Monday, 31 October 2016

Hòa thượng Hộ Giác - Làm gì biết nấy

Hòa thượng HỘ GIÁC (1928-2012) và chữ NIỆM

Trong một stt trước, tôi có viết vài dòng về chữ Niệm. Bỗng nhớ đến ngài Hòa thượng Hộ Giác.

Vào giữa thập niên 1990, các bạn đạo người Việt tại Perth bắt đầu biết đến pháp hành thiền trong truyền thống Theravada, và cũng như những nơi khác, bắt đầu tìm hiểu, bàn luận sôi nổi về thiền minh sát, thiền tứ niệm xứ, chánh niệm, con đường duy nhất, v.v.

Trong thời gian đó, ngài Hòa thượng và phái đoàn chư Tăng từ Hoa Kỳ đến viếng thăm Tây Úc, và có một buổi thuyết pháp. Sau thời pháp, có người hỏi ngài là làm sao sống trong chánh niệm, ngài trả lời ngắn gọn: –“Sống chánh niệm là làm gì biết nấy.”

Tôi rất tâm đắc với câu nầy, “làm gì biết nấy.” Chữ “biết” ở đây rất lợi hại, không phải dễ thực hành. Khi mình ăn, mình có thật sự “biết” là mình đang ăn không? Hay là vừa ăn vừa xem TV, vừa nghe nhạc, vừa trả lời điện thoại, vừa lướt web, vừa nói chuyện với người ngồi kế bên, ... rồi không biết mình đang ăn, không thật sự nếm được hương vị thức ăn trong miệng? Khi mình nói, hay chat trong Net, mình có thật sự “biết” mình đang nói gì, đang phản ứng với tâm gì – tâm tham, tâm sân, hay tâm ngã mạn – không? Có người nói huyên thuyên, từ chuyện này sang chuyện kia, dùng nhiều từ hoa mỹ, nhưng rốt cuộc, người nghe không hiểu được người ấy muốn nói gì. Không biết người nói ấy có thật sự “biết” mình nói về chuyện gì không?

Còn nhiều thí dụ nữa, ngay trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. “Làm gì biết nấy”, nghe đơn giản như đang giỡn, nhưng thật ra, không phải dễ thực hiện.

*

Sunday, 30 October 2016

The art of doing nothing - Nghệ thuật làm biếng

Dolce far niente - The Art of Doing Nothing

Không hiểu sao bỗng nhiên lại nghĩ đến cụm từ "the art of doing nothing" -- nghệ thuật không phải làm gì cả, hay theo kiểu nói của tôi: "nghệ thuật làm biếng". Rồi đến hỏi bác Gờ, lại học được thêm một cụm từ mới, từ thành ngữ của Ý: "Dolce far niente" -- sự ngọt ngào của lười biếng (sweetness of laziness, idleness).

Không phải dễ thực hiện, nhất là khi chúng ta quen bận rộn, đầu óc lúc nào cũng suy nghĩ toan tính đủ thứ. Buông cái nầy, bắt cái kia.

Thử nhìn các quán càfê dọc bờ sông, bờ hồ, bờ biển. Thay vì ngồi thong thả, thảnh thơi nhâm nhi thưởng thức cafê và ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên của trời, đất, nước, khách hàng ngồi đó nhưng mắt lại chăm chú vào màn hình của điện thoại, máy tính, để chitchat với những nhân vật hư ảo đây đó trên thế giới, bận rộn đủ chuyện.

Và thấy rõ ràng nhất trong khi hành thiền. Khép mắt để buông bỏ tất cả, nhưng đâu có dễ dàng như thế. Đủ thứ ý tưởng vẫn vơ trong đầu, rồi mong cầu được thấy cái nầy, đạt được cái kia. Trong buổi pháp thoại đêm hôm trước, ngài thiền sư Ajahn Nyanadhammo nói rằng chỉ khi nào thật sự "doing nothing" -- không làm gì cả, khi ấy mới cảm nhận được cái tâm thanh tịnh, rỗng rang, trong sáng.


*

Friday, 28 October 2016

Tờ giấy bạc cuối cùng

Hôm qua, 27/10/2016, Ajahn Nyanadhamma kể lại đôi nét về cuộc đời tu tập. Sư bắt đầu tìm hiểu đạo Phật khi còn là một chàng trai trẻ ở Adelaide, thủ đô bang Nam Úc. Từ đó Sư sang học hành thiền tại chùa Wat Buddhadhamma, bang New South Wales, thiền lâm đầu tiên tại Úc. Được thiền sư Phra Khantipalo giới thiệu, Sư quyết định sang Bangkok xuất gia.

Sư dành dụm được một số tiền, một phần gửi về Nam Úc cho mẹ, một phần để mua vé máy bay và một ít cho các chi phí đi đường. Khi đến Bangkok, Sư được chư Tăng chùa Wat Bovornives (Marble Temple, chùa Cẩm Thạch) đồng ý cho phép xuất gia sa-di, và Sư cúng dường tất cả số tiền còn lại.

Buổi sáng trước giờ hành lễ, khi dọn dẹp đồ đạc, chợt thấy trong túi quần còn sót tờ giấy 20 Baht tiền Thái ( = US$0,60; VND$12.000), Sư nghĩ đến người hành khất mù ngồi trước cổng chùa mà Sư gặp và cho tiền mỗi ngày. Sư đi ra cổng và tặng cho ông ta tờ giấy bạc đó. Đây là việc làm bố thí cuối cùng trong đời cư sĩ của Sư.

Mỗi lần nhớ lại, Sư rất hoan hỷ. Và tâm hoan hỷ đó chính là quả phước báu mà mình được hưởng ngay trong kiếp sống nầy.

*

Monday, 24 October 2016

Thiền giữa đời thường - Thiền đường "bí mật" của tôi

Thiền đường buổi trưa

Ngày trước, tôi làm việc cho một cơ quan chính phủ tại ngay trung tâm thành phố Perth. Trong giờ nghỉ trưa, sau khi ăn tại sở làm, tôi thường đi bộ ra khỏi sở như các nhân viên văn phòng khác. Thay vì lang thang vào các cửa hàng để ngắm nhìn, mua sắm, tôi đi đến các nhà thờ cổ xưa. Đó là những thiền đường “bí mật” của tôi, ít ai biết.

Ngoài kia thiên hạ đi tới đi lui chuyện trò, mua sắm ồn ào. Nhưng bên trong nhà thờ lại có một bầu không khí rất yên tĩnh, trang nghiêm, thích hợp cho hành thiền. Tôi chọn ngồi trong một góc nào đó, thẳng lưng, hai tay buông thỏng để trên bắp đùi, thư giãn, khép mắt, nhẹ nhàng theo dõi hơi thở. Sau khoảng 15 phút, tôi mở mắt, đứng lên, đi ra ngoài. Trở về sở làm, tiếp tục công việc mà lòng cảm thấy an vui, đầu óc minh mẫn trong sáng.

Nếu thật sự quyết tâm, ta vẫn có thể tìm được một góc khuất yên tĩnh nào đó để hành thiền, trong mọi hoàn cảnh.

Hàng trên: Trinity Church, Perth City
Hàng dưới: Wesley Church, Perth City

*

Sunday, 23 October 2016

Muốn ăn phải lăn vào bếp


Tôi lập một bảng Bookmark ghi địa chỉ trang web chứa các bộ tự điển trực tuyến thông dụng và cần thiết cho sự học hỏi, tìm tòi của mình. Đa phần là các tự điển online tiếng Việt, Anh, Pali, Hán, Pháp, có liên quan đến các thuật ngữ Phật giáo.

Mỗi khi muốn tra cứu chữ nào, cứ vào các trang web đó tìm tòi, khảo hạch. Lần mò như thế đòi hỏi sự nhẫn nại và quyết tâm. Nhưng khi tìm được giải đáp thì rất thú vị và nhớ lâu.

Muốn ăn phải lăn vào bếp. Những gì mình tạo ra, có nỗ lực thì mới thấu suốt và ghi nhớ lâu dài.

*

Friday, 21 October 2016

Sự hình thành của A-tỳ-đạt-ma (Abhidhamma)


Sự hình thành của A-tỳ-đạt-ma

Hòa thượng Thích Thiện Siêu


Ba tạng là: Tu-đa-la tạng (Sutra Pitaka), Tỳ-nại-da tạng (Vinaya Pitaka), A-tỳ-đạt-ma tạng (Abhidharma Pitaka). Chữ A-tỳ-đạt-ma luận thường để chỉ các luận thư của các bộ phái, chứ không dùng cho các luận thư Ðại thừa. Abhidharma, Trung Hoa dịch âm là A-tỳ-đàm, A-tỳ-đạt-ma, và dịch nghĩa là Vô tỷ pháp, Thắng pháp, Ðối pháp.

A. ÐỊNH NGHĨA

Nguyên trong kinh A-hàm đức Phật dùng chữ A-tỳ-đạt-ma với dụng ý tán mỹ các pháp nghĩa thâm huyền, rộng lớn không gì sánh kịp, dần dần nó biến chuyển qua nhiều nghĩa bởi các luận sư của các bộ phái. Như luận sư Bà-sa thì gọi A-tỳ-đạt-ma là Phục pháp, vì nó hàng phục được tất cả tà thuyết của ngoại đạo. Hóa địa bộ gọi là Chiếu pháp, vì nó có khả năng chiếu soi tất cả tính tướng các pháp. Thí dụ sư thì gọi là Thứ pháp, vì Niết bàn là tối thượng, nó dưới pháp Niết-bàn một bậc. Chính lý sư thì gọi là Thông pháp, vì nó có khả năng thấu đạt tất cả khế kinh. Hiếp Tôn Giả thì gọi là Cứu kính tuệ, Quyết đoán tuệ v.v... đến ngài Thế Thân thì gọi là Ðối pháp với hai nghĩa là đối hướng và đối quán. Ðối là đối diện hướng tới. Ðối diện hướng tới Niết-bàn gọi là Ðối hướng Niết-bàn và đối diện quán sát pháp Tứ đế gọi là Ðối quán. Pháp của Phật dạy không ngoài hai thứ là pháp Vô lậu thắng nghĩa (Niết-bàn) và pháp Hữu lậu pháp tướng. Trí tuệ quán sát pháp tướng và chứng nhập Niết-bàn thì gọi là Ðối pháp trí hay A-tỳ-đạt-ma.

Ðạt-ma (Dharma) dịch là Pháp có nghĩa là tự giữ lấy tính cách nó (nhậm trì tự tính) và làm mẫu mực phát sinh cho sự nhận biết (quỹ sinh vật giải).

Ðạt-ma tức Dharma từ tự căn Dhri (giữ lại, mang) tức là cái được nắm giữ, hay lý tưởng nếu giới hạn ý nghĩa nó trong tác vụ tâm lý. Trình độ tâm lý sai biệt tùy sự tiếp nhận của mỗi cá thể:

1. Ở đức Phật, đó là sự toàn giác hay viên mãn giác (Bồ-đề).
2. Lý tưởng diễn tả trong ngôn từ là giáo lý giáo pháp.
3. Lý tưởng đề ra cho đệ tử theo là luật nghi, đức lý, cấm giới.
4. Lý tưởng để chứng ngộ sẽ là nguyên lý, chân lý, bản tính, luật tắc, điều kiện.
5. Lý tưởng thể hiện trong một ý nghĩa tổng quát đó là sự thật thực tại, sự kiện, sự thể, yếu tố, (bị tạo hay không bị tạo), tâm và vật, ý thể và hiện tượng. Trong trường hợp phái duy thật của các luận sư A-tỳ-đạt-ma, chữ Ðạt-ma được dùng nhiều nhất theo nghĩa thứ năm này.

A-tỳ tức Abhi (tiếp đầu ngữ) có nghĩa là hơn thế, nói về. Như vậy Abhidharma, có nghĩa là pháp tối thắng, hay là "Thắng", hay trần thuật về pháp. Ngài Buddhagosa (Phật Âm, Phật Minh) trong Na-tư-mạn-già-la Y-lạp-hy-ni (sách giải thích Digha Nikaya - Trường Bộ) dẫn bài tụng: "Có pháp tăng thịnh đặc thù, tôn trọng, nói rõ, tối thượng, thế gọi là A-tỳ-đạt-ma". Như vậy nó rốt ráo có hai điểm. Về nội dung thì ý nghĩa thù thắng, về phương pháp luận cứu thì tường tận khúc chiết. Ngài Phật Âm còn nói: "Trong kinh, pháp ngũ uẩn chỉ được thuyết minh một cách đại khái chứ không đi sâu vào chi tiết, còn trong A-tỳ-đạt-ma thì phân biệt kinh, phân biệt luận, phân biệt vấn đáp, nên pháp ngũ uẩn được thuyết minh một cách cặn kẽ đầy đủ".

Luận Ðại Trí Ðộ nói: "A-tỳ-đạt-ma là gì? Ðáp: Là đối vấn mà đáp, hoàn toàn là hình thức luận cứu, nêu ra nhiều mặt để phân biệt, như nói về 18 giới, thì phân biệt cái nào có sắc, cái nào không sắc? Cái nào có thể thấy, cái nào không thể thấy? Cái nào hữu lậu, cái nào vô lậu? Cái nào thiện, cái nào bất thiện? Cái nào hữu báo, cái nào vô báo? v.v... như thế gọi là A-tỳ-đạt-ma".

Lại như bảy kiết sử là dục nhiễm, sân nhuế, hữu ái, kiêu mạnh, vô minh, kiến, nghi (Kinh Mật Hoàn Dụ số 115, Trung A-hàm) trong đó cái nào là dục giới hệ (trói buộc ở cõi Dục)? Cái nào là sắc giới hệ? Cái nào vô sắc giới hệ? Cái nào kiến đế đoạn? Cái nào tư duy đoạn? Cái nào biến sử? Cái nào bất biến sử? v.v...

Ngài Chân Ðế và ngài Huyền Trang đều dịch Abhidharma là Ðối pháp, có nhiệm vụ tập hợp các pháp nghĩa lại rồi đem ra phân loại, định nghĩa, giải thích và phân biệt. Ðối pháp có hai là Ðối quán lý Tứ đế và Ðối hướng quả Niết-bàn. Như vậy không thể hiểu Abhi, A là vô, Bhi là tỷ một cách máy móc được.

B. NGUỒN GỐC CỦA A-TỲ-ÐẠT-MA

Nó đã bao gồm trong sự thuyết pháp của đức Phật. Ðức Phật thuyết pháp một cách ung dung tự tại. Lời Phật nói đơn giản minh bạch không có gì bí mật. Phật đã phân biệt và phân loại một cách rõ ràng. Như vậy nguồn gốc của A-tỳ-đạt-ma xuất phát từ Phật.

C. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN LUẬN THƯ A-TỲ-ÐẠT-MA

1. Thời kỳ 1: Luận thư còn giữ hình thức khế kinh. Trong thời kỳ 100 năm sau Phật Niết-bàn, chưa chia kinh luận như kinh A-hàm còn truyền đến ngày nay là do học phong của Giáo hội Tăng đoàn mà được chỉnh lý và A-tỳ-đạt-ma hóa, cho nên trong đó có những kinh mang nhiều sắc thái như luận, như kinh Tăng Nhất, Tạp A-hàm, kinh Thế Ký trong Trường A-hàm và Phân Biệt Bộ trong Trung Bộ, kinh Chúng Tập trong Trường Bộ.

2. Thời kỳ 2: Luận thư giải thích nghĩa kinh. Lấy kinh làm bối cảnh rồi định nghĩa, phân loại, phân biệt, giải thích những điều đã nói trong kinh chứ chưa phát huy vấn đề gì đặc sắc độc lập, như Vô Ngại Ðạo Luận của Phật Âm, Ma-ha-ni-luật-sa, Cưu-lạp-ni-luật-sa trong Tiểu Bộ hay như Hán dịch Pháp Uẩn Túc Luận, Tập Dị Môn Túc Luận.

3. Thời kỳ 3: Luận thư tiến tới độc lập. Thời kỳ này Luận thư không còn bàn giải nghĩa kinh mà lấy tất cả đề mục của các kinh tập hợp lại rồi phân loại một cách tường tận và theo mọi tiêu chuẩn để phân biệt tính chất các đề mục ấy, nội dung dần dần bao hàm các vấn đề sự thật độc lập hẳn với kinh luật. Ðó là thời kỳ xuất hiện bảy bộ luận của Phật giáo Nam phương và Ðại Tỳ-bà-sa luận của Hữu bộ, Thành Thật luận của Kinh bộ.

4. Thời kỳ 4: Thời kỳ Luận thư cương yếu. Các luận thư A-tỳ-đạt-ma phát huy giáo nghĩa của các bộ phái khi đã phát triển thì mắc phải cái nạn quá nhiều, khó học hỏi nổi, nên đòi hỏi phải có các luận thư toát yếu. Bộ luận thư toát yếu ra đời đầu tiên là bộ A-tỳ-đạt-ma Tâm Luận của Pháp Thắng (Ðạt-ma-thi-la), đến Tạp A tỳ đàm Tâm Luận của Pháp Cứu, học trò Pháp Thắng, rồi đến Câu xá luận của ngài Thế Thân, Thanh Tịnh Ðạo luận của ngài Phật Âm, Luận A-tỳ-đạt-ma Nghĩa Tập của ngài A-nậu-lâu-đà. Hai bộ sau này thuộc Thượng tọa bộ Tích Lan.

Tóm lại, phương pháp xử lý vấn đề của các A-tỳ-đạt-ma là trước hết nó hoàn toàn phụ thuộc vào kinh, chỉ có kinh là có quyền chứng tuyệt đối. Rồi dần dần từ việc giải thích từng mỗi câu kinh tiến lên thuyết minh toàn thể tư tưởng được gói ghém trong các câu kinh, trong sự tiến bộ đó nó đã nảy sinh ra thái độ phê phán tư tưởng trong kinh, cho đến khi không còn bị kinh chi phối, thậm chí không tôn trọng kinh bằng luận. Luận Ðại Tỳ-bà-sa cuốn 5 nói: "Nếu cứ khư khư chấp chặt từng câu kinh mà không đạt quan chân lý nó thì người ấy là 'Trước văn Sa-môn' ". Ðó là thái độ của Hữu bộ lấy A-tỳ-đạt-ma làm trung tâm. Và theo ngài Chân Ðế thì Kê Dẫn Bộ còn cho rằng: "Kinh luật chẳng qua chỉ là phương tiện, còn đệ nhất nghĩa đế chính thật nằm trong A-tỳ-đạt-ma". Như vậy A-tỳ-đạt-ma đã có chỗ đặc sắc không giống khế kinh. Chẳng hạn, ở khế kinh chú trọng giá trị tu chứng thực tiễn theo chủ trương "chuyển mê khai ngộ" cho nên những điều gì không thiết thực giúp cho việc chuyển mê khai ngộ thì đức Phật bỏ qua không nói đến. Trong những Pháp môn Ngài dạy để chuyển mê khai ngộ, Ngài chỉ dạy những điều vừa đủ hiểu để tu hành, nhưng đến A-tỳ-đạt-ma thì chuyển sang chú trọng nghiên cứu vấn đề sự thật. Thay vì xử lý các vấn đề tu dưỡng trước, thì A-tỳ-đạt-ma lại lo thuyết minh một cách tinh tế về sự thật liên quan đến nhân sinh vũ trụ trước rồi sau mới đề cập vấn đề tu dưỡng. Chủ ý các luận sư  A-tỳ-đạt-ma tuy không coi thường vấn đề tu dưỡng nhưng muốn xác lập lý tưởng tu dưỡng thì trước phải xác định sự thật.

Sau hết, nhìn vào phạm vi phân chia các vấn đề cứu xét sự bất đồng giữa mới và cũ. Lúc đầu A-tỳ-đạt-ma chỉ luận cứu những đề mục đặc thù như thiền định, trí tuệ... Nhưng trong quá trình tiến bộ liên tục nó đã lấy việc thuyết minh các đề mục đó một cách hệ thống làm nhiệm vụ và để tránh khó khăn nó lại chia các vấn đề đó ra từng bộ môn (chư môn phân biệt). Do đó mới có nhiều luận thư, và sau cùng để tiện việc học hỏi lại có các luận thư cương yếu ra đời.

D. CÁC LUẬN THƯ CỦA THƯỢNG TỌA BỘ

1. Pháp Tụ Luận (Dhamma Sanghani)
2. Phân Biệt Luận (Vibhanga)
3. Giới Thuyết Luận (Dhatu Katha)
4. Nhân Thi Thiết Luận (Pudgala Pannati)
5. Song Ðối Luận (Yamaka)
6. Pháp Trí Luận (Patthana)
7. Thuyết Sự Luận (Kathavasthu)

Ngoài bảy luận thư cơ bản này còn có các luận thư được sáng tác tiếp theo:

- Thanh Tịnh Ðạo Luận (Visudhimagga) của ngài Phật Âm thế kỷ V TL, có giá trị như một bộ bách khoa toàn thư Phật giáo, tính chất tương đương Câu-xá Luận đối với Hữu bộ. Ðây là sách tiêu chuẩn của tân Thương tọa bộ.

- Trường Tập Kinh Chú Sớ (Sumangala Vilasini), sách giải thích Trường Tập Kinh (Trường Bộ Kinh).

- Attha Salina, sách chú thích bộ Luận Pháp Tụ.

- Ngũ Thư Thuật Nghĩa (Panca-Pakarana Atthokattha): Năm sách Chú sớ Ðối pháp tạng.

Sau ngài Phật Âm có nhiều tác phẩm ra đời, trong đó có giá trị nhất là bộ A-tỳ-đạt-ma Nghĩa Tập Luận (Abhidharmattha Sangaha - H.T. Minh Châu dịch là Thắng Pháp Tập Yếu) này do ngài A-nậu-lâu-đà (Anuruddha) viết thế kỷ VIII T.L. Ðây là bộ sách ngắn gọn toát yếu giáo nghĩa Phật giáo, làm sách chỉ nam của Phật giáo Nam phương, với những giải thích xác đáng rõ ràng giáo nghĩa của Thượng tọa bộ nên nhiều nơi đã dùng nó thay cho Thanh Tịnh Ðạo Luận.

E. CÁC LUẬN THƯ CỦA HỮU BỘ

1. Pháp Uẩn Túc Luận (Dharma Skandha): 12 cuốn, do Ðại Mục-kiền-liên (Mahamogalyayana), có thuyết nói do Xá-lợi-phất viết lúc Phật tại thế.

2. Tập Dị Môn Túc Luận (Sangti paryaya pada) do Xá-lợi-phất viết lúc Phật tại thế (20 cuốn).

3. Thi thiết Túc Luận (Prajnapti): Do Ca-chiên-diên (Kaiyaya) viết lúc Phật tại thế, chưa dịch ra Hán văn.

4. Thức Thân Túc Luận (Vijnanakaya): 16 cuốn do Ðề-bà-thiết-ma (Devasarman) viết sau Phật Niết bàn 100 năm.

5. Phẩm Loại Túc Luận (Ptrakarama): 18 cuốn do Thế Hữu viết sau Phật Niết bàn 300 năm, cũng dịch là Chúng Sự Phần A-tỳ-đạt-ma Luận.

6. Giới Thân Túc Luận (Dhatukaya): 3 cuốn do Thế Hữu viết sau Phật Niết-bàn hơn 300 năm (có trước Ðại Tỳ-bà-sa. Có giá trị nhất trong các luận khác thời đó. Sau đệ tử thấy nhiều mới gom lại thành Giới Thân Túc Luận)

7. Phát Trí Luận (Janna Prasthana, A-tỳ-đạt-ma Bát-kiền-độ Luận): 20 cuốn do Ca-chiên-diên tử (Katyayaniputra - Ca-na-diễn-ni-tử) viết sau Phật Niết-bàn 300 năm.

Bảy bộ luận này, bộ Phát Trí gọi là Thân Luận, còn sáu bộ kia gọi là Túc Luận, vì nó là chỗ dựa cho luận Phát Trí được thành, và vì nghĩa lý chứa đựng trong nó ít ỏi không bằng nghĩa lý trong Phát Trí Luận rộng hơn. Trong đó ba bộ viết ra lúc đức Phật còn tại thế, bốn bộ viết ra sau khi Phật Niết-bàn. Ngoài bảy bộ luận cơ bản này, Hữu bộ còn có các luận thư để quảng diễn nghĩa lý các bộ trên như:

- Luận Ðại Tỳ-bà-sa (Mahavibhasa) 200 cuốn, là kết quả của Ðại hội Kiết tập lần thứ tư vào giữa thế kỷ II T.L. tại Ca-thấp-di-la (Kasmir, Kế Tân) do các ngài Thế Hữu, Diệu Âm, Giác Thiên, Pháp Cứu, Hiếp Tôn Giả chủ trì với sự ủng hộ tận lực của vua Ca-nị-sắc-ca (Kaniska). Bộ này quảng diễn giáo nghĩa của luận Phát Trí.

- A-tỳ-đạt-ma Tâm Luận (Abhidharmahridaya) do Pháp Thắng (Ðạt-ma-thi-la) tạo vào thế kỷ VI sau Phật Niết-bàn (đầu thế kỷ III T.L.), toát yếu Ðại Tỳ-bà-sa Luận.

- Tạp A tỳ đàm Tâm Luận (Samyutara Abhidharmahridaya) do đệ tử của ngài Pháp Thắng là Pháp Cứu (Tăng-già-bạt-ma) tạo vào thế kỷ VII sau khi Phật diệt độ (đầu thế kỷ IV T.L.) nhằm làm rõ nghĩa trong A-tỳ-đạt-ma Tâm Luận, vì cho A-tỳ-đạt-ma Tâm Luận quá giản lược.

- Câu-xá Luận (Abhidharma Kosa) do Thế Thân (Vasubhandhu) tạo vào 900 năm sau Phật diệt độ (đầu thế kỷ V T.L.), 30 cuốn.

- Thuận Chính Lý Luận: 80 cuốn, do Chúng Hiền đồng thời Thế Thân tạo, nhằm bác lại Câu-xá.

- Hiển Tông Luận: 40 cuốn do Chúng Hiền tạo, nhằm nêu bật tông nghĩa của Hữu bộ.

- Kinh Lượng Bộ: có Thành Thật Luận, 20 cuốn.

F. CÁC LUẬN THƯ DO AI NÓI?

Theo ngài Phật Âm trong Nam phương Phật giáo thì cho rằng, sau khi thành đạo, đức Phật ngồi tư duy dưới cội Bồ-đề, và về sau trong các buổi thuyết pháp cho thân mẫu trên cung trời Ðao-lợi, chính đức Phật đã nói sáu bộ luận đầu trong số bảy luận thư thuộc Thượng tọa bộ. Sáu luận thư này đã được hình thành tại Ðại hội Kiết tập lần thứ ba, còn bộ Luận Sự thứ bảy do Mục-kiền-liên-tử Ðế-tu làm ra khoảng 200 năm sau Phật Niết-bàn, nhưng cũng do lời Phật chú ký mà làm, nên về quan hệ vẫn được xem như do chính Phật nói. Trái lại, về phía Bắc phương Phật giáo thì cho rằng các luận thư A-tỳ-đàm không phải do Phật nói mà là do các đệ tử Phật nói trong các thời gian khác nhau, hoặc trong lúc Phật tại thế, hoặc sau khi Phật Niết-bàn. Quan điểm của Bắc phương sát với sự thật hơn.

Hòa thượng Thích Thiện Siêu
(Trích: "Ðại cương Câu-xá Luận", Viện Nghiên Cứu Phật Học VN, 1992)

*

Thursday, 20 October 2016

Cuộc đời là một kịch trường

Cuộc đời là một kịch trường. Mình vừa là khán giả, vừa là diễn viên. Nếu đóng kịch thì nên đóng cho khéo, đừng làm trò hề cho thiên hạ cười. Nếu là khán giả thì hãy bình tâm thưởng thức vở kịch, đừng để bị nó lôi cuốn, thấy giả tưởng là thật. Nhưng rồi, ít ai biết và dám nói ra những gì xảy ra ở hậu trường, phía sau sân khấu.

Ghi thêm:
Khán giả (看者) là người xem, Khán là xem, Giả (者 bộ Lão) là người. Bàn thêm cho vui: “Giả” cũng có thể viết theo bộ Nhân là 假, nghĩa là không thật, giả dối. Cho nên, khán giả (người xem) chân chính là người phải biết khán giả (thấy cái giả).

*

Hình học Euclid và A-tỳ-đàm (Abhidhamma, Vi diệu pháp)

Sáng nay bỗng nhiên ngẫm nghĩ về điều nầy. Thật ra đây là vấn đề tôi suy tư, ấp ủ đã lâu. Nhớ lại những điểm căn bản về môn Hình học Euclid mà mình đã từng học tại trường trung học. Mấy năm miệt mài học tập. Cho rằng đó là chân lý. Trên phương diện nào đó, nó giúp cho mình giải quyết nhiều vấn đề trong đời sống, chẳng hạn như trong việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng các công trình, thiết lập bản đồ đo đạc, cắt vẻ v.v. trong mọi sinh hoạt xã hội.

Nhưng rồi khi vào đại học và nghiên cứu, tôi mới thấy rằng nền tảng của môn Hình học đó là dựa trên các định đề và tiên đề của ông Euclid, không hẳn là chân lý, sự thật tuyệt đối. Ngoài hệ thống nầy, còn có các hệ thống hình học khác.

Cũng tương tự như thế, A-tỳ-đàm (Abhidhamma, Vi diệu pháp, Thắng pháp, Vô tỷ pháp) lập ra trên nền tảng các tiên đề (tâm, tâm vương, tâm sở, sắc pháp, Niết-bàn, lộ trình tâm, v.v.), có thể giúp giải thích có hệ thống về một số hiện tượng tâm vật lý trong đời sống. Tuy nhiên, các tiên đề đó không hẳn là chân lý, sự thật tuyệt đối. Ngoài hệ A-tỳ-đàm của Thượng tọa bộ, còn có hệ A-tỳ-đàm của các bộ phái Phật giáo khác.

------------------------
* Có thể xem thêm:

1) A-tỳ-đàm (Abhidhamma, Abhidharma, Vi diệu pháp, Thắng pháp, Vô tỷ pháp, ...)
Nguyên tác: Collett Cox, dịch Việt:   Pháp Hiền cư sĩ

2) Sự hình thành của A-tỳ-đạt-ma, Hòa thượng Thích Thiện Siêu
 http://budsas.net/uni/1-bai/phap043.htm

3) Nguồn gốc lịch sử của A-tỳ-đàm

*

Tuesday, 11 October 2016

Sách: Những Lời Phật Dạy (2016)

Trong thời gian qua, 20 ngàn bản đã được in ấn tống (không bán) để cúng dường. Chúng tôi không còn giữ thêm cuốn nào. Quý anh chị nào cần, xin xem thông tin dưới đây.

* * *

NHỮNG LỜI PHẬT DẠY, Bình Anson dịch, 550 trang, 2016
(In the Buddha’s Words, Bhikkhu Bodhi, 2005)

1) Đối với quý vị ở Việt Nam, xin hoan hỷ liên lạc đến xin sách tại:

... Pháp viện Minh Đăng Quang (Hệ phái Khất Sĩ)
... 505 Xa lộ Hà Nội
... Phường An Phú, quận 2, TP. HCM
... Phone: +84 8 3899 1105

2) Ngoài ra, quý vị có thể tải về bản PDF để đọc trên máy vi tính:

=> https://tinyurl.com/3zftm5w8

3) Sách nói, do Trung Tâm Diệu Pháp Âm (Chùa Khuông Việt, 1355 Hoàng Sa, P.5, Q.Tân Bình, Sài Gòn) thực hiện:

3a. Nghe online: http://dieuphapam.net/dpa/nhung-loi-phat-day.3899/

3b. Nghe trên Youtube: https://www.youtube.com/playlist?list=PL8DgjWmX16apZQUyeanKymxZ6rtSTb_KI

3c. Tải về toàn bộ 49 tập tin âm thanh (MP3, audio files) :

Chương 01-04: nlpd_audio_00-04.zip (dung lượng 462.4 MB) 
=> https://tinyurl.com/4jtbjncw
=> https://mega.nz/#!CpRjBBjK!zOuINSNrMrZKLow1KlN7ssjs5ZL7Jzq2_sPYhkiJV1s

Chương 05-08: nlpd_audio_05-08.zip (dung lượng 463.0 MB)
=> https://tinyurl.com/bdb355yn
=> https://mega.nz/#!yxQn2KhK!oJbZ3ddbqamSGt7A-P_Ja5BknTWTXDsIxiRwXSNldww

Chương 09-10: nlpd_audio_09-10.zip (dung lượng 361.9 MB, có kèm bản PDF của cuốn sách)
=> https://tinyurl.com/yjyxz8u3
=> https://mega.nz/#!v1xWWABZ!oqIymVOEFl6v0GzpFwArOqN_NdqFUZszAF_lllV0m4c

Đây là các files dạng nén ZIP. Giải nén để được các files âm thanh MP3.
*

Monday, 10 October 2016

Nhạc Việt - LÊ UYÊN PHƯƠNG

Tôi biết đến đôi vợ chồng nầy khoảng đầu thập niên 1970 khi hai người từ Đà Lạt về Sài Gòn trình diễn với chỉ một cây đàn guitar mộc mạc của người chồng. Tôi thích nhất là các bài: Vũng Lầy Của Chúng Ta, Dạ Khúc Cho Tình Nhân, Chiều Phi Trường, Hãy Ngồi Xuống Đây, Cho Lần Cuối, v.v.

Thật ra, người chồng có tên là Lê Minh Lập, có nghệ danh là Lê Uyên Phương. Người vợ có tên là Lâm Phúc Anh. Khi về Sài Gòn trình diễn, có người hỏi anh "Lê Uyên Phương là ai?", anh Lập nói đùa: - "Lê Uyên là vợ, còn tôi là Phương".

Từ đó, tên "Lê Uyên & Phương" được ra đời cho đôi song ca nầy, và chị vẫn giữ tên Lê Uyên cho đến ngày nay. Anh Lập mất năm 1999 tại California, Hoa Kỳ. Chị Lê Uyên tiếp tục ca hát, và có về Sài Gòn trình diễn trong mấy năm gần đây.

Tải về dạng nén ZIP, giải nén sẽ được các files audio, dạng MP3 - 320 kbps.

nviet14.zip – Lê Uyên Phương (3 CDs)
.. 1) Khi loài thú xa nhau
.. 2) Tình như mây cõi lạ
.. 3) Yêu nhau khi còn thơ

=> https://mega.nz/#!HwpUiLzZ!APF1cYLIuX_d7EienS_fg_8YDQtyHDlDbl5PFz1JsjA

*

Sunday, 9 October 2016

Trăng máu (Blood Moon) - Con người nhỏ bé.

TRĂNG MÁU (Blood Moon)
Con người nhỏ bé.

Hiện tượng nguyệt thực "trăng đỏ" (red moon) còn gọi là "trăng máu" (blood moon). Kèm theo là hình trăng máu của ông Steve Snideman, đẹp tuyệt vời! Không những cho thấy trăng, nhưng toàn bầu trời đầy sao với dải ngân hà. Mỗi ngôi sao tương đương với một mặt trời -- một thái dương hệ. Mỗi thái dương hệ (hệ mặt trời) ắt phải có một trái đất có đủ điều kiện môi trường sống như địa cầu chúng ta. Từ đó, ắt phải có chúng sinh đang sinh sống tương tự như loài người, trong mỗi thái dương hệ đó.

Nếu hiểu như thế, cái gọi là “ngày tận thế”, “ngày phán xét cuối cùng”, hay “Long Hoa hội” như được đề cập trong các giáo phái khác là điều khó có thể xảy ra. Bởi vì nếu trái đất nầy có nổ tung, loài người ở đây có thể bị tiêu diệt, nhưng rồi các chúng sinh nầy sẽ tái sinh vào trái đất của các thái dương hệ khác, vẫn lẩn quẩn trong thế giới ta-bà vô thủy vô chung, nếu chưa giác ngộ giải thoát.

Hơn nữa, khái niệm về vô số thái dương hệ trong vũ trụ giúp ta hiểu được do đâu dân số trên trái đất này càng ngày càng gia tăng, vì có thể chúng sinh ở các thái dương hệ khác được tái sinh về đây.

Quan trọng nhất, qua suy nghiệm về vũ trụ với vô số thái dương hệ, tôi thấy quả thật mình nhỏ bé vô cùng trong vũ trụ bao la nầy, không phải là nhân vật quan trọng, không phải là "cái rốn của vũ trụ". Dù mình có hiện hữu hay không hiện hữu, dù có tạo ra vài thành quả nhỏ nhoi nào đó, tất cả đều không quan trọng, không nghĩa lý gì cả trong bối cảnh vô cùng rộng lớn của vũ trụ.

Đây cũng là một cơ hội tốt để nhắc nhở mình giảm thiểu dính mắc trong danh lợi, ái tình, tự ái cá nhân, tên tuổi, tiền bạc, địa vị, v.v. của cuộc sống ngắn ngủi nầy.

*

Nhạc quốc tế - ANDY WILLIAMS (1927-2012)

Chắc là bạn nào đang sống ở Bắc Mỹ đều nghe biết nam ca sĩ trứ danh nầy. Giọng ca trầm ấm, điêu luyện trong giòng nhạc tình cảm.

Tải về dạng nén ZIP, giải nén sẽ được các files audio, dạng MP3 - 320 kbps.

nqt09 – Andy Williams, Super Hits (2007)
=> https://mega.nz/#!n84x2TBY!0DUFaKylnYyIdS22KgbsjgTsQSnkXqxzGZXJ47IqFSE

*

Saturday, 8 October 2016

Nhạc hòa tấu - PAUL MAURIAT (1925-2006)

Không cần giới thiệu, chắc là ai cũng biết nhạc trưởng Paul Mauriat và dàn nhạc đại hòa tấu của ông.

Tải về dạng nén ZIP, giải nén sẽ được các files audio, dạng MP3 - 320 kbps.

nht12.zip – Paul Mauriat and His Orchestra, Greatest Hits (2 CDs, 2007)
=> https://mega.nz/#!30xRBLZD!sBg9vuZoylQVS4uxTMW9KlZWpBj44S54AluL_ne6oXo

*

Tuesday, 4 October 2016

Phiếm luận về chữ NIỆM

Tôi chỉ rành tiếng Việt – sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, và tiếng Anh – sống ở Perth trong 40 năm qua. Ngoài ra, còn biết lõm bõm tiếng Thái, Pháp, Pali, và Hán, chỉ đủ để hỏi bác Gờ hay tra từ điển về một vài thuật ngữ nào đó khi cần biết.

Rãnh rỗi sinh nông nỗi. Xin bàn chơi về chữ Niệm trong Hán Việt. Tra từ điển trực tuyến “Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn” [*], thấy chữ Niệm có 5 cách viết khác nhau (xem hình kèm theo). Trong Phật Giáo, thông dụng nhất là chữ Niệm thuộc bộ Tâm.

Chiết tự, chữ nầy gồm có chữ Kim nằm trên chữ Tâm. Kim (bộ Nhân) là bây giờ, ngày nay, hiện tại. Đem tâm về hiện tại, tâm ghi nhớ, sống trong hiện tại. Đó là Niệm. Chỉ đơn giản thế thôi. Người Trung Quốc xưa, khi sáng tạo cách viết chữ nầy, có lẽ cũng nghĩ như thế, rất gần gũi với từ Pali “Sati” (sanskrit: Smṛti) trong ý nghĩa ban đầu.

Về sau, “Niệm” cũng như “Sati” được dùng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, sinh ra thêm các ý nghĩa khác. Từ đó, người ta bàn luận chi tiết, phân tích tỉ mỉ, trích dẫn chỗ nầy chỗ kia, tốn biết bao bút mực, công sức, thì giờ, tạo thành một chuyện dài không bao giờ kết thúc.

[*] http://www.vietnamtudien.org/hanviet/

* * *

Đại niệm xứ?

Gần đây, tôi nhận được vài thông tin của bạn bè FB trong đó có cụm từ “đại niệm xứ”. Chúng ta hiểu thế nào về cụm từ nầy? Niệm xứ mà lại có lớn (đại), có nhỏ hay sao?

Có lẽ cụm từ nầy bắt nguồn từ tựa đề bài kinh Đại Niệm Xứ (Trường Bộ, kinh số 22), bài kinh rất quen thuộc với các thiền sinh. Thế nhưng, dịch tựa đề là “Kinh Đại Niệm Xứ” từ tựa Pali “Mahasatipatthana Sutta” có đúng không? Chữ Đại (Maha) là bổ nghĩa cho chữ “niệm xứ” hay chữ “kinh”?

Thật ra, tựa đề “Maha” là để phân biệt 2 bài kinh có nội dung hầu như tương tự: kinh Niệm xứ trong Trung bộ (kinh số 22) và bài kinh dài hơn trong Trường bộ (kinh số 10). Như thế, “maha” (đại) ở đây là bổ nghĩa cho chữ “sutta” (kinh).

Nếu dịch sát nghĩa Hán Việt, tựa đề phải là: "Đại niệm xứ kinh", hay theo cách dùng thông thường trong tiếng Việt ngày nay: Đại kinh Niệm xứ, nghĩa là một bài kinh lớn (dài) về Niệm xứ.

Do đó, cụm từ “Đại Niệm Xứ”, nếu dùng riêng rẻ, là vô nghĩa.

Nhiều năm trước, tôi có viết vài dòng ghi chú về chữ “’Đại” trong tựa đề các bài kinh. Xin ghi lại dưới đây.

* * *

Đại kinh hay kinh đại?

Trong kinh tạng, chúng ta thấy có các cặp bài kinh cùng một tựa đề, chỉ khác nhau ở chữ Maha (Đại) và Cula (Tiểu). Thí dụ như hai bài kinh: Cula-sihanada Sutta (Trung Bộ 11) và Maha-sihanada Sutta (Trung Bộ 12). Chúng ta dịch hai tựa đề đó như thế nào? Kinh Tiểu Sư Tử Hống và Kinh Đại Sư Tử Hống? Hay là Tiểu Kinh Sư Tử Hống và Đại Kinh Sư Tử Hống? Ở đây, chữ Tiểu và Đại là bổ nghĩa cho chữ nào? Nếu dịch là Kinh Đại Sư Tử Hống, ta sẽ hiểu như thế nào về cụm từ "Đại Sư Tử Hống"? Là tiếng rống lớn của con sư tử, hay là tiếng rống của con sư tử lớn?

Vì thế, nếu chúng ta hiểu tựa đề của hai bài kinh trên có nghĩa là bài kinh ngắn và bài kinh dài về tiếng rống sư tử, tựa đề hai bài đó có thể dịch là Tiểu Kinh Sư Tử Hống và Đại Kinh Sư Tử Hống. Điều này cũng tương đồng với tựa đề của các bản dịch Anh ngữ của Tỳ khưu Bodhi: The Shorter Discourse on the Lion's Roar và The Greater Discourse on the Lion's Roar. Tương tự như thế cho các cặp bài kinh khác:

- Đại Kinh Khổ Uẩn (Maha-dukkhakkhanda Sutta, Trung Bộ 13) và Tiểu Kinh Khổ Uẩn (Cula-dukkhakkhanda Sutta, Trung Bộ 14).

- Tiểu Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (Cula-hatthipadopama Sutta, Trung Bộ 27) và Đại Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (Maha-hatthipadopama Sutta, Trung Bộ 28).

- Ðại Kinh Ví Dụ Lõi Cây (Maha-saropama Sutta, Trung Bộ 29) và Tiểu Kinh Ví Dụ Lõi Cây (Cula-saropama Sutta, Trung Bộ 30).

- Tiểu Kinh về Không (Cula-sunnata Sutta, Trung Bộ 121) và Đại Kinh về Không (Maha-sunnata Sutta, Trung Bộ 122).

- Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt (Cula-kammavibhanga Sutta, Trung Bộ 135) và Đại Kinh Nghiệp Phân Biệt (Maha-kammavibhanga Sutta, Trung Bộ 136).

- Kinh Niệm Xứ (Satipatthana Sutta, Trung Bộ 10) và Đại Kinh Niệm Xứ (Maha-satipatthana Sutta, Trường Bộ 22).

- v.v.

Thêm vào đó, tựa bài kinh Maha-parinibbana Sutta (Trường Bộ 16) có lẽ nên dịch là Đại kinh Bát-niết-bàn, thay vì Kinh Đại Bát-niết-bàn như thường gặp trong nhiều tài liệu kinh sách. Chữ Đại ở đây là bổ nghĩa cho chữ Kinh, Đại Kinh là bài kinh dài. Theo thiển ý, chữ Bát-niết-bàn (phiên âm của parinibbana) tự nó đã đủ nghĩa, không cần có thêm tính từ "Đại".

– Bình Anson, 2007

*

Sunday, 2 October 2016

Nhạc Việt: XUÂN HẢO

Mới biết được nam ca sĩ trẻ nầy, qua CD dưới đây. Giọng hát trầm ấm, rõ ràng, chững chạc, rất hay! Nếu bạn nào chưa từng nghe, mời tải về nghe thử.

Tải về dạng nén ZIP, giải nén sẽ được các files audio, dạng MP3 - 320 kbps.

nviet13.zip – Xuân Hảo, Tình trầm
https://mega.nz/#!G4IhVIoI!bS8uvmM_pPUYUvdwwqL7AMuYsuW4CI482483QujsTjE

*