Tuesday 6 December 2016

Ngài Bồ-tát nhập sơ thiền ở gốc cây Mận hay cây Trâm?

Trong bài kinh Mahāsaccaka sutta (Ðại kinh Saccaka, MN 36) và Bodhirajākumāra sutta (Kinh Vương tử Bồ-đề, MN 85), Đức Phật kể lại lúc ngài Bồ-tát còn trẻ, ngài đã từng nhập sơ thiền khi ngồi dưới bóng mát của cây Jambu trong khi vua cha của bộ tộc Thích-ca làm việc. Như thế, cây Jambu là cây gì?

Đoạn kinh văn ấy như sau, các câu tiếng Anh tương ứng là của Bhikkhu Ānandajoti dịch:

Abhijānāmi kho panāhaṁ Pitu Sakkassa kammante,
‘But I recall that while my Sakyan Father was at work,

sītāya jambucchāyāya nisinno,
while I was sitting in the cool of the shade of the Rose-Apple tree,

vivicceva kāmehi, vivicca akusalehi dhammehi,
quite secluded from sense desires, secluded from unwholesome things,

savitakkaṁ savicāraṁ vivekajaṁ pītisukhaṁ,
having thinking, reflection, and the happiness and rapture born of seclusion,

paṭhamaṁ jhānaṁ upasampajja viharitā.
I dwelt having attained the first absorption.

Theo bản dịch Việt của Hòa thượng Thích Minh Châu:

“Ta nhớ, trong khi phụ thân Ta, thuộc giòng Sakka (Thích-ca) đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây diêm-phù (jambu), Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm, có tứ.”

Hòa thượng Minh Châu không dịch “jambu”, chỉ phiên âm là “diêm-phù”. Bốn bản dịch tiếng Anh của Bhikkhu Ānandajoti, Bhikkhu Bodhi, Bhikkhu Thanissaro và Ni sư Upalavanna đều dịch ”jambucchāyāya” là “in the cool shade of a rose-apple tree”, trong đó, “jambu” dịch là “rose apple tree”.

Theo từ điển của R.L. Turner (A comparative dictionary of Indo-Aryan languages. London: Oxford University Press, 1962-1966):

- Jambu: the rose-apple tree, Eugenia jambolana. Từ nầy có liên hệ đến từ Jamburukkha và Jambula, đều dịch là Eugenia jambolana.

Từ điển Pali-English của Pali Text Society cũng dịch như thế.

Theo Wikipedia, loại cây Eugenia jambolana có tên thực vật là SYZYGIUM CUMINI, còn được biết qua các tên gọi: jambul, jambolan, jamblang, jamun. Đây là loại cây có nguồn gốc trong vùng tiểu lục địa Ấn Độ (Indian subcontinent) và các vùng lân cận (India, Bangladesh, Pakistan, Nepal, Sri Lanka, Malaysia, Philippines, Indonesia). Ngoài kinh điển Phật giáo, loại cây nầy cũng được đề cập trong kinh điển Ấn Độ giáo.

Cây SYZYGIUM CUMINI được ghi nhận ở đây có tên thông dụng là Java plum, Portuguese plum, Malabar plum, Black plum, Purple plum, Damson plum, và Indian blackberry. Tên tiếng Việt là cây TRÂM.

Tôi không biết lý do nào mà các dịch giả kinh điển tiếng Anh lại dịch là “rose apple”. Nếu dịch Jambu là “rose apple” có thể tạo ra vài sự hiểu lầm. Từ “rose apple” có thể hiểu là loại SYZYGIUM JAMBOS (cây Lý, roi hoa vàng, mận hoa vàng) – loại cây có nguồn gốc trong vùng Đông Nam Á, hoặc loại SYZYGIUM SAMARANGENSE (hay Syzygium javanicum, Eugenia javanica) tức là cây Mận (roi/gioi) có nguồn gốc từ bán đảo Malaysia và các đảo lớn trong biển Ấn Độ Dương. Hai loại cây nầy không phải là loại có nguồn gốc ở tiểu lục địa Ấn Độ.

*

Tóm lại, từ các thông tin tôi thu thập và tìm hiểu, có lẽ cây Jambu được đề cập trong bài kinh số 36 và 85 trong Trung bộ là cây SYZYGIUM CUMINI (jambul, jambolan, jamblang, jamun) mà tên tiếng Việt là cây TRÂM, là giống cây có nguồn gốc tại tiểu lục địa Ấn Độ.

Đây là kết luận của tôi tại thời điểm nầy, có thể sẽ được chỉnh sửa trong tương lai nếu có thêm các thông tin mới.

– Bình Anson, Perth, Tây Úc, 06/12/2016

----------------------------
GHI CHÚ:
1) Theo trang web http://blogcaycanh.vn/cay_canh/d/cay-tram-tram-moc-tram-voi-voi-rung
…”Cây Trâm, hay Trâm mốc, trâm vối hay vối rừng, danh pháp khoa học hai phần: Syzygium cumini, tên tiếng Pháp là Jamblon hay Jamelonier, là cây thường xanh nhiệt đới thuộc chi Trâm (Syzygium), họ Đào Kim Nương (Myrtaceae), bản địa của Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Sri Lanka và Indonesia. Cây cũng có mặt ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.”

2) “Jambu” trong thuật ngữ Phật giáo Hán Việt được phiên âm thành 2 từ: 贍部: thiệm-bộ và 閻浮 diêm-phù. Diêm-phù-đề, 閻浮提, là phiên âm của Jampudīpa – đảo (châu) có cây diêm-phù (jambu), đồng nghĩa với 南贍部洲 Nam thiệm-bộ châu – đảo (châu) ở phương Nam, có cây thiệm-bộ (jambu).

*

No comments: