Monday, 25 May 2020

Nguồn gốc các bộ kinh A-hàm, Hán tạng.

Theo Hòa thượng Tuệ Sỹ, trong bài tham luận "Lịch sử truyền dịch" (Tạp A-hàm Tổng Mục Lục, 2010), dựa theo nghiên cứu lịch sử kinh điển của Pháp sư Ấn Thuận:

... Theo sự phán định của các nhà nghiên cứu văn học Phật giáo Hán tạng, trong bốn bộ A-hàm Hán dịch, Trường A-hàm thuộc Pháp tạng bộ (Dharmagupta), cùng hệ với Luật Tứ phần. Tăng Nhất A-hàm thuộc Đại chúng bộ (Mahāsaṅgika), hoặc Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravāda), một hệ phái chi mạt của Đại chúng bộ. Trung và Tạp A-hàm thuộc Hữu bộ (Sarvāstivāda). Ngoài ra, còn có Biệt dịch Tạp A-hàm được phán định thuộc Ẩm quang bộ (Kāśyapīya). (...)

Tạm thời cập nhật biểu đồ phân phái ở đây, để ghi nhận vị trí của các bộ A-hàm so với kinh tạng Nikāya của Thượng tọa bộ Theravāda.

---------------------------------------------

Ghi chú:
1) Trường A-hàm (Dīrgha Āgama, 長阿含, T1): thuộc Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka, 法藏部), Phật-đà-da-xá (Buddhayaśas, 佛陀耶舍) và Trúc-phật-niệm (竺佛念) dịch, đời Hậu Tần (TL 413).

* Việt dịch: Thích Trí Tịnh (1991); Thích Tuệ Sỹ (2007)

2) Trung A-hàm (Madhyama Āgama, 中阿含, T 26): thuộc Hữu Bộ (Sarvāstivāda, 說一切有部), Cù-đàm Tăng-già-đề-bà (Gautama Saṅghadeva, 瞿曇僧伽提婆) dịch, đời Đông Tấn (TL 397-398).

* Việt dịch: Thích Thiện Siêu (1992); Thích Tuệ Sỹ (2008)

3) Tạp A-hàm (Saṃyukta Āgama, 雜阿含, T 99): thuộc Hữu Bộ (Sarvāstivāda, 說一切有部), Cầu-na-bạt-đà-la (Guṇabhadra, 求那跋陀羅) dịch, đời Lưu Tống (TL 435-443).

* Việt dịch: Thích Thanh Từ và Thích Thiện Siêu (1993); Thích Đức Thắng dịch, Thích Tuệ Sỹ chú (2010)

4) Tăng Nhất A-hàm (Ekottara Āgama, 増壹阿含, T 125): thuộc Đại chúng bộ (Mahāsaṅgika, 大眾部) hoặc Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravāda, 說出世部), Đàm-ma-nan-đề (Dharmānandī, 曇摩難提) và Cù-đàm Tăng-già-đề-bà (Gautama Saṅghadeva, 瞿曇僧伽提婆) dịch, đời Đông Tấn (TL 397-398).

* Việt dịch: Thích Thanh Từ và Thích Thiện Siêu (1997); Thích Đức Thắng dịch, Thích Tuệ Sỹ chú (2011)

*-----*
Phân chia bộ phái và các bộ A-hàm

Saturday, 16 May 2020

Niệm chết trong thế giới hôm nay.

Niệm chết trong thế giới hôm nay
Kim Allen và Shaila Catherine
Hội Thiền Quán South Bay, Menlo Park, California, Hoa Kỳ

“Niệm chết, khi được tu tập và phát triển, sẽ mang đến kết quả lớn và lợi ích lớn, đưa đến bất tử, có bất tử là cứu cánh.” – AN 8.7

Xã hội phương Tây của chúng ta rất khéo che giấu cái chết. Cái chết chỉ thấy xảy ra đằng sau những cánh cửa đóng kín hoặc ở những địa điểm y tế như bệnh viện và nhà dưỡng lão. Chúng ta hiếm khi nhìn thấy xác chết, hiếm khi nhìn thấy tiến trình cuối cùng đưa đến cái chết. Nghiêm trọng hơn, cái chết thường được hiểu như là một sự thất bại hoặc có gì đó không ổn, và người ta hoàn toàn bỏ qua chiều kích tâm linh của nó.

Trong thời đại hôm nay, hơn bao giờ hết, trong đạo Phật, quán soi về cái chết có nhiều ý nghĩa, có nhiều ích lợi tâm linh. Giáo lý của Đức Phật khuyến khích mọi người nên tự mình suy ngẫm, tra vấn sâu sắc và trực tiếp hiểu biết về cái chết, vì đó là một con đường đưa đến Giải thoát.
Khi Ngài Bồ-tát bắt đầu cuộc tầm cầu giải thoát, một trong các động lực mạnh mẽ nhất là khi Ngài thấy  một xác chết và hiểu rằng rồi Ngài cũng sẽ chết. Ngài lên đường tầm đạo để khám phá cái không già, không bệnh, không chết – Niết-bàn, Giải thoát Bất tử.

Có thể chúng ta không lập tức chấp nhận ý tưởng suy ngẫm về các chết của chính mình. Bởi vì chúng ta có bản năng sinh tồn như các loài động vật khác. Tuy nhiên, là con người, chúng ta có thêm được sự hiểu biết là bản năng sinh tồn đó rồi cũng sẽ thất bại vì chúng ta sẽ phải chết, không tránh được.

Làm thế nào để chúng ta sống với sự hiểu biết này? Có nhiều phương cách để tránh né, và chúng có xu hướng giống như tất cả các vấn đề khác của thế giới: Từ chối, gây hấn, thèm muốn, lo lắng, quá bận rộn, v.v. Thật thú vị vì chỉ cần chuyển sang chú tâm về cái chết, thậm chí thực hiện một cách rất nhẹ nhàng, là bắt đầu làm xói mòn nỗi sợ hãi và nỗi đau khổ vốn là nền tảng cho tất cả các phương cách đó.

Phạm vi tu tập trong Phật giáo chung quanh cái chết được gọi là “maranasati” – niệm chết. “Mara” được xem như là sức mạnh của tâm bất thiện, sự cám dỗ – thường được nhân cách hóa như là Ma vương, hay là cái chết theo nghĩa đen trong văn học Phật giáo. “Sati” là niệm, sự tỉnh thức. “Maranasati” được hiểu như là dùng cái chết như là một đề mục hành thiền, để quán soi trạch vấn một cách trầm lặng, tỉnh thức.

Trong truyền thống Phật giáo Nam tông, thực hành niệm chết thường được dựa vào bài kinh Lập Niệm (Satipatthana Sutta, MN 10), trong đó, hành giả hình dung cơ thể gồm có 32 bộ phận, bao gồm các cơ quan và chất dịch khác nhau, và quán tưởng xác chết qua các giai đoạn phân hủy. Nhiều tu viện thường có các bộ xương khô đặt ở những chỗ nổi bật trong khuôn viên để khuyến khích pháp quán niệm này.

Những pháp thiền chính thức như vậy hiện có sẵn cho chúng ta, nhưng người phương Tây cũng có thể chọn thêm nhiều cách khác để giúp có thêm hiểu biết về cái chết. Có vài phương cách khá đơn giản, chỉ cần chúng ta nhớ bắt tay thực hành (nói dễ hơn làm, vì ý muốn tự nhiên của chúng ta là trốn tránh cái chết!), có vài phương cách khác cần nhiều nỗ lực tập trung hơn. Sau đây là một danh sách ngắn gọn, dựa trên kinh nghiệm của người viết; đề nghị quý vị đọc qua, thử áp dụng và tự khám phá cho riêng mình.

I. Thực hành Niệm Chết
Chìa khóa để thành công trong bất kỳ pháp niệm chết nào nào là sự suy niệm đúng đắn, có thể được tóm tắt ở câu ”Tôi cũng thế”: Cơ thể của tôi cũng sẽ như thế. Tôi không tránh khỏi điều đó. Rất ít người nhấn mạnh điều này, thay vào đó, họ chọn sử dụng ống kính thẩm mỹ hoặc khoa học/phân tích khi quan sát thân xác còn sống hoặc đã chết. Những ống kính như vậy tạo ra khoảng cách và không giúp vượt qua nỗi sợ hãi hay ảo tưởng. Ngược lại, suy niệm đúng đắn khiến chúng ta hiểu rằng cái chết là tự nhiên, bình thường và sẽ là một phần của trải nghiệm của chính chúng ta. Tỉnh thức ghi nhận sự tương quan, đồng nhất sẽ giúp vượt qua nỗi sợ hãi. Quan trọng nhất, suy niệm đúng đắn sẽ thúc đẩy mức thực hành được thâm sâu hơn.

I.1 Trên chiếu thiền
Hít vào thở ra như thể đó là hơi thở cuối cùng của bạn. Đặc biệt chú ý đến phần cuối của hơi thở ra, cảm thấy nó trôi đi vào khoảng không, an nghỉ trong khoảng trống. Rồi khi bắt đầu hít vào một hơi thở khác, tiếp tục nhận thức rằng có thể đây là hơi thở cuối cùng của mình.

I.2 Chiêm nghiệm cuộc sống hàng ngày
• Lưu ý đến đồ vật trong cuộc sống của bạn đến từ những người đã chết. Ví dụ, một chiếc vòng cổ mà bạn được thừa hưởng từ bà cố của bạn; trên bàn thờ hay trên đầu tủ có những tấm ảnh của người thân đã chết từ lâu; hoặc một bức tranh vẽ của người anh hay người chị đã qua đờì khi còn trẻ. Sau đó xem xét những đồ vật của riêng bạn: Rồi thì chúng cũng sẽ được truyền giao cho người khác sau khi bạn chết. Điều này giúp ta bớt đi ý tưởng phải thu thập, tích lũy nhiều thứ đồ vật trong cuộc sống và giảm thiểu sự dính mắc vào của cải vật chất.

• Ghi nhận sự kết thúc hay các dạng thức “chết” của mọi sự vật chung quanh, thay vì vội vã hướng đến sự bắt đầu của những thứ khác. Không có gì trên đời này mà không vô thường, chết đi. Lá rơi từ cành cây, hoa héo tàn, tiệc tùng kết thúc. Tạm dừng mọi hoạt động để chỉ ghi nhận sự kết thúc.

• Trên đường đi, khi thấy một con thú bị xe cán chết, hoặc khi thấy con mèo kéo xác con chuột, hãy nghĩ: “Rồi thì thân xác của tôi cũng sẽ như thế.”

• Khi được tin bạn bè hoặc người thân qua đời, hãy suy nghĩ một cách có ý thức: “Rồi tôi cũng sẽ chết.” Rồi chiêm nghiệm rằng mình sẽ không mang theo được gì khi chết, ngoại trừ nghiệp thiện và bất thiện mà mình tạo ra qua thân, khẩu, ý. Từ đó, suy nghĩ mình nên làm những gì trong đời sống này.

I.3 Nghĩa trang và nhà xác
• Lưu ý khi bạn lái xe đi ngang qua nghĩa trang và nhà xác, tâm trí của bạn có thể không muốn chú ý đến những nơi này, ngay cả khi bạn đi ngang qua đó mỗi ngày. Hãy nhận định rằng thân xác của mình rồi sẽ bị phân hủy ở đó.

• Tìm cơ hội đi bộ trong nghĩa trang. Bạn có thể đọc tên tuổi ghi ở các bia mộ, đó là những người khi còn sống đã có những hy vọng, ước mơ, nỗi sợ hãi, nhân tính khác nhau. Cũng rất thú vị khi ghi nhận tuổi thọ của họ – có người còn khá trẻ, trẻ hơn bạn, khi họ qua đời. Hoặc bạn có thể ngồi lặng lẽ và ghi nhận không khí, khung cảnh của nơi này. Rồi chiêm nghiệm: Cái chết có thể đến với mình bất cứ lúc nào.

I.4 Hình ảnh
• Có thể tìm những hình ảnh về xác chết và xác đang phân hủy để quán niệm. Nhưng nên sử dụng có ý thức, bởi vì đó là những hình ảnh có tính nhạy cảm. Không nên để lộ liểu, bừa bãi trên màn hình máy tính, trên bàn, trên kệ sách. Dành một thời gian nhất định nào đó để chiêm nghiệm nghiêm túc các hình ảnh này như là đối tượng thiền quán. Có thể tham khảo các sách về cơ thể học (chẳng hạn như cuốn “Color Atlas of Anatomy”, tác giả là Rohen và Yokochi), trong đó có nhiều hình ảnh về các bộ phận của cơ thể. Xem như cơ thể của mình cũng như thế.

• Có thể tìm xem hình ảnh về các bộ xương trong nhiều cuốn sách hay trên các trang web. Thật là ấn tượng mạnh mẽ khi nhìn các khúc xương rã rời, phân tán khắp nơi, và từ đó quán niệm – như trong kinh Lập Niệm (MN 10) – rằng “Đây là xương tay, đây là xương chân, đây là xương cánh tay, đây là xương ống chân, đây là xương răng, đây là xương sọ, … Thân thể này một ngày kia rồi cũng sẽ như thế.” Từ đó, thật khó mà bám thủ vào thân thể này, xem nó là vững bền.

I.5 Tình nguyện
• Bạn có thể tình nguyện đến giúp việc trong bệnh viện, hoặc tốt hơn, tại một nhà tế bần hoặc viện dưỡng lão là nơi ta có thể nhận thức được rằng cái chết đang dần dần tiến đến. Khung cảnh ở đó cho ta một cơ hội để nhìn thấy những người sắp sửa qua đời. Chắc chắn bạn sẽ ghi nhận được những cảm giác của mình về cái chết, đã từng xảy ra trong các kiếp trước và sẽ xảy đến trong kiếp này. Nếu có quen biết ai đó đang sống tại nhà dưỡng lão, bạn nên cố gắng đến viếng thăm thường xuyên.

I.6 Giải phẫu
• Nếu có điều kiện và cơ hội, bạn có thể xin phép đặc biệt đến quan sát cuộc giải phẫu khám nghiệm tử thi tại các bệnh viện. Thấy tận mắt trên thực tế sẽ tạo một ấn tượng rất sâu đậm về xác thân và cái chết.

II. Kết quả của thực hành Niệm Chết
Thực hành các phương pháp niệm chết để đem cái chết vào nhận thức cá nhân chắc chắn sẽ có một tác động vào tâm trí của hành giả. Có nhiều kết quả khác nhau, tùy theo các điều kiện thực hành và cách hành giả hiểu về những gì đang áp dụng.

Một tác động chung khi tiếp xúc với cái chết là có được một đánh giá cao hơn về hành vi đạo đức. Khi chứng kiến một người bạn qua đời, hay khi phải trải qua một đêm lo sợ cận kề với cái chết trong một phòng cấp cứu tại bệnh viện sẽ tạo một cái nhìn mới về các mối quan hệ và về cách sống của mình. Đôi khi điều này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn rồi người ấy quên đi, và đôi khi người ấy thay đổi hoàn toàn về cái nhìn trong cuộc sống, trở thành một người có đạo đức, có tâm bố thí và lòng biết ơn.

Kết quả lâu dài của việc sống theo cách này là người ấy không còn sợ chết nữa. Đức Phật đã khuyên nhủ một đệ tử cư sĩ lo lắng về trạng thái của tâm của mình khi kề cận cái chết rằng: “Đừng sợ! Đừng sợ! Cái chết của ông sẽ không xấu ác, cái chết của ông sẽ không xấu ác. Khi tâm trí được vững mạnh trong một thời gian dài qua tu tập trọn vẹn về tín, về giới, về sở văn, về xả ly bố thí, về trí tuệ,  thì tâm trí ấy là thượng thặng, đi đến thù thắng.” (SN 55.21)

Khi thực hành niệm chết như là một pháp hành thiền nghiêm túc, công phu đó giúp làm thâm sâu mức an chỉ, định tâm và lòng từ bi. Sự tất yếu của cái chết có thể đem đến sự yên tĩnh sâu sắc. Nếu được hướng dẫn đúng đắn, dùng các hình ảnh xác chết như là đề mục thiền định có thể giúp tâm chuyên nhất đến mức có thể đắc thiền-na. Khi tâm trí hướng về sự tương đồng về cái chết của mọi chúng sinh, lòng đại bi có thể khởi sinh khi hành giả cảm thông được nỗi khổ về cảm nghiệm sự chết này. Tóm lại, tất cả các pháp niệm chết đều giúp củng cố sâu sắc và mở rộng trái tim.

Nhưng thành quả của niệm chết được Đức Phật nhấn mạnh nhiều nhất là nó có thể đưa đến Giải thoát (AN 1.203). Sự “cấp bách tâm linh” trước cái chết gọi là “saṃvega”, là một bước quan trọng trong tu tập. Trên thực tế,  saṃvega được xem như là một dấu hiệu đánh giá mức thành công của niệm chết. Niệm chết thường được xem như là để đối trị với tâm giãi đãi, tự mãn – thí dụ, tâm của những người có một lối sống sung túc, đầy đủ tiện nghi.

Không còn thỏa mãn với những dục lạc tạm bợ, hành giả tầm cầu niềm hạnh phúc sâu sắc hơn trước khi qua đời. Đức Phật ca ngợi nỗ lực thực hành niệm chết ngay trong giây phút hiện tại. Trong bài kinh AN 6.19 và 8.73, Ngài dạy:

“Tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy.’ … Những tỳ-khưu ấy được gọi là những vị sống không phóng dật, tu tập rất sắc sảo niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc.”

Trong bài kinh AN 6.20 và 8.74, Ngài ví “saṃvega”, sự cấp bách thôi thúc để luyện tập niệm chết như thể quần áo hoặc đầu của một người bị bắt lửa cháy. Người ấy phải có mong muốn mãnh liệt để kịp thời dập tắt ngọn lửa, với nỗ lực, nhiệt tình, tỉnh thức và hiểu biết rõ ràng.

Do đó, hãy đi theo ước nguyện thiện lành này cho đến tận cùng con đường đưa đến Giải thoát Bất tử. Chúc các bạn thu thập được nhiều kết quả và lợi ích trong việc thực hành niệm chết.

– Bình Anson lược dịch,
Perth, tháng 5-2020.

Nguyên tác: Maranasati for the Modern World, by Kim Allen and Shaila Catherine

–ooOoo–
Kim Allen và Shaila Catherine


Bốn bộ A-hàm: Lịch sử truyền dịch.

Bốn bộ A-hàm: Lịch sử truyền dịch
Thích Thái Hòa (2010)

Mùa an cư của chúng Tăng đầu tiên sau đức Thế Tôn Niết bàn, Tôn giả Đại-ca-diếp liền triệu tập năm trăm vị A-la- hán về tại hang Thất-diệp, xứ Ma-kiệt-đà để kết tập kinh điển với sự hỗ trợ của vua A-xà-thế. Trong đó có 250 vị thuộc đồ chúng của Tôn giả Đại-ca-diếp và 250 vị thuộc đồ chúng của Tôn giả A-nâu-lâu-đà và có sự hiện diện của Tôn giả A-nan. Ngôn ngữ kinh điển được kết tập trong hội nghị này là bằng tiếng Ardha-magadhi. Tạng kinh điển được kết tập đầu tiên bằng tiếng Ardha- magadhi này là do Tôn giả A-nan gom tụng về kinh, Tôn giả Ưu-ba-li gom tụng về luật và Tôn giả Đại-ca-diếp chủ tọa.

Sau khi hai Tôn giả gom tụng xong, hội nghị giám định, gạn lọc và thông qua. Hội nghị này kéo dài đến bảy tháng. Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất này, do Tôn giả Đại- ca-diếp triệu tập ở hang Thất diệp chỉ có 500 vị. Đây là Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất ở hang Thất-diệp của hàng Thượng tọa. Đại hội này không có sự cộng tác của Tôn giả Phú-lan-na  (Punnaji, Purāṇa). Đại chúng hơn mười ngàn vị, ở ngoài cương giới kiết-ma (karmanta) của Tôn giả Đại-ca-diếp do Tôn giả Ba-sư-ba (Vaspa, Baspa) làm giáo thọ, chủ tọa cũng kết tập kinh điển lần thứ nhất ngoài hang Thất-diệp. Theo ngài Vasumitra (Thế Hữu), ở trong Dị Bộ Tôn Luân Luận cho biết, trong kỳ kết tập lần thứ nhất của hàng Đại chúng ngoài hang Thất-diệp có tụng Bản sanh tạng và Đại sĩ tạng, tức là kinh điển Đại thừa.

Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ hai tại Vesāli, cách đức Thế Tôn diệt độ khoảng một trăm bốn mươi năm, với sự tham dự bảy trăm vị Tỷ kheo, để giám định mười điều luật mới của nhóm Tỷ kheo ở Bạt-kỳ. Hội nghị này kéo dài đến tám tháng. Hội nghị một và hai đều sử dụng khẩu dịch và ngôn ngữ chính của kinh điển vẫn sử dụng ngôn ngữ Ardha-magadhi để kết tập. Sự phân chia các bộ phái Phật giáo sau này, có gốc rễ từ hội nghị thứ nhất và thứ hai này.

Hội nghị thứ ba được tổ chức tại Pataliputra (Hoa Thị Thành) vào khoảng năm 244 trước kỷ nguyên, dưới sự bảo trợ của vua A'soka (A-dục). Ngài Moggallanaputta-Tissa (Mục-kiền-liên Đế-tu) đã đứng ra triệu tập, gồm 1000 vị Tỷ khưu về hội nghị để kết tập lại kinh điển, thời gian kéo dài đến chín tháng mới hoàn thành.

Trong hội nghị này, hình thành cả tam tạng giáo điển. Có thuyết cho rằng, Luận tạng, tức là “Thuyết sự” (Kathavattu) là do ngài Tissa (Đế-tu) trước tác để thuyết minh rõ giữa lý luận của Phật giáo trước ngoại đạo.

Tư liệu này đã căn cứ thư tịch Nam truyền, chứ không có trong thư tịch Bắc truyền. Hội nghị kết tập kinh điển vào thời vua A-dục cũng chỉ để hoàn chỉnh kinh điển khẩu truyền bằng ngôn ngữ Ardha-magadhi và tạng kinh này đã được truyền khắp Nam, Bắc, Trung Ấn.

Tạng kinh này khi truyền đến nước Avanti (A-bàn-đề), là một trong mười sáu nước cổ đại của Ấn Độ, nằm về phía Tây, hai ngôn ngữ Magadhi và Avanti phối hợp với nhau tạo thành ngôn ngữ Pāli phôi thai. Tạng kinh Magadhi được chuyển dịch sang ngôn ngữ Pāli phôi thai tại thủ phủ Ujjayini (Ô-xa-diễn-ni) của nước Avanti. Từ Avanti, Tôn giả Mahīnda, hoàng tử của vua A-dục và là đệ tử của ngài Ca-chiên-diên mang tạng kinh khẩu dịch bằng Pāli phôi thai này đi dọc theo vịnh Oman đến truyền bá tại Tích Lan.

Tuy, tạng kinh Pāli phôi thai này truyền đến Tích Lan (Sri- Lanka) thế kỷ thứ III trước Tây lịch, nhưng phải đến thế kỷ thứ V sau Tây lịch, khi ngài Buddhaghoṣa (Phật Âm) ra đời mới san định bằng văn bản hoàn chỉnh và gọi là kinh tạng Pāli Nikāya. Kinh tạng Pāli Nikāya là kinh đã được san định và tuyển chọn. Nên tạng kinh này không phải tạng kinh nguyên thủy từ hàng Thượng tọa do Ngài Đại- ca-diếp kết tập tại hang Thất-diệp lần thứ nhất bằng ngôn ngữ  Ardha-magadhi.  Nói  đúng  hơn,  Tạng  kinh  Pāli Nikāya hiện có thuộc về truyền thống của Thượng tọa bộ Tích-lan (Sri-Lanka) hơn là truyền thống của Thượng tọa bộ Ma-kiệt-đà (Magadha).

Ngài Buddhaghoṣa, người quê ở Phật-đà-già-da, xứ Ma- kiệt-đà, Trung Ấn, sinh trưởng trong một gia đình Bà-la- môn, học giỏi Vệ-đà, tinh thông Du-già và Số-luận… Sau đó, ngài quy y theo Phật giáo, tinh thông Phật học, soạn các bộ luận để giải thích pháp tụ luận. Năm 432, ngài vượt biển đến Tích Lan, lưu trú tại chùa Mahāvihāra (Đại Tự), dưới sự chỉ dẫn của Trưởng lão Saṅghapāla (Tăng-già-ba-la). Ngài đã nghiên cứu Thánh điển và giáo nghĩa được cất giữ ở chùa này và dịch ra tiếng Pāli. Sau đó, ngài đã đến lưu trú tại chùa Granthakara Parivena (Kiện-đà-la) ở thủ đô Anurādhapura để phiên dịch và san định kinh tạng Pāli và soạn nhiều bộ luận để chú sớ các kinh điển, trong đó có bộ Visuddhi-magga (Thanh Tịnh Đạo Luận).

Như vậy, đến thế kỷ thứ V, Phật giáo Tích Lan  (Sri- Lanka) mới có kinh tạng Pāli, được ngài Buddhaghoṣa san định  bằng  văn  bản  hoàn  chỉnh  gồm:  Dīgha-Nikāya (Trường bộ kinh); Majjhima-Nikāya (Trung bộ kinh); Aṅguttara-Nikāya (Tăng chi bộ); Saṃyuttara-Nikāya (Tương ưng bộ)… Các bộ kinh thuộc văn hệ Nikāya Pāli này đã được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch sang Việt văn vào những thập niên 60, 70 và 80, do Viện Đại học Vạn Hạnh và Viện Nghiên Cứu Phật Học Vạn Hạnh ấn hành trước và sau năm 1975, hiện có ở trong Đại Tạng Kinh Việt Nam.

*

Cũng  từ  Ujjayini  thủ  phủ  của  Avanti,  tạng  kinh  khẩu truyền bằng tiếng Magadhi lại được các Tăng sĩ truyền lên phương Bắc, tiếp giáp với Ngũ hà, nơi có thổ ngữ Prakrit, đây là loại thổ ngữ cổ của tiếng Sanskrit. Tại  vùng  Ngũ  hà  này,  một  số  kinh  điển  bằng  tiếng Magadhi được dịch sang tiếng Prakrit.

Lại nữa, tạng kinh nguyên thủy bằng văn hệ Magadhi lại truyền đến vùng Kashmir (Kế-tân), Tây bắc Ấn Độ, là nơi quê hương của cổ ngữ Vệ-đà (Veda). Vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, trường phái Sarvāstivāda (Nhất-thiết-hữu-bộ) đã thiết lập căn cứ hoằng pháp tại vùng này. Tại Kashmir, tiếng Sanskrit cổ đã được gạn lọc và chuyển hóa thành tiếng Sanskrit thuần. Các Tăng sĩ Phật giáo đã sử dụng loại Sanskrit thuần này để phiên dịch tạng kinh Magadhi thành tiếng Sanskrit, gọi là tạng kinh Āgama (kinh tạng A-hàm).

Āgama, Hán phiên âm là A-hàm hay A-già-ma, A-cấp-ma, A-hàm-mộ, và dịch rất nhiều nghĩa như: Pháp quy, nghĩa là quy củ của chánh pháp; Pháp bản, nghĩa là căn bản của chánh pháp; Pháp tạng, nghĩa là kho tàng của chánh pháp; Giáo pháp, nghĩa là chánh pháp thuộc về giáo nghĩa; Truyền giáo, nghĩa là giáo pháp truyền tụng từ thầy qua trò; Tịnh giáo, nghĩa là giáo pháp thanh tịnh; Thánh huấn tập, nghĩa là Āgama là tập thành những lời giáo huấn của đức Phật… Nhưng, Āgama đúng nghĩa gốc của Phạn là trao truyền, nghĩa là thầy truyền lại cho trò, từ thế hệ này qua thế hệ khác, nên gọi là Āgama.

Tạng kinh nguyên thủy bằng tiếng Magadhi lại truyền đến vùng Kashmir (Kế-tân), được các Tăng sĩ dịch sang tiếng Sanskrit gồm: Dīgha-Āgama (Trường A-hàm); Madhyana- Āgama (Trung A-hàm); Ekottarika-Āgama (Tăng nhất A- hàm); Saṃyukta-Āgama (Tạp A-hàm).

1. Dīgha-Āgama hay Trường A-hàm là kinh gom nhiều bài kinh dài của đức Phật thuyết giảng, có 22 quyển và 30 kinh, ghi lại bốn nội dung của đức Phật đã giảng dạy: một, nói về gốc rễ và công hạnh tu tập của đức Phật trải qua nhiều thời kỳ, gồm có bốn kinh; hai, nói về công hạnh tu tập và cương yếu của chánh pháp do đức Phật giảng dạy, gồm có mười lăm kinh; ba, đề cập đến những vấn nạn giữa đức Phật với các giáo sĩ của các tôn giáo, gồm có mười kinh; bốn, đề cập đến tướng trạng và nguồn gốc của thế giới, gồm có một kinh.

Dīgha-Āgama hay Trường A-hàm, do hai ngài Buddhayaśas (Phật-đà-da-xá) và Trúc-phật-niệm dịch từ Phạn sang Hán vào thời Hậu Tần (414 TL), gồm 22 quyển, 30 kinh, hiện có ở trong Đại Chính 1.

Ngài Buddhayaśas, người Kashmir (Kế-tân), Tây bắc Ấn Độ, năm 13 tuổi xuất gia, năm 27 tuổi thọ cụ túc giới, tinh thông giáo nghĩa của các trường phái Tiểu thừa và Đại thừa. Ngài là thầy của ngài Cưu-ma-la-thập. Theo lời thỉnh cầu của ngài Cưu-ma-la-thập, ngài Buddhayaśas đã đến Trường An, Trung Quốc thời Diêu Tần, năm Hoằng Thủy thứ 10 (408 TL) để hỗ trợ việc dịch kinh cho ngài Cưu-ma-la-thập và đến thời Hậu Tần, năm Hoằng Thủy 15 (414 TL), thì ngài cùng với ngài Trúc-phật-niệm dịch xong kinh Trường A-hàm.

Ngài Trúc-phật-niệm, năm sinh và mất không rõ, là cao Tăng của Trung Quốc, sống vào thời Đống Tấn, người ở Lương Châu (nay là huyện Vũ Uy, tỉnh Cam Túc). Ngài xuất gia từ nhỏ, học thông tam tạng và ngoại giáo. Ngài đảm trách nhiệm truyền ngữ cho các vị dịch giả đến Trung Quốc từ nước ngoài. Ngài đã cùng với ngài Buddhayaśas dịch kinh Trường A-hàm này.

Kinh Trường A-hàm bản dịch Hán của Phật-đà-gia-xá và Trúc-phật-niệm đã được Viện Cao Đẳng Phật Học Huệ Nghiêm Việt dịch và Hòa thượng Thích Trí Tịnh hiệu đính, hiện có trong Đại Tạng Kinh Việt Nam. Cũng bản kinh này, Hòa thượng Thích Tuệ Sĩ dịch sang Việt và chú giải rất công phu, Phương Đông xuất bản 2007.

2. Madhyana-Āgama hay Trung A-hàm, là tuyển tập những bài kinh đức Phật dạy thuộc thể loại văn không dài, không ngắn. Loại kinh này đức Phật dạy cho những người có căn cơ sắc bén, thông tuệ. Nội dung kinh là đức Phật dạy cho các đệ tử xuất gia, tại gia, vua chúa và ngoại đạo phân biệt rõ ràng về mọi hành tướng của chánh pháp. Ý tứ có tính chất luận lý khúc chiết. Trung A-hàm có 5 tụng, 18 phẩm, 222 kinh.

Kinh này có hai bản dịch. Một bản do ngài Cù-đàm Tăng- già-đề-bà dịch từ Phạn sang Hán vào thời Đông Tấn, có 60 quyển, và một bản do ngài Đàm-ma-nan-đề dịch từ Phạn sang Hán, gồm có 59 quyển. Bản dịch của ngài Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, hiện có ở trong Đại Chính 1.

Ngài Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người Kashmir (Kế-tân), Tây bắc Ấn Độ, không rõ năm sinh và mất, tên tiếng Phạn là Saṃghadeva, Hán phiên âm là Tăng-già-đề-bà và dịch là Chúng Thiên. Họ của ngài là Gotama, Hán phiên âm là Cù- đàm. Ấy là một dòng họ thuộc giai cấp Sát-đế-lợi, tức là dòng họ vua chúa của Ấn Độ. Ngài là người thông tam tạng và rất giỏi về A-tỳ-đàm-tâm-luận. Năm Kiến Nguyên (365-384), ngài đến Trường An, Trung Quốc để dịch kinh luận. Năm 397, niên hiệu Long An, ngài đến Kiến Nghiệp, rất được được Vương công nhà Tấn kính tín. Bấy giờ Tư Mã Tuấn thỉnh ngài giảng dạy luận A-tỳ-đàm và dịch kinh Trung A-hàm.

Ngài Đàm-ma-nan-đề, tiếng Phạn là Dharma-nandi, Hán phiên âm là Đàm-ma-nan-đề và dịch là Pháp Hỷ. Ngài người nước Đâu-khư-lặc, xuất gia từ nhỏ, học thông tam tạng, hiểu sâu Trung A-hàm và Tăng nhất A-hàm. Ngài đến Trường An năm Kiến Nguyên 20 (384 TL), thời Tiền Tần, đã dịch Trung A-hàm 59 quyển và Tăng nhất A-hàm 41 quyển. Sau đó ngài Tăng-già-đề-bà giáo chỉnh và lưu hành.

Bản dịch của ngài Cù-đàm Tăng-già-đề-bà được Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang Việt dịch và Hòa thượng Thích Thiện Siêu hiệu đính, hiện có ở trong Đại Tạng Kinh Việt Nam. Cũng bản kinh này, Hòa thượng Thích Tuệ Sĩ dịch sang Việt và chú giải.

3. Ekottarika-Āgama hay Tăng nhất A-hàm, Hán phiên âm là Y-cô-đạt-ra-a-cam. Tăng nhất là kinh đức Phật dạy mạch lạc về pháp, dùng số mà so sánh pháp theo thứ tự từ 1 mà tăng lên 1 thành 2; từ 2 tăng lên 1 thành 3; cho đến 10 tăng 1, các pháp số đức Phật dạy tăng dần như vậy, nên gọi là tăng nhất. Tăng nhất A-hàm là bộ kinh ngắn, đức Phật tùy theo thời mà nói pháp số cho thế giới trời, người.

Kinh Tăng nhất A-hàm có 52 phẩm, 472 kinh. Loại 1 pháp có 13 phẩm. Loại 2 pháp có 6 phẩm. Loại 3 pháp có 4 phẩm. Loại 4 pháp có 7 phẩm. Loại 5 pháp có 5 phẩm. Loại 6 pháp có 2 phẩm. Loại 7 pháp có 3 phẩm. Loại 8 pháp có 2 phẩm. Loại 9 pháp có 2 phẩm. Loại 10 pháp có 3 phẩm. Loại 11 pháp có 4 phẩm.

Theo Ma-ha-tăng-kỳ luật 32, A-tì-đàm Tỳ-bà-sa 10, Hữu- bộ-tỳ-nại-da-tạp-sự 39… vốn từ 1 pháp theo thứ tự tăng lên 100 pháp, nhưng vì thất lạc, nên chỉ còn 10 pháp.

Tăng nhất A-hàm kinh văn hệ Hán tương đương với Tăng- chi-bộ-kinh (Aṅguttara-Nikāya) văn hệ Pāli. Kinh này do ngài Cù-đàm Tăng-già-đề-bà dịch vào thời Đông Tấn từ Phạn sang Hán và đã được Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch từ Hán sang Việt và đã đưa vào Đại Tạng Kinh Việt Nam năm 1998. Cũng bản kinh này, Hòa thượng Thích Đức Thắng và Hòa thượng Thích Tuệ Sĩ dịch sang Việt và chú giải.

4. Saṃyukta-Āgama hay Tạp A-hàm kinh, Hán phiên âm là Tán-du-khất-đát-ca-a-cam; hoặc vừa phiên và dịch Tạp A- cấp-ma. Kinh có 50 quyển, do ngài Cầu-na-bạt-đà-la dịch vào thời Lưu Tống. Kinh này tương đương với Tương-ưng- bộ-kinh (Saṃyuttara-Nikāya) của văn hệ Pāli. Nội dung là tập hợp những bài của đức Phật giảng dạy cho các chúng Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, trời, người… về các pháp như Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên, Uẩn, Xứ, Giới, các pháp thiền định… văn nhiều thể loại dài ngắn không đồng nhau, pháp cũng có nhiều cấp độ, nên gọi là Tạp A- hàm. Kinh này cũng gọi là Tương-ưng, vì căn cơ của thính chúng tương ưng với pháp do đức Phật và các Thánh đệ tử trình bày, để tu tập ở trong kinh này. Kinh này, bản Hán dịch của ngài Cầu-na-bạt-đà-la có 50 quyển và 1362 bài kinh ngắn, hiện có ở trong Đại Chính 2.

Ngài Cầu-na-bạt-đà-la sinh năm 394 và mất năm 468. Tên Cầu-na-bạt-đà-la là phiên âm từ tiếng Phạn Guṇabhadra và dịch là Công Đức Hiền. Ngài thuộc dòng dõi Bà-la-môn, người Trung Ấn, thiếu thời học tập luận Ngũ minh, nghiên cứu các môn học Thiên văn, Địa lý, Y học… sau đó, đọc A-tỳ-đàm-tâm-luận, sùng kính Tam bảo, phát tâm xuất gia, thọ cụ túc giới. Ngài học thông các kinh điển Tiểu thừa và Đại thừa, nhất là Đại phẩm Bát-nhã và Hoa Nghiêm.

Năm Nguyên Gia 12 (435 TL), thời Lưu Tống, ngài đến Quảng Châu bằng đường biển. Vua Văn Đế, cử sứ ra đón ngài về chùa Kỳ Hoàn ở Kiến Khang để dịch kinh. Ở chùa này ngài đã dịch kinh Tạp A-hàm, gồm 50 quyển. Ngài cũng đã dịch rất nhiều kinh điển và giảng dạy kinh Hoa Nghiêm cho các học chúng bấy giờ. Trước khi mất ngài thấy Thiên hoa Thánh tượng và viên tịch, thọ bảy mươi lăm tuổi.

Kinh Tạp A-hàm do ngài Cầu-na-bạt-đà-la dịch từ Phạn sang Hán và đã được Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch từ Hán sang Việt, và đã đưa vào Đại Tạng Kinh Việt Nam, năm 1993. Cũng bản kinh này, Hòa thượng Thích Đức Thắng và Hòa thượng Thích Tuệ Sĩ dịch sang Việt và chú giải.

*

Trong những biến thiên lịch sử của xã hội con người, kinh điển Phật giáo cũng trải qua những nỗi thăng trầm hưng phế. Vào thế kỷ thứ VIII, vua Al-Mahdi (775-785) của triều đại Hồi giáo Abhasad đã đem quân tiến đánh Ấn Độ, tiêu hủy Phật giáo, quan trọng nhất là tiêu hủy trung tâm Phật học Valabhī, tiếp tục hủy hoại Phật giáo tại Afghanistan và Trung Đông.

Năm 1178, quân đội Hồi giáo của Muhammad Guri tiến hành nhiều cuộc chính phạt Ấn Độ, lại phá hủy các công trình kiến trúc và kinh sách Phật giáo trên đất nước này.

Năm 1197, khi Hồi giáo từ Ba Tư tiến lên đánh chiếm Ấn Độ, hơn mười ngàn tăng sĩ Phật giáo và ba ngàn giáo thọ đã bị hủy diệt tại Đại học Nalanda, kinh điển Phật giáo Phạn văn bị đốt cháy sạch đến sáu tháng.

Năm  1203,  Phật  giáo  hoàn  toàn  biến  mất  tại  Ấn  Độ. Nhưng may, kinh tạng Pāli ở Tích Lan được bảo toàn nguyên vẹn. Và may hơn nữa là một số kinh điển Phạn văn đã được dịch ra Hán văn và Tây Tạng.

Thời pháp nạn Tam Vũ Nhất Tông, Phật giáo ở Trung Quốc cũng bị hãm hại khốc liệt bởi nhà vua Thái Vũ Đế, thời Bắc Ngụy. Năm Thái Bình Chân Quân thứ 7, tức năm 446, vua ban sắc lệnh giết sạch các bậc sa-môn tại Trường An và đốt sạch hết kinh sách và hình tượng của Phật. Phật giáo thời Bắc Ngụy bị hủy diệt hoàn toàn. Đến đời vua Văn Thành Đế phục hưng Phật giáo trở lại.

Vũ Đế đời Bắc Chu, vua nghe lời sàm tấu của các nịnh sĩ, năm Kiến Đức thứ 2, tức năm 573, ra lệnh phế bỏ Phật giáo, bắt sa-môn hoàn tục, đốt hết kinh sách và tượng Phật. Một năm sau, vua băng hà, Phật giáo hưng thịnh trở lại.

Vũ Tông nhà Đường, nghe những người sàm tấu bài Phật, đứng đầu là tể tướng Lý Đức Dụ, vào năm Hội Xương thứ 5, tức năm 845, vua ban lệnh chỉ giữ một số chùa và 30 vị tăng sĩ, còn bao nhiêu chùa viện đều san bằng, tượng Phật, pháp khí đều đúc thành tiền và khí cụ, tăng sĩ còn lại đều buộc phải hoàn tục. Năm sau Vũ Đế băng hà, Phật giáo phục hưng trở lại.

Thế Tông nhà hậu Chu, năm Hiền Đức thứ 2, tức năm 955, vua ra lệnh phá hủy 30.336 chùa viện Phật giáo, tịch thu hết pháp khí kinh điển để đốt phá.

Vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa của Trung quốc do Mao Trạch Đông chủ xướng, chùa chiền kinh sách của Phật giáo cũng bị hủy diệt khá nhiều ở Trung Quốc và Tây Tạng.

Ở Tây Tạng, Phật giáo mới hưng thịnh vào thế kỷ thứ VIII, thời vua Khri-sron Ide-btsan (Khất-lật-song-đề-tán), nhưng đến thế kỷ thứ IX, Phật giáo bị xóa sạch bởi nhà vua Lang- darma (836-842), vì nhà vua tôn thờ đạo Bôn. Nhưng đến thế kỷ thứ X, Phật giáo Tây Tạng do ngài Rin-chen Bzangpo (958-1055) phục hồi và làm hưng thịnh trở lại.

Ở Tích Lan (Sri-Lanka), thế kỷ 16, Bồ Đào Nha đánh chiếm Tích Lan, phát triển Thiên Chúa giáo và tìm mọi cách hủy diệt Phật giáo, tiếp theo là Hòa Lan đánh chiếm Tích Lan ở thế kỷ 17, cũng mục đích phát triền Thiên Chúa giáo, hủy diệt Phật giáo. Đến thế kỷ 18, người Pháp đánh chiếm Tích Lan cũng để truyền bá Thiên Chúa và hủy diệt Phật giáo, và thế kỷ 19, người Anh đánh chiếm Tích Lan lại khống chế Phật giáo để phát triển Tin Lành giáo. Tất cả những quốc gia này đối xứ với Phật giáo tại Tích Lan hết sức tồi tệ. Nhưng, sau đó các Tăng sĩ Tích Lan đã tìm đủ mọi cách phục hồi Phật giáo và đã được Đại tá Steel Olcott của Hoa Kỳ ủng hộ, khi ông đọc bài viết tranh luận của Đại đức Migettvatta Gununanda với Giáo đoàn của Tin Lành đăng trên tờ báo Ceylon Time (Tích Lan Thời Báo). Phật giáo Tích Lan từ đó phục hồi trở lại cho đến ngày nay.

Lịch sử Phật giáo của các quốc gia bị biến thiên qua nhiều thời kỳ tăm tối và bi đát như thế, đã làm tổn thương và tiêu hao tri thức của nhân loại do những hiểu biết thiển cận của những con người có quyền thế tạo nên. Với những pháp nạn tày trời như thế mà kinh điển Phật giáo được các Tổ sư kết tập, phiên dịch qua các thời kỳ ngày nay còn lưu lại đã là một điều kỳ diệu!

Và trải qua những biến cố như vậy, kinh điển Phật giáo đã bị mất mát khá nhiều, khiến kinh tạng Nikāya và Āgama bị mất mát không phải là ít. Cho nên, đối chiếu kinh tạng Nikāya thuộc văn hệ Pāli với kinh tạng Āgama thuộc văn hệ Hán, số lượng có những chênh lệch nhau, và có những kinh cả hai văn hệ đều có, nhưng có những kinh ở văn hệ này có, nhưng ở văn hệ kia lại không có. Những sự chênh lệch và sai khác này không làm cho ta ngạc nhiên khi chúng ta đã nhận ra được những biến cố lịch sử đáng đau buồn ấy của tri thức nhân loại!

Trích: Thích Thái Hòa (2010), “Kinh A-hàm Tuyển Chú”, Nxb Hồng Đức.

--ooOoo--

Wednesday, 13 May 2020

Niệm chết - Phỏng vấn Tỳ-khưu Anālayo (2017)

Niệm chết
Phỏng vấn Tỳ-khưu Anālayo (2017)
Tạp chí Minh Quán (Insight Journal)

 *

Tạp chí Minh Quán (TM): Bạch Sư, niệm chết là gì, và chúng ta thực hành như thế nào?

Tỳ-khưu Anālayo (TA): Trong Tăng chi bộ và Tăng nhất A-hàm (bản tiếng Hán tương ứng), Đức Phật kiểm tra xem các vị tỳ-khưu tu tập niệm chết như thế nào, và Ngài thấy rằng các vị ấy tu tập chưa đủ tinh tấn. Các tỳ-khưu này nói rằng họ có thể sẽ qua đời trong vài ngày nữa, và họ sẽ tu tập niệm chết trước khi qua đời. Đức Phật dạy rằng đó không phải là cách tu tập đúng đắn. Thay vào đó, các tỳ-khưu phải nhận thức về cái chết của mình ngay trong thời khắc hiện tại.

Trong Tăng chi bộ, Ngài khuyến nghị hai phương cách: Nhận thức rằng hơi thở này có thể là hơi thở cuối cùng của mình, và nhận thức rằng mỗi miếng thức ăn nuốt vào có thể là miếng thức ăn cuối cùng của mình.

Cách thực hành này liên quan đến một chứng minh trong tâm lý học cho thấy chúng ta tránh đối mặt với cái chết của chính mình bằng cách di dời nó vào tương lai: “Vâng, tôi sẽ chết, nhưng chuyện đó sẽ xảy ra trong tương lại, không phải bây giờ. (Và đến lúc đó, tôi sẽ nghĩ về cái chết và đối mặt với nó, nhưng ngay bây giờ tôi không cần phải làm thế.)”

Nhận thức về cái chết phải được đưa ngay vào thời khắc hiện tại. Bởi vì tôi sẽ chết, nhưng tôi không biết chắc chắn là khi nào. Nó thậm chí có thể xảy ra ngay bây giờ.

TM: Trong chương 24 của cuốn sách “Tỉnh thức đối diện trước bệnh tật và cái chết”, Sư trích dẫn đoạn kinh Đức Phật nói “… các thầy phải chú tâm vào niệm chết trong khoảng giữa hơi thở ra và hơi thở vào.” Chú tâm niệm chết được thực hiện như thế nào? Có cần phải dùng một hình ảnh, một câu chú hay một cách nào khác không?

TA: Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên qua chấp chặt vào câu đó, bởi vì đó là trích từ phiên bản của Hán tạng. Trong Tăng chi bộ của tạng Pāli, không thấy ghi về khoảng cách giữa hơi thở. Bản Pāli chỉ ghi: “Xin cho tôi sống để tôi có thể thở thêm một hơi nữa.”

Điều quan trọng cần phải hiểu là hơi thở giúp ta duy trì sự sống. Nếu không có nguồn cung cấp oxygen liên tục, thân xác nầy sẽ chết nhanh chóng. Và nguồn cung cấp oxygen liên tục này không an toàn. Tôi không thể hoàn toàn chắc chắn rằng lần tới khi tôi thở ra rồi tôi có thể thở vào hay không. Hiểu biết về tính mong manh này của thân xác đầu tiên được thiết lập qua một dạng thái suy tưởng. Với sự tu tập liên tục, suy tưởng đó giảm dần cho đến khi nó đơn thuần chỉ là một nhận thức.

Thí dụ khi tôi đến ngụ tại Trung tâm Thiền ở đây, tôi rất e dè về các loài rắn trong vườn. Ông Scott, quản lý Trung tâm, cười nhạo tôi vì chúng không nguy hiểm. Nhưng vì ở Sri Lanka, những con rắn nhỏ như thế lại là rất nguy hiểm, cho nên tôi đã quen với sự suy tưởng để phản ứng lại các con rắn đó.

Đây không phải là một cái gì đó cần thêm khái niệm. Trong thời gian tu học tại Sri Lanka, tôi biết được những con rắn đó rất nguy hiểm, cần phải cẩn thận, e dè. Cho nên bây giờ, mỗi khi tôi thấy một cái nhỏ gì đó di chuyển trong tầm mắt là tôi có phản ứng ngay lập tức.  

Theo cùng một cách, chúng ta có thể tự huân tập để kết nối với hơi thở, nhận thức được hơi thở và những gì hơi thở ngụ ý. Hơi thở ngụ ý rằng sự tồn tại của cơ thể tôi hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp oxygen liên tục. Thân xác này không thể tồn tại nếu không có oxygen. Sự cung cấp oxygen liên tục đó sớm hay muộn rồi chắc chắn sẽ bị gián đoạn. Và tôi không biết khi nào điều đó sẽ xảy ra.

TM: Quán tưởng sâu sắc về cái chết của chính mình sẽ có tác động gì trong cuộc sống của hành giả? Nó sẽ tạo thay đổi đặc biệt gì về sự tương quan với bản thân, với người khác, hay với những ý tưởng nào khác?

TA: Tôi nghĩ rằng nó sẽ giúp làm rõ thứ tự ưu tiên trong cuộc sống. Mình thực sự muốn làm gì trong cuộc sống của mình? Nó cũng thay đổi cách mình tương tác đến người khác. Nếu tôi đến gặp ông mà không biết chắn chắn rằng tôi hay ông sẽ vẫn còn sống để gặp nhau nữa thì trong cuộc gặp gỡ này, tôi muốn trao đổi trọn vẹn với ông. Tôi muốn tận dụng tối đa cuộc họp này. Tôi muốn nói ra những gì cần phải nói và học những gì cần phải học từ ông – một cách trọn vẹn, đầy đủ. Như thế, tôi hoàn toàn sống thực trong thời khắc này với ông.

Bằng cách đó, trong trường hợp bạn qua đời, tôi không có cảm giác như có điều gì đó tôi ước mình phải nói nhưng đã không nói. Thay vào đó, khi chúng ta ở bên nhau, tôi có mặt đầy đủ và ở đó với ông. Tôi không chỉ một phần ở đây và một phần suy nghĩ về tất cả những điều khác tôi phải làm sau này. Trong tâm trí, tôi không nghĩ rằng tôi luôn luôn có thể nói với ông phần còn lại vào tháng tới. Quán niệm về cái chết thay đổi cách chúng ta liên quan đến người khác và cách chúng ta sống trong cuộc đời. Nó có tác dụng biến đổi sâu sắc. Nó thực sự làm cho chúng ta trở nên sống động hơn nhiều.

Thêm vào đó, theo kinh điển, Đức Phật nói rằng quán niệm về cái chết đưa đến Bất tử, đưa đến Niết-bàn. Vì vậy, nó cũng là một cách để thực hành thiền tuệ bởi vì cái chết là mũi nhọn của vô thường, và vô thường là một con đường chính để tu dưỡng tuệ giải thoát. Khía cạnh đáng sợ nhất của vô thường là cái chết. Mọi thứ đều kết thúc, và điều đáng sợ nhất để kết thúc là cái Tôi này.

Bất tử, như một tên gọi khác của Niết-bàn, đặc biệt thú vị bởi vì điều đó có nghĩa là trong tư tưởng Phật giáo, Bất tủ có thể được trải nghiệm trong khi bạn vẫn còn sống. Nó không phải là một dạng bất tử đang chờ bạn sau khi chết nếu bạn làm mọi thứ mà bạn phải làm trong khi bạn còn sống. Nó là một cái gì đó bạn trải nghiệm ngay tại đây và ngay bây giờ. Bạn trải nghiệm nó được một chút khi bạn trở thành vị Dự lưu. Bạn trải nghiệm nó đầy đủ hơn khi bạn trở thành vị A-la-hán, và bạn tiếp tục sống với Bất tử khi hoàn toàn chứng đắc. Điều này rất rõ ràng.

TM: Trong một cách nhìn, dường như niệm chết là một hình thức hồi ức, trong khi hành thiền minh sát (vipassanā) lại thường dựa vào việc quan sát hoặc chiêm nghiệm. Làm thế nào để hai pháp thiền này tương hợp với nhau?

TA: Tôi không thấy hai pháp hành là khác nhau như thế. Trong thiền lập niệm satipaṭṭhāna, chúng ta sử dụng các khái niệm về cảm giác dễ chịu, cảm giác khó chịu, v.v., giống như trong niệm chết, chúng ta sử dụng khái niệm cho ta biết rằng hơi thở là vô thường và ta sẽ chết.

Khi hành giả có những tiến bộ, cả hai pháp hành chuyển từ khái niệm/đặt tên sang im lặng nhiều hơn –  đến mức độ bạn không còn cần phải nói rằng “Tôi có một tâm trí có ô nhiễm như thế hay có yếu tố giác ngộ như thế.” Bạn chỉ nhận biết những gì đang xảy ra. Quán niệm về sự chết cũng như thế. Đến một lúc nào đó, sự bấp bênh của cuộc sống trở thành những gì bạn chỉ biết trực tiếp.

Theo sự hiểu biết của tôi, con đường chính để tu dưỡng tuệ giác là nhìn thấy vô thường, khổ và vô ngã trong tất cả các hiện tượng. Trong đó, vô thường dường như là nền tảng. Điều đó không có nghĩa là một số người không thể trực tiếp đi vào vô ngã hay những cách khác, nhưng con đường chính dường như là tu dưỡng nhận thức về vô thường. Khi nhìn thấy được sự vô thường, bạn nhận ra rằng nó không thể mang lại cho bạn sự hài lòng lâu dài, và bởi vì nó không thể mang lại cho bạn sự hài lòng lâu dài, bạn không còn nắm bắt và giữ lấy mọi thứ như Tôi và Của tôi (ngã và ngã sở).

Cái chết là mũi nhọn ­– và là khía cạnh đáng sợ nhất – của sự vô thường. Đôi khi chúng ta có thể nghĩ rằng “Mọi thứ đang thay đổi, nhưng mọi thứ đều ổn. Thực sự sẽ nhàm chán nếu mọi thứ luôn luôn giống nhau. Một vài biến đổi, vô thường là khá tốt.” Nhưng khi chúng ta đi đến điểm mà bạn thấy rằng mọi thứ đều chấm dứt, thì đó là lúc mà sự vô thường thực sự bắt đầu thay đổi thái độ của chúng ta đối với bản thân và thế giới.

Khuyến nghị của cá nhân của tôi không chỉ là quán niệm về cái chết, mà là tích hợp nó trong sơ đồ của bốn pháp lập niệm, satipaṭṭhānas. Để tăng trưởng mức hành thiền, tôi thấy tốt hơn nên có nhiều pháp hành khác nhau, thay vì chỉ thực hành một pháp duy nhất. Có lúc ta áp dụng tốt pháp hành này, có lúc ta áp dụng tốt pháp hành kia. Từ đó, tôi có thể tìm cách điều chỉnh để thích ứng với các biến động tự nhiên của cá nhân tôi và khả năng hành thiền của tôi vào bất cứ lúc nào.

TM: Đôi khi Sư có chủ động đưa ra sự suy nghĩ về cái chết của chính mình trong khi Sư nói chuyện, tương tác với người khác hoặc thực hiện các nhiệm vụ trong cuộc sống hằng ngày? Hay ý nghĩ đó đã có sẵn ở đó hay tự nó xuất hiện từ công phu Sư đã thực hành trong buổi thiền chính thức?

TA: Lúc đầu tôi nỗ lực có ý thức để đưa ý tưởng này vào tâm trí, nhưng dần dần nó đã trở nên tự nhiên hơn. Tâm trí của tôi bây giờ có xu hướng để nói: “Bây giờ nơi đây, hãy làm trọn vẹn. Đừng làm nửa chừng, đừng có ý tưởng khất lại để làm về sau.”

Thông qua thực hành, nó đã trở thành một thói quen, nhưng đôi khi cũng cần phải gợi nhớ lại. Ví dụ, như tôi vừa nói với ông, gợi nhớ để thấy rằng đây là một cơ hội quý giá để dành thời gian trò chuyện với ông. Vì vậy, gợi nhớ có chủ ý là hữu ích.

TM: Niệm chết có tầm quan trọng như thế nào trong cách Đức Phật dạy hành thiền, và niệm chết có tầm quan trọng như thế nào trong công phu tu tập của Sư?

TA: Cái nhìn cơ bản về sự chết là điều khiến Đức Phật rời bỏ gia đình, tầm cầu giác ngộ. Trong kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanā-sutta, MN 26), Ngài nói: “Chính ta cũng già, bệnh, chết. Hãy tầm cầu cái không già, không bệnh, không chết.”

Cái nhìn cơ bản về sự chết, theo tôi, là đặt mọi thứ trở về thực tại và giúp ta có động lực để tu tập tiến đến một cái gì đó vượt ra ngoài những gì phải chịu tuổi già, bệnh tật và cái chết. Theo cách này, tôi nghĩ đó là một phần rất quan trọng của con đường chúng ta đi. Nhưng về mặt thực hành, hồi ức về cái chết này chỉ được dạy trong hai bài kinh Pāli (AN 6.19 và AN 8.73), mà ban đầu dường như là từ cùng một bài kinh.

Vì vậy, niệm chết không có một vị trí trung tâm trong kinh tạng Pāli hay kinh A-hàm như các pháp thiền khác, ví dụ như các pháp lập niệm (satipaṭṭhānas), niệm hơi thở (ānāpānasati) hay niệm các tâm vô lượng (brahmavihāras). Trong các pháp lập niệm, niệm chết xem như có liên hệ đến quán niệm nghĩa địa, nhưng trong pháp quán niệm hơi thở, không thấy có niệm chết. Niệm chết dường như cũng không thấy được liên kết với bốn tâm vô lượng.

Do đó, tôi không muốn nói rằng mọi người phải thực hành pháp niệm chết. Nhưng đối với những ai thực tập pháp quán niệm này – hoặc là do kinh nghiệm hay hiểu biết cá nhân, hoặc là vì đã chứng kiến cảnh người thân qua đời – niệm chết có thể có tác dụng chuyển hóa rất đáng kể.


- Bình Anson lược dịch,
Perth, tháng 5-2020.

*


NIỆM CHẾT - Trích lục kinh điển

NIỆM CHẾT - Trích lục kinh điển
Bhikkhu Thanissaro (1999), Mindfulness of Death

§01. Có năm sự kiện này cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi người tại gia hay xuất gia. Thế nào là năm? (1) Ta sẽ già, không thoát khỏi già; (2) ta sẽ bệnh, không thoát khỏi bệnh; (3) ta sẽ chết, không thoát khỏi chết; (4) tất cả pháp khả ái, khả ý đối với ta sẽ chuyển đổi khác đi, sẽ biến diệt; (5) ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa; phàm nghiệp nào ta làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy.

Do vị ấy thường xuyên quán sát năm sự kiện này, con đường được sinh khởi. Vị ấy sử dụng con đường đó, tu tập, làm cho sung mãn. Từ đó, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được tiêu trừ.
     – AN 5.57

§02. Một thời, Thế Tôn trú ở Nādika, tại giảng đường bằng gạch. Tại đấy, Thế Tôn bảo các tỳ-khưu: “Này các tỳ-khưu!”

“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.” Các tỳ-khưu ấy vâng đáp. Thế Tôn nói như sau:

“Niệm chết, này các tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Này các tỳ-khưu, các thầy có tu tập niệm chết không?”

(1) Ðược hỏi vậy, một tỳ-khưu bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con có tu tập niệm chết.”

“Này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn một ngày và một đêm tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’ Bạch Thế Tôn, đó là cách con tu tập niệm chết.”

(2) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn một ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’ Bạch Thế Tôn, đó là cách con tu tập niệm chết.”

(3) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống bằng thời gian ăn thức ăn khất thực, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’ Bạch Thế Tôn, đó là cách con tu tập niệm chết.”

(4) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống bằng thời gian ăn và nuốt bốn hoặc năm miếng đồ ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’ Bạch Thế Tôn, đó là cách con tu tập niệm chết.”

(5) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống bằng thời gian ăn và nuốt một miếng đồ ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’ Bạch Thế Tôn, đó là cách con tu tập niệm chết.”

(6) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống bằng thời gian thở ra sau khi thở vào, hay thở vào sau khi thở ra, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’ Bạch Thế Tôn, đó là cách con tu tập niệm chết.”

Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với các vị tỳ-khưu ấy:

“Này các tỳ-khưu, tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: (1) ‘Mong rằng ta sống trọn một ngày và một đêm tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’; và (2) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn một ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’; và (3) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống bằng thời gian ăn thức ăn khất thực, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’; và (4) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống bằng thời gian ăn và nuốt bốn hoặc năm miếng đồ ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’: Những tỳ-khưu ấy được gọi là những vị sống phóng dật. Những vị ấy tu tập niệm chết một cách uể oải để đoạn diệt các lậu hoặc.

“Nhưng (5) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống bằng thời gian ăn và nuốt một miếng đồ ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’; và (6) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống bằng thời gian thở ra sau khi thở vào, hay thở vào sau khi thở ra, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’: Những tỳ-khưu ấy được gọi là những vị sống không phóng dật. Những vị ấy tu tập niệm chết một cách sắc sảo để đoạn diệt các lậu hoặc.

“Do vậy, này các tỳ-khưu, các thầy cần phải tu tập như sau: ‘Ta sẽ sống không phóng dật. Ta sẽ tu tập niệm chết một cách sắc sảo để đoạn diệt các lậu hoặc.’ Các thầy cần phải tu tập như thế.”
     – AN 6:19

§3. Một thời, Thế Tôn trú ở Nādika, tại giảng đường bằng gạch. Tại đấy, Thế Tôn bảo các tỳ-khưu:

“Này các tỳ-khưu, niệm chết nếu được tu tập, được làm cho sung mãn thì sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Tu tập niệm chết như thế nào?

“Ở đây, này các tỳ-khưu, khi ngày vừa tàn và đêm vừa an trú, vị tỳ-khưu suy tư như sau: ‘Có nhiều nguyên nhân làm cho ta chết: (1) Con rắn có thể cắn ta, con bò cạp hay con rít có thể cắn ta, và ta có thể chết. Như vậy sẽ là một chướng ngại cho ta. (2) Ta có thể vấp ngã và té xuống; hay (3) cơm ta ăn có thể không tiêu hóa; hay (4) mật có thể khuấy động ta; hay (5) đàm có thể khuấy động ta; hay (6) các loại gió trong thân sắc như kiếm có thể khuấy động ta, và ta có thể chết. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta.’

“Này các tỳ-khưu, vị tỳ-khưu ấy cần phải suy xét như sau: ‘Ta có những pháp ác bất thiện nào chưa được đoạn tận không? Nếu ta lỡ chết đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta.’ Trong khi suy xét như vậy, nếu biết được vẫn còn các pháp ác bất thiện, vị ấy phải đoạn tận các pháp đó. Ví như áo bị cháy hay đầu bị cháy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, hăng hái, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác để dập tắt lửa. Cũng vậy, vị tỳ-khưu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, hăng hái, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác để đoạn tận các pháp ác bất thiện đó.

“Nhưng nếu tỳ-khưu ấy, trong khi suy xét, biết được như sau: ‘Ta không có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận mà nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta’ thì vị ấy nên sống hoan hỷ, an vui, ngày đêm tu tập trong các thiện pháp.

“Ở đây, này các tỳ-khưu, khi đêm vừa tàn và ngày vừa an trú, vị tỳ-khưu suy tư như sau: ‘Có nhiều nguyên nhân làm cho ta chết: (1) Con rắn có thể cắn ta, con bò cạp hay con rít có thể cắn ta, và ta có thể chết. Như vậy sẽ là một chướng ngại cho ta. (2) Ta có thể vấp ngã và té xuống; hay (3) cơm ta ăn có thể không tiêu hóa; hay (4) mật có thể khuấy động ta; hay (5) đàm có thể khuấy động ta; hay (6) các loại gió trong thân sắc như kiếm có thể khuấy động ta, và ta có thể chết. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta.’

“Này các tỳ-khưu, vị tỳ-khưu ấy cần phải suy xét như sau: ‘Ta có những pháp ác bất thiện nào chưa được đoạn tận không? Nếu ta lỡ chết đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta.’ Trong khi suy xét như vậy, nếu biết được vẫn còn các pháp ác bất thiện, vị ấy phải đoạn tận các pháp đó. Ví như áo bị cháy hay đầu bị cháy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, hăng hái, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác để dập tắt lửa. Cũng vậy, vị tỳ-khưu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, hăng hái, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác để đoạn tận các pháp ác bất thiện đó.

“Nhưng nếu tỳ-khưu ấy, trong khi suy xét, biết được như sau: ‘Ta không có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận mà nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta’ thì vị ấy nên sống hoan hỷ, an vui, ngày đêm tu tập trong các thiện pháp.

“Này các tỳ-khưu, niệm chết nếu được tu tập như thế, được làm cho sung mãn như thế thì sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử.”
     – AN 6.20

§4. Nhân duyên ở Sāvatthi. Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên: “Thưa Ðại vương, Ðại vương đi từ đâu lại?”

“Bạch Thế Tôn, con rất là bận rộn với những công việc hoàng gia của các vua chúa Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, say đắm kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng dục lạc, cai trị an toàn cả quốc độ, và chinh phục vùng lãnh thổ rộng lớn.”

“Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, nếu có người đến gặp Ðại vương từ phương Ðông, thân tín, đáng tin cậy. Người ấy đến gặp và thưa: ‘Tâu Ðại vương, mong Ðại vương được biết, con đến từ phương Ðông và thấy tại đấy một ngọn núi cao tận trời mây, đang di chuyển đến đây và chà đạp, đè bẹp tất cả loài hữu tình. Tâu Ðại vương, xin Ðại vương hãy làm những gì cần phải làm.’ Rồi một người khác đến từ phương Tây... Rồi một người thứ ba đến từ phương Bắc... Rồi một người thứ tư đến từ phương Nam, thân tín, đáng tin cậy. Người ấy đến gặp và thưa: ‘Tâu Ðại vương, mong Ðại vương được biết, con đến từ phương Nam và thấy tại đấy một ngọn núi cao tận trời mây, đang di chuyển đến đây và chà đạp, đè bẹp tất cả loài hữu tình. Tâu Ðại vương, xin Ðại vương hãy làm những gì cần phải làm.’ Như vậy, thưa Ðại vương, nếu sự kiện nguy hiểm to lớn như thế xảy ra, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sinh làm người quả thật khó khăn, thì Ðại vương có thể làm được những gì?”

“Như vậy, bạch Thế Tôn, nếu sự kiện nguy hiểm to lớn như thế xảy ra, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sinh làm người quả thật khó khăn, thì con không thể làm được những gì cả, ngoại trừ sống đúng Pháp, sống chân chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức.”

“Thưa Ðại vương, Ta nói cho Ðại vương biết, Ta báo cho Ðại vương hay: Già và chết đang tiến đến chinh phục Ðại vương. Khi Ðại vương bị già và chết đến chinh phục, Ðại vương có thể làm được gì?”

“Bạch Thế Tôn, khi con bị già và chết đến chinh phục, thì con không thể làm được gì cả, ngoại trừ sống đúng Pháp, sống chân chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức.

“Bạch Thế Tôn, có những trận chiến với tượng binh của các vua chúa Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, say đắm kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng dục lạc, cai trị an toàn cả quốc độ, và chinh phục vùng lãnh thổ rộng lớn. Nhưng các trận chiến ấy không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa ấy một khi bị già và chết đến chinh phục. Bạch Thế Tôn, có những trận chiến với mã binh … với xa binh ... với bộ binh … Nhưng các trận chiến ấy không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa ấy một khi bị già và chết đến chinh phục.

“Bạch Thế Tôn, trong vương cung này có những đại thần tinh luyện về thần chú. Các vị này có thể với thần chú, phá tan quân địch tới tấn công. Nhưng các trận chiến chú thuật ấy không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa ấy một khi bị già và chết đến chinh phục.

“Bạch Thế Tôn, trong vương cung này có nhiều số lượng vàng được chứa cất trong những nhà hầm hay những lầu thượng, và với tài sản ấy chúng con có thể làm suy yếu quân địch khi chúng tấn công. Nhưng các trận chiến tài sản ấy không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa ấy một khi bị già và chết đến chinh phục.

“Bạch Thế Tôn, khi con bị già và chết đến chinh phục, thì con không thể làm được gì cả, ngoại trừ sống đúng Pháp, sống chân chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức.”

“Đúng thế, thưa Ðại vương! Đúng thế, thưa Ðại vương! Khi Ðại vương bị già và chết đến chinh phục, thì Đại vương không thể làm được gì cả, ngoại trừ sống đúng Pháp, sống chân chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức.”

Thế Tôn nói như vậy. Rồi bậc Ðạo Sư nói thêm:

Như núi đá rộng lớn,
Dựng đứng lên hư không,
Tiến tới tràn xung quanh,
Áp đè cả bốn phía.
Cũng vậy, già và chết
Di chuyển đến hữu tình.

Giai cấp Sát-đế-lỵ,
Bà-la-môn, Phệ-xá,
Thủ-đà, Chiên-đà-la
Kẻ đổ rác, đổ phân,
Không một ai thoát khỏi,
Tất cả bị chinh phục.

Ở đây không tượng binh,
Không xa binh, bộ binh,
Không trận chiến chú thuật,
Không trận chiến tài sản
Có thể giúp chiến thắng,
Chống với già, với chết.

Do vậy người hiền trí,
Thấy rõ phần tự lợi,
Người trí đặt tin tưởng,
Vào Phật, Pháp và Tăng.

Ai với thân, khẩu, ý,
Hành trì đúng Chánh pháp,
Ðời này được tán thán,
Ðời sau, hưởng phước trời.      – SN 3.25

§5.
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Ðêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi nhất dạ hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.
       – MN 131

§6. “Này bà-la-môn Jānussoṇī, những người nào biết mình sẽ chết nhưng không run sợ, không hoảng loạn trước cái chết?

“Ở đây, có hạng người đã ly tham đối với các khoái cảm dục lạc, ly ham muốn, ly luyến ái. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy không kêu than: ‘Các khoái cảm dục lạc này sẽ bỏ ta, ta sẽ phải từ bỏ các khoái cảm dục lạc này!’ Người ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào mê sảng. Đây là người biết mình sẽ chết nhưng không run sợ, không hoảng loạn trước cái chết.

“Lại nữa, có người ly tham đối với thân, ly ham muốn, ly luyến ái. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy không kêu than: ‘Thân khả ái này sẽ bỏ ta, ta sẽ phải từ bỏ thân khả ái này!’ Người ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào mê sảng. Đây là người biết mình sẽ chết nhưng không run sợ, không hoảng loạn trước cái chết.

“Lại nữa, có người không làm ác, không làm điều hung bạo, không làm điều phạm pháp, và làm điều lành, làm điều thiện, luôn che chở kẻ sợ hãi. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy suy nghĩ như sau: ‘Ta không làm ác, không làm điều hung bạo, không làm điều phạm pháp, làm điều lành, làm điều thiện, luôn che chở kẻ sợ hãi. Khi chết đi, ta sẽ tái sinh vào các cõi giới tốt lành.’ Người ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào mê sảng. Đây là người biết mình sẽ chết nhưng không run sợ, không hoảng loạn trước cái chết.

“Lại nữa, có người không nghi ngờ, không do dự, có tâm tín thành với diệu pháp. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy suy nghĩ như sau: ‘Thật sự ta không nghi ngờ, không do dự, có tâm tín thành với diệu pháp.’ Người ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào mê sảng. Đây là người biết mình sẽ chết nhưng không run sợ, không hoảng loạn trước cái chết.

“Này bà-la-môn, đó là bốn hạng người biết mình sẽ chết nhưng không run sợ, không hoảng loạn trước cái chết.”
     – AN 4.184

§7. “Ví như, này Vaccha, một ngọn lửa chỉ cháy đỏ khi nào có nhiên liệu, không thể cháy nếu không có nhiên liệu. Cũng vậy, này Vaccha, Ta tuyên bố về tái sinh của một người có nhiên liệu, không phải của người không có nhiên liệu.”

“Thưa Tôn giả Gotama, trong khi có gió thổi ngọn lửa đi thật xa, Tôn giả Gotama tuyên bố cái gì làm nhiên liệu cho ngọn lửa này?”

“Này Vaccha, trong khi có gió thổi ngọn lửa đi thật xa, Ta nói chính gió là nhiên liệu. Khi ấy, này Vaccha, gió là nhiên liệu.”

“Thưa Tôn giả Gotama, trong khi một loài hữu tình quăng bỏ thân này nhưng chưa sinh vào một thân khác, thời Tôn giả Gotama tuyên bố cái gì làm nhiên liệu cho thân này?”

“Này Vaccha, trong khi một loài hữu tình quăng bỏ thân này và chưa sinh vào một thân khác, Ta tuyên bố rằng trong khi ấy chính ái là nhiên liệu. Khi ấy, này Vaccha, ái là nhiên liệu.”
     – SN 44.9

§8. Mogharaja hỏi:
Bạch Ngài Gô-ta-ma,
Con có một câu hỏi:
Cần nhìn đời thế nào
Ðể thần chết không thấy?

Đức Phật trả lời:
Này Mô-gha-ra-ja,
Hãy nhìn đời trống không.
Luôn luôn giữ chánh niệm,
Nhổ bỏ các ngã kiến.
Như vậy vượt tử vong.
Hãy nhìn đời như thế,
Thần chết không thấy được.
     – Sn 5.15

-------------------------------




Tập niệm chết ngay từ bây giờ.

“If you die before you die, then when you die, you won’t die.” Nếu bạn chết trước khi bạn chết, thì khi bạn chết, bạn sẽ không chết. Đây là một câu châm ngôn trong tu viện Chính thống giáo Hy Lạp. Áp dụng trong đạo Phật, nếu ta suy niệm, quán tưởng tu tập về cái chết ngay từ khi còn sống, ta sẽ không còn thấy kinh sợ, hoảng loạn về cái chết, sẽ sống có ý nghĩa, an vui trong từng giây phút hiện tại và khi cái chết đến, sẽ ra đi thanh thản, bình an.

*

Tuesday, 12 May 2020

Books on Death and Dying (Sách về cái chết và lúc cận tử)

Books on Death and Dying
(Sách về cái chết và lúc cận tử)

1) Analayo, Bhikkhu. Mindfully Facing Disease and Death (2017) [en175.pdf]
(Tỉnh thức đối diện bệnh tật và cái chết)
https://budsas.net/sach/en175.pdf

2) Thich Nhat Hanh. No Death, No Fear (2002) [en176.pdf]
(Không chết, không sợ)
https://budsas.net/sach/en176.pdf

3) Sogyal Rinpoche. The Tibetan Book of the Living and Dying (2002) [en177.pdf]
(Tạng thư sống chết)
https://budsas.net/sach/en177.pdf

4) Koshin Paley Ellison. Awake at the Bedside: Contemplative Teachings on Palliative and End-of-Life Care (2016) [en178.pdf]
(Tỉnh thức tại giường bệnh: Các lời giảng chăm sóc người sắp chết)
https://budsas.net/sach/en178.pdf

5) Joan Halifax. Being with Dying: Cultivating Compassion and Fearlessness in the Presence of Death (2011) [en179.pdf]
(Gần gũi lúc lâm chung: Nuôi dưỡng lòng từ bi và vô úy trước cái chết)
https://budsas.net/sach/en179.pdf

6) Frank Ostaseski. The Five Invitations: Discovering What Death Can Teach Us About Living Fully (2017) [en180.pdf]
(Năm sự mời gọi: Cái chết có thể dạy ta sống trọn vẹn)
https://budsas.net/sach/en180.pdf

7) Judith L. Lief. Making Friends with Death, A Buddhist Guide to Encountering Mortality (2011) [en181.pdf]
(Làm bạn với cái chết: Hướng dẫn trong Phật giáo để trực diện với cái chết)
https://budsas.net/sach/en181.pdf

*

Monday, 11 May 2020

Sao lưu dữ liệu Facebook xuống máy tính.

Sao lưu dữ liệu Facebook xuống máy tính.

Thỉnh thoảng, từ 3 đến 6 tháng, tôi dọn dẹp kho nhà FB. Sắp xếp hình ảnh, thông tin, duyệt lại danh sách bạn, rồi sao lưu trong một file nén tổng hợp ZIP, tải về máy tính, lưu vào ỗ đĩa cứng. Tôi thường ghi chú các công đoạn thực hiện bằng tiếng Anh cho riêng tôi. Nhưng mới tìm được các hướng dẫn bằng tiếng Việt. Xin ghi lại đây và giới thiệu đến những ai quan tâm.

1) Bài viết hướng dẫn:
https://quantrimang.com/huong-dan-sao-luu-du-lieu-tai-khoan-facebook-118698

2) Video clip hướng dẫn trên YouTube:
https://www.youtube.com/watch?v=TUq6iR8SqIA

*

Sunday, 10 May 2020

Quả Dự Lưu - Tiến trình tu tập


Quả Dự Lưu - Tiến trình tu tập
Trích: Những lời Phật dạy, Chương X: Các cấp độ thực chứng.
Bhikkhu Bodhi (2005).
Bình Anson biên dịch (2016).
https://budsas.net/sach/vn24nlpd_2017-10b.pdf


Trong kinh tạng Nikāya, đa số chúng sinh được gọi là “vô văn phàm phu” (assutavā puthujjana). Người vô văn phàm phu không biết quý trọng Đức Phật và giáo pháp của Ngài, không biết Pháp hoặc không quan tâm đến thực hành. Mục đích của Phật đạo là để dẫn dắt những kẻ vô văn phàm phu đạt được Bất tử và các giai đoạn thực chứng là các bước đưa đến hoàn tất tiến trình này. Tiến trình chuyển hóa bắt đầu khi một người gặp giáo pháp của Đức Phật, có lòng tin nơi Đức Phật là Bậc Giác Ngộ. Tiếp theo, người ấy có sự hiểu biết rõ ràng về Pháp, tuân giữ các điều giới và đi vào sự thực hành có hệ thống trên con đường đó. Trong các bài kinh, một người như thế được gọi là một vị thánh đệ tử  (ariyasāvaka) theo nghĩa rộng, không nhất thiết phải đúng theo nghĩa hẹp của thuật ngữ là một người đã đắc đạo quả.

Truyền thống sau này gọi một người có lòng tin nơi Pháp và có ước nguyện để đắc quả Dự lưu là một phàm phu có giới đức (kalyāṇaputhujjana). Để đắc quả Dự Lưu, người đệ tử có ước nguyện như thế phải nuôi dưỡng “bốn yếu tố đưa đến Dự lưu” (Dự lưu hướng phần). Như Kinh văn X,2(1) giải thích, đó là: Thân cận bậc hiền trí; lắng nghe Diệu pháp; như lý tác ý (thí dụ, phải biết rõ vị ngọt, nguy hại và xuất ly); và thực hành pháp và tùy pháp (bằng cách huân tập giới, định, tuệ). Đỉnh điểm tu tập của một vị đệ tử có ước nguyện ấy là phát triển minh quán: quán soi thông suốt về các uẩn, các căn và các giới là vô thường, gắn bó với hoạn khổ và không có một bản ngã đích thực. Đến một lúc nào đó, khi tuệ quán đạt đến đỉnh điểm, sự hiểu biết của vị đệ tử sẽ qua một sự chuyển đổi quan trọng, đánh dấu bằng “thể nhập chánh tánh”, thật sự đi vào Bát Chi Thánh Đạo đưa đến Niết-bàn, không đảo ngược nữa. Như trình bày trong Kinh văn X,2(2), một vị đệ tử như thế đã vượt phàm phu địa và đi vào chân nhân địa, lĩnh vực của các vị thánh. Mặc dù chưa đắc quả Dự lưu, vị đệ tử ở giai đoạn này không thể qua đời mà không chứng đắc được quả Dự lưu (xem thêm SN 25:2-10, không trích dẫn ở đây).

Như chúng ta đã thấy, trong số các vị đệ tử nhập dòng thánh, có sự phân biệt giữa vị tùy tín hành – nhập dòng giải thoát bằng niềm tin và tùy pháp hành – nhập dòng giải thoát bằng trí tuệ. Trong khi các vị tùy tín hành và tùy pháp hành khác nhau qua căn mạnh nhất của họ, các vị này cũng đều phải tiếp tục nuôi dưỡng con đường đã thể nhập. Khi các vị ấy đã thấy và biết cốt lõi của Pháp – khi các vị ấy “có Pháp nhãn” và “có sự đột phá tiến đến Pháp” – các vị ấy trở thành bậc Dự lưu, đưa đến giác ngộ hoàn toàn và đắc Niết-bàn trong tối đa là bảy kiếp sống nữa – xem Kinh văn X,2(3). Các vị thánh Dự lưu diệt tận ba kiết sử đầu tiên và có được tám yếu tố của Bát Chi Thánh Đạo. Vị này cũng có được “bốn tính hạnh của Dự lưu”. Đó là: Lòng tin vững chắc nơi Phật, Pháp, Tăng và “giới đức được các bậc thánh ái kính”, có nghĩa là tuân giữ kiên cố năm giới – xem Kinh văn X,2(4)-(5).

Sau khi nhìn thấy chân lý của Pháp, vị thánh Dự lưu phải đối mặt với thử thách, tiếp tục nuôi dưỡng minh kiến này để diệt trừ các kiết sử còn lại. Mốc điểm quan trọng kế tiếp, sự chứng đắc quả vị Nhất lai, không hoàn toàn diệt tận thêm các kiết sử khác. Tuy nhiên, công phu đó làm suy yếu ba căn phiền não – tham, sân, si – đến một mức độ bảo đảm khi vị ấy trở lại thế gian này, là cõi dục giới, chỉ một lần và rồi sẽ chấm dứt hoạn khổ.

----------------

KINH VĂN

X,2. BẬC DỰ LƯU
(1) Bốn Dự lưu phần
Thế Tôn nói với Tôn giả Sāriputta:
– “Dự lưu phần, dự lưu phần”, này Sāriputta, được nói đến như vậy. Này Sāriputta, thế nào là Dự lưu phần?
– Thân cận các bậc chân nhân, bạch Thế Tôn, là Dự lưu phần. Nghe diệu pháp là Dự lưu phần. Như lý tác ý là Dự lưu phần. Thực hành pháp và tùy pháp là Dự lưu phần.
– Lành thay, lành thay, này Sāriputta! “Dòng sông, dòng sông”, này Sāriputta, được nói đến như vậy. Này Sāriputta, thế nào là dòng sông?
– Bạch Thế Tôn, đây là dòng sông Bát Chi Thánh Đạo; tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
– Lành thay, lành thay, này Sāriputta! “Dự lưu, Dự lưu”, này Sāriputta, được gọi là như vậy. Này Sāriputta, thế nào là Dự lưu?
– Bạch Thế Tôn, ai thành tựu Bát Chi Thánh Đạo này, người ấy gọi là Dự lưu. Vị tôn giả với tên như vậy, với họ như vậy.
– Lành thay, lành thay, này Sāriputta! Này Sāriputta, ai thành tựu Bát Chi Thánh Đạo, người ấy được gọi là bậc Dự lưu. Vị tôn giả với tên như vậy, với họ như thế vậy.
(SN 55:5)

(2) Thể nhập chánh tánh
– Này các tỳ-khưu, mắt là vô thường, biến hoại, đổi khác. Tai ... Mũi ... Lưỡi ... Thân ... Ý là vô thường, biến hoại, đổi khác.
Ai có lòng tin, có tín giải đối với những pháp này; vị ấy được gọi là vị tùy tín hành, đã nhập chánh tánh, đã nhập chân nhân địa, đã vượt phàm phu địa. Vị ấy không có thể làm những hành động gì, do làm hành động ấy, phải sinh vào địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ; một vị không có thể mệnh chung mà không chứng quả Dự lưu.
Ai chấp nhận các pháp sau khi suy quán đến mức độ vừa đủ với trí tuệ; vị ấy được gọi là tùy pháp hành, đã nhập chánh tánh, đã nhập chân nhân địa, đã vượt phàm phu địa. Vị ấy không có thể làm những hành động gì, do làm hành động ấy, phải sinh vào địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ; một vị không có thể mệnh chung mà không chứng quả Dự lưu.
Với ai, đối với những pháp này, biết rõ như vậy, thấy rõ như vậy, vị ấy được gọi là đã chứng Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc sẽ chứng quả giác ngộ.
(SN 25:1)

(3) Chứng được minh kiến
Rồi Thế Tôn lấy lên một ít bụi trên đầu móng tay rồi gọi các tỳ-khưu:
– Này các tỳ-khưu, các ông nghĩ thế nào, cái gì nhiều hơn, một ít bụi này Ta lấy lên trên đầu ngón tay, hay là quả đất lớn này?
– Chính cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là quả đất lớn này. Ít hơn là một ít bụi được Thế Tôn lấy lên trên đầu ngón tay; không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần có thể sánh bằng, khi so sánh quả đất lớn với một ít bụi được Thế Tôn lấy lên trên đầu ngón tay.
– Cũng vậy, này các tỳ-khưu, đối với vị thánh đệ tử đã chứng được kiến cụ túc, đối với người đã chứng được minh kiến, cái này là nhiều hơn, tức là khổ đã được đoạn tận, đã được diệt tận; ít hơn là khổ còn lại, không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh với khổ uẩn trước đã được đoạn tận, đã được diệt tận, tức là bảy lần nhiều hơn.
Này các tỳ-khưu, như vậy lợi ích lớn thay là pháp minh kiến (dhammābhisamaya); như vậy lợi ích lớn thay là chứng đắc pháp nhãn (dhammacakkhupaṭilābha).
(SN 13:1)

(4) Bốn pháp thành tựu Dự lưu
– Thành tựu bốn pháp, này các tỳ-khưu, vị thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không có thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: “Ðây bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”.
Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với Pháp: “Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”.
Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với chúng Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Chân chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng cúng dường, đáng tôn trọng, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời”.
Vị ấy thành tựu các giới được các bậc thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến thiền định.
Thành tựu bốn pháp này, này các tỳ-khưu, vị thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc sẽ chứng quả giác ngộ.
(SN 55:2)

(5) Lợi đắc cao hơn lợi đắc của bốn châu
– Dù cho, này các tỳ-khưu, một vị Chuyển luân vương làm chúa tể và cai trị bốn châu, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh lên thiện thú, thiên giới, thế giới này, cộng trú với chư thiên ở cõi Ba mươi ba; tại đấy, vị ấy trú trong rừng Nandana, được chúng thiên nữ đoanh vây, được đầy đủ, được cung cấp, được bao bọc năm thiên dục công đức, nhưng không được đầy đủ bốn pháp; vị ấy chưa được giải thoát khỏi địa ngục, chưa được giải thoát khỏi sinh vào loài bàng sinh, chưa giải thoát khỏi ngạ quỷ và chưa thoát khỏi ác sinh, ác thú, đọa xứ.
Nhưng này các tỳ-khưu, vị thánh đệ tử, dù sống bằng các miếng ăn khất thực, đắp với y nhiều tấm (nantakāni); nhưng vị ấy có đầy đủ bốn pháp. Vị ấy được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi sinh vào loài bàng sinh, được giải thoát khỏi cõi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi ác sinh, ác thú, đọa xứ.
Thế nào là bốn? Vị thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, thành tựu các giới được các bậc thánh ái kính.
Và này các tỳ-khưu, có sự lợi đắc của bốn châu và sự lợi đắc của bốn pháp. Sự lợi đắc bốn châu không đáng giá bằng một phần mười sáu của sự lợi đắc bốn pháp.
(SN 55:1)

*----------*
Dự Lưu - Tiến trình tu tập

Ghi thêm: Biểu đồ lập ra để giúp soi sáng, tóm tắt nội dung cho dễ nhớ. Điều nguy hại cần nên biết để tránh là không nên chỉ quảng bá biểu đồ mà quên phần nội dung. Truyền tải từ người này sang người kia, dần dần, không ai còn biết trong kinh Đức Phật dạy những gì, mà chỉ suy diễn biểu đồ dựa theo hiểu biết cá nhân.
*----------*

Mười năm sửa soạn

Mười năm sửa soạn.

Khi còn làm việc, đến năm 50 tuổi, tôi dự định sẽ nghỉ hưu vào lúc 55 tuổi. Nhưng khi gần đến tuổi đó, tôi thấy các con vẫn còn đi học, nên tự nhủ sẽ cố gắng thêm vài năm nữa để nuôi con ăn học cho xong. Đến năm 60 tuổi, khi các con tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, tôi quyết định xin nghỉ việc, không luyến tiếc. Như thế, tôi có 10 năm sửa soạn đầy đủ để nghỉ hưu. Có lẽ nhờ đó, tôi cảm thấy thảnh thơi, hoàn toàn buông bỏ mọi chuyện liên quan đến công việc ngày xưa, chỉ tập trung vui hưởng tuổi già.

Trong mấy tuần lễ vừa qua được tin bạn bè lần lượt qua đời, tôi ngẫm nghĩ bây giờ là lúc mình nên sửa soạn cho chuyến đi cuối cùng qua bên kia thế giới. Không chắc chắn sẽ ra đi lúc nào, ở đâu, cách nào, nhưng chắc chắn sẽ phải ra đi. Cho nên mình cần phải sửa soạn ngay từ bây giờ. Theo thống kê, đa số người Úc nghỉ hưu trong tuổi 55-60 và sống trung bình đến khoảng 85-87 tuổi. Tôi không nghĩ mình sẽ sống thọ, mà cũng không mong ước được sống đến tuổi đó. Đối với tôi, đến tuổi 80 là vừa đủ để ra đi, khi tâm trí còn sáng suốt và thân thể tương đối còn khỏe mạnh. Đó là con số tôi tự đặt ra cho mình, trong hoàn cảnh, nghiệp duyên của riêng cá nhân tôi.

Như thế, tôi còn khoảng 10 năm nữa. Mình sẽ phải làm gì, sửa soạn thực hiện những gì trong thời gian đó? Cần phải duyệt lại các sinh hoạt hằng ngày của mình để đặt thứ tự ưu tiên cho đúng, cho có lợi lạc. Luôn luôn ghi nhớ rằng trên trái đất này hiện nay có 8 tỷ người đang sinh sống. Mình chỉ là một phần tử nhỏ bé trong đó, không quan trọng, không đáng kể. Tốt nhất và thực tế nhất là tập trung vào chuyện của mình trong năm tháng còn lại của cuộc đời. Tránh dây dưa, dính mắc, bận tâm vào những chuyện lăng xăng, lộn xộn của thế gian, vốn là vô thường, luôn luôn có nhiều biến động đổi thay. Quỹ thời gian của mình càng ngày càng cạn dần, không còn nhiều nữa. Phải biết tiết kiệm, sử dụng cho đúng.

Life is short – Đời sống ngắn ngủi.

Bình Anson
Perth, 09-05-2020.

Ghi thêm: Ngày mai tôi sẽ đi dự đám tang của một người trẻ vừa qua đời trong tuổi 40. Thêm một dịp nhắc nhở mình rằng thật ra, cái chết có thể xảy đến cho bất cứ ai trong bất cứ lứa tuổi nào, không phải đợi đến lúc 80, 90 hay 100 tuổi rồi mới ra đi.

*

Saturday, 9 May 2020

Chúng ta nên sống đến bao lâu?

Chúng ta nên sống đến bao lâu?
How long should we live?
David Robson, 21/10/2014

Việt dịch: Cafebiz, www.cafebiz.vn, 16/06/2015
-----------

Cái chết – cùng với tình dục – là hai nỗi ám ảnh lớn nhất của con người. Vì vậy khi Bác sĩ Ezekiel Emanuel, 57 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh, đứng lên phát biểu rằng ông đã chuẩn bị sẵn cho ngày chết của mình ở tuổi 75, mọi người đều ngạc nhiên.

*

“Tôi nghĩ đến tuổi 75, bạn đã sống đủ cho một đời người… Bạn đã làm việc chăm chỉ khi còn trẻ, làm nên sự nghiệp và có một gia đình. Với tôi đó là một cuộc sống tuyệt vời, vậy tại sao chúng ta lại phải tiếp tục cố gắng chống chọi với chứng mất trí nhớ và trở thành gánh nặng cho gia đình?”, ông nói.

Đáng ngạc nhiên hơn là những điều này lại được phát ngôn từ một bác sĩ chuyên khoa và giám đốc của Ủy ban Đạo đức Y học thuộc Bộ Y tế Mỹ. Ông chắc chắn hiểu rõ hơn chúng ta hiệu quả của những phương thuốc hiện đại. Thế nhưng, Emanuel lại khuyên mọi người hãy chấp nhận cái chết như một lẽ tự nhiên, dù nó có khó khăn đến thế nào. Liệu chúng ta có nên đồng tình với ý tưởng việc chọn thời điểm chết, để rời bỏ cuộc đời này?

Emanuel đã nói về vấn đề này nhiều lần trong cuộc đời mình. Ông từng viết: “Không cần phải nghi ngờ, cái chết là một sự mất mát. Nó tước mất của chúng ta kinh nghiệm và kỷ niệm, những quãng thời gian chúng ta giành cho gia đình, con cái. Nó lấy đi tất cả những gì giá trị của chúng ta.”

“Tuy nhiên, có một sự thật đơn giản mà chúng ta dường như đang cố gắng chối bỏ: Sống quá lâu cũng là một sự mất mát. Nó khiến rất nhiều trong chúng ta, nếu không bị bại liệt, thì cũng mắc hội chứng suy giảm và mất chức năng, một tình trạng có thể không tồi tệ như cái chết nhưng cũng tước đoạt của chúng ta mọi thứ. Nó khiến chúng ta không còn có khả năng sáng tạo hay có năng lực để làm việc, giao tiếp với xã hội và thế giới bên ngoài. Nó làm thay đổi cách mọi người giao tiếp với chúng ta, quan hệ với chúng ta, và quan trọng hơn, cách họ nhớ nghĩ về chúng ta. Chúng ta sẽ không còn được nhớ tới như là một con người năng động, tích cực. Thay vào đó, được nghĩ đến như là một người yếu ớt, vô ích, thậm chí là tội nghiệp.”

Thật ra, những điểm mà Emanuel đưa ra đã được nhắc tới nhiều lần và dĩ nhiên, chúng ta đều biết về chúng. Cả tham vọng bất tử – cũng như những nỗi đau khổ mà nó có thể đem đến – từ lâu đã ám ảnh loài người.

Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần Eos đã cầu xin Zeus hãy cho người tình của mình là Tithonus cuộc sống bất tử. Tuy nhiên, dù Tithonus không bao giờ chết, ông vẫn già đi như tất cả chúng ta, trở thành một ông già ốm yếu, bệnh hoạn. Eos cuối cùng cảm thấy ghê tởm người tình của mình và khóa ông vào một căn phòng, nơi ông luôn cầu xin được chết.

*

Dù có thể không sai, nhưng những lập luận của Emanuel chưa chắc được nhiều người đồng ý. Đó là bởi vì chúng ta vẫn luôn đặt niềm tin vào các vị bác sĩ – những người được kỳ vọng có thể cứu chúng ta thoát khỏi vòng tay tử thần. Thay vì nghĩ về những gì sẽ xảy ra sau khi chết, chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn khi nghĩ tới các phương thuốc có thể kéo dài và duy trì cuộc sống của mình càng lâu càng tốt.

Vấn đề đặt ra, theo Emanuel, đó là dù đúng là có những phương pháp duy trì cuộc sống của chúng ta được thêm nhiều năm, nhưng chúng không thể ngăn cản việc suy giảm các chức năng sinh hoạt trong cuộc sống. Càng ngày càng có nhiều người sống lâu nhưng ốm yếu, tàn tật và mất dần các chức năng. Emanuel cho biết một thí dụ là hiện nay, tỉ lệ người sống sót sau cơn đột quỵ cao hơn 20% so với quá khứ. Tuy nhiên, hầu hết đều bị bại liệt hoặc di chấn nghiêm trọng. “Một mặt, có thể gọi đó là chiến thắng trước bệnh tật. Mặt khác, có lẽ không hẳn là vậy”, ông nói.

Tuy nhiên, không giống như những người đòi quyền tự sát, Emanuel không đề nghị mọi người nên thúc đẩy cái chết của mình. Riêng Emanuel, khi tới năm 75 tuổi, ông chỉ đơn giản là sẽ khước từ những hỗ trợ y tế như hóa trị hay máy tạo nhịp tim để kéo dài cuộc sống “Nghĩa là bạn không cố kéo dài cuộc sống bằng cách tận dụng mọi loại thuốc”. Ông cũng sẽ không dùng ngay cả các loại thuốc kháng sinh.

Tất nhiên, mỗi người sẽ già đi theo những cách rất khác nhau. Có thể tới ngoài 80, bạn vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Emanuel cũng thừa nhận như thế. Giới hạn 75 tuổi chỉ là một con số tương đối. Tuy nhiên, “Nếu bạn không đặt một cột mốc thời gian, bạn sẽ không đối mặt với câu hỏi lớn, và bạn sẽ không nghĩ rằng bạn sẽ suy yếu dần dần,” ông nói. “Tôi đề nghị bạn tập trung vào câu hỏi: ‘Bạn có 75 năm, bạn sẽ làm gì với nó?’”

------------------------
* Nguyên tác tiếng Anh: 
Why I want to die at 75

* Có thể tìm đọc thêm một bài viết khác của Dr Ezekiel Emanuel, với nhiều thông tin chi tiết hơn, đã gây nhiều bàn luận sôi nổi:

- Why I Hope to Die at 75.
An argument that society and families—and you—will be better off if nature takes its course swiftly and promptly.
Story by Ezekiel J. Emanuel
The Atlantic, October 2014.

=> https://www.theatlantic.com/magazine/archive/2014/10/why-i-hope-to-die-at-75/379329/

=> https://budsas.blogspot.com/2019/09/why-i-hope-to-die-at-75.html


Thursday, 7 May 2020

Cuộc đời Ðức Phật

Cuộc đời Ðức Phật 
Bình Anson 

Ngày Rm tháng Tư âm lch mi năm là mt ngày đc bit cho tt c các Pht t trên toàn thế gii. Theo truyn thng Theravāda (Nam tông), đó là ngày l Tam Hợp ­– Vesak (Vesakha) – k nim ngày sinh (Pht đn), ngày chng đc (Thành đo), và ngày tch dit (Bát-niết-bàn) ca Ðc Pht. Trong khi đó, mt s quc gia theo truyn thng Mahāyana (Bc tông) c hành ba dp trng đi trên vào ba ngày khác nhau trong năm. Tuy nhiên, ngày Rm tháng Tư được xem như là ngày l Pht giáo quan trng nht, và đã được các tông phái Pht giáo chp nhn, trong k Ði hi Pht giáo Thế gii ln th VI, năm 1961. Ngoài ra, vào ngày 15 tháng 12 năm 1999, Đi hi đng Liên hip quc đã biu quyết công nhn đi l Vesak là mt trong nhng ngày l chính thc hng năm ca t chc quc tế này.

Ðến nay, nhiu s liu ghi rng Ðc Pht sinh ra trong đêm trăng rm tháng tư âm lch năm 623 trước Tây lch, ti vườn Lumbini (Lâm-tỳ-ni), ngoi ô thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-v), ngày nay thuc x Nepal, phía bc n Ð. Thân ph Ngài là vua Suddhodana(Tnh Phn) và thân mu là hoàng hu Mahā Mayāi tnh diu). Ngài thuc sc tc Sākyā (Thích-ca), có h Gotama (C-đàm), và được vua cha đt tên là Siddhattha (Sĩ-đt-ta), có nghĩa là Như Ý. Năm 16 tui, Ngài lp gia đình vi công chúa Yasodharā (Gia-du-đà-la) và có mt người con trai, tên là Rāhula (La-hu-la).

Năm 29 tui, Ngài ri b cung vàng, vượt sông Anomā (mt chi nhánh ca thượng lưu sông Gange ­ Hng hà), tm sư hc đo, sng cuc đi du sĩ. Sau 6 năm hc hi vi nhiu bc đo sư ni tiếng thi đó vi nhiu pháp môn tu tp khác nhau, Ngài cm thy vn còn nhiu vướng mc, và không tìm ra được con đường gii thoát ti hu.

Cui cùng, Ngài quyết đnh không sng l thuc vào mt v đo sư, mt pháp môn nào c. T b li tu kh hnh hành xác, Ngài bt đu đi kht thc tr li đ phc hi sc khe, và tham thin dưới ci cây Assatha, sau này được gi là cây b đ (bodhi), trong vùng Gaya ­ ngày nay được gi là Bodh Gaya (B-đ đo tràng), bên b sông Nerañjarā (Ni-liên-thuyn).

Ngài lp tâm nht quyết n lc bt thi chuyn: Dù chỉ còn da, gân và xương, máu và thịt đã cạn khô và tan biến, ta nguyện không xê dịch chỗ này cho đến khi chứng ngộ toàn giác”. Vào đêm Rm tháng Tư năm 588 trước Tây lch, Ngài nhp đnh tham thin, quán nim hơi th và đnh tâm, an trú vào bn tng thin-na (jhāna), ri hướng tâm hi tưởng các tin kiếp. Vào cui canh mt đêm đó, Ngài chng đt trí tu túc mng minh. Sau đó, Ngài hướng tâm quán trit nguyên do đưa đến s sinh t ca mi loài, v lut nghip qu, và vào cui canh hai, Ngài chng đt thiên nhãn minh. Sau đó, Ngài quán trit s chm dt các lu hoc, quán trit Kh, Kh tp, Kh dit, và Con đường dit kh (T Thánh đế), và chng đt lu tn minh. Lu đã tn dit, tu đã toàn khai, Ngài quán trit chân lý và giác ng, tr thành mt v Chánh đng Chánh giác, và được xem như là đã chng Niết-bàn hu dư y, nghĩa là trng thái tâm trí hoàn toàn gii thoát nhưng thân xác vn còn tn ti. Lúc đó Ngài được 35 tui.

Bài ging đu tiên ca Ngài là bài kinh Chuyn Pháp luân, ging cho năm anh em Kondañña (Kiu-trn-như), đ t đu tiên, ti vườn Lc Uyn gn thành Benares (Ba-na-li). Ðây là bài ging tóm tt tinh hoa ca đo gii thoát, là mt Trung đo, không l thuc vào hai cc đoan ca vic nô l dc lc và vic hành kh thân xác, bao gm bn s tht ph quát (T thánh đế) và con đường dit kh gm tám yếu t chân chính (Bát chi Thánh đo).

T đó, trong sut 45 năm, Ngài đi truyn ging con đường gii thoát, thu nhn đ t, có người xut gia theo Ngài và lp thành tăng đoàn, cũng có người còn ti gia, gi là các cư sĩ. Vùng truyn giáo ca Ngài là vùng đông bc n Ð giáp biên gii x Nepal, dc theo các nhánh thượng ngun sông sông Hng.

Ngài thường được gi là Ðc Pht C-đàm. T Pht là tiếng gi tt ca Pht-đà”, phiên âm t tiếng Phn Buddha – người bình dân Vit Nam có nơi gi là ông Bt nghĩa là người đã giác ng (giác gi). Trong các kinh đin ghi li, Ngài thường t gi mình là Tathāgata (Như Lai). Ngoài ra, theo kinh đin, Ðc Pht có chín danh hiu: ng cúng, Chánh biến tri, Minh hnh túc, Thin th, Thế gian gii, Vô thượng sĩ điu ng trượng phu, Thiên nhân sư, Pht, Thế tôn.

Ngài ging rt nhiu ch đ cho nhiu hng người khác nhau, tùy theo tâm tính, căn cơ, hoàn cnh ca h, đ giúp h thăng tiến trên đường tu tp. Thc tế nht là 37 phm tr đo mà Ngài đã tóm tt li trong nhng ngày cui ca cuc đi ti thế ca Ngài: bn pháp lp nim, bn chánh cn, bn như ý túc, năm căn, năm lc, by giác chi, và đường thánh tám chi (Bát chi Thánh đo).

Ðc Pht tch dit năm 543 trước Tây lch, lúc Ngài 80 tui, ti khu rng cây Sālā, gn thành Kusinārā (Câu-thi-na). Ðêm đó, sau khi nhp và xut tám bc thin, Ngài nhp Niết-bàn vô dư y hay Bát-niết-bàn (Parinibbāna) – nghĩa là Niết-bàn vi thân xác không còn mm sng tn ti trong thế gian. Lúc đó là canh cui cùng ca đêm rm tháng tư. Li dy cui cùng ca Ngài là:

Này các vị Tỳ khưu, nay Ta khuyên bảo chư vị: tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tinh tấn, chớ có phóng dật.”

Các bài ging ca Ngài được trùng tuyên và kết tp li thành b Kinh tng (Sutta piṭaka). Các điu gii lut cho các v tu sĩ ­ cùng các câu chuyn có liên quan đến gii lut đó ­ được kết tp thành b Lut tng (Vinaya piṭaka). Ngoài ra, còn có nhiu bài ging đc bit khác mà v sau này được đúc kết li trong b A-t-đàm (Abhidhamma piṭaka, Thắng pháp tạng hay Vi diệu pháp tạng). Ba tng này kết hp thành b Tam tng kinh đin ca Pht giáo ngày nay.

Bình Anson hiệu đính,
"Phật pháp Vấn đáp",
Mùa Vesak 2020.

*---------------------*