Friday 11 November 2016

Hành thiền và đánh đàn

Các triền cái và thiền chi
Nguyên tác: Rupert Gethin (1998). The hindrances and the limbs of dhyāna, The Foundations of Buddhism, pp 180-181.

*

Các hướng dẫn cơ bản để bắt đầu hành thiền là rất đơn giản. Hành giả tìm một nơi yên tĩnh và ngồi xuống với chân xếp chéo, khơi dậy động lực thích hợp một cách nhẹ nhàng để chú tâm ý vào một đề mục của thiền. Điều không tránh khỏi là hành giả sẽ thấy rằng tâm ý của mình đi lang thang và sự chú tâm phải được liên tục để đưa tâm trở về đề mục của thiền. Có hai lý do làm cho tâm không gắn chặt vào đề mục. Một mặt, tâm là con mồi của năm triền cái (dục tham, sân hận, hôn thụy, trạo hối, nghi). Mặt khác, hành giả chưa phát triển đầy đủ các kỹ năng để đưa đề mục vào tâm hay, theo thuật ngữ của thiền, năm thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) chưa đủ mạnh.

Trên nguyên tắc, chúng ta có thể nhận thấy có một tiến trình để khắc phục các triền cái và phát triển các thiền chi tương tự như khi đem tâm ý vào bất kỳ công việc mới nào, đòi hỏi phải có một sự luyện tâm và khéo léo. Lấy ví dụ về việc học cách chơi một nhạc cụ. Muốn có tiến bộ cần phải luyện tập thường xuyên và kiên nhẫn. Hầu như chắc chắn là có những lúc các hoạt động ít đòi hỏi khác có vẻ hấp dẫn hơn và thú vị hơn là việc phải nỗ lực học sử dụng nhạc cụ đó. Đây là trở ngại đầu tiên của của tham ái những đối tượng của các giác quan, tương tự như DỤC THAM khi hành thiền. Đôi khi học viên có thể trở thành thất vọng, bị kích thích, và tức giận, nhìn thấy các khiếm khuyết của nhạc cụ hoặc giáo viên, hoặc đổ lỗi cho những người hàng xóm đang tạo nhiều tiếng ồn như là một lý do để không kiên trì với sự thực hành của mình. Đây là trở ngại thứ hai của ý xấu, tương tự như SÂN HẬN khi hành thiền. Hoặc là chỉ nghĩ đến việc phải học nhạc có thể làm cho học viên cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, nhưng khi nghĩ đến làm cái gì khác mà tâm thấy thú vị hơn, đột nhiên người ấy cảm thấy tỉnh táo và cảnh giác. Đây là trở ngại thứ ba tương tự như trạng thái HÔN TRẦM THỤY MIÊN khi hành thiền. Hoặc học viên đột nhiên trở nên quá phấn khích trước sự tiến bộ của mình, hay trở nên phiền muộn vì cảm thấy thiếu tiến bộ. Đây là trở ngại thứ tư tương tự như TRẠO HỐI khi hành thiền. Cuối cùng học viên có thể nghi ngờ toàn bộ việc học, tự hỏi không biết việc học tập để chơi nhạc cụ nầy là có ý nghĩa, lợi lạc gì không, tương tự như trạng thái NGHI NGỜ khi hành thiền. Hành giả nào muốn phát triển việc hành thiền đều cần phải đối phó với những phiền não tức thời đó trong tâm ý, cũng như bất cứ ai muốn tiến bộ trong việc học sử dụng một nhạc cụ cần phải có một số biện pháp đối phó với những trở ngại như vậy.

Một lần nữa, ngay từ đầu của việc học đàn guitar hoặc piano, học viên mới bắt đầu phải có ý thức rõ ràng về nơi đặt từng ngón tay. Đồng thời người ấy phải bắt đầu chú ý đến các khía cạnh tinh tế về cách ấn ngón tay trên phím hoặc khảy dây đàn; người ấy phải chú ý đến sự khác biệt tinh tế giữa chất lượng và thời gian của một nốt nhạc. Hai khía cạnh phải chú ý đến một đối tượng của ý thức được đề cập đến trong tâm lý học Phật giáo như là vitakka (TẦM) và vicāra (TỨ), có thể được dịch gần như là “áp dụng tư tưởng” và “thẩm tra”; đây là hai chi đầu tiên của năm thiền chi. Khi hai khía cạnh nầy của tư duy được phát triển trong bối cảnh của một kỹ năng đặc biệt mà chúng ta đang nỗ lực học tập, một sự kiện xảy ra rất nhanh: đột nhiên tâm được sinh động bởi công phu đang thực hiện và bắt đầu có được niềm vui trong đó; tiếp theo là tâm bắt đầu cảm thấy thoải mái và hài lòng hơn. Đây là sự phát sinh của hai chi tiếp theo trong thiền, gọi là HỶ (pīti) và LẠC (sukha). Và khi tâm cảm thấy hạnh phúc và an lạc, tâm ít bị phân tán và thu hút vào đối tượng hay đề mục đã chọn. Đây là sự phát sinh của chi thứ năm trong thiền, gọi là “NHẤT ĐIỂM TÂM” (cittass'ekaggatā), là một thuật ngữ khác để chỉ “trạng thái tập trung” hay “ĐỊNH” (samādhi). Trong trường hợp của việc hành thiền, tâm không còn tìm kiếm các đề mục mới của ý thức, trở nên hợp nhất, an trụ trên một đề mục mà không còn có bất kỳ khuynh hướng nào để phóng chạy đi nơi khác.

*

No comments: