chương xi và xii; nhưng xem thêm DA. i. 15 với thông tin khác.
[12] Xem Kathāvatthu.
[13] Xem Tārānātha: Geschichte des Buddhismus (56) 156 (296).
[14] Thảo luận về nội dung: xem tài liệu về Abhidhamma trong ERE.
[15] Gv. 60, 69. Chi tiết: xem P.L.C., pp. 210-2. Gv. (72) cũng có đề cập đến Abhidhammagaṇḍhi, có thể là một bản tự vựng.

D. = Digha Nikaya, 3 vols. (P.T.S.).
DA. = Sumangala Vilāsinī, 3 vols. (P.T.S.).
Dial. = Dialogues of the Buddha, 3 vols. (Oxford).
Dpv. = Dipavamsa, ed. Oldenberg (Williams and Norgate).
ERE. = Encyclopedia of Religion and Ethics.
Gv. = Gandhavamsa (P.T.S. Journal, 1886).
J. = Jātaka, ed. Fausboll, 5 vols.
M. = Majjhima Nikaya, 3 vols. (P.T.S.).
P.L.C. = The Pali Literature of Ceylon, by Malalasekera (R.A.S.).
VibhA. = Sammoha-Vinodanī, Vibhanga Commentary (P.T.S.).
Vin. = Vinaya Pitaka, 5 vols., ed. Oldenberg (Williams and Norgate).

------------------


30/4: Thành kính tưởng niệm và Hồi hướng phước báu.

Sáng nay có Ajahn Brahm và 2 vị sư đi bát. Sau khi đặt bát, tôi có trình với Sư là hôm nay, 30/4, là một ngày đặc biệt cho người Việt, đánh dấu ngày chấm dứt cuộc nội chiến (1954-1975) với 2,5 triệu người chết, và bắt đầu những cuộc di tản vượt biên trong 20 năm tiếp theo (1975-1995), có khoảng 200 ngàn người đã chết trên biển cả.

Thành kính tưởng niệm và xin hồi hướng phước báu tạo được sáng hôm nay đến những người ấy. Nguyện cho tất cả được tái sinh về cõi an vui.

🙏🙏🙏

Bình Anson
Nollamara, Tây Úc
30/04/2022

*


Friday, 15 April 2022

Hòa thượng HỘ GIÁC (1928-2012) và chữ NIỆM

Vào giữa thập niên 1990, các bạn đạo người Việt tại Perth bắt đầu biết đến pháp hành thiền trong truyền thống Theravada, và cũng như những nơi khác, bắt đầu tìm hiểu, bàn luận sôi nổi về thiền minh sát, thiền tứ niệm xứ, chánh niệm, con đường duy nhất, v.v.

Trong thời gian đó, ngài Hòa thượng và phái đoàn chư Tăng từ Hoa Kỳ đến viếng thăm Tây Úc, và có một buổi thuyết pháp. Sau thời pháp, có người hỏi ngài là làm sao sống trong chánh niệm, ngài trả lời ngắn gọn: –“Sống chánh niệm là làm gì biết nấy.”

Tôi rất tâm đắc với câu nầy, “LÀM GÌ BIẾT NẤY”. Chữ “biết” ở đây rất lợi hại, không phải dễ thực hành. Khi mình ăn, mình có thật sự “biết” là mình đang ăn không? Hay là vừa ăn vừa xem TV, vừa nghe nhạc, vừa trả lời điện thoại, vừa lướt web, vừa nói chuyện với người ngồi kế bên, ... rồi không biết mình đang ăn, không thật sự nếm được hương vị thức ăn trong miệng? Khi mình nói, hay chat trong Net, mình có thật sự “biết” mình đang nói gì, đang phản ứng với tâm gì – tâm tham, tâm sân, hay tâm ngã mạn – không? Có người nói huyên thuyên, từ chuyện này sang chuyện kia, dùng nhiều từ hoa mỹ, nhưng rốt cuộc, người nghe không hiểu được người ấy muốn nói gì. Không biết người nói ấy có thật sự “biết” mình nói về chuyện gì không?

Còn nhiều thí dụ nữa, ngay trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. “Làm gì biết nấy”, nghe đơn giản như đang giỡn, nhưng thật ra, không phải dễ thực hiện.

*

Ghi thêm: Hôm nay bỗng nhiên tôi nhớ đến kỷ niệm này với ngài Hòa thượng Hộ Giác. Nhất là bây giờ, cũng như đa số những người cao tuổi khác, tật hay quên của mình càng ngày càng trầm trọng! 

Cho nên, không cần phải lý luận cao xa về pháp thiền này nọ, hay phân tích tâm, tâm sở chi tiết tỉ mỉ theo A-tỳ-đàm, hay trích dẫn một khối kinh điển, lời vàng ngọc của các giảng sư, điều thực tế có ích lợi ngay trước mắt là mình phải gắng tập nhận thức và ghi nhớ mỗi một hành động của mình trong sinh hoạt hằng ngày, ngay bây giờ và tại nơi đây. Đó là CHÁNH NIỆM của người già. Đơn giản nhưng thực tế. Không cần điều gì cao xa hơn.

*



Kinh văn Phật giáo Sơ kỳ (Early Buddhist Texts)

 KINH VĂN PHẬT GIÁO SƠ KỲ
(Early Buddhist Texts, EBTs - 早期佛教经文,  Tảo kỳ Phật giáo Kinh văn)

Nguồn: Bhikkhu Sujato & Bhikkhu Brahmali (2014), The Authenticity of the Early Buddhist Texts. [*]

Kinh văn Phật giáo Sơ kỳ (Early Buddhist Texts, EBTs) gồm những kinh văn ghi lại lời dạy của Đức Phật lịch sử và các đệ tử cùng thời. Đa số là những bài kinh trong bốn bộ Nikāya Pāli chính (Trường bộ, Trung bộ, Tương ưng bộ, Tăng chi bộ) và các kinh văn A-hàm tương đương (Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm, Tăng nhất A-hàm) bằng tiếng Hán, tiếng Tây Tạng, tiếng Sanskrit và một số phương ngữ Ấn Độ; giới bổn tỳ-khưu (Pātimokkha, Ba-la-đề-mộc-xoa) và một số đoạn kinh văn trong Hợp phần (Khandhaka) của tạng Luật; và một số kinh văn trong Tiểu bộ – Kinh tập, Cảm hứng ngữ, Như thị ngữ, Pháp cú, Trưởng lão kệ và Trưởng lão ni kệ. Từ “kinh” (sutta) ở đây được dùng để chỉ những đoạn văn ghi lại lời Đức Phật nói ra (và một phần nào đó, cũng bao gồm lời của các vị đệ tử cùng thời với Ngài).

Không được xem là Kinh văn Phật giáo Sơ kỳ (non-Early Buddhist Texts, non-EBTs) gồm có: tạng A-tỳ-đàm (tạng Vi diệu pháp), các kinh văn Đại thừa, các tập tiểu sử Đức Phật, các biên niên sử, cũng như phần còn lại của Tiểu bộ và tạng Luật. Bộ Chuyện Tiền thân trong Tiểu bộ không phải là Kinh văn PG Sơ kỳ nhưng trong một số trường hợp, có nguồn gốc từ những tích truyện ra đời sớm hơn thời Đức Phật. Các bộ Chú giải và những văn liệu về sau có thể bao gồm những thông tin lịch sử có giá trị cùng với những sáng tác viết ra về sau này.

[*] Tải bản PDF:
http://dhammaloka.org.au/files/pdf/authenticity.pdf

*-----*

From: Bhikkhu Sujato & Bhikkhu Brahmali (2014), The Authenticity of the Early Buddhist Texts

Early Buddhist Texts (EBTs): Texts spoken by the historical Buddha and his contemporary disciples. These are the bulk of the Suttas in the main four Pali Nikāyas and parallel Āgama literature in Chinese, Tibetan, Sanskrit, and other Indian dialects; the pātimokkhas [1] and some Vinaya material from the khandhakas; [2] a small portion of the Khuddaka Nikāya, consisting of significant parts of the Sutta Nipāta, Udāna, Itivuttaka, Dhammapada, and Thera- and Therī Gāthā. The “Suttas” in a narrow sense are those passages that are directly attributed to the Buddha himself (and to a lesser extent his direct disciples).

Non-EBTs: Abhidhamma, Mahāyāna Sūtras, Buddha biographies, historical chronicles, as well as the majority of the Khuddaka Nikāya and the Vinaya Piṭaka. The Jātakas are non-EBT, but derive from stories that in some cases may even be earlier than the Buddha. Commentaries and other late texts may contain some genuine historical information alongside much later invention.
  
------------------
[1] We have normally used Pali spelling of Indic terms, simply because we are more familiar with Pali. In certain contexts, however, convenience or custom dictates the use of Sanskrit. When quoting from inscriptions—which frequently have spelling irregularities and inconsistencies—we use the form given in our sources, occasionally supplying the Pali form for clarity.

[2] In particular some of the monastic procedures, such as the upasampadā and uposatha ceremonies, that are found across all Vinaya traditions.

*


Tuesday, 12 April 2022

Samādhi - Stillness - Định

 SAMĀDHI - STILLNESS - ĐỊNH

Trưa nay nghe được một bài pháp trên YouTube của Ajahn Brahm giảng kinh An trú Tầm (MN 20), trong đó có một đoạn Sư giảng về tâm an định, từ Pali là "SAMĀDHI". Các dịch giả tiếng Anh, kể cả ngài Bhikkhu Bodhi, dịch là "Concentration". Tôi cũng tưởng thế là đúng và vẫn dùng từ ấy.

Nhưng trong bài giảng tôi vừa nghe, Sư Brahm nói Sư không đồng ý và có trao đổi nhiều lần với ngài Bodhi. Sư nghĩ rằng từ "Concentration" (tập trung) có hàm ý bó buộc, gắng sức, ép buộc, trong khi "Samādhi" là một trạng thái tâm đạt được khi buông xả tất cả, không dính chấp vào một đối tượng nào, một trạng thái yên tĩnh, lắng đọng. Theo sự hiểu biết và kinh nghiệm hành thiền của Sư, Sư thấy từ "Stillness" diễn đạt đúng hơn cho từ "Samādhi" và Sư chủ trương dịch là "Stillness" thay vì "Concentration".

Rồi Sư kể một chuyện xảy ra nhiều năm trước. Trong một khóa thiền quốc tế tổ chức tại trường thiền Jhana Grove, Tây Úc, trong một bài pháp, Sư có đề cập đến cách dịch này - Samādhi dịch là Stillness, thay vì Concentration. Một vị thiền sinh đến từ Singapore phát biểu ý kiến, cho biết là trong tiếng Trung, Samādhi lúc nào cũng được dịch với ý nghĩa của Stillness. Ajahn Brahm không nói rõ từ tiếng Trung đó là gì, nhưng tôi đoán ngay đó là "ĐỊNH" mà có lẽ đa số Phật tử Việt chúng ta đều quen thuộc. Trong tiếng Hán Việt, Samādhi thường được dịch là định, an định, an chỉ, ... tùy trường hợp (sammā-samādhi: chánh định), nhưng lúc nào cũng mang ý nghĩa "Stillness" chứ không phải "Concentration" (tập trung) như đa số các dịch giả tiếng Anh thường dùng.

Tò mò, tôi đến gõ cửa bác Gờ, hỏi thêm về cách chiết tự từ ĐỊNH (定) trong tiếng Hán Việt. Đó là tập hợp từ MIÊN (宀, mái nhà, nơi trú ẩn) trên từ CHÍNH (正). Từ CHÍNH nếu phân tích thêm, bao gồm từ NHẤT (一) và CHỈ (止). Tâm lắng đọng tại một nơi có sự che chở, bao trùm.

*-----*


Sunday, 10 April 2022

Tin xấu, tin tốt.

 Tin xấu, tin tốt.

Hằng ngày tôi thường đến các trang web truyền thông bằng tiếng Anh để đọc/xem tin tức đó đây trên thế giới, như ABC (Australia), BBC (Anh quốc), CNN (Mỹ). Thỉnh thoảng tôi mới đến xem tin tức tiếng Việt - trong nước và hải ngoại - vì đa phần các thông tin này là dịch từ các bản tin tiếng Anh, và nếu có tin tức về Việt Nam thì tôi nghi ngờ độ chính xác và mức độ khách quan của các trang web tiếng Việt đó.

Dù là tiếng Anh hay tiếng Việt, nếu chịu khó quan sát, ghi nhận thì mình thấy đa phần là loan những tin tức xấu, bi quan, tiêu cực (chiến tranh, cướp giật, giết người, gian lận, lường gạt, khủng hoảng chính trị, khủng hoảng kinh tế, tai họa ...). Có lẽ như thế mới thu hút người đọc. Cho nên, mới có câu: "No news is good news" - Không có tin tức gì thì đó là tin tức tốt lành. Nếu có tin tức, thì toàn là tin giật gân, buồn rầu, xấu ác.

Tuy nhiên, trong các trang web thông tin tiếng Anh, tôi thấy trang ABC của Úc là có mục "Good News" - Thông tin tốt lành, nhưng lại đặt để ở phần cuối trang. Đến đó là mình đọc được những thông tin tốt lành về các sinh hoạt xây dựng, đóng góp tích cực cho xã hội.

Nói đi rồi cũng phải nói lại. Ngay chính bản thân mình, tôi cũng thích đọc các thông tin bi quan, tiêu cực (chiến tranh, khủng hoảng, tai họa, ...). Còn các tin tức tốt lành thì ít khi để ý đến. Có lẽ đây là tâm lý chung của thế gian. Miệng thì nói thích an vui, hòa bình, nhưng trong tâm thì thật ra thích để ý, bình luận, dính mắc vào các chuyện nóng bỏng, đau buồn, đấu tranh, tiêu cực.

*


Tuesday, 5 April 2022

Những căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi (trên 60-65 tuổi)

 NHỮNG CĂN BỆNH THƯỜNG GẶP Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Đào Lan Anh (01/10/2020)

Ở người cao tuổi, nhiều chức năng của cơ thể bị suy giảm, dẫn đến sức khỏe yếu dần. Dưới đây là một số nhóm bệnh thường gặp ở người cao tuổi (trên 60-65 tuổi).

1) BỆNH VỀ HỆ THẦN KINH TRUNG ƯƠNG
Hầu hết người cao tuổi do hệ thần kinh trung ương bị lão hóa dần nên làm cho trí nhớ kém, hay quên, cá biệt mắc một số bệnh như: Parkinson hoặc Alzheimer.

2) BỆNH VỀ HỆ THỐNG TUẦN HOÀN
Trong số các bệnh về tim mạch ở người cao tuổi thì bệnh xơ vữa động mạch, bệnh thiểu năng mạch vành, bệnh tăng huyết áp… chiếm một tỷ lệ đáng kể. Trong một số trường hợp, các loại bệnh này thường thấy ở những người béo phì, nghiện bia, rượu chiếm tỷ lệ cao hơn những người không nghiện bia rượu.

3) BỆNH VỀ HỆ HÔ HẤP
Bệnh viêm họng, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, tâm phế mạn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là những bệnh gặp khá nhiều ở người cao tuổi, nhất là ở những người có tiền sử hoặc đang hút thuốc lá, thuốc lào, những người sống trong tình trạng thiếu dưỡng khí như: nhà chật hẹp, thiếu ánh sáng, khói bếp nhiều...

4) BỆNH VỀ HỆ XƯƠNG KHỚP
Đau xương, khớp, thoái hóa khớp nhất là đốt sống thắt lưng, khớp gối hoặc bệnh gút làm cho người bệnh đau đớn, lo lắng, buồn chán, nhất là khi thay đổi thời thiết. Thoái hóa khớp gối, gây biến chứng cứng khớp gây đau khớp gối và vận động khó khăn mỗi buổi sáng lúc bắt đầu ngủ dậy. 

Triệu chứng đau nhức các khớp xương tương đối phổ biến ở người cao tuổi, đặc biệt là về đêm gây khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe và gây mất ngủ hoặc ngủ không sâu, không ngon giấc.

5) BỆNH VỀ ĐƯỜNG TIÊU HÓA
Người cao tuổi rất dễ mắc bệnh rối loạn tiêu hóa như: ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Táo bón là một bệnh do nhiều lý do khác nhau nhưng trong đó có một lý do mà người cao tuổi hay gặp phải là ít vận động. người cao tuổi thường ngồi một chỗ thêm vào đó ít ăn rau, uống ít nước cho nên phân ứ lại lâu ngày ở trực tràng làm cho các mạch máu trực tràng giãn ra gây nên bệnh trĩ. người cao tuổi cũng có thể mắc bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng, trào ngược thực quản hoặc viêm đại tràng mạn tính. 

Các loại bệnh dạng này thường làm cho người cao tuổi rất khó chịu, gây lo lắng, ăn không ngon, ngủ không ngon giấc hoặc kém ngủ, mất ngủ kéo dài. Mất ngủ lại làm cho nhiều bệnh tật phát sinh.

6) BỆNH VỀ HỆ TIẾT NIỆU - SINH DỤC
Người cao tuổi cũng rất dễ mắc các bệnh về hệ tiết niệu - sinh dục, đặc biệt là u xơ tiền liệt tuyến hoặc ung thư tiền liệt tuyến. Những bệnh về sinh dục - tiết niệu thường có hiện tượng đi tiểu nhiều lần, tiểu dắt, tiểu són, nhất là vào ban đêm gây nhiều phiền toái cho người cao tuổi.

Ngoài ra, ở người cao tuổi cũng thường bị rối loạn một số chỉ số về mỡ máu (cholesterol, triglycerid), rối loạn về chức năng gan, đái tháo đường,… Do đó, người cao tuổi nên đi khám bệnh định kỳ, tập thể dục đều đặn, có chế độ dinh dưỡng hợp lý; không nên uống rượu, bia, không nên hút thuốc lá, thuốc lào, luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan, vui vẻ./.

– Đào Lan Anh 
(01/10/2020)

*-----*




Friday, 1 April 2022

Nhớ chùa - Hòa thượng Thích Mãn Giác

 NHỚ CHÙA
Huyền Không (1949) 
(HT Thích Mãn Giác)

Từ thuở ra đi vắng bóng chùa
Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua
Trong tôi bừng dậy niềm chua xót
Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa

Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng
Có con đường đỏ chạy lang thang
Có hàng tre gợi hồn sông núi
Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng

Có những cây mai sống trọn đời
Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi
Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa
Đức Phật từ bi miệng mỉm cười

Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu

Vì vậy làng tôi sống thái bình
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm
Xây dựng tương lai xứ sở mình

Mỗi tối dân quê đón gió lành
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân hiền mọi mái tranh

Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào
Thôn trên xóm dưới dạ nao nao
Dân làng tắm gội lên chùa lễ
Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào

Biết đến bao giờ trở lại quê
Phân vân lòng gởi nhớ nhung về
Tang thương dù có bao nhiêu nữa
Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê

Chuông vẳng nao nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.

- Huyền Không (1949) 
(HT Thích Mãn Giác)

*-----*