Thursday, 8 December 2016

Cờ Phật giáo có 5 hay 6 màu?

Chúng ta thường nghe nói cờ Phật giáo là cờ ngũ sắc, gồm 5 màu: xanh dương (nila), vàng (pita), đỏ (lohita), trắng (odata), cam (manjestha). Có người bình giải rằng đó là tượng trưng cho ngũ căn và ngũ lực: tín, tấn, niệm, định, huệ. Có đúng thế không?

Thật ra, cờ Phật giáo có 6 màu, 5 màu đầu tiên được liệt kê như trên, và màu thứ sáu là màu sáng chói (prabhasvara), do 5 màu kia kết hợp lại. Do đó, cờ có 6 vạch đứng, vạch thứ sáu có 5 phần ngang tượng trưng cho sự kết hợp của 5 màu kia.

Cờ nầy do Ủy ban Bảo vệ Phật giáo (Buddhist Defence Committee) ở Colombo, Sri Lanka, cùng với ông H. S. Olcott (Phật tử Mỹ), thiết kế và dùng trong dịp lễ Vesak, vào năm 1885. Về sau, vào năm 1950, lá cờ này được các đại biểu tham dự hội nghị PG, do Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (WBF, World Buddhist Fellowship) tổ chức, chấp thuận sử dụng như là lá cờ Phật giáo chung cho các cộng đồng Phật tử trên toàn thế giới.

Sáu màu nầy là dựa theo truyền thuyết ghi lại trong quyển Atthasālīnī (Chú giải bộ Pháp tụ). Trong tuần lễ thứ tư sau ngày Thành Đạo, Đức Phật ngồi thiền, chiêm nghiệm về Vi diệu pháp (A-tỳ-đàm, Abhidhamma), toàn thân Ngài phát hào quang gồm 6 màu nêu trên. Vì thế, 6 màu đó tượng trưng cho Đức Phật của chúng ta.

*

*


No comments: